Thiền học
Duy Lực Ngữ Lục
03/09/2015 11:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Mục lục
Xem toàn bộ

520. HỎI: Trong Kinh Duy Ma Cật có nói đến pháp cúng dường, vậy chúng con phải cúng dường như thế nào mới đúng pháp?

  • Ø ĐÁP: Đó thuộc về Giáo môn. Tổ Sư Thiền là giáo ngoại biệt truyền, không cần bắt chước Giáo môn, chỉ là giữ được nghi tình tức cúng dường tất cả. Vì Tự tánh khắp không gian thời gian, đâu phải ở ngoài? Có ở ngoài là nhị.

521. HỎI: Công phu thành khối không còn biệt niệm, sao lại còn các thứ bệnh?

  • Ø ĐÁP: Cái “Nghi tình” trong Tham Thiền Cảnh Ngữ  thuộc về chơn nghi, chơn nghi hiện tiền tức đến thoại đầu, chứ chẳng phải nghi tình mà hiện nay chúng ta đang tập tham. Chơn nghi phát khởi thình lình, lúc đó chỉ còn tâm không biết, mới là “Nghi tình được phát khởi”. Chơn nghi phát khởi là tất cả đều không biết, hễ còn biết tức tâm trộm cắp, chưa phải chơn nghi. đi đến chơn nghi là lạc đường tự tại.

522. HỎI: Tham đến chơn nghi rồi, có khi nào bị thoái chuyển không?

  • Ø ĐÁP: Nếu thật đến chơn nghi, đến thoại đầu thì không bị thoái chuyển nữa, sẽ thẳng đến kiến tánh, muốn không kiến tánh cũng chẳng được. Nếu chưa đến mà nói đã đến là bị thoái chuyển.

523. HỎI: Có chí quyết định nhưng chưa  đến thoại đầu, có bị thoái chuyển  không?

  • Ø ĐÁP: Chưa đến chơn nghi, gặp nhân duyên có thể bị thoái chuyển, nhưng chỉ một thời gian nào thôi, không bị thoái chuyển luôn, vì chánh nhân đã gieo thì chánh quả sẽ đến.

524. HỎI: Người tham Thiền hay bị lạc vào các lối tẻ, gặp những trường hợp đó, làm sao biết được?

  • Ø ĐÁP: Tôi thường nói “Chữ biết là cửa của tất cả tai họa”, chỉ cần giữ cái “Không biết” mới không lọt vào lối tẻ. Nên Tổ Sư Thiền cần có nghi tình, đã không biết thì làm sao biết lọt vào lối tẻ hay không?

525. HỎI: Người tham thiền có rơi vào sự chướng và lý chướng không?

  • Ø ĐÁP: Nếu có biết là rơi vào hai thứ trên, nếu không biết thì làm sao có cái hợp lý hay chẳng hợp lý, mà nói lọt vào lý chướng? Vì không biết thì chẳng đối đãi, tự nhiên chẳng lọt vào cái nào hết, hễ có biết là muôn ngàn sai biệt, muôn ngàn đường lối, chẳng lọt vào cái này cũng lọt vào cái kia.

526. HỎI: Trong Triệu Luận nói: “Bát-nhã quán không” và “Phương tiện quán hữu” như thế nào?

  • Ø ĐÁP: Triệu Luận thuộc Giáo môn, nói “Phương tiện và trí huệ phải đi đôi mới là đại huệ”. Đó là đối với người hoằng pháp, có trí huệ phải có phương tiện.

Kỳ thật, nói Phương tiện và trí huệ phải đi đôi là ở trong Kinh Duy Ma Cật, rồi ngài Tăng Triệu dẫn chứng trong Triệu Luận mà thôi. Chính ngài Tăng Triệu do đọc Kinh và dịch Kinh Duy Ma Cật phát trí huệ, mới biết hồi xưa học về thuyết của Lão Trang chưa cứu cánh. Ngài có những thiên tài diễn tả những gì người khác chẳng diễn tả được. Mặc dù diễn tả được, nhưng đều là pháp gián tiếp, phải qua bộ não suy nghĩ, đối với Giáo môn thì được, đối với Thiền môn còn cách xa lắm.

Nói “Bát-nhã quán không” và “Phương tiện quán hữu” là phần diễn tả, Tự tánh luôn luôn như thế, chẳng có quán không và vào hữu. Người tu Thiền quán của Giáo môn, như Tông Thiên Thai là quán không, tức Không Quán, cũng gọi là Sa Ma Tha, quán Hữu là Giả Quán, tức Tam Ma Bát Đề, quán trung đạo là Thiền Na … thuộc pháp thiền gián tiếp.

Còn Thiền môn rất giản dị, chẳng quán không, cũng chẳng quán hữu, chẳng quán Trung đạo, chẳng năng quán sở quán, chỉ cần khởi lên nghi tình không hiểu không biết, là bao gồm tất cả kinh điển, giáo môn, pháp thế gian công thương kỹ nghệ, pháp xuất thế gian, thừa Thanh-văn, Duyên-giác, Phật v.v… Có với không đều không biết, chẳng năng sở đối đãi, thẳng vào chỗ cứu cánh, nên chẳng lập phương tiện, cũng chẳng nói đến trí huệ.

527. HỎI: Tại sao Thiên nữ trong Kinh Duy Ma Cật lại có thần thông biến hóa?

  • Ø ĐÁP: Thiên nữ là bậc Bồ-tát dùng để phá chấp của Thừa Thanh-văn Duyên-giác, để được bước đến Đại thừa. Tất cả đều là phương tiện để phá chấp, chẳng phải có lý lẽ cao siêu. Nên chư Tổ nói “Ý của chư Tổ chẳng tại văn tự lời nói”, do người học đạo chấp vào lời nói, mới thành tà tông kiến giải.

528. HỎI: Ý chánh Kinh Duy Ma Cật như thế nào?

  • Ø ĐÁP: Ý chánh là phá chấp thật, bất cứ Kinh luận nào cũng vậy.

529. HỎI: Tại sao Thiên nữ lại biến Xá-lợi-phất thành người nữ? Là để phá chấp gì?

  • Ø ĐÁP: Để phá chấp của Xá-lợi-phất. Vì Xá-lợi-phất chấp có nam có nữ, hỏi Thiên nữ:

- Tại sao không chuyển biến thân nữ đi?

Thiên nữ đáp: Tôi chẳng phải người nữ mà hiện thân nữ, cũng như Xá-lợi-phất chẳng phải người nữ mà hiện thân nữ.

Kỳ thật đâu có phân biệt! Do chấp tâm mới phân biệt nam nữ. Dục giới phân biệt nam nữ, Sắc giới vẫn còn phàm phu, nhưng đã không có nam nữ; đến Vô Sắc giới vẫn còn phàm phu, chẳng còn sắc thân, làm sao có thân nam nữ? Tại có người chấp “Phải chuyển thân nam mới được thành Phật”, vốn là chẳng phải nữ, lấy gì để chuyển?

Ví như Thiên nữ rải hoa cúng dường, hàng Bồ-tát đều không dính mắc, chỉ có hàng Nhị thừa, không muốn bị hoa dính thân lại bị dính mắc, đó là do có tâm chấp thật nên bị dính mắc, tâm chấp đã hết thì không bị dính mắc vậy.

530. HỎI: Thế nào là “Dùng cái không biết chấm dứt tất cả biết”?

  • Ø ĐÁP: Chỉ là nhờ câu thoại đầu khởi lên nghi tình, nghi tình là không biết, giữ được cái không biết, tự nhiên tất cả biết đều chấm dứt, chứ không phải cố ý muốn khởi niệm chấm dứt. Giữ được nghi tình tức là chấm dứt, sự chấm dứt đó tự động, hễ khởi ý muốn không biết, muốn chấm dứt cũng không được.

Nói “Chấm dứt” chỉ là để giải thích tác dụng của nghi tình, không giải thích thì nghi tình cũng tự động chấm dứt tất cả biết. Ví như khi sáng thì tối mất, khi tối thì sáng mất.

531. HỎI: Thế nào là khảo công phu sau mỗi kỳ Thiền thất?

  • Ø ĐÁP: Khảo là khảo sát, theo quy củ của Thiền đường, sau một kỳ Thiền thất là khảo sát công phu, xem có thật sự dụng công hay không? Như ngài Lai Quả nói: “Trong Kỳ Thiền thất, bao nhiêu người phải bận rộn, Long thiên hộ pháp, người hộ thất v.v… nếu hành giả không có công phu thì phụ lòng bao nhiêu người hộ trì cho đả thất”. Nên người chủ thất phải khảo sát mọi người trong Thiền thất có dụng công hay không, hỏi là biết liền.

532. HỎI: Tới cảnh giới yên tịnh là thế nào?

  • Ø ĐÁP: Cảnh giới tốt cũng chẳng thật, cảnh giới xấu cũng chẳng thật, có cũng chẳng thật, không cũng chẳng thật, nếu chấp cái “Không” cho là thật, bệnh càng nặng hơn. Phàm đối đãi là biên kiến, cảnh giới gì cũng chẳng sao, chỉ là đừng chấp thật. Trường hợp tham đến cảnh giới yên tịnh, thân thể lắc lư cũng không chướng ngại, chỉ cần giữ nghi tình không biết, chỉ chú trọng đến nghi tình, tất cả biết sẽ bớt dần, bớt đến không còn biết gì cả, còn lại tâm không biết. Cuối cùng tâm không biết bùng nổ, tức các bệnh kiến, văn, giác, tri hết, tác dụng của bộ não chấm dứt, cái biết của tự tánh hiện ra, gọi là Chánh biến tri, cũng gọi kiến tánh thành Phật.

533. HỎI: Trong Cội Nguồn Truyền Thừa có đoạn: “Tánh Thiền không trụ, lìa trụ nơi Thiền định; tánh Thiền vô sanh, lìa sanh có Thiền tưởng”. Thế nào là lìa sanh có thiền 
tưởng?

  • Ø ĐÁP: Người tham thiền nếu giữ được nghi tình, làm sao có sanh khởi thiền tưởng? Có thiền tưởng tức biết mình tham thiền, phải luôn cả tham thiền cũng chẳng biết, mới thật sự không biết. Hễ còn biết tức bệnh còn, chưa phải cái biết bản thể Tự tánh khắp không gian thời gian.

534. HỎI: Làm sao tháo gỡ tam độc tham, sân, si?

  • Ø ĐÁP: Kinh Duy Ma Cật nói: “Tánh tham, sân, si là giải thoát”. Nếu chấp thật có ba thứ tham, sân, si thì tham sân, si, là tam độc, nếu chẳng chấp thật, tham, sân, si vốn chẳng thật có, tức thành giải thoát, đó là nói theo Giáo môn. Còn Thiền môn càng giản dị: Chỉ cần không biết, đã là trị, đã là lìa rồi, cũng chẳng cần biết tới có chấp thật hay không chấp thật, nếu biết là tai họa.

535. HỎI: Con theo Sư phụ đã lâu, đến nay vẫn chưa được cái gì, ấy cũng do chấp tâm của con, nên Sư phụ cho một bài kệ:

“Thấy gió động là tự tâm thổi cây,

  Biết mây sanh là Tự tánh nổi trần.

  Nếu biết rõ việc hôm nay,

 Thì che khuất mặt bản lai”.

Nhưng sao cho đến nay con vẫn thấy cây còn động?

  • Ø ĐÁP: Do kiến giải quá nhiều, lại tự cho kiến giải của mình cao hơn người khác, chính những cái đó làm chướng ngại công phu. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Trực tâm là đạo tràng”, tâm phải ngay thẳng, tâm không ngay thẳng thì dù tu cách nào cũng chẳng thành Chánh pháp, chỉ thành tà ma ngoại đạo.

Bệnh này cũng vì chưa tin tự tâm, muốn có sở đắc, có sở cầu, có sở sợ, hễ tin tự tâm đầy đủ, tự nhiên tin nhân quả; có nhân mới có quả, chứ chẳng phải có thể dùng trí thức của mình, dùng thủ đoạn có thể mong cầu được. Khỏi cần mong cầu, nếu nhân đã gieo thì chẳng cầu quả cũng đến. Nếu không gieo nhân, mà muốn dùng thủ đoạn, trí thức để đắc, dù đắc được cũng là gieo cái ác nhân, sau này được ác quả, chẳng phải hưởng được quả do mình đoạt.

536. HỎI: Dụng công thế nào mới được thâm nhập công 
phu?

  • Ø ĐÁP: Chẳng có phương tiện gì khác, chỉ cần đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, chính cái nghi tình không hiểu không biết, hễ giữ được nghi tình là tất cả giải quyết. Tham Tổ Sư Thiền rất chú trọng nghi tình, ngoài ra chẳng phương tiện nào khác.

537. HỎI: Có phải Đức Phật là người đầu tiên được giác ngộ?

  • Ø ĐÁP: Kinh Viên Giác nói vấn đề trước sau là việc trong chiêm bao, còn ở trong luân hồi. Nếu đã ra khỏi luân hồi thì chẳng còn việc trước sau, chẳng còn đối đãi. Nay chưa ra khỏi luân hồi, trong chiêm bao nói mê ngộ, trước sau, sanh tử … cũng là việc trong chiêm bao, cứ đem việc chiêm bao nghiên cứu mãi, cho là hợp lý hay không hợp lý, là việc đáng buồn cười, vì vốn chẳng có thật! Nên chư Phật chỉ muốn chúng ta thức tỉnh, để không còn bị lý chướng.

538. HỎI: Chúng con có thể tự giác ngộ, hoặc lý bắt buộc phải có thầy?

  • Ø ĐÁP: Chẳng có lý bắt buộc. Trong Kinh Viên Giác nói: Thừa Thanh-văn, nghĩa là do nghe âm thanh của Phật mà giác ngộ, còn Bích-chi-phật nghĩa là độc giác, phải tự mình giác ngộ. Chính ngài Lục Tổ nói: “Tự tánh mình sẵn có thiện tri thức”, cũng có người chẳng nhờ thầy thuốc mà hết bệnh, nhưng nay do chấp tâm quá nặng, phải có thầy thuốc mới được.

539. HỎI: Tại sao có những sách giác ngộ, tác giả nói “Nếu có sơ sót, xin hãy chỉ giáo cho”? Đã là sách giác ngộ, tại sao còn sơ sót?

  • Ø ĐÁP: Chớ nói là sách của phàm phu, dù là Kinh Phật, vẫn còn có sơ sót. Lại, khi in phải qua khâu sắp chữ, khâu in, làm sao tránh khỏi sai sót? Chính từ câu nói của Phật, cũng còn mâu thuẫn: Ví như nói “Từ vô thỉ đến nay”, đã vô thỉ làm sao đến nay? Ví như Phật nói “Chỉ có nhất Phật thừa, chẳng có hai và ba…”, chính Phật dạy thừa Thanh-văn, Duyên-giác, Đại thừa… vậy đâu có đúng? thế là lời Phật tự mâu thuẫn sao? Vì bản thể Tự tánh chẳng thể nói,  chẳng thể suy lường, hễ dùng lời nói của thế gian tự nhiên phải có sai sót vậy.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch