Thiền học
Duy Lực Ngữ Lục
03/09/2015 11:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Mục lục
Xem toàn bộ

580. HỎI: Sự hiểu biết của phàm phu là do bộ não, chính bộ não nghiên cứu nhiều, hiểu biết nhiều, nên chúng sanh mới bị đọa tam ác đạo, phải không?

  • ØĐÁP: Ở Mỹ, tôi có ra một bài “Phật pháp với khoa học,” mặc dù nay nói “Chấm dứt tác dụng của bộ não”, nhưng chỉ là phương tiện. Như hôm qua tôi nói: “Lục căn, kiến, văn, giác, tri đều là tác dụng của bộ não”. Ngài Nguyệt Khê thí dụ:

Kiến, văn, giác, tri là binh lính của bọn cướp, lục căn là binh khí của vua cướp, vô thỉ vô minh là vua cướp. Tiểu thừa ví như tịch thu binh khí của bọn cướp. Binh khí dù bị tịch thu, nhưng vẫn có thể sắm lại. Trung thừa ví như giết hết binh lính cướp, cho là đã yên ổn, chẳng biết đó chỉ là tạm thời thôi, vì còn vua cướp (vô thỉ vô minh), có thể chiêu binh mãi mã, hoạt động trở lại. Nay tham thiền ví như chẳng tịch thu binh khí của bọn cướp, cũng chẳng giết hại lính cướp, mà lợi dụng lính cướp, cầm binh khí của họ để bắt vua cướp. Vua cướp bắt được rồi, thì lính cướp trở thành lính chính quy của nhà nước.

 Cho nên, chỉ cần phá được vô thỉ vô minh, tất cả tương đối đều thuộc về tự tánh, đều biến thành tuyệt đối. Nay cuộc sống hàng ngày là do lục căn làm chủ; khi kiến tánh rồi, Phật tánh làm chủ, bộ não chỉ là đầy tớ thôi. Phật tánh sai khiến bộ não làm việc, chỉ làm điều lành, không làm việc xấu. Còn do bộ não sai khiến thì hay làm việc xấu vậy.

581. HỎI: Trong sự khai thị của Sư phụ, hoặc trong lúc coi Kinh, bất thần rồi con ngộ, vậy sự ngộ này ở nơi quyền trí hay Chơn trí?

  • ØĐÁP: Ngộ có giải ngộ và chứng ngộ. Trong lúc xem Kinh, thình lình hiểu được nghĩa Kinh là giải ngộ, chẳng phải chứng ngộ. Chứng ngộ chẳng có nghĩa lý, chỉ là hiện ra bản thể của Phật tánh khắp không gian, thời gian. Giải ngộ vì còn nằm trong tương đối, nên đối với sự giải thoát cũng không ích lợi gì.

582. HỎI: Trong các sách nói về nguồn gốc sinh ra vũ trụ con người, có các thuyết đa nguyên, nhị nguyên hoặc nhất nguyên, mà đa số chấp nhận về thuyết tự nhiên. Theo lời Phật dạy thì vũ trụ vạn vật là duy tâm sở tạo, mà tâm này lại sẵn có. Từ đó con thắc mắc: cái “Sẵn có” của Đức Phật nói, với cái thuyết “Tự nhiên” của học thuyết bên ngoài giống nhau không?

  • ØĐÁP: Triết học phương Tây có nhất nguyên và nhị nguyên luận, còn Phật Thích Ca nói “Vô thỉ,” tức chẳng có sự bắt đầu: Vũ trụ vạn vật, núi sông đất đai, tất cả đều không có sự bắt đầu. Nếu không có sự bắt đầu thì nhất nguyên, nhị nguyên cũng không. Chẳng có sự bắt đầu tức vô sanh, vốn chẳng có sự sanh khởi.

Nếu nói “Tự nhiên,” cũng phải có sự sanh khởi của tự nhiên; nói “Nhân duyên” cũng phải có sự sanh khởi của nhân duyên, nên Kinh Lăng Nghiêm nói “Phi nhân duyên, phi tự nhiên”. Vì bản thể của Phật tánh khắp thời gian, nếu có sự sanh khởi tức chẳng cùng khắp, và bắt đầu từ thời gian nào? trước sự bắt đầu có thời gian hay không?

Nói đến có khác hay không, ấy là tư tưởng chấp thật, cho sự sanh khởi là tự nhiên. Nên hiện nay các nhà khoa học, nhà bác học muốn tìm sự sanh khởi của vũ trụ, nhưng chưa thể giải quyết được. Mà theo lập trường của nhà Phật, ý muốn đó là ngu si.

583. HỎI: Tại sao ngài Nguyệt Khê nhìn thoại đầu được?

  • ØĐÁP: Nói “Nhìn thoại đầu,” “Khán thoại đầu,” “Chiếu cố thoại đầu” đều giống nhau. Tham là nghi, khán thoại đầu, chiếu cố thoại đầu cũng là nghi, là không hiểu không biết. Căn cơ trình độ của ngài Nguyệt khê, chúng ta làm không được. Lúc ngài chưa biết cách tham thiền, cứ đi tìm mãi và hỏi thăm hoài; đến khi nghe nói ngài Thiết Nham dạy tham Thiền ở núi Ngưu Đầu, lúc đó gần nửa đêm, ngài liền lên đường, không đợi trời sáng, tâm ngài khẩn thiết như thế.

Lại, công phu của ngài nhìn vào thoại đầu, quên cả sự ăn uống ngủ nghỉ. Lúc đó Ngài chỉ có 22 tuổi, quên ăn quên ngủ đến nỗi chỉ còn da bọc xương, nên chỉ trong vòng hai năm là kiến tánh. Thời nay có ai hành được như ngài không? Dù chúng ta làm không được, nhưng có đi ắt có đến, đi nhanh hay chậm; trước sau cũng sẽ đến, chỉ e rằng bị lạc vào lối rẽ thôi!

584. HỎI: Tại sao hành vi của chư Tổ chẳng khác người thường, chẳng có sự siêu xuất nào?

  • ØĐÁP:  Hành vi và lời nói của Chư Tổ đều có tác dụng độ chúng sanh. Lịch sử Thiền tông có một công án: Có một vị Tổ đã kiến tánh triệt để, sắp lâm chung, ngài cứ lăn lộn và la làng như vẻ đau khổ lắm, thị giả của ngài tưởng thiệt, hỏi:

- Xưa nay Thầy vốn hiện đủ thứ thần thông, hôm nay sao lại như thế?

Tổ liền ngồi dậy, nói:

- Ngươi làm thị giả của ta, suốt ngày bên cạnh ta, còn không tin tưởng ta, vậy thì người khác làm sao tin ta?

Mắng xong ngồi ngay thị tịch luôn. Vì ngài biết vị thị giả ấy chưa đủ lòng tin, nên thị hiện như thế.

Ngài Nguyệt Khê cũng vậy, Phật Thích Ca cũng vậy. Trong Kinh Duy Ma Cật, Phật thị hiện có bệnh, sai A-nan đi xin sữa, A-nan đứng trước cửa nhà giàu xin sữa, bị ngài Duy Ma Cật quở, bảo hãy quay về, không nên xin nữa.

A-nan nói: “Chính tôi nghe rõ Đức Phật bảo đi xin sữa!”

Duy Ma Cật nói: “Hãy mau quay về, nếu bị người khác thấy được, nhất là ngoại đạo, họ sẽ nghĩ rằng Phật Thích Ca đã thành Phật rồi, còn bệnh hoạn sao!”

Sau khi A-nan thuật lại lời của Duy Ma Cật thì Đức Phật nói là đúng. Thế thì tại sao Phật lại sai A-nan đi xin sữa? Vậy có mâu thuẫn không? Đó cũng vì muốn độ chúng sanh. Cho nên, không thể dùng sự hiểu biết của mình để đoán mò, ấy là sai.

585. HỎI: Con nghe nói ở Chùa Đậu Hà Nội, có hai chú cháu Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, hơn ba trăm năm mà nhục thân vẫn còn, vậy hai vị đó đã đắc đạo chưa?

  • ØĐÁP: Mặc dù để lại nhục thân, nhưng không thể chứng tỏ là kiến tánh. Năm 1974, tôi đi viếng thăm các chùa ở Thái Lan, cũng có nhiều vị để lại nhục thân, những vị đó đều chưa phải kiến tánh. Ở Đài Loan có Pháp sư Từ Hàng thuộc Giáo Môn, cũng để lại nhục thân nhưng chưa kiến tánh. 

Người tham thiền chỉ cần đáp được một chuyển ngữ: Chư Tổ đã kiến tánh hỏi người chưa kiến tánh, người đó chỉ cần đáp được một chuyển ngữ, chứng tỏ đã kiến tánh là được ấn chứng, gọi là “Truyền tâm ấn”. Tại sao gọi là chuyển ngữ? Chuyển tức không có sở trụ; vì bản thể của Phật tánh vô trụ, lời nói của chư Phật chư Tổ đều là vô trụ, nên gọi là chuyển ngữ.

Có một ngoại đạo hiện đủ thứ thần thông trong mười mấy năm, người đời đồn xa, có người đem câu chuyện kể cho một vị Thiền sư nghe, vị đó chẳng ngó ngàn tới. Khi ngoại đạo đó chết, đem thiêu được nhiều xá lợi, có người lại đem việc này nói với Thiền sư, Thiền sư nói: “Xá lợi nhiều cách mấy, không bằng đáp cho tôi một chuyển ngữ”. Do đó, xá lợi nhiều không thể chứng tỏ là đã kiến tánh.

586. HỎI: Sư phụ nói phải tin tự tâm 100%, sao con tin không nổi?

  • ØĐÁP: Vì nay tiếp xúc cái nào cũng có thật chất, nên khó tin. Tôi thường dùng mở mắt chiêm bao và nhắm mắt chiêm bao để thí dụ, từ nhắm mắt chiêm bao sẽ tin được mở mắt chiêm bao:

- Đang ở trong nhắm mắt chiêm bao cũng là tin không nổi, đến chừng thức tỉnh rồi, không tin cũng không được, đối với mở mắt chiêm bao cũng vậy.

Lời dạy của Phật chúng ta cũng tin không nổi, nên mới cần tu hành; vì người tin không nổi, nên phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp. Do đó,Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Mê trải qua nhiều kiếp, ngộ chỉ một sát-na”. Cho nên ở trong Phật pháp, tâm chấp nặng chừng nào thì kém chừng nấy, tâm chấp nhẹ thì cao, chứ không phải thông minh lanh lợi là cao, ngu si là thấp. Ngược lại, người ngu si dốt nát do tâm chấp nhẹ, lại thành cao; người thông minh chính do sự lanh lợi khiến thành thấp. Ví như trường hợp Tự Hồi Thiền sư, vốn là người dốt nát, sau khi kiến tánh rồi dạy lại những người thông minh lanh lợi.

587. HỎI: Hành giả tham thiền vì còn chấp thân ngũ uẩn, nên chưa thể ngộ nhập bản thể của mình. Sau khi chết, tứ đại tan rã rồi, trở lại bản thể tự tánh, lẽ ra phải ngộ nhập tự tánh, chớ sao lại phải trôi lăn nhiều kiếp?

  • ØĐÁP: Tôi thường nói “Chánh nhân đã gieo thì chánh quả sẽ đến”. Thân tứ đại này vì có lay động nên có biến đổi, tan rã rồi mất. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói đến tánh thấy, gọi là kiến tinh, chẳng lay động biến đổi, nên không tan rã và biến mất.

Tánh thấy chưa phải là Tự tánh còn chẳng có tan rã, sự dụng của Tự tánh luôn ứng dụng khắp không gian, thời gian, không bao giờ gián đoạn, chúng ta ứng dụng nó cũng dùng, không ứng dụng nó cũng dùng, (Sư phụ ví dụ như cảm giác của lớp da qua sự búng, xem lại câu 462,463,464 quyển thượng), mặc dù thân tứ đại tan rã, nhưng có sao đâu! Chính tánh thấy còn tồn tại vĩnh viễn, đâu có bị đánh mất!

588. HỎI: Thế nào là linh tri tịch chiếu?

  • ØĐÁP: Nay ông chưa kiến tánh, nhưng linh tri của ông cũng đang tịch chiếu. Tại sao? Vì bản thể khắp thời gian. Ông biết nó cũng dùng, không biết nó cũng dùng; muốn dùng nó cũng dùng, không muốn nó cũng dùng. Dù ông bây giờ không biết, nhưng linh tri của ông vẫn đang tịch chiếu, vẫn thường chiếu soi, như ánh sáng mặt trời, không lúc nào ngưng.

Ban đêm chúng ta không thấy ánh sáng mặt trời, nhưng chẳng phải mặt trời ngưng chiếu; ban ngày có mây đen che khuất, cũng chẳng phải ánh sáng mặt trời ngưng chiếu. Ví như người mù không thấy ánh sáng mặt trời, đâu phải do mặt trời bỏ sót không chiếu tới?

Móng tay của ông đang dài ông còn chưa biết tới, huống là linh tri vốn chẳng thể thấy biết! Cho nên, phải tin tự tâm, sức dụng của tự tâm đang dụng ra, đang tịch chiếu, chỉ tại chính mình không hay biết thôi. Đó là bởi tác dụng của bộ não, nay tham thiền quét sạch hết tất cả tác dụng của bộ não, thì linh tri tịch chiếu tự động hiện ra, khắp không gian, thời gian.

589. HỎI: Các vị Tổ dùng cơ xảo để độ chúng sanh, như ngài Qui Tông chém rắn, Nam Tuyền chém mèo, đoạn mạng chúng sanh như thế có bị nhân quả không?

  • ØĐÁP:Nay mình chưa đến chỗ đó, chỉ dùng ý thức phân biệt suy lường không thể biết được. Ví như sự sát sanh, phải có sự sanh tử mới có sự sát sanh, người chứng quả rồi rõ ràng chẳng còn việc sanh tử. Vốn đã chẳng có sự sanh để cho sát thì làm sao có sự sát sanh? Ấy chỉ là do bộ não suy ra lý này, thật ra, dùng ý thức của mình đoán mò hành vi của chư Tổ, cho đó là đúng cũng có lỗi, cho là không đúng cũng có lỗi; đúng và không đúng là đối đãi, lọt vào nhị biên, còn tương đối, nằm trong năm thứ ác kiến. Bản thể của Phật tánh tuyệt đối, còn việc làm của chư Tổ vô trụ, việc này phải đợi khi tự ngộ rồi mới biết, chưa ngộ mà bắt chước việc làm của Tổ thì không được. Lại nữa, công phu chưa đến chỗ, dù chỉ còn thiếu một chút, mà dám cho là phải như thế, như thế, là phải chịu nhân quả. Công án “Đi tiêu ngược” của Sơ Sơn sau đây chứng minh điều đó:

* Ngài Hương Nghiêm là vị Tổ kiến tánh triệt để, còn Sơ Sơn kiến giải cũng rất cao. Sơ Sơn phê bình Hương Nghiêm có chỗ chưa đúng, Hương Nghiêm hỏi: “Vậy phải làm sao mới đúng?” Sơ Sơn bảo Hương Nghiêm phải đảnh lễ rồi mới chịu nói. Hương Nghiêm làm theo lời, Sơ Sơn nói ra, Hương Nghiêm bảo:

- Ông nói như thế, nay tôi thọ ký cho ông phải tiêu ngược trong ba mươi năm”.

Đúng như lời Hương Nghiêm, Sơ Sơn ói ra phân trong hai mươi bảy năm mới ngộ. Sau khi ngộ, mặc dù không còn ói ra phân, nhưng vì muốn làm đúng theo lời Hương Nghiêm, mỗi lần ăn vào cứ ói ra thức ăn chứ không phải ói ra phân nữa.

Cho nên, hễ công phu chưa đến mức, không thể dùng ý thức đoán mò, đoán bậy mà phải trả quả báo, có hại chứ không có ích. Nay cứ đề câu thoại đầu khởi nghi tình hỏi tới mãi, ngoài ra không biết tới là tốt nhất, đến khi nào ngộ mới biết.

590. HỎI: Vừa tham Thiền vừa trì chú để chóng qua nghiệp lực, có được không?

  • ØĐÁP:Bản thể của tự tâm như hư không, không giới hạn, không bờ bến, tất cả năng lực đều sẵn sàng, chẳng có gì ở ngoài hư không. Tham thiền là phát hiện cái dụng của tự tâm, nay tự mình tạo ra sự hạn chế, rồi nói là dùng trì chú để giải tỏa sự hạn chế đó, vậy có được không? Tôi đã nói là “Đừng tạo nữa!”. Nay trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cứ tạo mãi, mục đích tham thiền là muốn ngưng sự tạo tác, thì tất cả đã sẵn sàng, chẳng còn thiếu sót. Tâm là hư không, hư không là tâm, cứ nhìn thẳng câu thoại đầu thì ngăn được tâm không tạo, cuối cùng hiện được sức dụng vô lượng vô biên của tự tâm.

591. HỎI: Tại sao Tổ Triệu Châu nói: “Lão Tăng niệm Phật một tiếng phải súc miệng ba ngày”?

  • ØĐÁP: Tông phái nào đều muốn người tu nhất môn thâm nhập, để mau được thành tựu. Niệm Phật thuộc Tông Tịnh Độ, Thiền tông chỉ cần giữ được nghi tình, không nên xen vào cái khác khiến bị chướng ngại, do đó không cho niệm Phật nơi Thiền đường. Đó chẳng phải bài xích niệm Phật, chỉ là muốn đi vào chuyên tu để mau đạt đến kiến tánh.            

592. HỎI: Ngài Bác Sơn nói đến chỗ “Trước mặt là hầm sâu muôn trượng, sau lưng lửa cháy, hai bên rừng gai”, xung quanh đều nguy hiểm, hành giả Tổ Sư Thiền làm sao qua được?

  • ØĐÁP: Ngài Lai Quả cũng có thí dụ: “Sau lưng thì có người chĩa súng, một bên là nước, một bên là lửa, trước thì chông gai, tiến thối đều không được, rất khó”. Nếu dùng ý thức phân biệt thì chẳng thể qua được, nay không dùng ý thức phân biệt, chẳng biết đến bốn phía đều chướng ngại, chỉ đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình thì tự nhiên qua được. Tôi nói cụ thể hơn: Trong Thiền tông gọi là “Vô môn quan”, tức quan ải không cửa, vậy làm sao đi qua? Tứ phía đều là tường đồng vách sắt, qua bằng cách nào? Nhưng phải qua được mới xong. Chỗ này phải ngưng tất cả ý thức phân biệt, nhờ nghi tình mới có thể đi qua được.

593. HỎI: “Nghi tình phát khởi, cùng lý Pháp thân tương ưng” là thế nào?

  • ØĐÁP: Nghi tình phát khởi là sự thực hành, nếu thực hành đúng pháp, tự nhiên sẽ đến nơi. Nói “Lý Pháp thân tương ưng”, vậy Pháp thân là gì? Pháp thân vô hình tướng, không số lượng, là bản thể của Tự tánh, phải công phu đến đó mới tự thấy, chứ không thể diễn tả. Pháp thân còn chẳng thấy, nói gì lý Pháp thân?

Chư Tổ Từ bi, muốn chúng ta tin tự tâm nên đặt ra đủ thứ phương tiện, nay đã tin thì không cần truy cứu nữa. Thật ra, nếu có cái lý thì chẳng phải Pháp thân, vì Pháp thân bất nhị, có hợp lý hay không hợp lý là nhị, nên Đức Phật trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Phàm là lời nói đều chẳng có nghĩa thật”. Chẳng thể nhờ lời nói diễn tả thực tế, huống là Pháp thân vốn vô hình tướng số lượng!

Phải thấu rồi mới biết có tương ưng hay không, nay thấy còn chưa thấy, làm sao biết có tương ưng hay không? Nên  ngài Lai Quả nói: “Tôi chỉ nói chỗ hành, còn sự thấy phải tự đến rồi sẽ thấy”.

594. HỎI: “Sắc không bất nhị” có phải là công án chung trong Thiền tông?

  • ØĐÁP: Công án của chư Phật chư Tổ là muốn chúng ta trực nhận bản tâm, những người chấp tâm nhẹ nhận theo Kinh liễu nghĩa, những người chấp tâm nặng thì nhận theo Kinh bất liễu nghĩa, liễu nghĩa với bất liễu nghĩa là tương đối. Còn Thiền tông gọi là Giáo ngoại biệt truyền, liễu nghĩa bất liễu nghĩa đều quét sạch. Như tôi thường nói: “Hư không sẵn sàng”, vốn chẳng phải chơn hay giả, nay lập ra chơn không thì có cái giả không để tương đối, ấy chỉ là do tâm vọng tạo. Khi chưa tạo, tánh không vốn sẵn sàng, cho nên, bây giờ phải thực hành thôi, sau này sẽ tự ngộ.

595. HỎI: Thế nào là “Làm cho thân Phật chảy máu”? Đục tượng có phải khiến thân Phật chảy máu không?

  • ØĐÁP: Hồi thời Phật, có ngoại đạo từ trên cao liệng cục đá xuống chân Phật khiến chảy máu. Nay Đức Phật đã nhập Niết-bàn, những hành động phỉ báng Đại thừa, hư tiêu tín thí, phá hoại luật nghi, cuồng vọng thuyết pháp là khiến thân Phật chảy máu.

596. HỎI: Sư phụ dạy “Khi nào có thắc mắc, nên hỏi các vị lão tham”, vậy làm sao phân biệt cách dạy của những vị lão tham là đúng, hoặc chỉ là khẩu đầu thiền?

  • ØĐÁP: Tôi có giải thích điều này ở phần sau cuốn Yếu Chỉ Kinh Pháp Hoa, rất dễ phân biệt chánh tà: Chấp thật là tà, phá chấp thật là chánh; chấp ngã là tà, phá ngã chấp là chánh. Chỉ cần phân biệt được điểm này đã đủ; hễ người nào có tư tưởng chấp thật là không đúng. Tư tưởng đã không đúng thì cách dạy cũng sẽ sai, chấp ngã cũng vậy.

597. HỎI: Thế nào là “Nhìn câu thoại đầu như mèo rình bắt chuột”?

  • ØĐÁP: Con mèo bắt chuột, cứ nhìn ngay chỗ con chuột chui ra, chỉ nhìn ngay chỗ đó, mặc cho bên cạnh có con chó hoặc con gì cũng không biết tới. Tối ngày sáng đêm, đi đứng nằm ngồi, cứ nhìn vào chỗ hầm sâu đen tối, ấy là dùng tánh thấy để nhìn, chứ không phải dùng con mắt.

Phải tin tự tâm đầy đủ, thống thiết vì sanh tử, mới không bỏ luống thời gian.

Ví như trường hợp của Thiền sư Thiên Tuệ ở Chùa Cao Mân vào đời nhà Thanh: Vua Ung Chính là vị vua đã kiến tánh, một hôm đọc cuốnNgữ Lục của Quốc sư Ngọc Lâm, là thầy của vua Khang Hy. Vua muốn tìm hậu duệ của Quốc sư, bèn sai người tìm gặp Thiền sư Thiên Tuệ, là đệ tử của Quốc sư.

Lúc đó Thiền sư Thiên Tụệ có công phu nhưng chưa ngộ, được lệnh vào kinh thành gặp vua. Qua trò chuyện, vua biết Thiền sư chưa kiến tánh, vua hỏi:

- Có biết được ý của tiên sư chăng?

ĐÁP: Không.

Vua bèn rút cây gươm ra bảo:

- Trẫm ra hạn cho ngươi trong bảy ngày tu tại Thiền đường trong cung, phải hiểu được ý của Tiên sư, nếu không sẽ bị chém đầu!

Thiền sư Thiên Tuệ phải tuân lệnh. Hằng ngày, vua đều sai người đến nhắc nhở: “Đã trôi qua một ngày, còn lại 6 ngày”, “Còn lại 5 ngày”…

Như thế đến ngày cuối cùng, cứ  cách khoảng  nửa tiếng, vua sai người cảnh cáo một lần: “Còn lại 23 tiếng”, “Còn lại 22 tiếng”… đến khi chỉ còn lại 7 tiếng đồng hồ, Thiền sư tâm tự khẩn thiết, trong lúc bảo hương, bất giác đụng nhằm cây cột vấp té liền ngộ.

Ấy là do sự thúc bách của cái chết. Công phu phải thống thiết như quỷ sứ của Diêm La Vương đang đuổi sát sau lưng, nếu chúng ta có tâm quyết tử như thế, cũng có thể trong bảy ngày kiến tánh.

******

 29/11/92 – 05/12/92

Tại Chùa Từ Ân - Quận 11- TP. Hồ Chí Minh.

598. HỎI: “Dâm tánh” tức niệm dâm từ tự tánh sanh khởi, đúng không?

  • ØĐÁP:  Trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Dâm tánh là nhân của tịnh tánh. “Kinh Lăng Nghiêm có ba tiệm thứ: Một là trừ trợ nhân, tức không ăn ngũ tân, vì ăn sẽ kích thích tánh dâm dục. Thứ hai là nạo sạch chánh tánh. Nhiều người không biết chánh tánh là gì? Ấy là tánh dâm dục. Sao gọi là chánh tánh? Vì tất cả sinh mạng đều do tánh dâm sanh khởi. Nay đã tạo nghiệp nhân khiến có sinh mạng, cũng do có sinh mạng mới có thể tu giải thoát, đạt đến tự do tự tại, nên phải đoạn dứt dâm dục, để không còn luân hồi, trôi lăn trong dòng sanh tử.

Do đó, người kiến tánh gọi là “Cắt đứt mạng căn”: Tu Chánh pháp đến cuối cùng kiến tánh thành Phật, chấm dứt nguồn gốc sinh mạng, không còn sanh tử luân hồi. Chẳng phải có sinh mạng mới có sự tồn tại, vì sự tồn tại của sinh mạng không chơn thật. Tồn tại chơn thật chỉ có tự tánh của mình, khắp không gian, thời gian.

599. HỎI: Tại sao ăn chay có thể dùng trứng gà?

  • ØĐÁP: Sở dĩ ăn chay là vì muốn tránh sự sát sanh, dùng loại trứng gà không trống là không sát sanh. Con gà khi có trứng bắt buộc phải đẻ ra, mà trong trứng không có trống thì chẳng thể ấp ra gà con, hễ không ai ăn, trứng cũng sẽ hư. Người ăn chay nếu dùng sữa bò tươi hoặc mật ong thì không bằng dùng trứng gà không trống. Tại sao? Vì sữa bò là lương thực của bò con, mật ong là lương thực của ong con, chúng ta dùng những thứ đó tức giành đi khẩu phần của chúng, còn ăn trứng gà thì không bị dính mắc vào nhân quả.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch