Thiền học
Duy Lực Ngữ Lục
03/09/2015 11:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Mục lục
Xem toàn bộ

380. HỎI: Thượng Tọa ngồi đây thuyết pháp là có trụ và có cầu không?

  • Ø ĐÁP: Do có ngã, chưa tin tự tâm, cho là có ta năng đắc, có pháp sở đắc, có sở cầu cũng thế. Tôi thuyết pháp đâu có cái gọi là “Phật Pháp” mà tôi thuyết? Kinh Kim Cang nói: “Nếu ai nói Như Lai có thuyết pháp là phỉ báng Phật”, vì đâu có pháp nhất định để thuyết? Đã nói tự tánh chẳng năng sở, làm sao có ta là năng thuyết, quý vị là sở nghe? Cho nên, cứ đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, làm sao còn năng sở đối đãi? Lại, khi một niệm chưa khởi mới là thoại đầu, nay khởi niệm này niệm kia, thì làm sao có thể đến thoại đầu được?

381. HỎI: Các pháp môn khác đều có khẩu quyết tương truyền, còn Tổ Sư Thiền thì sao?

  • Ø ĐÁP: Nếu có khẩu quyết tương truyền là tà ma ngoại đạo, chớ nói là Tổ Sư Thiền, các pháp môn khác thuộc về Chánh pháp đều không có khẩu quyết tương truyền. Tổ Sư Thiền mặc dù nói truyền tâm ấn, nhưng không phải có truyền, chỉ là trò đã ngộ rồi, thầy ấn chứng cho sự ngộ, gọi là truyền. Tâm khắp mọi nơi,  đâu phải vật để truyền? Cũng như nói kiến tánh, đâu phải có cái tánh để kiến?

382. HỎI: Người đời thường nói “Tâm tịnh thì Phật độ tịnh”, thế mà Lục Tổ lại nói “Trụ tâm quán tịnh là bệnh, chẳng phải thiền”. Vậy làm thế nào cho tâm được tịnh mà không phải bệnh?

  • Ø ĐÁP: Tịnh là trong sạch, bản thể Phật tánh của mình vốn trong sạch chẳng ô nhiễm, tịnh đó đã sẵn, làm sao còn muốn thêm cái tịnh nữa? ấy là cấu bẩn rồi! Tâm vốn vô hình tướng, một niệm cũng chẳng có, luôn cả cái “Chẳng có” cũng không, mới là thật trong sạch của Phật tánh. Nay khi không nổi lên một niệm quán tịnh, có năng quán sở quán, cho năng quán là tâm, sở quán là tịnh, thì sở quán là bụi trần, đã dính dơ cái tịnh rồi.

Cho nên, khởi tâm quán tịnh là bệnh, chúng ta chỉ là phát hiện cái tịnh của bản thể, chứ không phải lấy cái tâm làm năng quán, để quán cái tịnh.

Tăng hỏi: Tu đến đầu sào trăm thước, bước qua một bước là kiến tánh. Kiến tánh không còn đối đãi thì sự tu chứng đó ai biết?

ĐÁP: Nay vì phải dùng lời nói diễn tả, nên nói như thế, đến chỗ chẳng thể dùng lời nói diễn tả thì làm sao có sự tu chứng?. Nếu còn tu chứng tức chưa kiến tánh triệt để. Cho nên Phật nói: “Thuyết pháp bốn mươi chín năm chưa từng thuyết một chữ”, lại nói: “Nếu ai nói Phật có thuyết pháp là người ấy phỉ báng Phật”.

383. HỎI: Nếu không diễn tả được, có thể chỉ ra được 
không?

  • Ø ĐÁP: Bây giờ đem việc trước mắt chứng tỏ: Cái bình này là sở thấy, rồi năng thấy của Sư đâu? Sư có chỉ ra được không? Việc thế gian còn như thế, huống là tự tánh vô hình vô tướng? Tất cả sở thấy sở nghe trước mắt đều là việc trong chiêm bao, có năng sở là tướng bệnh, chúng ta chẳng thể dùng tướng bệnh để trị bệnh. Thế thì làm sao để chứng tỏ cái chẳng bệnh? chỉ có đi đến chỗ tự ngộ mới được.

384. HỎI: Vậy là có chỗ đến rồi?

  • Ø ĐÁP: Nếu có chỗ đến là nhị, không có lời nói nào để chặn đứng lại ý thức phân biệt, hễ đuổi theo lời nói thì tận kiếp này sang kiếp khác cũng chẳng dứt. Theo kiến giải của Sư cho là lời nói có nghĩa thật, vậy Phật Thích Ca nói “Phàm là lời nói đều chẳng có nghĩa thật” là sai ư?

385. HỎI: Lời nói của Phật có nghĩa thật cũng có nghĩa giả; nghĩa giả là có đối đãi, còn nghĩa thật thì không đối đãi. Nếu chẳng có thật có giả, tu để làm gì?

  • Ø ĐÁP: Bây giờ sư lại chấp giả là thật giả rồi. Kinh Kim Cang nói “Phi thật phi hư” là vì Phật sợ người chấp thật nên nói phi thật, sợ người chấp giả nên nói phi giả. Nói giả là để hiển thật, dùng thật để hiển giả. Sư phải hiểu thấu tứ cú mới không đuổi theo lời nói, nếu cứ muốn dùng lời nói để chấm dứt lời nói, tức dùng bệnh trị bệnh, chỉ khiến tướng bệnh kéo dài, không thể hiện ra tướng mạnh.

Bản thể không phải là thật hay giả, thật và giả là tương đối, Sư đưa ra câu hỏi như thế đã là sai, câu hỏi không đúng thì trả lời cũng không đúng. Còn hỏi về tự tánh thì không thể diễn tả được, chúng sanh phải tự ngộ tự biết, cho nên, Đức Phật gặp trường hợp này là không trả lời.

386. HỎI: Vậy sao Duy Ma Cật nói “Lời nói cũng là giải thoát”?

  • Ø ĐÁP: Lúc Phật mới thành đạo, tự nhốt mình trong phòng hai mươi mốt ngày, không định ra thuyết pháp, sợ người chấp vào lời nói của ngài như sư vậy, vì lợi thì ít mà hại thì nhiều. Nhưng nếu không thuyết pháp thì chúng sanh làm sao được giải thoát? nghĩ rằng quá khứ chư Phật phải dùng phương tiện; chẳng có Tam thừa nói có Tam thừa, chẳng có Phật nói có Phật. Bây giờ nói “Chẳng có” cũng không đúng, vì đó là lời nói thế gian. Sư phải hiểu tại sao lìa tứ cú? Phải có sự ngộ, ngộ rồi tự biết.

387. HỎI: Có thể dùng âm thanh lời nói để tỏ bày tự tánh không?

  • Ø ĐÁP: Nay sư lại chấp có âm thanh để nghe, gọi là chơn nghe. Kinh Kim Cang nói:

“Nếu dùng sắc thấy ta,

Dùng âm thanh cầu ta,

Là người hành tà đạo,

Chẳng được thấy Như Lai”.

Do đó chẳng thể dùng sắc tướng, âm thanh để kiến tánh, để thấy Như Lai được, vì đó là do lục căn tiếp xúc lục trần, sanh ra lục thức, là bệnh, làm sao tỏ bày?

Có công án về Tu Bồ Đề tỉnh tọa trong hang, Đế Thích đến tán hoa cúng dường, nói:

- Tôn giả khéo thuyết Bát-nhã.

Tu Bồ Đề nói: “Tôi có thuyết đâu?”

ĐÁP: Tôn giả không thuyết, con cũng không nghe; không thuyết là chơn thuyết, không nghe là chơn nghe”.

Việc này phải tự ngộ mới được.

388. HỎI: Ngay từ đầu con đã hỏi Thượng tọa “Người vượt qua đầu sào trăm thước đó là ai”, rất tiếc Thượng Tọa không vượt khỏi.

  • Ø ĐÁP: Tên chẳng phải là thật, thật chẳng phải là tên, nếu dùng tên để tìm thật là sai. Thí dụ chỉ là thí dụ, chẳng thể dùng thí dụ để tỏ cái chơn thật. Nay dùng “Đầu sào trăm thước” để thí dụ cái chơn thật là phải tự ngộ, làm sao có thể dùng thí dụ để vượt khỏi? Hễ có cái có thể phóng qua, vượt khỏi ấy là sai, là nhị.

Lời tôi nói là muốn quý vị chấm dứt sự tìm hiểu, tất cả tinh thần hướng vào câu thoại đầu tham đến kiến tánh, chứ không phải để hiểu theo nghĩa lý cao siêu rồi khoe tài với người khác, chứng tỏ mình có kiến giải cao hơn. Làm sao có kiến giải cao thấp? Làm sao có gì để vượt qua? Làm sao có gì để thí dụ?

Thí dụ, lời nói là bất đắc dĩ. Lời nói của Chư Phật chư Tổ chỉ là phương tiện tạm thời đối với đương cơ để phá chấp thôi, tìm hiểu về lời nói của Phật còn là chướng ngại cho sự kiến tánh, huống là lời nói của tôi?  Khi có bệnh mới cần đến thuốc, nhưng bệnh đã là bệnh giả thì thuốc cũng là thuốc giả, khi hết bệnh thuốc cũng bỏ, đâu cần vượt qua? Nếu không bệnh, đâu cần thuốc? Hễ chấp thuốc cũng thành bệnh vậy! nên nói “Có bệnh không uống thuốc là ngu si, không có bệnh uống thuốc là điên cuồng”.

Sư phụ kể về ông sư ở Chùa Từ Ân để cảnh sách đại chúng:

Vừa qua, Chùa Từ Ân có một vị sư mới tịch, vị này đã xuất gia hơn ba mươi năm, phát bệnh từ một năm nay, vẫn ăn được, ngủ được, thỉnh thoảng nói chuyện được nhưng không còn biết gì cả, người cũng không biết, đi tiểu đi tiêu cũng không biết. Con người không biết gì đó vẫn còn nằm trên giường, rồi con người biết trước đó đi đâu? Chẳng lẽ một người thành hai, có cái biết cái không biết? Ông sư dù còn sống, nhưng khác gì con heo ăn tại chỗ rồi tiêu tiểu tại chỗ! Người sống với người chết không khác, con người và súc vật cũng không khác. 

Đây là một sự cảnh cáo: Chúng ta bây giờ làm con người, chưa đến mức như ông sư đó, phải giải quyết vấn đề chính của mình, trước khi biến thành con heo. Chớ cứ ham cầu cảnh vật bên ngoài, đuổi theo cảnh vật bên ngoài. Người thế gian không biết còn có thể nói, chúng ta là bậc tu sĩ, chính là có trách nhiệm tự giải thoát rồi giải thoát cho chúng sanh, nếu còn chạy theo danh lợi địa vị như người thế gian, sau này xuống địa ngục xong, còn phải đầu thai thành trâu ngựa trả nợ thí chủ.

Thiện tín cúng dường, là muốn chúng ta có đầy đủ thời gian để tu giải thoát, độ chúng sanh, ấy là bổn phận của người tu sĩ, dù kiếp này chưa giải thoát, kiếp sau sẽ tiếp tục. Nay bỏ bổn phận của mình, đi theo học những cái ở ngoài đời, tức hao tiền bố thí của thí chủ, sau này phải trả nợ. Chớ có tưởng là sớm chiều có tụng Kinh là đủ trả nợ, nay cứ cho sáng chiều tụng Kinh là việc thiện, ấy chỉ được phước quả, còn hư tiêu tín thí là tạo nhân địa ngục, nhân quả chẳng thể bù trừ, đâu thể lấy thiện nhân để trừ ác quả!

Kỳ này, nhân sự tịch của vị sư ở chùa, tôi đem ra cùng cảnh tỉnh với tất cả tu sĩ và cư sĩ tại gia, hãy xem đó như là một lời cảnh cáo đối với chúng ta.

389. HỎI: Sau những giờ ngồi hương đi hương, khi dùng cơm hoặc sau giờ đó, hành giả tham thiền có thể được trò chuyện nhiều hay không? phải làm thế nào cho thời gian vào sự tu được nhiều lợi lạc cho tự mình? Cũng như Sư phụ nói phải tha thiết sanh tử của chính mình?

  • Ø ĐÁP: Nếu là người chơn tu, tha thiết sự sanh tử của mình thì suốt ngày chỉ  lo đề câu thoại đầu tham tới mãi, đâu có thời gian trò chuyện? Không những trong Thiền thất, bất cứ chỗ nào cũng vậy. Chuyện ở ngoài đời, của người này người kia, đâu có dính dáng đến sanh tử của mình? Càng ít nói càng tốt. Theo quy củ của Thiền đường thì suốt ngày chỉ lo tu, đâu có thì giờ đi nói chuyện? Bây giờ đang tập tham, phải bớt dần, chớ để cho người khác phải can thiệp.

390. HỎI: Trong Bửu Tạng Luận nói “LY là dung, VI là dùng, dung thì bao gồm tất cả cấu bẩn, dùng cho nên diệu dụng vô cùng”. Tự tánh vốn trong sạch, tại sao lại bao gồm tất cả cấu bẩn?

  • Ø ĐÁP: Vì chúng sanh có bệnh chấp thật, nên thành có cấu bẩn; do có cấu bẩn, nên nói có sự trong sạch. Nói “Trong sạch” là thuốc để trị cấu bẩn, hễ chẳng có cấu bẩn thì thanh tịnh trong sạch cũng không, nói “Tự tánh vốn trong sạch” cũng vậy, là đối trị với cấu bẩn. Người đã kiến tánh triệt để thì chẳng có cấu bẩn, cũng chẳng có thanh tịnh, nên Tâm Kinh nói “Bất cấu bất tịnh”, vì đó là đối đãi, là nhị, chứ không phải hết cấu bẩn rồi mới được trong sạch. Nếu hết cấu bẩn rồi còn trong sạch tức còn bệnh.

Nói “Tự tánh vốn trong sạch” là đối trị với cấu bẩn; “Tự tánh vốn vô trụ” là đối trị với có sở trụ, “Tự tánh bất nhị” là đối trị với sự chấp thật số lượng có hai, ba, đến muôn ngàn, vô số…

Nếu như không có năng sở tương đối thì chẳng có lời nói để nói, tâm suy nghĩ chẳng thể đến, vì chính cái tâm suy nghĩ đã là bệnh. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật phá sự chấp của A-nan cho sự suy nghĩ là tâm.

Tâm suy nghĩ là vọng, chẳng phải chơn tâm, nhưng nay người nào cũng cho cái biết suy nghĩ đó là tâm. Cũng chớ có nghe tôi nói vậy mà chấp sự suy nghĩ chẳng phải tâm, ấy còn sai lầm hơn, vì đều là lọt vào tứ cú, lọt vào tương đối. Nay muốn đến chỗ “Chẳng lọt vào tứ cú tương đối”, phải tự ngộ, ngoài ra dẫu cho sự chứng ngộ chẳng thể đến được, cũng như muốn no phải tự ăn, chẳng thể nhờ người khác ăn no giùm.

391. HỎI: Lục Tổ nói: “Ly đạo biệt mích đạo, chung thân bất kiến đạo, ba ba độ nhứt sanh, đáo đầu huờn tự não”, vậy thế nào là ly đạo và nhập đạo?

  • Ø ĐÁP: Tham Tổ Sư Thiền thì Tổ Sư Thiền là đạo, nay đã biết cách tham, cứ đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, tức đã hành đạo rồi, nếu còn đi tìm hiểu đạo là ly đạo, cho đến tìm hiểu câu thoại đầu cũng là ly đạo, vậy thì suốt đời chẳng thấy đạo.

392. HỎI: Chữ ĐẠO đây có phải biệt danh của tự tánh không?

  • Ø ĐÁP: Nghĩa chữ “Đạo” rất rộng, có nghĩa là đường đi, đường lối, như người tu hành gọi là “Hành đạo”, nói là biệt danh của tự tánh cũng được, vì tự tánh bất nhị, tất cả đều thuộc về sự dụng của tự tánh. Nhưng vì tâm chúng sanh hay chấp thật, nên có muôn ngàn sai biệt.

393. HỎI: Tổ Sư nào sáng lập ra chín chữ  “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”?

  • Ø ĐÁP: Nói là Tổ Sư sáng lập ra thì không bằng nói là chư Phật, vì pháp môn Tổ Sư Thiền là do Phật Thích Ca thân truyền, còn pháp môn khác là do Tổ Sư sáng lập. Kinh Duy Ma Cật nói: “Nếu cầu pháp là phải vô sở cầu”, Kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc”, tức vô sở đắc. Kinh Phổ Môn nói: “Thí cho chúng sanh vô úy”, Vô Úy tức vô sở sợ.

394. HỎI: Làm thế nào dứt được chữ “ÁI” của thế gian để giải thoát?

  • Ø ĐÁP: Hành giả tham thiền, ai cũng nói là thống thiết vì sanh tử, không tham cầu danh vọng thế gian, cũng quên mình được, nhưng chẳng thể quên con cái gia đình. Thấy con cái không vui đã lo rồi, thấy con không muốn ăn đã lo rồi … vậy làm sao nói là thống thiết vì sanh tử? Sự thật thì việc này rất khó bỏ, mà có ý bỏ cũng không được, cứ đề câu thoại đầu tham tới mãi, ngoài ra không biết tới.

395. HỎI: Tại sao trong Bửu Tạng Luận nói: “Quyền trí và thật trí đều là tà”?

  • Ø ĐÁP: Tất cả lời nói chỉ là phương tiện tạm thời, nói “Quyền trí và thật trí” chỉ muốn giải thích cho chúng sanh biết để thêm lòng tin, hễ chấp thật có quyền trí hay thật trí thì thành tà. Tất cả lời nói của Phật đều là phá chấp thật, do đó tôi thường bảo là phải chấm dứt sự tìm hiểu, sở dĩ tôi cho ra các sách chỉ là tăng cường lòng tin cho mọi người. Nếu lòng tin đầy đủ đối với tự tánh của mình bằng như chư Phật, thì đâu cần tìm hiểu gì nữa? Có bệnh mới cần thuốc, lòng tin đã vững chắc rồi đâu cần xem sách làm gì!

396. HỎI: Thế nào là đủ duyên không hành là bệnh, và không đủ duyên mà hành cũng là bệnh?

  • Ø ĐÁP: Đã nói “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, đối với tất cả vạn sự vạn vật đều không dính mắc, chỉ là duyên đến thì làm, duyên đi thì thôi. Chẳng cho là “Cần phải làm” hay “Không cần phải làm”, lúc làm chẳng biết là mình làm, lúc không gặp duyên thì không làm, cũng chẳng biết là không có làm, tức vô sở trụ. Nếu chấp có cái cần và cái không cần làm là có tác ý, có sở trụ, chẳng phải tùy duyên.

* Lời cảnh sách Ni chúng Chùa Thiền Đức:

Hôm nay tôi đến đây là để giải đáp thắc mắc, cũng vì muốn mọi người tin tự tâm. Các cô không ai đề xuất câu hỏi, tức tin tự tâm đầy đủ, hễ không có hỏi thì không có đáp. Tất cả Kinh Đại thừa liễu nghĩa đều do vấn đáp mà thành Kinh.

Nếu tin tự tâm đầy đủ thì tâm mình và tâm Phật chẳng khác, chẳng thua kém thiếu xót chút nào. Nhưng sự dụng của chư Phật được tận dụng, còn chúng ta do bị vọng tâm che khuất, chưa được phát huy, chỉ có thể gọi là tiềm năng.

Các cô nếu thật tin tự tâm thì tôi mừng cho, nếu không, cũng như đa số các chùa khác, không chú trọng phần thực hành, chỉ muốn học rộng nghe nhiều, chẳng những không tin tự tâm, còn e sợ bị người chê là học ít, ngoài Kinh sách ra, cố học thêm của xã hội bên ngoài. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật quở A-nan là: “Ngươi chỉ học rộng nghe nhiều, ghi nhớ nhiều kiếp, không bằng một ngày tu đạo”. Đa số như vậy nay đã trở thành truyền thống, chỉ hướng về sự học chứ không chú trọng sự tu, còn chê cười người chơn tu là dốt nát không chịu học.

Lại, học Kinh chưa hiểu ý Kinh, học giới luật cũng không biết giới luật, chỉ hướng ngoại tìm cầu, để người đời cho là có trí thức, chẳng phải dốt nát, mà chẳng biết bậc tu sĩ xuất gia phải có bổn phận tự giác giác tha.

Thật ra, trong hành giả tham thiền hiện nay, nhiều người không học kinh điển mà thông suốt giáo lý, không học giới luật lại thấu hiểu giới luật, vì thực tế có hành có tu, tự tánh vốn bằng chư Phật, đâu phải lấy từ bên ngoài!

Do không tin chính mình nên tìm kiếm bên ngoài, tìm trong Kinh điển. Chính ở trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật nói: “Phàm là lời nói đều chẳng có nghĩa thật”, Kinh Lăng Già nói: “Lời nói của ta cũng là vọng tưởng”, “Chẳng có Phật Niết-bàn, chẳng có Niết-bàn Phật”, vậy thì đi đâu tìm? Kỳ thật, chư Phật chư Tổ là muốn chúng ta tự ngộ bản tâm bằng như chư Phật, nếu tìm ở ngoài thì càng xa với Phật.

Bài kệ trong Kinh Hoa Nghiêm:

“Nhược nhơn dục liễu tri,

Tam thế nhất thiết Phật,

Ưng quán Pháp giới tánh,

Nhất thiết duy tâm tạo”

Bài kệ nhật tụng này ai cũng biết, mỗi ngày tụng ít nhất một lần, biết là “Nhất thiết duy tâm tạo” nhưng không tin. Tụng Kinh mà không tin Kinh, vậy tụng để làm gì?

Nếu như không tin tự tâm, chớ nói là không có tu, dẫu cho siêng năng tu tập, cũng chẳng thể kiến tánh thành Phật. Tất cả Kinh Đại thừa liễu nghĩa đều nói là phải phá ngã chấp, chấm dứt sự tìm cầu bên ngoài để được chứng ngộ tự tâm. Lời của Phật ghi trong Kinh, là muốn chúng ta tụng để hiểu ý, sau đó y theo thực hành. Nếu chỉ tụng suông, có khác gì con két học nói tiếng người? Có ý nghĩa gì? Chớ nói là hư tiêu tín thí, tạo tội địa ngục, dù cho không hư tiêu tín thí, đâu có lợi ích gì?

Theo sự yết ma của Phật là mỗi nửa tháng phải Bố tát. Nay sự Bố tát vẫn duy trì, nhưng nghĩa Bố tát đã không còn, chỉ là tụng giới mà thôi. Bố tát gồm: Tụng giới, truyền giới, tự kiểm điểm … Vào thời Phật, ngoài việc tụng giới, chủ yếu là phải tự kiểm thảo, còn truyền giới thì bao gồm giới Sa-di, giới Thức Xoa, giới Tỳ-kheo v.v… vì nghĩa “Bố tát” rất rộng, nên giữ nguyên từ này không có dịch ra.

Cho nên tôi nói, học Kinh thì không hiểu Kinh, học giới thì không biết giới luật, phải uổng công không? Tôi là người không có học qua kinh điển giáo lý, nhất là thuyết pháp bằng tiếng Việt, lúc đầu tôi nói, văn phạm, danh từ cũng không có, nói không đúng chính tả, nói ra là người ta cười. Bất cứ ai hỏi pháp, tôi đều trả lời không qua suy nghĩ. Nếu tôi học theo giáo lý, là tôi không thể thông suốt kinh điển được. Mặc dù tôi nói như thế, nhưng nhiều người vẫn không tin, cứ cho không học là dốt nát, mà chẳng biết trong lịch sử Thiền tông, nhiều vị Tổ Sư đều là người dốt nát, như ngài Lục Tổ là người không có học, không biết đến một chữ, khi kiến tánh rồi ra hoằng pháp, nói giáo lý nào cũng thông suốt. Sở dĩ dốt nát là vì không có sự chơn tu, do đó, tôi thường khuyên mọi người phải tin tự tâm.

397. HỎI: Biết như thế nào là chơn chánh? Và thế nào là vọng tưởng?

  • Ø ĐÁP: Do lục căn bao gồm kiến, văn, giác, tri, nay nhiều người học giáo lý hay chấp vào sự tri và bất tri. Đức Phật giải thích trong quyển hai của Kinh Lăng Nghiêm: “Kiến, văn, giác, tri là bệnh đã thành từ vô thỉ”, xong có một đoạn lại nói: “Kiến, văn, giác, tri vốn là Như Lai Tạng”. Vậy làm thế nào phân biệt kiến, văn, giác, tri nào là bệnh, kiến, văn, giác, tri nào là tự tánh?

Bản tri của tự tánh vốn không sanh diệt, còn vọng tri là có sanh diệt, chẳng những tri là vọng, bất tri cũng là vọng. Tại sao? Vì có sanh diệt, lúc biết là sanh, lúc không biết là diệt, ấy là nhị, là tương đối, là bệnh đã thành từ vô thỉ. Bản tri không sanh diệt, nên không nói là biết hay không biết.

Một trong mười Phật hiệu là Chánh Biến Tri, sao gọi Chánh Biến Tri? Chánh là đúng với thực tế, Biến là phổ biến khắp nơi, khắp không gian thời gian: Khắp không gian thì chẳng có chỗ biết chỗ không biết, khắp thời gian thì chẳng có sự bắt đầu và cuối cùng, tức không sanh diệt đối đãi, ấy mới là cái tri của tự tánh, khác hơn cái tri của vọng.

Việc này phải tự ngộ mới được, chẳng thể dùng lời nói tỏ bày, nên gọi sự giác ngộ này là “Vô Thượng Giác” do chẳng có gì cao hơn, là “Diệu Giác” vì bất khả tư nghì.

398. HỎI: Làm sao phân biệt chánh tông và tà tông?

  • Ø ĐÁP: Chấp thật là tà, phá chấp thật là chánh; nay vì muốn phân biệt tà chánh, nói “Không đúng cái chánh gọi là tà”, thật ra, nếu nói triệt để thì chánh cũng không còn. Trong phần phụ lục của Yếu chỉ Kinh Pháp Hoa có ghi chú về vấn đề này. Lại, trong Kinh Pháp Bảo Đàn có nói đến 62 kiến chấp, tất cả tư tưởng thế gian và ngoại đạo đều không ra ngoài 62 kiến chấp. 62 kiến chấp lấy gì làm gốc? Là CÓ với KHÔNG. Hễ lọt vào tứ cú x ngũ uẩn = 20.

         20 x quá khứ, hiện tại, vị lai = 60

         60 + Có + Không = 62 kiến chấp.

Bất cứ chấp có là thật có, chấp không là thật không v.v… đều là tà tông, bất cứ kiến lập tri kiến nào đều là tà tông. Ví như nói “Tri kiến Phật”: phá hết tất cả tri kiến, gọi là tri kiến Phật, hễ chấp thật có tri kiến Phật thì tri kiến đó cũng gọi là tà tông.

Đối với tất cả pháp đều chẳng dính dáng, luôn cả cái “Không dính dáng” đó cũng không còn, mới là đúng với tự tánh, chỗ này lời nói, suy nghĩ chẳng thể đến được, cần phải tự chứng ngộ. Nếu dùng ý thức suy lường, đều là lọt vào tà tông.

Cho nên, Lục Tổ nói: “Nay ta gượng nói ra, khiến ngươi bỏ tà kiến, chớ chấp theo lời nói, mới cho biết ít phần”. Hễ hiểu theo lời nói của Ngài cũng là tà tông.

399. HỎI: Trong Kinh Viên Giác nói: “Chúng sanh bản lai là Phật, chỉ vì vọng tưởng điên đảo nên trở thành chúng sanh”, phải vậy không?

  • Ø ĐÁP: Hễ chúng sanh vốn là Phật thì không thể trở thành chúng sanh, hễ chúng sanh vốn là chúng sanh thì tu thế nào cũng chẳng thể thành Phật. Nói “Vốn là Phật” cũng không đúng, nói “Vốn là chúng sanh” cũng không đúng, tự tánh vốn vô hình tướng, không thể nói được.

Bây giờ nói theo việc thế gian: Hãy nhìn cây dừa kia; một người thì chấp rằng “Cây dừa có trước”, người kia lại cho rằng “Trái dừa có trước”, vậy ai đúng ai sai? Ông thử nghĩ xem!

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch