Thiền học
Duy Lực Ngữ Lục
03/09/2015 11:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Mục lục
Xem toàn bộ

60. HỎI: Sư phụ nói đến ba thứ tri vọng, tri tịch và tự 

tri; tri vọng và tri tịch dễ dẹp, còn tự tri thì đối trị như thế nào?

  • Ø ĐÁP: Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”, cái “Lập tri” ấy tức là tự tri. Thế gian nói “Tri”, nói “kiến” ấy là thế lưu bố tưởng, Phật cũng nói là tri là kiến, nhưng không có chấp cái tri ấy là thật, nên chẳng có lập tri, nên nói: “Tri kiến vô kiến, tư tức Niết-bàn”. Nay do tập khí từ lâu đời, chúng ta việc gì cũng muốn tri, muốn kiến, Phật muốn thuyết pháp độ chúng sanh cũng phải tùy thuận chúng sanh, cũng phải nói tri, nói kiến, nhưng không chấp đó là thật; hễ chấp thật tức tự lập cái tri, là căn bản của vô minh, nếu không kiến lập tức Niết-bàn. Trong Kinh Lăng nghiêm nói “Tại sao và khi nào phát sinh cái vô minh? Ấy là bởi cái giác có minh, chính cái “Minh” đó là tri. Từ sở minh lập ra năng minh, do tri đó mới sanh ra tri tịch và tri vọng; từ minh đó sanh ra năng minh sở minh, năng chiếu sở chiếu, hễ năng sở lập thì tánh chiếu bị đánh mất.

Tự tánh chẳng phải tri, chẳng phải vô tri, chẳng thể dùng lời của thế gian diễn tả, nhưng vì lời của thế gian nói tri nói kiến là thế lưu bố tưởng, nên Phật phải nói tri nói kiến. Thật ra Tự tánh chẳng thể kiến lập cái tri, hễ có kiến lập tức là chúng sanh, tức là bệnh. Nói chữ “Vọng” cũng chỉ là thế lưu bố tưởng, nếu chấp thật có vọng thì sanh ra trước tưởng, nếu vọng chẳng phải thật thì buông bỏ cái gì? Có tâm muốn buông bỏ đã là chấp cái vọng là thật rồi! Nên trong Thiền tông, Tổ sư kiến tánh có bài kệ rằng:

“Nhược nhơn kiến huyễn bổn lai chơn,

Thị tắc danh vi kiến Phật nhơn”.

Ý nói nếu người nào thấy huyễn vốn là chơn thì người ấy tức đã thấy Phật vậy.

61. HỎI: Người tham Thiền cần lấy nghi lễ giới luật để tu không?

  • Ø ĐÁP: Lai Quả Thiền sư thí dụ rằng: “Tự tánh của mình vốn minh”; Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tại sao có vô minh? Tại do tự mình kiến lập cái “Minh”, minh đã kiến lập thì phải có sở minh, có năng có sở thì minh của Tự tánh mất đi, thành cái vọng minh, sự thông minh trí tuệ của thế gian đều là vọng minh, chẳng phải cái minh automatic của Tự tánh không qua sự tác ý. Nếu dùng nghi lễ giới luật để tu cũng có thể dần dần tập cho thành thói quen và tập đến giải thoát nhưng rất chậm; nay dùng phương pháp tham thiền thì tác dụng nhanh, nhưng cũng không được rời bỏ giới luật, vì đó là pháp căn bản. Bất cứ tông phái nào cũng không được rời bỏ giới luật. Như Hòa thượng Bác Sơn Đời nhà Minh, Ngài là Tổ Sư của phái Tào Động đồng thời làm Tổ của Luật tông, Thiền Luật đi song song, Lai Quả Thiền sư, Hư Vân Thiền sư cũng vậy.

62. HỎI: Tham Thiền như từ lớp một nhảy vọt lên lớp mười hai thì căn bản làm sao vững được?

  • Ø ĐÁP: Nói “Từ lớp một nhảy vọt lên lớp mười hai” ấy là theo quan niệm chấp thật của thế gian, là phải theo thứ lớp. Nhưng Tự tánh vốn bất nhị, chẳng những bất nhị, một cũng chẳng thể kiến lập. Vì hễ kiến lập số một là lọt vào số lượng, rồi thành hai, ba v.v... Nếu không chấp thật thì thứ lớp từ đâu ra? Tại chấp tâm của mình phân biệt nên có đủ thứ sai biệt. Ý của Bát Nhã Tâm Kinh là muốn làm cho muôn ngàn sai biệt đạt đến chỗ chẳng có sai biệt, là bất nhị.

Nay tham Thiền là muốn đạt đến Tự tánh bất nhị, chứ không có thứ lớp cấp bậc. Bởi do chúng sanh có bệnh chấp thật nên mới đặt ra cấp bậc trong Giáo môn. Lại, tùy theo bệnh chấp của chúng sanh mà Phật thuyết cấp bậc trong các Kinh có Kinh nhiều có Kinh ít, còn Thiền tông thuộc giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật, nên quét sạch tất cả, chỉ cho tự mình ngộ nhập tâm mình chứ chẳng cần theo cấp bậc.

63. HỎI : Thế nào là kiến tánh?

  • Ø ĐÁP: Nói KIẾN TÁNH chẳng phải là “Ta thấy được Phật tánh của ta”, nếu như thế chẳng phải là kiến tánh, vì có cái TA là năng và PHẬT TÁNH là sở, có năng sở thì  chẳng phải kiến tánh. Kiến tánh là chấp tâm đã quét sạch, như tấm gương vốn sẵn chiếu soi, chứ chẳng phải nhờ quét sạch bụi bậm mới thành tấm gương. Ánh sáng tự chiếu soi của tấm gương đã sẵn, chỉ vì bụi bậm nên chẳng thể hiện ra ánh sáng thôi. Cũng vậy, nay chúng ta tu hành, chẳng phải nhờ sự tu mới thành tấm gương, vốn đã sẵn có, chỉ nhờ quét sạch bụi bậm mới hiển hiện sự dụng thôi. Mặc dù nay ở địa vị phàm phu, nhưng diệu dụng chẳng kém hơn Phật Thích Ca một tí nào, cũng chẳng kém hơn chư Phật một tí nào cả, đều bằng nhau, nhưng của chư Phật thì được phát huy ra hết, của phàm phu do bụi bậm che lắp nên chưa được phát huy.

64. HỎI: Vì sao nói là “Đợi thời tiết nhân duyên để ngộ”?

  • Ø ĐÁP: Nói “Thời tiết nhân duyên” không phải có sự tác ý muốn sắp đặt thời tiết, muốn tạo ra nhân duyên, chỉ là đề lên câu thoại đầu phát khởi nghi tình. Như tôi thường nói, sự gián đoạn từ hai mươi bốn tiếng rút dần còn hai mươi ba tiếng, rồi hai mươi hai tiếng … bớt dần đến lúc không còn gián đoạn, sẽ thành khối, lúc ấy là thời tiết và nhân duyên thuần thục,  là tự động chứ không do mình tác ý sắp đặt. Có tác ý sắp đặt là chướng ngại cho nghi tình của mình, không được ngộ.

Khi công phu được thành khối, thời tiết đã đến, bị người đánh một bạt tai cũng ngộ, hoặc bị đánh một cái liền ngộ, hoặc có người nghe tiếng hát liền ngộ, có người vấp té liền ngộ, thình lình thấy con khỉ leo cây cũng ngộ, ấy là nhân duyên, chứ chẳng phải do đánh bạt tai hoặc do mình sắp đặt mà ngộ.

65. HỎI: Tham thiền có bị năm mươi thứ ngũ ấm ma quấy phá không?

  • Ø ĐÁP: Không. Giáo môn chú trọng về ngồi thiền, nhiều người đi không đúng theo tông chỉ của Phật dạy, không phá ngã chấp. Ví như nhiều người cho trì chú là tu Mật tông, kỳ thật chẳng phải, chẳng đúng theo tông chỉ của Mật tông, chỉ lấy câu chú đè nén vọng tưởng mà không phá ngã chấp, chẳng khác gì lấy đá đè cỏ, đè nén lâu ngày phản lực mạnh, đến một ngày nào đó tham, sân, si nổi lên là vô phương trị.

Nhiều người niệm Phật cũng vậy, không tu đúng theo tông chỉ Tịnh độ, chỉ lấy câu hồng danh Phật hiệu đè nén vọng tưởng. Cũng có người tu Sổ tức; Sổ tức vốn là Chánh pháp, chỉ vì không phá ngã chấp, chỉ lấy sổ tức quán đè nén vọng tưởng, khi tu đến bậc cao, có thần lực rồi thì bị ma dựa. Hễ ma dựa rồi lúc đầu thường khiến người đó thân tâm vui vẻ, cảm thấy khinh an, ma thường biết trước tâm trạng người ấy, ví như biết được người ấy thích viếng chùa nào, sẽ đến báo trước cho mọi người rằng “Ngày nào giờ nào sẽ có Phật sống đến thăm, mọi người phải cúng dường sẽ được phước … “. Khi được mọi người cung kính cúng dường, người ấy tự cho mình là Phật sống, lâu ngày tham dục nổi lên chẳng thể kềm chế, phá giới mất thần thông, sau cùng hóa điên hoặc ói máu mà chết.

Cho nên, bất cứ muốn tu theo tông phái nào đều phải đúng theo tông chỉ của tông phái đó, và luôn luôn phải phá ngã chấp; nếu chẳng phá ngã chấp thì càng tu cao chừng nào càng nguy hiểm chừng nấy.

Tôi thường nói: Tham Thiền phải phá ngã chấp, vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ. Sở dĩ ma có thể dựa vào, là bởi mình có sở cầu, có sở đắc, có sở sợ. Nếu thực hành đúng theo chín chữ “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ” thì ma đâu có cơ hội để dựa vào!  Chẳng những ma không có cơ hội, theo kinh nghiệm của tôi, trước kia cũng có mấy người bị tẩu hỏa nhập ma, tôi dạy họ tham thiền, sau đó ma cũng chẳng thể nhập được.

66. HỎI: Ngài Trí Giả Đại Sư nói “Ba thứ ngoại đạo” như thế nào?

  • Ø ĐÁP: Trí Giả Đại sư nói đến ba thứ ngoại đạo:

1/ Ngoại đạo chính thức: Là sử dụng đúng theo bảng hiệu của ngoại đạo. Hễ tu đúng pháp ngoại đạo, mặc dù không được ra khỏi sanh tử luân hồi, cũng có thể sanh cõi Trời.

2/ Hạng ngoại đạo dùng bảng hiệu Phật giáo để tu pháp ngoại đạo, mặc dù làm việc phước thiện, cũng phải đọa địa ngục. Phật giáo là tu đúng theo Chánh pháp thì được giải thoát, còn nếu dùng bảng hiệu Phật giáo tu pháp ngoại đạo thì chẳng thể giải thoát, khiến người đi lầm đường, nên phải đọa địa ngục.

3/ Hạng thứ ba là học Phật pháp thành ngoại đạo, họ cũng y theo kinh điển, cũng tự nói là Chánh pháp, nhưng hiểu lầm ý Phật, lấy ý mình thay thế ý Phật để dạy chúng sanh, khiến người sai lầm, tội ấy còn nặng hơn loại ngoại đạo thứ hai nữa! Phật gọi họ là “Con trùng sư tử tiêu diệt Phật pháp”. Con sư tử là chúa tể ở rừng, tất cả bách thú đều phải sợ, khi con sư tử chết, các loài thú khác chẳng dám đến gần, đợi thịt của sư tử thúi mụt rồi sinh ra con trùng, tự những con trùng đó ăn thịt sư tử. Chính loại ngoại đạo thứ ba sau này tiêu diệt Phật pháp vậy.

67. HỎI: Thế nào là TỨ Y?

  • Ø ĐÁP: Đức Phật thường nói: “Người thường đối với Phật Pháp rất khó tin vì khó hiểu. Trong Kinh Duy Ma Cật có nói đến TỨ Y, ấy là :

1/ Y PHÁP BẤT Y NHƠN: Nhơn chỉ con người; mặc dù vị pháp sư đó rất danh tiếng, địa vị cao, danh dự tốt, nhưng hễ muốn y chỉ là phải y theo pháp chứ không được y theo người. Ví như gần đây có một vị đạo hữu đem cho tôi xem một bài kệ do một vị pháp sư dịch rằng:

“Trì giới và nhẫn nhục,

Được tội chẳng được phước,

Muốn biết không tội phước,

Đừng trì giới nhẫn nhục”.

Ấy là dạy người đừng trì giới nhẫn nhục, nếu không thì được tội chẳng được phước! Bài kệ này rất tác hại đối với người ta. Tôi bảo đạo hữu ấy cho tôi xem nguyên văn chữ Hán của bài kệ ấy là:

“Trì giới kiêm nhẫn nhục,

Chiêu tội bất chiêu phước,

Nhược tri vô tội phước,

Phi trì giới nhẫn nhục”.

Thật ra ý của câu sau cùng là “Phi trì giới nhẫn nhục”, chữ PHI có nghĩa là không phải chứ không có nghĩa là ĐỪNG; ý của bài kệ rằng: “Người muốn thành Phật chẳng phải là do trì giới nhẫn nhục mà đạt được”. Nhưng nếu một người nào có ý không trì giới thì nhất định người ấy chẳng thể thành Phật; chẳng những không được thành Phật, còn tạo tội phải đọa địa ngục nữa!

Ý nguyên văn bài kệ là siêu việt sự trì giới nhẫn nhục, ví như bình thường khi bị người khác đánh mắng, mình cũng biết hỗ thẹn khó chịu nhưng nhẫn nhục được, còn người siêu việt được sự nhẫn nhục thì việc đánh mắng ấy coi như gãi ngứa cho mình, chẳng hề thấy khó chịu. Đó là siêu việt trì giới nhẫn nhục chứ chẳng phải là không có trì giới nhẫn nhục, nếu bảo người đừng trì giới nhẫn nhục thì Phật pháp đâu còn tồn tại! Nên phải “Y pháp bất y nhơn”.

2/ Y  NGHĨA BẤT Y NGỮ: Nghĩa là  ý nghĩa, ngữ là lời nói. Đối với những lời Phật thuyết là phải y theo ý nghĩa của Phật chứ đừng y theo lời nói của Phật, nếu y theo lời là nghịch với ý. Tại sao? Ví như trong TỨ CÚ: Cú thứ nhất CÓ, cú thứ nhì  KHÔNG, cú thứ ba CHẲNG CÓ CHẲNG KHÔNG, cú thứ tư CŨNG CÓ CŨNG KHÔNG. Nếu chúng sanh chấp CÓ là thật thì Phật nói KHÔNG để phá sự chấp có, hễ chấp KHÔNG là thật thì Phật nói CÓ để phá cái chấp không ấy. Lúc Phật nói CÓ, ý của Phật chẳng phải là có; lúc Phật nói KHÔNG, ý của Phật chẳng phải là Không, chỉ là phá sự chấp của chúng sanh. Cho nên hễ chấp lời thì nghịch ý, phải y nghĩa bất y ngữ, chẳng được y theo ngôn ngữ, văn tự, lời nói.

3/ Y TRÍ BẤT Y THỨC: Trí là không có phân biệt, thức thì có phân biệt. Thời nay có nhiều người lấy cái thức phân biệt mà bình luận Phật pháp, là rất sai lầm, phải y theo trí chứ không được y theo thức.

4/ Y LIỄU NGHĨA BẤT Y BẤT LIỄU NGHĨA: Phật thuyết pháp chia làm 2 loại: Kinh liễu nghĩa và bất liễu nghĩa. Chúng ta phải y theo Kinh liễu nghĩa chứ chẳng được y Kinh bất liễu nghĩa. Nay có một số người tự làm tài khôn, dùng ý thức của mình trở ngược lại, y Kinh bất liễu nghĩa mà phỉ báng liễu nghĩa, y thức mà phỉ báng trí, y theo ngữ mà phỉ báng nghĩa, y theo người mà phỉ báng pháp, chẳng biết tội phỉ báng Tam Bảo rất nặng, tự cho mình đúng theo Phật pháp, còn trích dẫn kinh điển, lời của Phật, của Tổ để chứng tỏ, nhưng thật ra sự dẫn chứng ấy là sai lầm, lấy ý thức phân biệt để dẫn chứng, tạo tội địa ngục mà chẳng hay biết, Kinh Lăng Nghiêm nói “Hạng người này thật đáng thương xót”.

Bậc tu sĩ  thọ nhận sự cúng dường của mười phương, phải có bổn phận tự giác giác tha, phải quyết chí thành Phật để độ chúng sanh, tự giác rồi mới giác tha. Như ngài Bá Trượng nói đến bốn thứ ác dục mà người tu sĩ dễ mắc phải, ấy là:

1/    Muốn thiên hạ đều quy y mình, làm đệ tử của 
            mình.

2/    Muốn tứ chúng đều ở xung quanh mình, ủng hộ 
            mình.

3/    Chẳng lấy Phật giáo làm trung tâm mà lấy tự kỷ 
                        làm trung tâm để làm Phật sự, làm từ thiện, ấy 
            cũng là thiện nhân chiêu ác quả.

4/    Muốn thiên hạ đều biết mình hay, biết mình giỏi.

Tu sĩ phải phá ngã chấp, một khi đã lọt vào bốn thứ ác dục này thì ngã chấp rất nặng, làm sao có thể tự giác giác tha? Cho nên phàm là Chánh pháp, trước tiên phải PHÁ NGÃ CHẤP, nếu không thì chẳng thể ra khỏi sanh tử luân hồi.

Chẳng những không ra khỏi sanh tử luân hồi, nếu thọ nhận sự cúng dường của mười phương mà không phá ngã chấp, như Kinh Lăng Nghiêm nói “Hư tiêu tín thí, lạm dụng cung kính”, tức giả mạo tu sĩ để được mọi người cung kính cúng dường, tạo tội rất nặng.

Cho nên tôi thường nói: “Các pháp môn trong Phật pháp, bất kể Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa, cho đến Tối thượng thừa, đều phải phá ngã chấp, nếu không sẽ thiện nhân chiêu ác quả”, vì tất cả việc làm đều xuất phát từ lòng ích kỷ, hễ mình còn chấp ngã thì làm sao dạy người phá ngã chấp? Không phá được ngã chấp thì làm sao thoát khổ? Sở dĩ tôi nói những lời trên, là vì trong Thiền thất này cũng có người phạm phải sai lầm này, nên đề xuất ở đây để đại chúng tự kiểm thảo. Người chơn tu phải tự mình giải thoát và giải thoát cho chúng sanh.

68. HỎI: Tánh chúng sanh như thế nào?

  • Ø ĐÁP: Tánh chúng sanh với tánh Phật vốn chẳng phải là hai, nhưng hễ dùng ý thức để phân biệt thì có hai. Nên biết được tánh chúng sanh tức biết được tánh Phật. Phật dạy tám mươi bốn ngàn pháp môn, tất cả đều muốn cho mình biết tánh chúng sanh tức tánh Phật. Tám mươi bốn ngàn pháp môn quy tụ lại thành bốn đại loại: Tham Thiền, Niệm Phật, Trì chú, quán tưởng. Tôi là hoằng dương pháp tham Thiền, còn pháp môn Tịnh độ phải theo đúng tông chỉ của Tịnh độ; Trì chú theo đúng tông chỉ Mật tông; quán tưởng phần nhiều thuộc về Giáo môn, mặc dù Tịnh độ cũng có cách quán tưởng niệm Phật.

Giáo môn ở Trung Quốc gồm bốn Tông: Thiên Thai, Hiền thủ, Tam Luận, Duy Thức, mỗi mỗi đều tự có thiền quán.

Tông Thiên thai là Chỉ Quán Thiền, Tông Hiền Thủ là Pháp Giới Quán Thiền, Tông Tam Luận là Tách Không Quán Thiền, Tông Duy Thức là Tứ Tầm Tư Quán Thiền. Thừa Thanh-văn có Ngũ Đình Tâm Quán, cũng là quán tưởng. Phạm vi của quán tưởng rất rộng, nhưng bất cứ cách tu hành nào cuối cùng cũng sẽ biết được tánh chúng sanh, tức biết được tánh Phật của mình, gọi là kiến tánh thành Phật. Tất cả tông phái cuối cùng cũng sẽ đạt được mục đích đó, chỉ là tùy theo tâm chấp của chúng sanh phân biệt đủ thứ pháp môn, trong đó pháp tham Thiền rất dễ thực hành và cứu cánh.

Theo lịch sử Thiền tồng Trung Quốc, tính từ Tổ Đạt Ma từ  Ấn Độ truyền sang Trung Quốc, đến vua Khang Hy đời nhà Thanh, tổng cộng  bảy ngàn Tổ kiến tánh, chẳng có tông phái nào đạt được thành tích như thế, chỉ có Thiền tông ra nhân tài nhiều nhất. Các tông phái khác đều phải nhờ nhân tài bên Thiền tông giúp cho sự hoằng pháp. Tông Tịnh độ có mười ba vị Tổ, gần đây có Ấn Quang Đại sư là Tổ thứ mười ba, trong đó có tám vị là các Thiền sư kiến tánh rồi qua tông Tịnh Độ để giúp cho sự hoằng dương Tịnh độ. Nói tóm lại, tùy theo căn cơ của chúng sanh, lựa chọn pháp thích hợp mình để tu, cách tu nào cũng được, nghĩa là Chánh pháp thì sẽ biết được tánh chúng sanh, cũng là biết được tánh Phật.

69. HỎI: Có pháp nào Phật chỉ dạy cho mau kiến tánh 
không?

  • Ø ĐÁP: Phật và Tổ sư chỉ hướng dẫn đường lối cho mọi người tự đi, chứ chẳng giống như việc buôn bán ngoài đời rằng: “Bảo đảm!” Nếu có sự bao thầu như thế thì hiện nay chúng sanh đều thành Phât hết rồi! Không có bao, mà chỉ hướng dẫn đường đi cho mình tu, ai chịu đi, tinh tấn thì mau đến, lôi thôi thì chậm đến, không đi thì không đến.

70. HỎI: Thế nào là “Tịnh địa hà tu tảo, không môn bất dụng quan”?

  • Ø ĐÁP: Hai câu này còn bệnh chấp thật. Cái “KHÔNG MÔN” người thường cho là đại diện cho Phật giáo, vì hiểu lầm Phật giáo tức cái gì cũng không. Nhưng sự thật thì Phật giáo chẳng phải “Không môn”, chẳng phải tất cả đều không.

Tôi thường nói KHÔNG là để hiển hiện sự dụng, người đời thường cho cái “Không môn” là tiêu cực, nhưng trái lại Phật pháp rất tích cực, chẳng phải khi thành Phật rồi thành một ông Phật chết hoặc chán đời rồi mới đi tu. Là tích cực mới đi tu, là muốn hiện ra cái dụng vô lượng vô biên. Ví như chánh điện này, nếu chẳng có cái KHÔNG trống rỗng thì chẳng thể dung nạp bao nhiêu người ngồi đây nghe pháp; cái tách này chẳng có cái Không thì chẳng thể đựng nước, đựng trà, đựng cà phê được… Tất cả muốn dùng đều phải có cái Không, KHÔNG lớn chừng nào thì sự dụng phát huy chừng nấy, “KHÔNG tới cực thì dụng tới cực”, tức là Phật, nên hễ người nào cho rằng cái “Không” của Phật giáo là tiêu cực, ấy là sai.

Nói đến câu “Đất sạch khỏi cần quét” (Tịnh địa hà tu tảo), theo Phật giáo lại khác, “Sạch” cũng phải quét luôn! Vì căn bản của Phật pháp là VÔ SỞ TRỤ, hễ trụ nơi “Sạch” cũng còn là trụ, nên phải quét.

Nay tham Thiền nếu không có vọng tưởng cũng không có nghi tình, thanh thanh tịnh tịnh, chẳng có gì cả, ấy là lọt vào vô ký không, là thiền bệnh, cũng phải quét, chứ đừng nói đến “Sạch rồi khỏi quét”, sạch với dơ là tương đối, là lọt vào tứ cú, đều phải quét. Trong tứ cú: “Dơ” là cú thứ nhất, “Sạch” là cú thứ nhì, “Chẳng dơ chẳng sạch” là cú thứ ba, “Cũng dơ cũng sạch” là cú thứ tư. Vô sở trụ; chẳng trụ nơi dơ, chẳng trụ nơi sạch, chẳng trụ nơi “Chẳng dơ chẳng sạch”, cũng chẳng trụ nơi “Cũng dơ cũng sạch”, vậy mới đúng với ý Phật là lìa tứ cú, không trụ nơi nào cả.

71. HỎI: Tham Thiền chưa kiến tánh, rồi chết đi về đâu?

  • Ø ĐÁP: Câu “Chết đi về đâu” là câu thoại đầu để tham. Hồi đời xưa, những kiếp trước của Phật Thích Ca, vì nữa bài kệ dám thí mạng mình cho quỷ ăn để đổi lấy nữa bài kệ còn lại! Nhà Nho cũng có câu rằng: “Hễ sáng gặp được đạo, chiều tối có chết cũng là đáng”. Nay chúng ta tham Thiền, dù chỉ tham được một ngày, cũng đã gieo được cái nhân thành Phật, sau này ắt sẽ thành Phật. Nhân chánh quả sẽ chánh, chớ có lo cho sau này, cứ đi là sẽ đến.

Ví như từ Chợ Lớn đi Sài Gòn là một trăm bước, cứ bước được một bước còn chín mươi chín, hai bước còn chín mươi tám, rồi chín mươi bảy … Kiếp này chỉ đi được ba bước, kiếp sau chỉ còn chín mươi bảy bước, nếu kiếp này đi được năm mươi bước, kiếp sau còn lại năm mươi, chứ không cần bắt đầu lại một trăm bước. Tất cả hạt giống trong A-lại-da thức không bao giờ mất, cư sĩ tại gia đã thọ ngũ giới, giữ được ngũ giới là không mất thân người, kiếp sau cũng được đầu thai thành người tiếp tục sự tu. Nay chúng ta tham Thiền giữ được ngũ giới thì kiếp sau sẽ tiếp tục tu, đến chừng nào thành Phật mới thôi. Hễ giữ được ngũ giới chắc chắn sẽ thành người chứ chẳng phải làm con trâu con chó. 

72. HỎI: Người ở trong giải thoát cũng không ra ngoài giải thoát như thế nào?

  • Ø ĐÁP: Ấy là nghĩa bất nhị, chẳng có giải thoát và trói buộc. Nên trong Kinh Pháp Bảo Đàn, ngài Lục Tổ nói: “Thiền định giải thoát chẳng phải Phật pháp”. Lúc ấy Ấn Tông Pháp sư là vị pháp sư có tiếng tăm đương thời cũng phải hoảng sợ, tại sao? Vì từ bao nhiêu năm ông vẫn dạy người tu thiền định giải thoát, sao Lục Tổ lại nói “Thiền định giải thoát chẳng phải là Phật pháp”?! Vậy thế nào là Phật pháp ?

Lục Tổ nói: “Phật pháp là pháp bất nhị”, Vì Ngài biết dù Ấn Tông Pháp sư đã giảng Kinh Niết Bàn mấy mươi năm nhưng chưa hiểu về Kinh, nên vẫn dùng Kinh Niết Bàn dẫn dụ cho hiểu:

“Trong Kinh Niết Bàn, Cao Quý Đức Vương Bồ-tát hỏi Phật: Người tạo tội ngũ nghịch và Xiễn-đề (không tin Phật) có đoạn dứt thiện căn Phật tánh không?

Phật bảo: “Thiện căn có hai, một là thiện, hai là bất thiện, Tự tánh chẳng phải thiện hay bất thiện, nên chẳng thể đoạn dứt. Một là thường, hai là vô thường, Tự tánh chẳng phải thường và vô thường nên chẳng thể đoạn dứt.”

Cũng vậy, giải thoát và không giải thoát là hai, vì Thiền định và tán loạn là hai, có loạn mới có định, chẳng phải Phật pháp; có giải thoát thì có trói buộc, ấy là pháp đối đãi, chẳng phải Phật pháp, nên ngài Lục Tổ nói “Thiền định giải thoát chẳng phải Phật pháp”. Phật pháp bất nhị, hễ có đối đãi là nhị, nay nói ở trong giải thoát hay ở ngoài giải thoát đều là nhị, tại có vọng tâm phân biệt mới sanh ra tương đối, đối đãi vậy.

73. HỎI: Thế nào là Chánh pháp và mạt pháp?

  • Ø ĐÁP: Tổ sư Thiền tông không có nói về Chánh pháp mạt pháp. Ngài Bác Sơn nói: “Có thể chuyển mạt pháp thành Chánh pháp, chuyển hạ căn thành thượng căn”, bởi do tâm chấp thật của chúng sanh nên Phật mới phương tiện nói Chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp. Nếu như chẳng có tâm chấp thật thì như trên đã nói “Nhất niệm vạn niên, vạn niên nhất niệm” làm sao có Chánh pháp và mạt pháp! Chấp tâm đã quét sạch thì mạt pháp cũng là Chánh pháp, hễ chấp tâm còn nguyên vẹn thì Chánh pháp là mạt pháp.

Trích giảng về KINH PHÁP BẢO ĐÀN

74. HỎI: Thiền tông cần có nghi tình, tại sao trong Kinh Pháp Bảo Đàn ngài Lục Tổ chẳng dạy người phát khởi nghi tình?

  • Ø ĐÁP: Nếu Ngài dạy người khởi nghi tình thì không đủ tư cách làm Tổ. Vì xưa kia trước đời nhà Tống, Tổ sư đều phải dùng thủ đoạn khiến người tu khởi lên nghi tình mà chẳng tự biết mình đã phát khởi chơn nghi, chẳng biết mình đang tham Thiền. Hễ Lục Tổ nói trắng ra thì không có tư cách làm Tổ. Như Tổ Hoài Nhượng lúc gặp Lục Tổ, bị Ngài hỏi: “Vật gì đến thế này?” Trả lời không được, tự thắc mắc cho đến tám năm sau mới ngộ, ấy là nghi tình.

...PHẨM BÁT NHÃ THỨ NHÌ

Lúc bấy giờ ông Vi Cừ là Tỉnh Trưởng ở Thiều Châu mời Lục Tổ đến chùa Bảo Lâm thuyết pháp, hôm sau lại thỉnh Sư thăng tòa, Sư nói với đại chúng rằng:

- Tất cả đều phải tịnh tâm niệm Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật Đa. Thiện tri thức, người thế gian vốn sẵn có trí huệ Bồ Đề Bát Nhã, chỉ vì tâm mê chẳng thể tự ngộ, phải nhờ đại thiện tri thức chỉ dẫn mới được kiến tánh. Nhưng phải biết Phật tánh của kẻ ngu người trí vốn chẳng sai biệt, do sự mê ngộ khác nhau nên có ngu có trí. Nay tôi thuyết pháp  Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật này, khiến quý vị đều được trí huệ, hãy chú ý nghe.

- Thiện tri thức, người thế gian suốt ngày miệng niệm Bát Nhã nhưng không biết Tự tánh Bát-nhã, cũng như nói ăn mà không ăn thì chẳng no, miệng chỉ nói không, trải qua muôn ngàn kiếp chẳng được kiến tánh, thật là vô ích.

- Thiện tri thức, Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật là tiếng Ấn Độ, dịch nghĩa là Đại trí huệ,  đến bờ bên kia, việc này cần phải tâm hành mà không phải dùng miệng niệm; miệng niệm mà tâm chẳng thực hành cũng như huyễn hóa,chẳng có thực tế, chẳng có ích lợi. Miệng niệm tâm hành thì tâm với miệng mới tương ứng nhau, mới đúng với bản tánh của mình là Phật, hễ lìa tánh thì chẳng có Phật khác (Tự tâm là Phật, ngoài tâm chẳng có Phật )

- Sao gọi Ma-ha? Ma-ha là lớn, cái lớn này siêu việt số lượng, ví như hư không, chẳng có số đếm, chẳng thể suy nghĩ, nên chẳng có bờ bến, chẳng vuông tròn lớn nhỏ, chẳng màu sắc xanh vàng đỏ trắng, chẳng trên dưới ngắn dài, cũng chẳng thị phi, buồn vui, thiện ác và đầu đuôi, tức chẳng có tất cả tương đối. (Như tôi đã giảng Bát Nhã Tâm Kinh, Bát-nhã là cái dụng automatic của Tự tánh, Tất cả chư Phật, tất cả thế giới Phật đều như hư không, hễ lọt vào tương đối thì chẳng phải Bát-nhã vậy ).

- Diệu tánh của người thế gian vốn là không, vốn chẳng có pháp nào cho mình đắc (nên tôi thường dạy người tham Thiền là phải Vô sở đắc,) Tự tánh chơn không cũng vậy, chẳng có một pháp để đắc, hễ có sở đắc thì chẳng phải Bát Nhã, chẳng phải là kiến tánh thành Phật.

- Thiện tri thức, chớ có nghe tôi nói KHÔNG mà lại chấp trước cái không, trước tiên chớ chấp vào không, để tâm không tỉnh tọa tức lọt vào “Vô ký không”, (Người tham Thiền chẳng thà có nghi tình có vọng tưởng, còn hơn là không có nghi tình cũng không có vọng tưởng, ấy là lọt vào vô ký không, là Thiền bệnh.)

- Thế giới hư không bao gồm tất cả vạn vật, sắc tướng, mặt trời mặt trăng, núi sông đất đai, cây cối biển sông, người thiện người ác, pháp thiện pháp ác, thiên đàng địa ngục … tất cả đều ở trong hư không, tánh không của người thế gian cũng vậy. Tự tánh của mình bao gồm vạn pháp, ấy gọi là “Đại”, là siêu việt số lượng. Tất cả vạn pháp ở trong tánh của người thế gian chẳng có thiếu sót một pháp nào cả, nay thấy tất cả người hoặc thiện hoặc ác đều không lấy không bỏ, không nhiễm trước, tâm như hư không, gọi là Ma Ha.

- Người mê thì miệng nói mà không thực hành, người trí dùng tâm thực hành. Còn có những người chấp ý của mình, tỉnh tọa mà trong tâm chẳng suy nghĩ gì cả, tự xưng là đại, bọn người này có tà kiến khó phá, vì đã chấp vào tà kiến, lọt vào vô ký không nên chẳng thể nói chuyện với họ.

Như tôi thường nói, Phật pháp nói đến chữ “Không” là để hiển bày cái dụng, chứ chẳng phải cái Không tuyệt diệt chẳng có gì cả. Pháp tu của ngoại đạo hay pháp môn khác thường là muốn khiến tâm trống rỗng chẳng một niệm nào, nhưng pháp môn Thiền thì chẳng cho tâm không, chẳng cho dứt niệm. Nên trong Kinh này, ngài Lục Tổ nói: “Tâm lượng rộng lớn cùng khắp pháp giới, cái dụng rõ ràng minh bạch”; như căn nhà này chẳng có cái Không thì chẳng ở được, cái tách chẳng có cái Không chẳng thể đựng nước… bất cứ cái gì, phải có cái Không mới dùng được, chứ chẳng phải là ngoan Không. Hễ dùng thì rõ ràng, ứng dụng thì biết, tất cả là một, một là tất cả, khứ lai tự do. Tâm thể đã cùng khắp pháp giới rồi chẳng có chướng ngại, ấy tức là Bát-nhã.

- Thiện tri thức, tất cả trí Bát-nhã đều do tự tánh sanh khởi, chẳng những trí Bát-nhã, tất cả vạn pháp cũng vậy, chẳng phải ở ngoài vào, đừng dụng ý sai lầm, mới gọi là chơn tánh tự dụng. Nói CHƠN thì một chơn tất cả đều chơn, một giả tất cả đều giả. Tâm lượng là việc lớn, chớ hành theo đường nhỏ, chớ có suốt ngày nói “Không” mà tâm chẳng tu hạnh này, như người thường dân mà tự xưng là vua thì chẳng được, những người này chẳng phải đệ tử của ta.

- Sao gọi là Bát-nhã? Bát-nhã dịch là trí huệ, bất cứ nơi nào, niệm niệm chẳng ngu si, thường hành theo trí huệ, tức hạnh Bát-nhã. Một niệm ngu si tức Bát-nhã tuyệt, một niệm trí huệ thì Bát-nhã sanh.

(Sao gọi là một niệm ngu si? Hễ tâm có trụ nơi nào, chấp trước cái gì, là ngu. Vô sở trụ, chẳng chấp trước điều gì, chẳng lọt vào tương đối, chẳng lọt vào tứ cú, tức là trí. Vì Bát-nhã chẳng thể lọt vào tương đối, nên Tổ Sư nói: “Không có Bát-nhã chẳng phải Bát-nhã, có Bát-nhã cũng chẳng phải Bát-nhã.”. Tại sao? Nói “Không Bát-nhã chẳng phải Bát-nhã” thì mọi người hiểu, còn nói “Có Bát-nhã cũng chẳng phải Bát-nhã” thì người ta không hiểu.Vì Có đối với Không là lọt vào tương đối, hễ tương đối thì chẳng phải Bát-nhã rồi).

- Người thế gian ngu mê chẳng thấy Bát-nhã, mặc dù suốt ngày miệng niệm Bát-nhã nhưng tâm thường mê muội chấp trước, lại thường tự xưng là tu Bát-nhã, trong miệng nói “Không” mà chẳng biết chơn không, chơn không vô sở trụ, hễ có sở trụ thì chẳng phải Bát-nhã, giải như thế gọi là trí Bát-nhã.

- Sao gọi Ba-la-mật? Ba-la-mật là tiếng Ấn Độ, dịch nghĩa là đến bờ bên kia, là lìa sanh diệt. Hễ chấp cảnh - Bất cứ chấp cảnh gì thì sanh diệt dấy lên như nước nổi làn sóng, gọi là bờ bên đây. Hễ lìa cảnh, chẳng chấp trước cảnh thì sanh diệt chẳng nổi lên, như nước chảy im lìm, tức bờ bên kia, nên gọi là Ba-la-mật. (Như tôi giảng Bát Nhã tâm Kinh, bờ bên đây là trước cảnh nổi lên sanh diệt, nên có phiền não và khổ, chẳng được tự do tự tại; bờ bên kia không có trước cảnh, bệnh chấp đã hết, tự do tự tại, chẳng có phiền não và khổ )

- Người mê dùng miệng niệm, lúc niệm trong tâm có vọng có quấy, chẳng chấp trước cái này thì chấp trước cái kia, niệm niệm vô sở trụ mới là chơn tánh. Ngộ được pháp này gọi là Pháp Bát Nhã, tu theo hạnh này là hạnh Bát-nhã; chẳng tu là phàm, một niệm tu hành, tự thân bằng Phật.

(Tại sao một niệm tu hành là tự thân bằng Phật? Cũng như nay chúng ta tham Thiền, ngày đêm đề khởi câu thoại đầu khởi lên nghi tình, chính nghi tình này không lọt vào tương đối, không lọt vào tứ cú, một niệm tu hành, niệm niệm tu hành, lúc nghi tình thành khối, chẳng có sanh diệt, phiền não và khổ, lại được hiện ra cái dụng automatic của Tự tánh cũng như Phật vậy. Nên Lục Tổ nói: “Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ-đề, chẳng phải là hai, gọi là bất nhị. Tiền niệm mê tức phàm phu, hậu niệm ngộ tức Phật”. Ở đây, những người y văn giải nghĩa có thể hiểu lầm; vì lời nói mới có tiền có hậu, có trước có sau, ở trên đã nói: “Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ-đề”,  là bất nhị chẳng có đối đãi. Nếu chẳng đối đãi thì sao lại nói Tiền niệm mê tức phàm phu, hậu niệm ngộ tức Phật? “Bởi do tâm chấp của chúng sanh hay phân biệt mê ngộ, phàm phu và Phật, nên ngài Lục Tổ mới nói như thế. Thật ra niệm chẳng có trước sau, nếu có trước sau thì Kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc”, có trước sau, mê ngộ ấy là nhị. Như tôi vừa nói, cứ đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, chẳng cần nghĩ tới trước sau mê ngộ hay là lìa cảnh, vì nghi tình là cây chổi automatic quét sạch tất cả, cho nên mới nói “Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ-đề”, vì nghi tình chẳng biết gì cả nên không có phân biệt.)

- Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật, tối cao tối thượng tối đệ nhất, không trụ không đi cũng không đến, tam thế chư Phật đều từ đó sanh ra. Nên phải dùng đại trí huệ của Bát Nhã đập tan ngũ uẩn phiền não trần lao, tu hành như thế nhất định sẽ thành Phật. (Ở đây nói “Đập tan ngũ uẩn phiền não trần lao”chẳng phải là nổi ý muốn đập tan, có nghi tình thì tự động quét và đập tan, tu hành như thế, nhất định sẽ thành Phật.)

- (Ngài Huệ Năng là Tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Quốc, Thiền tông rất chú trọng nghi tình, tu hành là phải có nghi tình. Trước đời nhà Tống, thủ đoạn của Tổ Sư khiến người phát khởi nghi tình mà chẳng tự biết, đến đời nhà Tống mới có tham thoại đầu để khởi nghi tình, nhưng trước sau cũng là nghi tình. Phật Thích Ca ngồi dưới gốc cây Bồ-đề cũng nhờ có nghi tình mới được ngộ, chính nghi tình này đầy đủ giới, định, huệ, biến tam độc tham, sân, si thành giới, định, huệ. Tại sao nghi tình có thể biến tam độc tham, sân, si thành giới, định, huệ? Vì nghi tình chẳng biết gì cả, chẳng biết nghĩ tới thiện hay ác; thiện còn chẳng nghĩ, nói gì đến ác ư! Nếu chẳng nghĩ tức là giới. Nghi tình miên mật, liên tiếp thì vọng tưởng nổi lên không được, tâm chẳng tán loạn, ấy là định. Chính cái nghi tình chẳng lọt vào tương đối, chẳng lọt vào tứ cú tức vô sở trụ, nên gọi là huệ. Hễ có nghi tình là giới, định, huệ đầy đủ, nên hay biến tam độc tham, sân, si thành giới, định, huệ.)

- Thiện tri thức, pháp môn của ta (Tức pháp môn Tổ Sư Thiền. Ở đây mặc dù không dạy pháp môn nào, nhưng thủ đoạn của Tổ khiến người tu tự sinh nghi tình mà không biết, đã là pháp môn rồi chứ chẳng phải tham thoại đầu công án sau này mới là Pháp môn.) từ một Bát-nhã sanh tám mươi bốn ngàn trí huệ. Tại sao? Vì người thế gian có tám mươi bốn ngàn trần lao, nếu chẳng có trần lao thì trí huệ thường hiện ra. (Sự dụng của Tự tánh nếu bị trần lao nhét đầy, chẳng có chỗ trống thì sức dụng của Tự tánh Bát-nhã chẳng thể hiện ra, nên tôi thường nói “Quét không chừng nào thì sức dụng hiện ra chừng nấy, quét tới cực thì dụng tới cực, tức bằng với Phật”. Cái dụng tức trí huệ, trí huệ của người thế gian khi dùng phải qua tác ý, còn sức dụng của trí Bát-nhã khi dùng là tự động, không qua bộ não, chẳng cần tác ý. Trí huệ chẳng lìa tự tánh, Lục Tổ thuyết pháp đều chẳng lìa Tự tánh), hễ lìa Tự tánh thuyết pháp tức là tướng thuyết. Ngộ được pháp này tức vô niệm vô ức, quá khứ chẳng ghi nhớ, vị lai chẳng sắp đặt, hiện tại vô trụ, gọi là vô trước, chẳng khởi lên cuồng vọng thì tự tánh tự động hiện ra khắp nơi. Dùng trí huệ quán chiếu tất cả pháp (Đây chẳng phải là pháp quán chiếu của Giáo môn, quán chiếu ở đây nghĩa là nghi tình chẳng lấy chẳng bỏ, là nghi tình tự quán chiếu mà chẳng phải quán chiếu, cũng như nói “Tọa thiền” là tâm tọa chứ chẳng phải thân tọa) thì cuối cùng sẽ được Kiến tánh.

- Nay chúng ta muốn nhập vào thậm thâm pháp giới (Hai chữ “Thậm thâm” nghĩa là siêu việt số lượng vì nghĩa của pháp giới rộng hơn vũ trụ), muốn được chánh định của Bát-nhã phải tu hạnh Bát-nhã. Thực hành theo Kinh Kim Cang sẽ được Kiến tánh. Phải biết công đức của Kinh này vô lượng vô biên, chẳng thể kể xiết.

- Pháp môn này là Tối thượng thừa, vì người đại trí thượng căn mà thuyết, người tiểu căn tiểu trí có nghe được cũng không tin. Tại sao? Ví như trời mưa to, khiến thành phố, thôn quê đều bị cuốn trôi như cỏ lá, nhưng mưa lớn xuống biển cả thì nước biển chẳng thêm chẳng bớt. Người Đại thừa, người Tối thượng Thừa nghe được Kinh Kim Cang, tâm liền khai ngộ.

- Nên biết tự  tánh của mình vốn sẵn có trí Bát-nhã, trí huệ tự tánh thường chiếu soi nên chẳng nhờ văn tự,  ví như  nước mưa, chẳng do trời có mà do khí trời làm nên, khiến tất cả chúng sanh, tất cả cây cỏ, hữu tình vô tình đều được lợi ích thấm nhuần, tất cả sông ngòi đều chảy về biển lớn, hợp thành một thể, cái trí Tự tánh Bát-nhã của chúng sanh cũng vậy. Người tiểu căn nghe được pháp môn đốn giáo này, cũng như cây cỏ gặp mưa bão, bị đổ ngã chẳng sanh trưởng được.

- Trí Bát-nhã của người tiểu căn và người đại trí vốn chẳng sai biệt, tại sao nghe pháp chẳng được ngộ? Bởi do tà kiến chướng ngại, tà kiến càng nhiều thì phiền não càng sâu nặng, như mây lớn che khuất mặt trời, nếu chẳng được gió thổi thì ánh sáng chẳng thể hiện ra.

- Trí Bát-nhã vốn chẳng lớn nhỏ, tại tất cả chúng sanh tự tâm mê ngộ chẳng giống nhau; tâm mê tu hành tìm Phật ở ngoài, chẳng tin tự tâm là Phật, chưa ngộ Tự tánh, nên gọi tiểu căn (Phật tử thời nay phần nhiều chẳng hướng vào tự tâm mà chỉ tìm Phật ở ngoài tâm, gọi là mê tâm ngoại kiến). Nếu khai ngộ Đốn giáo, chẳng chấp lấy hình tướng bên ngoài, chỉ ở trong tự tâm thường khởi lên chánh kiến, thì phiền não trần lao chẳng thể nhiễm được, tức là kiến tánh. (Chánh kiến là gì? Có nghi tình là chánh kiến, vì chẳng trụ ở nơi nào cả. Hễ nghi tình miên mật thì vọng tưởng chẳng khởi lên được, cuối cùng sẽ kiến tánh).

- Thiện tri thức, trong ngoài chẳng trụ, đi lại tự do, nếu trừ được chấp tâm thì thông đạt vô ngại. (Ở trên Lục Tổ nói đến “Trong ngoài”; nội tâm ngoại cảnh, cũng  là tương đối. Lục Tổ sợ người chấp vào lời của Tổ, nên nói “Trong ngoài chẳng trụ”, vì bổn tánh của chúng ta vốn hoạt bát, khứ lai tự do, hễ trừ được chấp tâm thì chẳng có tất cả chướng ngại. Ấy là do nghi tình là cây chổi tự động quét sạch tất cả chấp tâm, thông đạt chẳng chướng ngại). Nếu tu hạnh này, với Kinh Bát Nhã vốn chẳng sai biệt, tất cả kinh điển, tất cả văn tự, Đại thừa Tiểu thừa, mười hai bộ Kinh đều do con người đặt ra, do tánh trí huệ mới được kiến lập. Nếu chẳng có người thế gian thì tất cả muôn pháp vốn là không có, nên biết muôn pháp vốn do tâm người tạo ra, tất cả Kinh sách đều vì con người mà nói. Vì trong loài người có ngu có trí, ngu là tiểu nhơn, trí là đại nhơn; kẻ ngu hỏi pháp người trí, người trí thuyết pháp cho kẻ ngu, kẻ ngu được ngộ với người trí chẳng khác biệt.

- Cho nên, khi chưa ngộ thì Phật tức chúng sanh, hễ một niệm khai ngộ, chúng sanh tức Phật. Nên biết muôn pháp đều ở trong tự tâm mình, chẳng do bên ngoài mà có, vậy sao chẳng ở nơi tự tâm thấy được bản tánh chơn như, đạt đến kiến tánh? (Muốn đốn thấy bản tánh chơn như của mình phải tham Thiền, nhưng nếu chỉ tin pháp môn tham Thiền mà không tin tự tâm là Phật cũng không thể kiến tánh được.) Nên Kinh Phạm Võng(Bồ Tát Giới Kinh) nói: “Tự tánh vốn thanh tịnh, nếu biết tự tâm mình là Phật, được kiến Tự tánh Phật của mình, tức thành Phật đạo”. Kinh Duy Ma Cật nói: “Ngay lúc đó hoát nhiên đốn ngộ, liền được bổn tâm”. (Nếu tham Thiền đến nghi tình thành khối, gặp nhân duyên chín mùi, bị đánh một bạt tai liền ngộ, bị vấp té, mắng chửi cũng ngộ, lúc ngộ thình lình được bổn tâm, bổn tánh).

Ngoài sự dẫn chứng bởi Kinh sách, ở đây Lục Tổ nói thêm về kinh nghiệm của chính mình:

- Lúc tôi ở nơi Hòa thượng Hoằng Nhẫn (Ngũ Tổ), vừa nghe giảng Kinh Kim Cang đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” liền ngộ, đốn thấy Chơn như bản tánh, nên đem pháp môn Đốn giáo này hoằng dương nơi thế gian, khiến người học đạo được giác ngộ Bồ-đề. Nay mọi người phải tự quán tâm tham Thiền để tự thấy bản tánh. Nếu chẳng được tự ngộ, phải tìm Thiện tri thức biết pháp Tối thượng Thừa để chỉ dạy đường lối Chánh pháp. Vì Thiện tri thức có nhân duyên lớn, có thể giáo hóa dẫn dắt, khiến hành giả được mau kiến tánh, tất cả thiện pháp đều do Thiện tri thức mà được kiến lập.

- Tam Thế chư Phật, mười hai bộ Kinh ở trong tánh người vốn đã đầy đủ chẳng thiếu sót. (Chứ chẳng phải là học từng cuốn Kinh, từng đoạn Kinh, từng chữ, từ cuốn này qua cuốn khác mới biết được. Chính ngài Lục Tổ là người dốt nát không biết chữ, chẳng học quyển Kinh nào, nhưng khi ngộ rồi thuyết ra Kinh Pháp Bảo Đàn này. Cái học được chẳng phải của mình vậy), nhưng nếu tự ngộ chẳng được, phải cầu Thiện tri thức chỉ dẫn mới được kiến tánh. Người tự ngộ thì chẳng phải nhờ đến người khác, chẳng cần cầu ở ngoài. Nếu cứ chấp rằng cần phải có Thiện tri thức ở ngoài mới được giải thoát là không đúng. Nay nhiều người chấp thật rằng phải có Thiện tri thức kiến tánh hướng dẫn mình mới tham Thiền được, mới kiến tánh được, ấy là sai lầm. Tại sao? Vì trong Tự tánh sẵn có Thiện tri thức, sẵn đủ thiện tri thức khiến mình tự ngộ, nếu khởi lên tà kiến mê chấp vọng tưởng điên đảo, thì dẫu cho gặp được Thiện tri thức dạy bảo cũng chẳng cứu được.

- Nếu chơn chánh khởi lên quán chiếu của Bát-nhã (nghi tình), có thể trong một sát-na vọng tưởng đều tiêu diệt, nhận được Tự tánh, đốn siêu Phật địa. (Lúc ngộ tự tánh, có nhiều vị Tổ liền thấu tam quan, từ địa vị phàm phu trực đến quả vị Phật, đốn siêu địa vị Phật ).

- Trí Bát-Nhã của mình khi dùng ra trong ngoài đều sáng tỏ chiếu soi, biết được tự tâm. Nếu biết được tự tâm tức vốn giải thoát (chẳng phải trước đó là trói buộc), được giải thoát tức Bát Nhã Tam Muội, Bát Nhã Tam Muội tức vô niệm. Sao gọi là VÔ NIỆM? Nếu thấy tất cả pháp, tâm chẳng nhiễm trước tức vô niệm; sự dụng của Tự tánh khắp pháp giới mà chẳng dính mắc nơi nào, lục căn tiếp xúc lục trần sanh ra lục thức chẳng nhiễm trước, (Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Vô nhãn, nhĩ,  tỹ, thiệt, thân, ý, vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”, vô nhiễm vô trước, khứ lai tự do, chẳng bị chướng ngại, gọi là Bát Nhã Tam Muội, tức chánh định của Bát Nhã ), tự tại giải thoát. Hành theo hạnh này gọi là hạnh Vô Nhiễm, chứ không phải trăm điều chẳng nghĩ, muốn cho niệm tuyệt, ấy là bị pháp trói buộc, gọi là biên kiến (trong năm thứ ác kiến vì lọt vào chấp không. Ngài Lục Tổ sợ người hiểu lầm hai chữ VÔ NIỆM cho là không suy nghĩ gì cả; nếu chẳng một niệm, chẳng suy nghĩ, đành cho niệm tuyệt vậy.)

- Hễ ngộ pháp vô niệm này thì tất cả pháp đều thông suốt, ngộ pháp vô niệm thấy được cảnh giới chư Phật, ngộ pháp vô niệm được đến địa vị Phật.

- Thiện tri thức, nếu người đời sau được pháp của ta, hãy đem pháp đốn giáo này nói với những người đồng kiến đồng hành, phát nguyện cùng tu, như phụng sự cúng dường Phật mà suốt đời chẳng thối lui, người ấy nhất định sẽ được vào thánh vị Phật. Từ trước đến nay, sự truyền thọ của các Tổ Sư đều không được ẩn dấu Chánh pháp. Nếu chẳng phải người đồng kiến đồng tu, tức ở trong pháp môn khác thì không được truyền thọ, vì hễ truyền thọ e rằng sẽ hại người ấy, cuối cùng vô ích. Tại sao? vì sợ kẻ ngu chẳng hiểu, lại sanh phỉ báng pháp môn này, khiến muôn ngàn kiếp sau đoạn dứt chủng tử Phật.

- Thiện tri thức, nay ta có một bài VÔ TƯỚNG TỤNG, tất cả người tham Thiền, bất kể tại gia hay xuất gia đều phải y theo mà tu, nếu chẳng tự tu mà chỉ ghi nhớ lời ta, cũng là vô ích. (Bài Vô Tướng Tụng này tỏ rõ pháp môn Tổ Sư Thiền).

Bài VÔ TƯỚNG TỤNG

Thuyết thông lại tâm thông,

Như mặt trời giữa không. 

Người giảng Kinh thuyết pháp hiện nay không thể nói là thuyết thông: Tâm chưa thông cũng thuyết thông được, thuyết thông chưa chắc tâm thông, nhưng tâm thông rồi thì thuyết tự nhiên thông. Thuyết thông với tâm thông, như mặt trời ở trên hư không. Tại sao lấy mặt trời để thí dụ? Vì mặt trời chẳng dựa vào chỗ nào cả, chẳng có một sợi chỉ treo lên. Bởi nếu có sợi chỉ treo lên mặt trời thì chính sợi chỉ đó sẽ che tối và chẳng chiếu soi đến, sẽ có sở trụ. Tự tánh của mình cũng như mặt trời chẳng dính mắc gì cả, cho dù một sợi chỉ.

Chỉ truyền pháp kiến tánh,

Hoằng pháp phá tà tông:

Tông phái Tổ Sư Thiền này chỉ cần minh tâm kiến tánh, chỉ truyền pháp kiến tánh, tức là muốn mọi người được ngộ. Tổ sư ra đời là phá tất cả tà tông, tà tông là chẳng đúng với Chánh pháp, còn chấp ngã: Hoặc chấp nhơn ngã, hoặc chấp pháp ngã, nên gọi tà tông.

Pháp vốn chẳng đốn tiệm,

Mê ngộ có nhanh chậm:

Theo pháp vốn chẳng có đốn tiệm, do mê ngộ có nhanh chậm nên nói có đốn tiệm: Đốn tiệm là do người chứ chẳng phải do pháp.

Pháp môn kiến tánh này,

Kẻ ngu chẳng thể biết:

Thiền tông Kiến tánh này người ngu chẳng thể hiểu được, vì họ quá chấp thật. Pháp môn này chẳng phân biệt thông minh hay dốt nát, hễ chấp thật là thấp, không chấp là cao. Nên Phật Pháp là càng chấp nhiều chừng nào càng hạ căn chừng nấy, càng chấp ít càng thượng căn, chứ chẳng phải người thông minh lanh lợi là cao.

Thuyết tuy muôn ngàn lối,

Đúng lý chỉ là một,

Nhà phiền não đen tối,

Thường nên sanh huệ nhật:

Nói về pháp môn thì nhiều, nhưng hợp lại chỉ là một. Do chúng sanh đang ở trong nhà đen tối, phải thường sanh ra trí huệ của mặt trời (nghi tình miên mật).

Tà khởi phiền não tới,

Chánh đến phiền não trừ.

Tà chánh đều chẳng chấp,

Thanh tịnh đến cùng tột:

Hễ khởi lên một biệt niệm tức là tà đến, phiền não đến; chỉ có chánh niệm (ức khởi lên nghi tình) thì phiền não trừ. Nhưng tà với chánh đều chẳng chấp mới có thể thanh tịnh đến cùng tột. Nếu người tham Thiền còn biết là mình đang tham Thiền thì chưa phải chơn tham; chơn tham là chẳng có phân biệt tà chánh, luôn cả tham Thiền cũng chẳng biết là đang tham, trước kia thủ đoạn của Tổ Sư hay khiến người đạt đến chơn tham.

Tự tánh vốn Bồ Đề,

Khởi tâm tức là vọng.

Tịnh tâm ở trong vọng,

Niệm chánh chẳng tam chướng:

Bồ Đề vốn là Tự tánh sẵn có, hễ khởi lên một niệm cho là Bồ-đề, khởi niệm đi tìm Bồ-đề tức là vọng. Nay nhiều Phật tử khi gặp mặt hay chúc nhau bằng câu: “Bồ-đề tăng trưởng”, Bồ-đề làm sao tăng trưởng được? Tâm thanh tịnh của mình nay ở trong vọng, mặc dù tâm ở trong vọng, nhưng tự tánh vốn thanh tịnh chẳng bị vọng ô nhiễm, nên chỉ cần có chánh kiến thì chẳng có tất cả chướng ngại.

                 Người đời muốn tu đạo,

                 Tất cả đều chẳng ngại,

                 Thường tự thấy lỗi mình,

                 Với đạo tức tương ưng: 

Người thế gian tu đạo này, tu pháp môn này thì tất cả đều chẳng chướng ngại, nhưng phải phá ngã chấp. Người thường hay thấy lỗi của người khác mà chẳng thấy lỗi của chính mình, ấy là do có ngã chấp. Phải thường tự thấy lỗi của mình, như thế mới phá được ngã chấp, tương ưng với đạo.

Muôn loài tự có đạo,

Mỗi mỗi chẳng ngại nhau.

Ngoài tâm đi tìm đạo,

Suốt đời chẳng thấy đạo.

Bôn ba qua một đời,

Sau cùng tự áo não:

Các loài chúng sanh đều tự có đạo và đều chẳng chướng ngại với nhau. 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch