Thiền học
Duy Lực Ngữ Lục
03/09/2015 11:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Mục lục
Xem toàn bộ

340. HỎI: Thế nào thâm tín tự tâm?

  • Ø ĐÁP: Theo Phật pháp, cần nhất tin tự tâm. Như quý vị đã tin pháp môn Tổ Sư Thiền này 100% rồi, thật ra chưa bằng phân nữa. Tại sao? Vì chỉ tin pháp môn, không tin tự tâm, dù khổ công tu tập, cũng chẳng thể kiến tánh. Hễ không tin tự tâm có khả năng đầy đủ như Phật, cứ cho mình là chúng sanh, cho Phật là Phật, thì làm sao thành Phật được? Chưa tin tự tâm ắt sẽ hướng ngoại tìm cầu, ngoài tâm tìm Phật, càng tìm càng xa. Cho nên, Phật pháp rất cần tin tự tâm, người tin tự tâm gọi là thượng căn, không tin tự tâm thuộc về hạ căn.

Vậy thế nào là tin tự tâm? Tức tin tự tánh là Phật, với tất cả chư Phật bằng nhau, chẳng kém chút nào, chỉ vì bị vọng tưởng che khuất, chưa được hiện ra thôi.

341. HỎI: Thế nào là KHÔNG và CÓ?

  • Ø ĐÁP: Tự tánh bất nhị, Không và Có chẳng khác, nên Tâm Kinh nói: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Sắc là có, Không là không, có và không chẳng khác. Bây giờ tại sao thành khác? Do tâm chấp thật, cho Có là thật có, cho Không là thật không, nên khác.

Kinh nói: “Người trí thấy sự sanh thì biết sự diệt chẳng phải thật, thấy sự diệt thì biết sự sanh chẳng thật”. Vì nếu sự diệt là thật, làm sao có sanh? Nhưng người ngu thấy sanh là sanh, thấy diệt là diệt, sự Có và Không cũng vậy.

Nếu Có là thật có, phải vĩnh viễn có, chứ chẳng phải dùng cái Không để tiêu diệt cái Có, cái Không cũng vậy. Không cũng chẳng phải thật không, mới sanh ra cái Có, Có cũng chẳng phải thật có, mới sanh ra cái Không. Kỳ thật, trong tự tánh chẳng phải là có, cũng chẳng phải là không, do tánh chấp thật mới thành có không.

342. HỎI: Tại sao càng hiểu thiền hiểu đạo thì ngã chấp càng cao? lại, tham thiền lúc nào cũng cảm thấy sắp kiến tánh đến nơi, làm sao phá được ngã chấp đó?

  • Ø ĐÁP: Ngã chấp bắt đầu từ vô thỉ, mà vô thỉ thì chẳng có sự bắt đầu. Nay nói bắt đầu từ vô thỉ, tức chẳng có bắt đầu, nhưng vì có ngã chấp hiện hành, muốn phá phải dùng chín chữ “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”. Hễ còn có tâm mong đợi kiến tánh là có sở cầu, có sở đắc, là tu theo ngã chấp, tu cao chừng nào ngã chấp lớn chừng nấy.

Tại sao có ngã chấp? Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phú-lâu-na hỏi Phật:

- Tại sao có vọng?

Phật bảo: “Đã gọi là vọng thì không có tại sao, nếu có nguyên nhân tức chẳng phải vọng”.

Vấn đề này phải đợi khi nào kiến tánh tự rõ, chỗ thực tế của tự tánh chẳng thể diễn tả. bây giờ chưa kiến tánh, nói thế nào cũng chẳng phải chỗ thực tế. Phương tiện để phá ngã chấp duy chỉ có đề lên câu thoại đầu tham tới mãi, ngoài ra, có ngã chấp hay không cũng chẳng biết, có sở cầu hay không cũng chẳng biết, có sở đắc hay không cũng chẳng biết.

343. HỎI: Con thiết nghĩ, khi hành giả đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình là phá ngã chấp, sở dĩ ngã chấp còn tồn tại là do công phu tham thiền chưa miên mật. Bởi một khi có ai nói câu gì khiến mình nổi tâm sân, liền tự hỏi ngay câu: “Khi chưa có trời đất ta là cái gì?” Cảm thấy còn không hiểu mình là cái gì thì lấy gì để sân? Có sân giận là còn chấp cái thân, tâm này là ta. Nên khi đề câu thoại đầu lên là giúp được hành giả phá ngã chấp, chứ chẳng phải tìm cầu cái gì hơn. Hiểu như vậy có đúng hay sai?

  • Ø ĐÁP: Hiểu như vậy là phải, nhưng nếu chấp như vậy là không phải, đó chỉ là phương tiện tạm thời mà thôi.

344. HỎI: Tại sao Triệu Châu nói “Lão Tăng ba mươi năm chẳng tạp dụng tâm, mặc áo ăn cơm là tạp dụng tâm”?

  • Ø ĐÁP: Tất cả lời nói của chư Phật chư Tổ là lời phương tiện để giúp chúng sanh được vào cửa. Mặc áo ăn cơm là việc thường, nhưng người đời nay suốt ngày lăng xăng bận rộn lo cho việc ăn cơm mặc áo, mắc kẹt vào sinh sống, nên ngài Triệu Châu đem việc này để khai thị chúng sanh.

345. HỎI: Mặc dù cảm thấy sự tham thiền là quý, nhưng tâm chúng con vẫn thích đi cúng dường hoặc làm đồ cúng dường, khi cúng dường xong con lại cảm thấy tác ý quá mức, nên cũng dẹp bớt phần nào, vậy có đúng không?

  • Ø ĐÁP: Đừng cho là đúng, cũng đừng cho là sai, tức là không biết tới có những việc này, có sự cúng dường mà không biết tới sự cúng dường, cũng chẳng biết là có sự “Không cúng dường”. Tôi cũng chẳng bảo là đừng cúng dường, vì nếu không có sự cúng dường thì Tam Bảo chẳng thể tồn tại nơi thế gian. Tứ chúng: Hai chúng xuất gia là nhờ hai chúng tại gia cúng dường, nay đã tu pháp môn giải thoát thì việc gì cũng không chướng ngại, chớ nói là Phật sự cúng dường, kể cả công thương kỹ nghệ, làm việc gì cũng không chướng ngại.

346. HỎI: Phước duyên đại chúng hội tụ để được nghe pháp như thế không thể có mãi, nhưng Ngài Lục Tổ nói :

“Mọi loài tự có đạo, mỗi mỗi chẳng ngại nhau”, làm sao có thể tiến tu không bị ngoại cảnh chướng ngại, một ngày nào đó không còn được nghe pháp âm của Sư phụ?

  • Ø ĐÁP: Có chướng ngại đó là vật chất, là thân, nên bị thân trói buộc. Còn tâm chẳng phải vật chất, nên không bị chướng ngại, bất cứ hoàn cảnh nào cũng không bị chướng ngại. Do đó, người tham thiền đến công phu thành khối, lúc ngủ mê vẫn tham được, đâu có chướng ngại? có chướng ngại là do vọng chấp của mình, ví như cho là “Tôi không rảnh, phải lo việc sinh sống”… ấy là tự sanh ra chấp trước khiến chướng ngại.

347. HỎI: Thế nào là ngũ chu, lục tướng trong Kinh Hoa Nghiêm?

  • Ø ĐÁP: Ý tôi dịch cuốn Yếu Chỉ Kinh Hoa Nghiêm là để tăng cường lòng tin cho người tham thiền, vì hành giả tham thiền chẳng những phải tin vào pháp môn Tổ Sư Thiền, càng phải tin tự tâm, chứ không phải để hiểu thêm giáo lý. Mọi người đều biết bài kệ của Kinh Hoa Nghiêm:

“Nhược nhơn dục liễu tri,

Tam thế nhất thiết Phật,

Ưng quán pháp giới tánh,

Nhất thiết duy tâm tạo”.

Ngũ chu lục tướng cũng là do tâm tạo.

348. HỎI: Có một hành giả tham thiền, khi bỏ hết tất cả tìm đến chỗ vắng lặng để tham thì dâm tánh nổi lên, vậy phải làm sao?

  • Ø ĐÁP: Người đó sai lầm ngay từ bắt đầu, Tổ Sư Thiền đâu có dạy người bỏ việc đang làm, đi tìm chỗ vắng lặng yên ổn? Có lấy có bỏ là có sở cầu, là nghịch với tông chỉ Tổ Sư Thiền.  Mặc dù gắn bảng hiệu của Tổ Sư Thiền, nhưng người đó chẳng phải tham Tổ Sư Thiền, chỉ làm cho người phỉ báng Tổ sư Thiền, phá hoại Tổ Sư Thiền.

349. HỎI: Nhiều người lấy lời dạy của ngài Bá Trượng nói: “Một ngày không làm, một ngày không ăn” để làm phương châm, nhưng con thiết nghĩ, đạo chẳng ở chỗ làm hay không làm, như Thiền sư Trung Phong nói: “Nếu người tham thiền bỏ công phu của mình, dầu cho làm trăm việc, đều là bên bờ sanh tử”, vậy phải làm sao?

  • Ø ĐÁP: Việc làm đâu có chướng ngại sự tham thiền! Ngài Bá Trượng là Tổ sư kiến tánh, làm Trụ trì cho một chùa đông chúng, ngoài sự hoằng pháp suốt ngày, đại chúng đi cuốc đất ngài cũng làm theo. Đại chúng thấy công việc nặng nhọc, nên giấu cây cuốc của ngài không cho làm, thì hôm đó ngài không chịu ăn, nói: “Không làm thì không ăn”. Ấy là muốn làm gương mẫu, để cảnh tỉnh sự làm biếng và ỷ lại của người đời sau, không cho “Ta là Trụ trì, đã có trách nhiệm hoằng pháp” thì khỏi làm công việc, hoặc cho “Ta tham thiền, khỏi làm cái này cái kia …”

Việc làm là bổn phận của mình, trong Tòng lâm bao nhiêu chúng, tất cả đều bình đẳng, đâu phải người này làm và người kia khỏi làm? Người nào cũng tu, cũng tham thiền, Trụ trì còn phải làm, huống là thanh chúng? Đâu thể nói là “Tôi đã tham thiền rồi, sao còn phải làm?”. Vậy công việc ai làm? Ai nấu cơm cho ăn? Ai dọn dẹp?

350. HỎI: Tham Thoại đầu có phải việc của ngày hôm nay?

  • Ø ĐÁP: Nói “Việc hôm nay” là muốn chấm dứt sự tìm hiểu của mình, vì tìm hiểu là do ý thức phân biệt, là vọng. Nếu dùng ý thức phân biệt, thì chẳng thể đạt đến kiến tánh, chẳng thể thấy được bản lai diện mục. Bây giờ mình tham câu thoại đầu, hễ tìm hiểu câu thoại là việc hôm nay, che khuất mặt bản lai.

Tăng hỏi: Con mới bắt đầu tập tham, nhưng không khởi được nghi tình, vậy phải làm sao?

Sư phụ: Sư tham câu thoại nào?

Tăng đáp: Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì?

Sư phụ: Sư biết là cái gì không?

ĐÁP: Không biết.

Sư Phụ: Như vậy là nghi tình rồi! Cái không hiểu không biết đó, cảm thấy thắc mắc, muốn biết nhưng biết không được, chính là nghi tình. Phải tự hỏi tới mãi, không biết thì trả lời không được, hỏi đến lúc nào thình lình hiểu được, cái hiểu đó chẳng phải dùng tâm đi tìm hiểu mà biết, gọi là chứng ngộ. Lúc đó chẳng phải chỉ biết một việc, tất cả vũ trụ vạn vật đều cùng biết, đều giải quyết một lượt.

351. HỎI: Bửu Tạng Luận nói: “Trong trời đất có một bảo vật”, hành giả tham thiền cứ nhìn vào chỗ hầm sâu đen tối ấy, một ngày nào đó có thể đạt được bảo vật đó không? Lấy gì để làm chắc?

  • Ø ĐÁP: Mục đích tham Thiền cuối cùng sẽ phát hiện ra bảo vật đó là lẽ dĩ nhiên, nhưng làm sao biết chắc được? Phải tin tự tâm. Nếu chẳng tin tự tâm thì dù siêng năng thế nào cũng không hy vọng phát hiện bảo vật đó.

Bảo vật đó là tự tánh, hễ tin tự tâm, dụng công tham mãi sẽ phát hiện được bảo vật, tức kiến tánh thành Phật. Nếu không chấm dứt sự tìm hiểu, kể cả hiểu về thiền đạo Phật pháp, dù siêng năng cách mấy cũng chẳng thể nào kiến tánh, ví như đang cỡi trâu mà tìm trâu, trên đầu lại mọc thêm đầu, chỉ làm khổ thêm, chẳng ích lợi gì.

352. HỎI: Làm sao mới thấy được bản tâm bản tánh của 
mình?

  • Ø ĐÁP: Bản tâm, bản tánh, bản kiến, bản văn, bản giác, bản tri v.v.. đều là biệt danh của tự tánh. Tự tánh bất nhị, chẳng phải là có hai, nếu có cái năng thấy, thấy cái sở thấy, ấy là nhị, chẳng phải kiến tánh. Nói kiến tánh, kỳ thật là tự tánh tự hiện. Muốn tự tánh tự hiện, phải cắt đứt sự tìm hiểu, ngưng sự hoạt động của tâm ý thức, nếu không thì che khuất mặt bản lai. Ngài Tăng Triệu nói: “Chơn tánh ẩn núp trong vọng tưởng”, khi nào vọng tưởng lặng hết, chơn tánh tự hiện, gọi là kiến tánh thành Phật.

353. HỎI: Thế nào là Pháp thân thường trụ mà chẳng trụ?

  • Ø ĐÁP: Pháp thân cũng là biệt danh của tự tánh, tự tánh bất nhị, khắp không gian thời gian, hễ trụ là trụ ở nơi nào? Trụ ở nơi đây thì nơi khác chẳng có, là nhị. Chớ nói là tự tánh không chỉ ra được, dù là kiến tinh, có chỉ ra được đâu? Vì vô sở trụ nên khắp không gian thời gian. (Sư phụ thí dụ về kiến tinh trong Kinh Lăng Nghiêm, lượt qua).

354. HỎI: Kinh Kim Cang nói “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc”, vậy tín tâm là tin cái gì?

  • Ø ĐÁP: Bản tâm tự tánh chẳng thể dùng ý thức phân biệt suy nghĩ đến được, cũng chẳng thể dùng lời nói diễn tả, nên Phật nói: “Phàm là lời nói đều chẳng có nghĩa thật”. Nhưng nếu không dùng lời nói thì chúng sanh làm sao có hy vọng giải thoát? Do đó phải lập ra phương tiện.

Tất cả lời nói của chư Phật chư Tổ đều là phương tiện tạm thời, chẳng phải chơn lý.

Nói “Tin tự tâm” chẳng phải có cái năng tin và tự tâm là sở tin, hễ có năng sở là vọng, còn không nói thì chẳng biết dựa vào đâu để giải thích, diễn tả, nên tạm mượn hai chữ “Tự tâm” để nói.

Tự tâm chẳng bản thể, chỉ thì không ra, không chỉ cũng chẳng phải, thế thì dựa vào đâu? cho nên phải nói là “Khắp không gian thời gian, chẳng chỗ nào thiếu sót, tất cả đều sẵn đủ, không kém hơn Phật chút nào”, Phật có bao nhiêu thần thông biến hóa thì tự mình có bấy nhiêu, vốn đã sẵn có, chẳng phải ở ngoài, chẳng phải do tìm hiểu mà có, cũng chẳng phải do không tìm hiểu mà mất đi.

Lại, do tìm hiểu nên chơn tâm bị che khuất, khiến ẩn trong vọng tưởng, chẳng thể hiện ra được. Cho nên nói: “Nếu biết việc hôm nay, che khuất mặt bản lai”.

355. HỎI: Tại sao tham thiền không được tìm hiểu?

  • Ø ĐÁP: Sở dĩ muốn tìm hiểu là tại không tin tự tâm đã sẵn đủ, nên mới hướng ngoại tìm cầu. Hễ tin được tự tâm là trí, không tin tức ngu muội. Lục Tổ nói: “Một niệm trí huệ Bát-nhã sanh, một niệm ngu muội Bát-nhã tuyệt”. Một niệm trí huệ là chẳng chấp thật, một niệm ngu muội là chấp thật. Muốn tìm hiểu là chấp thật, cho có cái chơn lý để mình đi tìm hiểu, ấy là điên đảo, ngu muội.

356. HỎI: Đức Phật đã nói “Thuyết pháp 49 năm chưa từng nói một chữ”, vậy câu thoại đầu thì sao?

  • Ø ĐÁP: Đã nói là đến chỗ thoại đầu thì câu thoại tự mất, làm sao còn có thể chấp vào câu thoại? Đã không cho tìm hiểu câu thoại thì làm sao còn chấp vào câu thoại đầu? “Thoại đầu” là chỗ chưa khởi niệm mới là thoại đầu, vì phương tiện nên tạm gượng nói là “Tham thoại đầu”, chứ chẳng phải là câu thoại. Nay ông chấp vào câu thoại, vậy là chưa hiểu câu thoại đầu: Câu thoại chẳng phải thoại đầu, hễ còn câu thoại tức chưa đến thoại đầu.

357. HỎI: Ngài Vĩnh Gia nói: “Đang khi dụng tâm mà không có tâm để dùng” là thế nào?

  • Ø ĐÁP: Ấy cũng như câu “Vô tham tức chơn tham” của ngài Lai Quả. Chơn tham là đang tham thiền mà không biết mình tham, hễ có biết tức có dụng tâm rồi, nên nói: “Chính ngay đang dụng tâm, ngay đó chẳng tâm dùng”.

358. HỎI: Có người thân lâm chung, hành giả tham thiền phải làm gì để hổ trợ?

  • Ø ĐÁP: Nói đúng theo tông chỉ của Tổ Sư Thiền, chỉ có đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, ngoài ra tất cả đều không biết. Như vừa nói ở trên, đang khi dụng tâm mà không có tâm để dùng, hiểu thiền đạo Phật pháp còn không cho, làm sao biết tới những gì chẳng phải thiền?

Bất cứ thân nhân hoặc ai chết đều không dính dáng đến Tổ Sư Thiền, Theo tập quán của người thế gian là phải làm nghi lễ, có hình thức, nếu khởi tâm đi lo những việc đó, dùng Tổ Sư Thiền để làm những việc đó thì nghịch với Tổ Sư Thiền, phá hoại Tổ Sư Thiền, đều là tâm trộm cắp, không đúng với tông chỉ, chướng ngại tham thiền, lại chẳng có lợi ích thực tế cho người chết.

Sức mạnh của Tự tánh có thể tan rã Tam thiên đại thiên thế giới trong một sát-na, khi chưa khởi lên một niệm gì thì tâm lực mới mạnh, có thể ảnh hưởng đến người khác, giúp ích cho người khác; hễ khởi niệm muốn giúp, dù cho có thể giúp, nhưng sức lực quá yếu, chẳng phải sức mạnh của tự tánh. 

Cho nên, hành giả tham thiền chỉ là đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, ngoài ra đừng có biết gì là tốt hơn hết. Nếu tránh không được, cũng phải cố giữ câu thoại đầu, mặc cho ai làm gì, mình vẫn tham. Bất cứ gặp cảnh duyên nào cũng vậy, tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên. Bất biến là câu thoại đầu, cảnh duyên thế nào cũng không thay đổi.

359. HỎI: Phật pháp không phá hoại pháp thế gian, hành giả tham thiền một niệm cũng chẳng khởi, rất nghịch với pháp thế gian, vậy phải làm sao mới không phá hoại pháp thế gian?

  • Ø ĐÁP: Đã nói “Tùy duyên” tức không phá hoại pháp thế gian, nếu phá hoại pháp thế gian thì không phải tùy duyên.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch