THIỆN HỮU VÀ ÁC HỮU
Thuở xưa, tại thành Ba-la-nại (Bénarès) có một vị vua rất nhân từ,
thường noi theo đạo từ bi để trị nước và giáo hóa dân chúng. Ngài rất
công minh, không bao giờ có sự thiên vị với bất cứ ai. Ngài cai trị hơn
60 nước chư hầu gồm hơn tám mươi quận, có trong tay hàng trăm thớt voi.
Trong nội cung của ngài có đến hai chục ngàn cung phi mỹ nữ. Nhưng thật
không may là ngài vẫn chưa có con nối dõi.
Ngài hằng cầu nguyện trời Phật thánh thần, xin cho có được một mụn con
để nối dòng. Mười hai năm sau, hoàng hậu thọ thai, rồi bà thứ phi cũng
cùng lúc thọ thai. Vua lấy làm vui mừng, tự mình chăm sóc cho hai bà rất
thận trọng, tự tay lo từng miếng ăn, thức uống, cho đến lúc nằm khi
nghỉ, vua cũng đích thân lo giường nệm cho.
Đến kỳ nở nhụy khai hoa, hoàng hậu sinh ra một bé trai kháu khỉnh, xinh
đẹp, toàn hảo đến mức không chê vào đâu được. Rồi bà thứ phi liền đó
cũng sinh được một hoàng nam. Vua hết sức vui mừng, liền triệu tập triều
thần và cung thỉnh nhiều vị thầy danh tiếng ở khắp nơi về dự đoán số
mệnh cho hai con.
Khi nhà vua bế vị thái tử do hoàng hậu sinh ra trao cho các thầy
Bà-la-môn để đặt tên, các thầy hỏi rằng: “Lúc thọ thai hoàng tử và khi
sinh ra có điềm lạ gì chăng?”
Những người hầu đáp rằng: “Lúc trước hoàng hậu tánh tình hay tham ác,
ganh ghét và kiêu ngạo. Từ khi thọ thai hoàng tử, tánh tình bà bỗng hoá
ra khoan dung rộng rãi, thuần lương hiền hậu, nét mặt luôn tươi vui,
suốt ngày cười nói, lại thường quan tâm thăm hỏi người khác, nói năng
ngọt ngào và lấy lòng từ tâm mà đối xử với tất cả mọi người.”
Các thầy Bà-la-môn liền nói: “Đó là do thiện nghiệp của thái tử mà hoàng
hậu được trở nên hiền lành.” Họ liền đặt tên cho thái tử là Thiện Hữu,
nghĩa là người bạn hiền.
Kế đến, khi xem tướng cho hoàng tử con bà thứ phi, các thầy cũng hỏi
rằng: “Lúc mang thai và khi sinh hoàng tử ra, có điềm gì lạ chăng?”
Những người hầu đáp rằng: “Lúc trước, hoàng hậu tánh tình khoan dung
rộng rãi, không tham ác, không ganh ghét và không hay kiêu ngạo. Kể từ
khi thọ thai hoàng tử, tánh tình bà bỗng hoá ra không thuần lương hiền
hậu chút nào. Bà nói ra những lời cộc cằn dữ tợn và hay ganh ghét oán
giận người khác.”
Các thầy Bà-la-môn liền nói: “Đó là do ác nghiệp của đứa trẻ này mà
khiến cho bà mẹ trở nên hung ác.” Họ liền đặt tên là Ác Hữu, nghĩa là
người bạn dữ.
Hai trẻ được nuôi nấng và chăm sóc như nhau cho đến năm lên mười bốn tuổi.
Thiện Hữu thông minh hiền lành, thường hay bố thí cho người. Vua và
hoàng hậu rất thương yêu, trân quý như tai, mắt của mình. Còn Ác Hữu thì
tánh tình hung tợn. Vua và hoàng hậu không mấy hài lòng nên tình thương
có phần nhợt nhạt. Ác Hữu ganh ghét với anh mình, thuờng tìm cách làm
hại, quấy phá luôn. Tuy là em mà chẳng chịu nghe lời anh, lại thường đối
nghịch, cãi lại.
Một hôm, thái tử Thiện Hữu cùng tùy tùng ra chơi bên ngoài thành. Vừa
lúc đi ngang một cánh đồng, ngài nhìn quanh thấy những nông dân đang cày
ruộng, khi đất bị xới tung lên thì các loài trùng phơi mình ra. Liền
đó, chim quạ bay tới mổ lấy trùng và ăn mất. Thái tử thấy cảnh ấy, lấy
làm cảm động và đau lòng. Từ nhỏ, lớn lên trong cung vàng điện ngọc,
ngài đã có bao giờ nhìn thấy chuyện ấy đâu!
Thái tử liền hỏi người hầu: “Vì sao người ta lại cày đất để cho loài vật
ăn hại lẫn nhau như vậy?” Người hầu đáp: “Tâu điện hạ, đất nước của
ngài mà vững được, ấy là nhờ dân. Dân mà sống được, là nhờ có miếng ăn.
Muốn có miếng ăn, phải nhờ việc cày bừa trồng ngũ cốc. Phải làm thế mới
có thể giữ được cuộc sống.” Thái tử suy nghĩ chuyện ấy rồi than rằng:
“Đau đớn thay! Đau đớn thay!”
Lại đi tiếp một quãng xa, ngài gặp nhiều người đàn ông và đàn bà đang
cùng nhau kéo chỉ quay tơ. Họ đi qua đi lại, tay chân cử động nặng nề
coi bộ rất mệt mỏi. Thiện Hữu hỏi rằng: “Những người ấy làm việc gì
vậy?” Người hầu trả lời: “Tâu điện hạ, họ đang kéo chỉ và quay tơ để làm
ra những áo quần dùng mặc ấm và che thân.” Thái tử than rằng: “Việc làm
cực khổ, mệt nhọc thay!”
Ngài lại đi xa hơn nữa, thấy một chỗ lò mổ thịt, người ta đang giết bò,
lạc đà, ngựa, heo và cừu. Ngài hỏi: “Những người ấy là ai?” Người hầu
đáp: “Những người ấy giết thịt thú vật, đem bán để lấy tiền sinh sống.”
Thái tử nghe qua rùng mình và nói: “Thật kỳ lạ thay! Thật đau đớn thay!
Những người ấy thật là hung dữ, ỷ sức mạnh để làm hại kẻ yếu. Nếu người
ta giết những sanh mạng này để nuôi dưỡng sinh mạng kia thì tội ác ấy sẽ
chất chồng muôn kiếp.”
Rồi ngài đi xa hơn nữa, gặp những người đang thả lưới bắt chim, một số
khác đang câu cá. Họ dùng sự khôn ngoan của mình để giết hại những sanh
mạng không có thù oán gì với họ. Thái tử lại hỏi: “Những người ấy là ai
và họ làm gì đó?” Người hầu đáp: “Tâu điện hạ, họ đang dùng lưới bắt
chim và dùng lưỡi câu để bắt cá. Họ làm nghề ấy để nuôi sống bản thân và
gia đình.” Thái tử nghe qua như vậy thì giọt nước mắt từ bi chảy tràn
trên mặt. Ngài nghĩ rằng: “Trong trần thế biết bao nhiêu người làm đủ
các nghiệp ác, tội lỗi không sao kể xiết!” Ngài lấy làm khổ tâm, không
còn vui thú việc rong chơi nữa, liền bảo quay xe trở về cung.
Thấy ngài trở về, vua cha hỏi: “Này con, tại sao con đi chơi về mà lại
ưu sầu như thế?” Thiện Hữu đem những việc đã gặp mà thuật lại với cha.
Vua nghe xong, phán rằng: “Những điều con gặp đó là tất nhiên phải có
trong cuộc sống này, sao con lại lấy thế làm buồn?”
Thái tử nói: “Tâu phụ vương, con muốn xin một điều, không biết phụ vương
có thuận cho chăng?” Vua đáp: “Ta yêu con hơn hết thảy mọi thứ trên thế
gian này, lẽ nào ta lại tiếc với con điều gì?” Thái tử liền nói: “Con
muốn được phụ vương ban cho những của báu trong kho, với những đồ ăn
thức uống để bố thí cho bá tánh.” Vua nói: “Được, ta thuận cho con điều
ấy.”
Thái tử Thiện Hữu liền sai quân mở kho báu, lấy vàng bạc và của quí chở
trên năm trăm thớt voi mang ra bên ngoài bốn cửa thành, truyền rao khắp
nước rằng, ai muốn có áo quần và vật thực thì cứ tự do đến lấy về dùng.
Khắp nơi trong nước, người ta nhanh chóng truyền cho nhau hay về sự nhân
từ của thái tử. Bá tánh kéo về đông nghẹt cả bốn cửa thành. Và chẳng
bao lâu đã phân phát hết một phần ba của cải trong kho. Các quan coi kho
vào tâu với vua rằng: “Tâu thánh thượng, điện hạ đã ban phát hết một
phần ba của cải trong kho rồi. Xin thánh thượng xét lại.” Vua đáp: “Đó
là việc làm của thái tử, trẫm làm thế nào mà ngăn cấm được?”
Các quan coi kho nghĩ rằng: “Nước vững mạnh là nhờ có tiền của. Nếu
trong kho hết sạch tiền của, thì đất nước làm sao tồn tại?” Rồi chẳng
bao lâu, họ lại tâu lên vua rằng: “Tâu bệ hạ! Của cải trong kho giờ thái
tử đã cho đi gần hết, chỉ còn có một phần ba mà thôi. Xin bệ hạ xét
lại.” Vua cũng đáp: “Đó là việc làm của thái tử, trẫm làm thế nào mà
ngăn cấm được? Tuy vậy, trẫm cho phép các ngươi được tìm cách khéo léo
để giữ lại, nhưng không ai được nói thẳng với thái tử.”
Các quan giữ kho liền nghĩ cách. Khi thái tử Thiện Hữu muốn mở kho, họ
bàn nhau lánh mặt đi nơi khác. Thái tử đi tìm nhưng không thể gặp được
họ, vì họ đã cố ý lánh mặt. Ngài hiểu ra, liền nghĩ rằng: “Những kẻ thấp
hèn ấy, làm sao lại dám trái ý ta? Có lẽ cha ta đã có lệnh cho họ rồi.
Phận ta là con phải giữ chữ hiếu, nếu cha ta không muốn thì ta cũng
không nên lấy hết tiền của mà bố thí cho dân nghèo. Nay nếu ta không tự
làm ra được tiền của để giúp cho dân nghèo có cơm ăn áo mặc, thì đâu
xứng đáng là hoàng tử con một vị vua danh tiếng nữa.”
Thái tử liền đem việc ấy bàn với các vị quan văn võ trong triều. Có vị
đại thần nhất phẩm tâu rằng: “Trong đời này, muốn được nhiều tiền của,
tốt hơn hết là nên lo việc ruộng nương. Gieo một hạt giống mà thu được
cả chục ngàn hạt lúa. Lợi biết bao!” Thái tử nhớ lại cảnh cày ruộng đã
xem hôm trước, liền nói: “Cách này không được.”
Một quan đại thần khác tâu: “Trong đời này, muốn được nhiều tiền của,
tốt hơn hết là nên chăn nuôi súc vật. Từ một bầy có thể sinh sản ra rất
nhanh, thành hàng chục, hàng trăm bầy, lợi vô cùng.” Thái tử nhớ đến
cảnh giết thịt thú vật, liền nói: “Vì muốn lợi mà làm hại sinh linh,
cách này cũng không được.”
Một ông quan khác tâu: “Trong đời này, muốn được nhiều tiền của, tốt hơn
hết là đi tìm ngọc. May mà tìm được hạt ngọc như ý Ma-ni bảo châu thì
đủ cứu vớt chúng sanh.”
Thái tử phán: “Chỉ có phương pháp ấy là hợp ý ta.”
Ngài liền vào cung tâu với vua cha rằng: “Tâu phụ vương, nay con muốn đi
ra biển tìm châu ngọc. Xin cha cho con đi.” Vua nghe qua sửng sốt,
không nói được lời nào. Lát sau, ngài mới phán với thái tử rằng: “Giang
san này là của con. Các đồ quý trong kho, con cứ lấy dùng bao nhiêu thì
lấy. Sao con lại muốn ra biển cả làm chi? Con là hoàng tử, từ nhỏ đến
lớn ở trong cung vua. Ngủ thì giường êm chăn ấm, ăn thì hải vị sơn hào.
Bây giờ con muốn nhọc nhằn cực khổ trên đường lưu lạc, biết đâu sẽ phải
chịu đói khát lạnh lùng! Vả lại, ngoài biển cả có biết bao nhiêu tai nạn
rủi ro. Có khi bị yêu tinh hại mạng, hoặc gặp loài rắn biển dữ dằn, hay
những loài cá lớn thường ăn thịt người. Lại còn bão tố phong ba chẳng
thể lường trước được. Hiểm nguy nhiều như thế, nên trăm ngàn người đi
chỉ có một hai người về. Vì sao con lại muốn đi ra biển cả? Cha không
thể thuận cho con đi.”
Thiện Hữu liền nằm xuống đất trước mặt cha mà nói rằng: “Nếu cha mẹ
không thuận cho con đi ra biển cả, thì con thà chết nơi đây chứ không
ngồi dậy.”
Vua và hoàng hậu cùng đến dỗ dành, khuyên bảo thái tử, nhưng ngài nói:
“Nếu không được đi ra biển cả để tìm ngọc như ý, tôi nguyện sẽ không ăn
uống gì cả.”
Vua và hoàng hậu đều lấy làm lo buồn, nhưng họ nghĩ không thể nào thuận
theo ý thái tử. Rồi trọn cả ngày hôm ấy, thái tử quyết không ăn uống gì.
Qua ngày sau cũng vậy. Rồi ba ngày, rồi đến sáu ngày cũng vậy. Vua và
hoàng hậu lấy làm lo lắng, sợ thái tử không ngồi dậy được nữa. Đến ngày
thứ bảy, vua và hoàng hậu đến hôn chân tay thái tử và vỗ về khuyên thái
tử ngồi dậy ăn uống. Họ nói rằng: “Thân con sống được là nhờ ăn uống.
Nếu con không ăn uống thì chết đi còn gì?”
Thái từ đáp: “Nếu cha mẹ không chịu nhận lời con, thà con chết nơi đây chứ không ngồi dậy.”
Bấy giờ, hoàng hậu tâu với vua rằng: “Thái tử đã kiên quyết khẩn cầu, lẽ
nào bệ hạ không thuận cho? Lẽ nào bệ hạ lại một mực ngăn cấm? Bệ hạ nỡ
nào để con phải chết tại đây? Xin bệ hạ cho phép con đi ra biển cả, cho
dù hiểm nguy vẫn còn mong có ngày sống sót trở về, còn hơn là để con nằm
chết tại đây.”
Vua nghe như vậy không biết làm cách nào khác, buộc phải nhận theo lời
của thái tử. Thiện Hữu ngồi dậy, lấy làm hớn hở, đến thành kính hôn chân
để tạ ơn cha mẹ đã cho phép mình ra đi.
Vua lại hỏi thái tử: “Con quyết ý ra biển cả để làm gì?” Thái tử đáp:
“Con muốn đi tìm châu ngọc về để đủ bố thí cho chúng sanh.”
Khi ấy, vua truyền lệnh trong khắp nước rằng: “Ai muốn ra biển cả hãy
tìm đến hoàng cung. Người nào có thể đi và về được an toàn thì ban
thưởng áo quần vật thực trong bảy đời và rất nhiều châu ngọc. Trẫm sẽ
cho đóng thuyền lớn để các người cùng đi, vì thái tử Thiện Hữu muốn ra
biển tìm châu ngọc quí báu.”
Khi lệnh truyền ra, có năm trăm người tìm đến và tâu với vua rằng: “Chúng tôi tình nguyện đi theo thái tử.”
Lúc ấy, trong nước Ba-la-nại có một người lái thuyền đã từng nhiều phen
đi biển, thông thạo đường nước, biết rõ đường nào đi được và nơi nào
hiểm nguy phải tránh. Nhưng người ấy đã già đến tám mươi tuổi và hai mắt
đều mờ. Vua ngự giá đến nhà người ấy và nói rằng: “Này lão trượng, trẫm
có một đứa con chưa từng ra khỏi cung điện, nay lại muốn đi ra biển cả.
Trẫm đến để khẩn cầu lão trượng cùng đi với nó.”
Người lái thuyền kinh ngạc than rằng: “Tâu thánh thượng, sự nguy nan khổ
cực ở biển cả biết kể sao cho xiết! Người đi có đến hàng ngàn, hàng vạn
mà người về chỉ có một hai thôi. Sao thánh thượng lại sai thái tử đi
đến nơi nguy hiểm như vậy?”
Vua đáp: “Đó là ý muốn của thái tử. Trẫm vì thương con mà phải nhận theo
lời yêu cầu của nó mà thôi.” Người lái thuyền liền nói: “Nếu như thế
thì tôi xin vâng theo lời thánh thượng.”
Lúc ấy, Thiện Hữu lo sắp đặt cho năm trăm kẻ tuỳ tùng và đưa họ ra ngoài
bờ biển. Người em là Ác Hữu mới nghĩ rằng: “Cha ta xưa nay thương yêu
cưng chiều anh ta lắm. Bây giờ anh ấy sắp ra biển cả để tìm châu ngọc.
May mà anh ấy đi về thành công thì cha ta có còn xem ta ra gì nữa đâu?”
Nghĩ vậy nên chàng đến chỗ cha mẹ, nói rằng mình cũng muốn theo anh ra
ngoài biển cả để tìm châu ngọc. Vua cha và hoàng hậu hỏi vì sao chàng
định đi. Chàng đáp: “Con muốn đi theo anh con, lỡ khi gặp chuyện không
may thì cũng có anh có em, tiếp đỡ nhau cho bớt khổ trong việc đi
đường.” Vua và hoàng hậu tin lời ấy, lấy làm mừng rỡ liền thuận cho Ác
Hữu cùng đi.
Mọi người cùng đi ra bờ biển. Thiện Hữu truyền cho thuyền sắp sẵn chờ
tại bến trong bảy ngày, dùng 7 sợi dây lớn mà buộc neo thuyền vào bờ.
Mỗi ngày, cứ trời vừa hừng sáng, Thiện Hữu lại cho người rao lớn câu
này: “Trong số các người theo ta, ai muốn đi thì im lặng, còn ai có bận
bịu về gia đình thì cứ tự do ra về, chẳng nên vì ta mà ở lại. Vì sao ta
bảo các người như vậy? Vì số người đi biển xưa nay có đến hàng ngàn hàng
vạn, mà số người về chỉ có rất ít thôi.”
Sau mỗi ngày truyền rao như vậy, khi thấy tất cả mọi người trong thuyền
đều im lặng, không ai bước ra về thì cho chặt bớt một sợi dây neo. Đến
ngày thứ bảy, ngài chặt sợi dây cuối cùng để thuyền ra khơi. Người ta
căng buồm lên, cho thuyền lướt theo chiều gió.
Thuyền lướt đi nhiều ngày trên biển cả không gặp gì trở ngại. Khi đi tới
một hòn núi châu báu ở giữa biển và vào đến chỗ có vô số báu vật, Thiện
Hữu truyền lệnh cho mọi người rằng: “Này các bạn, nên biết rằng đường
đi đến đây thật là xa xôi. Các bạn nên thu lượm châu ngọc cho nhanh.”
Neo thuyền lại trong bảy ngày, thái tử lại truyền lệnh rằng: “Những châu
ngọc này rất quý. Khắp cõi nước ta, không chỗ nào có ngọc quí như thế
này. Nhưng các bạn không nên lấy nhiều quá, vì e thyền đắm thì không thể
trở về. Cũng không nên lấy ít quá, vì đường xa xôi, e không đáng công.”
Khi thuyền đã đầy châu ngọc, Thiện Hữu chia tay với những người tuỳ tùng
mà nói rằng: “Bây giờ các bạn hãy cho thuyền trở về. Hãy hết sức thận
trọng và dè dặt để về nhà được an toàn. Còn ta, ta muốn tiếp tục đi xa
nữa để tìm hạt ngọc như ý Ma- ni bảo châu.
Sau khi chia tay với mọi người, Thiện Hữu cùng với người lái thuyền mù
ra đi. Đi trọn một tuần lễ, nước lên tới gối. Hai người cứ đi. Qua tuần
sau, nước lên tới cổ. Đi nữa trọn tuần, nước sâu phải bơi trên mặt nước.
Khi vào đến bờ biển, thấy cát toàn là bạc trắng tinh. Người lái thuyền
mù hỏi: “Nơi đây có gì lạ?” Thiện Hữu đáp: “Ở đây đất với cát thảy đều
là bạc trắng.” Người lái thuyền liền nói: “Còn chẳng bao xa sẽ đến một
hòn núi bằng bạc, ngài có nhìn thấy chăng?” Thiện Hữu nói: “Về hướng
đông bắc có thấy một hòn núi bằng bạc.” Người lái thuyền nói: “Đường ta
đi là vòng theo chân núi.”
Khi đến hòn núi ấy, người lái thuyền nói: “Tiếp đến sẽ có một chỗ toàn
là cát bằng vàng.” Nói xong, người lái thuyền mệt lắm, ngất đi và nằm
trên mặt đất. Giây lát tỉnh lại, nói với thái tử rằng: “Tôi biết không
còn sống được bao lâu nữa, không thể cùng đi với ngài được rồi. Xin ngài
cứ đi theo hướng đông. Trong một tuần lễ, ngài sẽ gặp một dãy núi bằng
vàng. Đi qua dãy núi đó, trong một tuần lễ nữa thì đến một chỗ toàn là
sen xanh. Đi thêm một tuần lễ, đến một chỗ toàn là hoa sen đỏ. Qua khỏi
xứ đó rồi, kế gặp một cái thành làm bằng bảy món báu: ở ngoài vách thành
bằng vàng, tháp bằng bạc và cửa bằng mã não, còn các chỗ khác trong
thành cũng làm bằng mấy vật báu khác. Ấy là đền của Long Vương. Trong lỗ
tai trái của Long vương có một hạt kim cương, là món bảo bối quí giá vô
cùng. Có món bảo bối ấy thì muốn gì được nấy. Như ngài xin được hạt
ngọc Như ý ấy thì muốn có bảo vật gì khác cũng được cả, và đồ ăn, thức
uống, y phục, thuốc men... ngài muốn gì cũng được. Hết thảy những đồ cần
dùng của nhân loại, ngài gọi một tiếng thì từ trên trời sẽ rơi xuống
như mưa. Vì vậy mà người ta gọi đó là hạt ngọc như ý Ma-ni bảo châu. Nếu
ngài xin được nó thì có thể tùy nguyện mà cứu vớt chúng sanh.”
Dặn dò xong, người lái thuyền tắt hơi, hồn lìa khỏi xác. Thái tử ôm
người lái thuyền trên tay, than khóc rằng: “Ôi! Sao đời người ta lại
ngắn ngủi như thế? Ta rất thương tiếc vì mất đi một người bạn quý.” Rồi
ngài moi cát bằng vàng lên, chôn người lái thuyền xuống và lấp cát lại.
Ngài đi vòng theo tay mặt chung quanh mộ đến bảy lần để tỏ lòng tôn
kính. Kế ngài quỳ lạy rồi ra đi.
Ngài đi xa nữa, qua dãy núi bằng vàng. Đi khuất thì đến một chỗ mọc đầy
hoa sen xanh. Dưới hoa sen, thấy nhiều loài rắn có ba thứ nọc: cắn chảy
nọc, lại gần cũng bị nọc, và hơi thở cũng có nọc. Loài rắn ấy nằm quấn
theo cộng sen, lấy mắt mà ngó Thiện Hữu và thở khè khè. Nhưng thái tử
không hề ghê sợ mà lấy lòng từ bi thương xót chúng, trong lòng ngài chỉ
toàn điều lành, nhờ đó mà ngài đi trên hoa sen rất tự nhiên. Rắn không
làm hại đến ngài. Và cũng nhờ tâm thiện nên ngài có thể đi thẳng đến
cung điện của Long vương. Ngoài bốn cửa thành, có bảy dãy hầm hố. Muốn
vào trong phải đi ngang qua đó. Mà hố thì đầy những con mãng xà (rắn
lớn) quấn chặt với nhau, cùng tréo đầu lại mà giữ cửa thành. Thiện Hữu
tới trước cửa thành. Thấy rắn, ngài định tâm nhớ đến những người dân
nghèo, nghĩ thầm rằng: “Nếu hôm nay chẳng may thân ta vào miệng rắn, thì
hàng triệu dân nghèo sẽ mất đi một điều phúc rất lớn lao vậy.” Nghĩ vậy
rồi, ngài đưa bàn tay phải lên mà nói với đám mãng xà rằng: “Các ngươi
nên biết rằng, vì muốn cứu vớt chúng sanh nên hôm nay ta mới đến ra mắt
Long vương.” Mãng xà liền tự nhiên tránh sang một bên. Thiện Hữu thong
thả đi qua.
Qua khỏi bảy dãy hầm hố và mãng xà, ngài đến dưới thành ngay trước cửa
đền. Thấy hai mỹ nhân đang dệt tơ bằng chất kim, ngài hỏi rằng: “Hai cô
là ai?” Mỹ nhân đáp: “Chúng tôi là thể nữ ở cửa ngoài của Long vương.”
Hỏi rồi, thái tử đi tiếp vào trong và đến cửa trung ương. Ngài thấy 4 mỹ
nhân đang kéo tơ bằng bạc, lại hỏi rằng: “Các cô có phải là vợ của Long
vương chăng?” Mỹ nhân đáp: “Không, chúng tôi là thể nữ, giữ cửa trung
ương của Long vương.” Lại thấy 8 mỹ nhân đang kéo tơ bằng vàng, ngài
hỏi: “Các cô là ai?” Mỹ nhân đáp: “Chúng tôi là thể nữ coi giữ cửa trong
của Long vương.” Ngài liền nói: “Xin các cô vào tâu với Long vương rằng
tôi là thái tử Thiện Hữu, con vua nước Ba-la-nại xin vào bệ kiến.”
Thể nữ vào tâu. Long vương nghe qua lấy làm lạ vì làm sao người dương
thế lại đến thành mình được. Vua nghĩ rằng: “Nếu không phải là người
trong sạch, hiền lành và có đức lớn thì làm sao có thể đến đây mà giữ
toàn được tánh mạng?” Long vương liền cho mời thái tử vào và đích thân
bước ra chào hỏi rất ân cần.
Trong cung của Long vương, từ mặt đất cho đến giường nệm, rèm trướng đều
là đồ thất bảo lấp lánh sáng ngời. Vua mời thái tử ngồi, rồi hai bên
cùng thăm hỏi nhau. Thái tử nhân khi ấy đem đạo lý từ bi mà nói với Long
vương, giải thích việc mình xa xôi lặn lội đến đây chỉ vì thương xót
sinh linh đồ thán, cơ cực.
Long vương nghe qua lấy làm cảm phục, liền hỏi: “Ngài vượt bao khổ nhọc,
không ngại đường xa mà đến đây vì chúng sanh, ấy là ngài muốn xin tôi
món gì chăng?” Thiện Hữu đáp: “Thưa ngài, khắp trong nước tôi, chúng
sanh chịu rất nhiều khổ sở vì thiếu thốn thức ăn, y phục và các sự cần
dùng. Nay tôi đến đây là muốn xin hạt kim cương nơi lỗ tai trái của
ngài, để giúp cho tất cả mọi người có đủ các thứ cần dùng.”
Long vương nói: “Điều ấy có thể được. Nhưng chẳng mấy khi ngài đến đây,
trẫm muốn ngài lưu lại chơi trong một tuần lễ, rồi trẫm sẽ tặng bảo vật
ấy cho.” Thiện Hữu nhận lời. Qua tuần sau, nhận được ngọc kim cương
Ma-ni, ngài liền từ tạ về nước. Lúc ấy, Long vương sai nhiều tướng rồng
bay theo, đưa thái tử trở lại bờ biển nơi lúc trước ngài đã chia tay với
đoàn tùy tùng.
Đến đây, ngài gặp người em là Ác Hữu, liền ngạc nhiên hỏi rằng: “Mọi người trên thuyền đâu cả rồi?”
Ác Hữu đáp: “Anh ơi, thuyền đã chìm mất rồi. Mọi người đều chết, duy có
một mình em còn sống sót nhờ đeo lấy một cái thây trôi. Nhưng vàng bạc
châu báu đều mất hết rồi.”
Thái tử nói: “Em đừng lo, con người chỉ có mạng sống là quý nhất mà thôi. Nay em còn sống là được rồi.”.
Ác Hữu than rằng: “Con người ta, thà chết trong giàu sang sung sướng còn hơn là sống mà phải chịu cảnh nghèo nàn.”
Thiện Hữu trong lòng thật thà ngay thẳng, liền đem việc mình kể hết cho
em nghe, nói rằng: “Em chẳng may mất cả châu báu, nhưng điều đó không hề
gì, bởi anh đã xin được hạt kim cương Ma-ni của Long vương. Bảo bối này
có thể giúp cho ta muốn gì được nấy.” Ác Hữu liền hỏi: “Bây giờ anh để
ngọc ấy ở đâu?” Thiện Hữu đáp: “Trong búi tóc trên đầu anh.”
Ác Hữu nghe nói động lòng tham, trong lòng lại thấy giận tức và buồn
bực, nghĩ rằng: “Cha ta thường ngày vẫn hết lòng yêu thương hắn, bây giờ
hắn lại có được hạt kim cương Ma-ni, như vậy thì từ nay về sau cha ta
có còn xem ta ra gì nữa đâu!” Nghĩ như vậy, Ác Hữu mới nói với Thiện Hữu
rằng: “Anh được bảo bối ấy thì quý giá biết bao! Trong khi đi đường
nguy hiểm, chúng ta phải hết sức giữ gìn cẩn thận mới được.” Thái tử
khen lời em là phải, liền lấy hạt kim cương trong búi tóc ra trao cho em
và dặn rằng: “Em phải giữ kỹ, khi nào mệt mỏi muốn ngủ hãy giao lại cho
anh. Anh cũng sẽ giữ nó cẩn thận cho đến khi nào mệt mỏi muốn ngủ lại
giao cho em. Hai anh em ta luân phiên mà giữ mới chắc chắn. Bây giờ là
phiên của em, hãy giữ lấy.”
Ác Hữu chờ cho anh ngủ, bèn đi tìm hai cái gai tre khô rất lớn, mang lại
đâm vào mắt anh rồi mang hạt kim cương chạy đi. Thiện Hữu đau quá tỉnh
lại, gọi em rằng: “Này em ơi, bọn cướp đã đâm anh mù mắt và giựt lấy hạt
kim cương đi rồi!” Không nghe Ác Hữu trả lời, thái tử lại than rằng:
“Chắc em ta đã bị bọn cướp này giết mất rồi.” Rồi thái tử cất tiếng gọi
em rất thảm thiết, cảm động cả đất trời, nhưng quanh đó nào có ai đâu để
đáp lời ngài. Mãi một hồi lâu, có một vị thần trên cây mới gọi ngài mà
nói rằng: “Này thái tử, kẻ cướp hung ác chính là Ác Hữu, em của ngài đó.
Nó đã đâm mù mắt ngài rồi lấy hạt kim cương mà đi. Bây giờ ngài còn gọi
nó mà làm gì?”
Nghe qua lời ấy, Thiện Hữu lấy làm buồn, nhưng đành phải dằn lòng mà chịu. Ngài nằm xuống, đôi mắt hết sức đau nhức, xốn xang.
Còn Ác Hữu mang hạt kim cương về đến nước nhà, vào ra mắt vua cha với
hoàng hậu và tâu rằng: “Con nay về được đến đây là nhờ phước đức của con
rất dày. Còn anh Thiện Hữu với các bạn tàu bởi kém đức nên thảy đều
chết chìm ngoài biển cả.” Vua và hoàng hậu nghe qua, than khóc rất thảm
sầu, rồi ngã xuống bất tỉnh. Những người hầu phải chăm sóc hồi lâu mới
tỉnh lại. Hai người bảo Ác Hữu rằng: “Nay anh con đã chết, con còn trở
về đây làm chi nữa?” Ác Hữu nghe lời ấy rất buồn và sợ, không dám đưa
hạt kim cương ra, mới mang đi chôn giấu dưới đất.
Trong lúc ấy, Thiện Hữu bị mù hai mắt, lại không sao lấy hai cái gai tre
khô ra được, nên đau nhức vô cùng. Ngài gắng gượng dò từng bước đường,
đi từ chỗ này đến chỗ kia mà thật cũng không biết được là đang đi đến
đâu. Ngài chịu khổ cực cam go và chịu đói khát hằng ngày, thật là sống
dở chết dở.
Ngài đi lần hồi như vậy, một hôm đến nước Lý Chân Bang. Vua nước này có
một vị công chúa, lúc trước đã hứa gả cho thái tử nước Ba-la-nại, chính
là ngài. Người chăn bò của vua coi giữ đến năm trăm con bò. Hôm ấy dắt
bò đi ăn, gặp lúc Thiện Hữu đang ngồi nghỉ chân bên lề đường. Bầy bò đi
ngang qua đụng phải ngài té xuống và muốn đạp ngang mà đi. Nhưng con bò
đầu đàn khi ấy liền đứng che lên trên mình thái tử, chờ cho cả bầy đi
qua rồi mới bước sang một bên, cung kính đi một vòng quanh ngài theo tay
mặt, rồi quay đầu lại và thè lưỡi liếm vào hai con mắt cho thái tử, lấy
hai cái gai tre ra. Lúc đó, người chăn bò quay lại tìm con bò đầu đàn,
nhìn thấy thái tử mới đến hỏi xem là ai. Thiện Hữu khi ấy tự nghĩ rằng:
“Bây giờ ta không nên đem chuyện mình mà thuật lại, vì nói rõ những sự
thật đã xảy ra thì có hại cho em ta.”
Nghĩ vậy rồi, ngài đáp: “Tôi chỉ là kẻ mù lòa đi xin ăn.” Người chăn bò
xem kỹ hình thể của ngài, thấy không giống người thường, liền nói: “Nhà
tôi cũng gần đây, mời ông về đó để tôi chăm sóc cho.” Rồi người chăn bò
đưa Thiện Hữu về nhà. Ông sai dọn cơm nước thết đãi và dặn tất cả mọi
người trong nhà đều phải hết lòng cung kính phục vụ. Được hơn một tháng,
những người trong nhà đều chán ngán. Một đêm kia, họ nói với nhau rằng:
“Nhà ta tiền của không được dư giả mà nay phải nuôi mãi người mù này,
thật khổ thay!”
Lời ấy lọt vào tai Thiện Hữu. Ngài buồn ý. Chờ cho hết đêm, đến sáng
ngài nói với chủ nhà rằng: “Hôm nay tôi muốn đi.” Chủ nhà hỏi: “Có việc
chi làm ông không vui hay sao mà lại vội đi như thế?” Thiện Hữu đáp:
“Tôi chỉ là khách đến trú tạm nhà này, không thể ở quá lâu được.” Rồi
ngài nói tiếp: “Nếu ông có lòng thương giúp, xin tìm cho tôi một cây đàn
và đưa tôi đến chỗ đông người nơi thành thị.” Chủ nhà y theo lời, mang
đến một cây đàn và đưa ngài vào kinh thành của nước Lý Chân Bang, đến
một chỗ chợ có đông người. Tìm chỗ cho ngài ngồi, xong rồi người ấy mới
trở về.
Thiện Hữu vốn có tài gẩy đàn. Tiếng đàn thâm trầm, êm dịu, làm cho công
chúng rất vừa lòng. Người ta mang đồ ăn thức uống đến cho rất nhiều, đến
nỗi ngài dùng để phân phát đủ cho tất cả năm trăm người ăn xin trong
thành. Nhờ vậy mà trong thành không còn ai đói khát nữa.
Nhà vua có một cảnh vườn cây trái sai oằn, nhưng cứ bị quạ và chim nhỏ
đến ăn phá mãi. Người giữ vườn nới với Thiện Hữu rằng: “Này! Nếu chú có
thể giúp tôi đuổi quạ và chim nhỏ để giữ vườn thì tôi sẽ nhận chăm sóc
cho chú.” Thiện Hữu đáp: “Tôi là kẻ mù lòa, làm sao có thể đuổi chim
được?” Người giữ vườn nói: “Tôi có một cách. Tôi cột dây trên ngọn cây,
rồi gắn lục lạc bằng đồng vào dây. Chú ngồi dưới gốc cây, khi nghe tiếng
quạ và tiếng chim thì giật dây, chim sẽ sợ mà bay đi.” Thiện Hữu đáp:
“Như vậy thì có thể được.”
Người giữ vườn theo cách ấy, chọn một chỗ dưới gốc cây cho ngài ngồi
canh giữ chim. Thiện Hữu giữ gìn cây trái không cho quạ và chim chóc ăn
phá. Nhân khi không có chim đến mới lấy đàn ra gẩy để giải khuây.
Một hôm, công chúa vào vườn hoa ngoạn cảnh, có thị nữ theo hầu. Xa trông
thấy một người mù trong vườn, nàng liền gọi người hầu hỏi xem đó là ai.
Người hầu nói đó là kẻ mù đi ăn xin. Công chúa đến nhìn kỹ, bỗng đem
lòng yêu, lân la ở đó mãi không chịu về. Vua nghe tin liền cho người ra
triệu vào. Công chúa không nghe, lại bảo mang thức ăn đến, rồi cùng với
người mù ăn uống.
Vua thân hành đến gọi về, nhưng công chúa lại nói rằng: “Tâu phụ vương,
nếu phụ vương thuận gả con cho người mù này thì con sẽ lấy làm vui sướng
biết bao nhiêu!” Vua nghe qua kinh ngạc, hỏi rằng: “Con ơi, hay là con
bị yêu tinh cám dỗ, làm cho tâm trí điên loạn mất rồi? Sao con lại muốn
kết hôn với một người mù như thế này? Con không biết là cha mẹ đã hứa gả
con cho thái tử Thiện Hữu con vua nước Ba-la-nại hay sao? Bây giờ thái
tử ra biển cả tìm châu ngọc chưa về, sao con lại muốn thành thân với
người mù này?” Công chúa đáp: “Con không biết vì sao, nhưng nay con đã
gặp người này thì dù chết con nguyện cũng không lìa xa chàng.” Vua nghe
lời ấy liền nổi trận lôi đình, thét quân bắt người mù ấy giam vào ngục
tối.
Công chúa lại tìm vào ngục, nói với Thiện Hữu rằng: “Xin anh biết rằng
nay em muốn cùng anh kết làm chồng vợ.” Thiện Hữu hỏi: “Cô là con nhà ai
mà muốn làm vợ tôi?” Công chúa đáp: “Em là công chúa con vua nước này.”
Thiện Hữu nói: “Cô là công chúa con vua, còn tôi là kẻ mù lòa đi ăn
xin. Làm sao cô lại có thể theo hầu hạ tôi cho được?” Công chúa nói: “Em
nguyện sẽ hết lòng tôn kính anh và không dám làm điều gì trái ý anh.”
Rồi công chúa vào cung nài nỉ xin với vua cha. Nhà vua tức giận nói:
“Nếu con quyết lòng lấy người ấy làm chồng, ta cũng không ngăn cản,
nhưng con không còn được ở trong cung điện này nữa.” Rồi vua truyền quân
lính đưa hai người ra ở một ngôi nhà nhỏ hẻo lánh bên ngoài thành.
Cùng nhau ăn ở đến hơn 3 tháng. Một hôm, công chúa có việc phải đi vắng
nhưng quên không báo cho chồng biết. Lát sau, khi công chúa về tới,
Thiện Hữu trách rằng: “Em đi vắng mà không cho anh hay. Vậy em có việc
gì giấu anh đó chăng?” Công chúa đáp: “Em không có gì phải giấu giếm anh
cả.” Trong lúc hờn giận, Thiện Hữu bực tức nói: “Thân anh mù lòa không
nhìn thấy, dù em có giấu giếm hay không làm sao anh biết được?”
Công chúa buồn tủi khóc lóc, lệ tuôn tràn trề. Trong lòng uất ức mới thề
thốt rằng: “Nếu em có làm điều chi gian dối, nguyện cho hai con mắt anh
đui mù mãi mãi, còn nếu như lòng em ngay thật, xin cho mắt anh mở sáng
được một con như trước.” Vừa dứt lời thề, một mí mắt của người chồng
liền rung động. Bỗng chốc mở ra, nhìn thấy được như xưa. Thái tử khi ấy
mới nhìn thấy được vợ mình. Công chúa mừng quá, liền nói: “Anh thấy
không, lời thề đã ứng nghiệm, vậy anh đã tin em chưa?”
Thấy chồng cười, công chúa lại nói tiếp: “Anh thật không biết là em đối
với anh hiền thục và tiết hạnh đến mức nào. Em là công chúa con vua một
nước lớn, còn anh chỉ là người thường dân mù lòa, song em vẫn hết lòng
tôn kính anh, thế mà anh lại không tin em!”
Thiện Hữu khi ấy liền cười mà hỏi lại: “Thế em có biết anh là ai chăng?”
Công chúa đáp: “Sao lại không biết, anh là người đi ăn xin ở thành
này.” Thiện Hữu nói: “Không, anh chính là thái tử Thiện Hữu, con vua
nước Ba-la-nại.”
Công chúa nhìn chàng sửng sốt, nói rằng: “Anh thật là người lãng tâm mất
trí, sao dám nói lời phạm thượng như vậy? Thái tử Thiện Hữu con vua
nước Ba-la-nại đã đi ra biển cả chưa về, sao anh dám tự xưng là ngài? Rõ
ràng là một điều dối trá.”
Thiện Hữu ôn tồn đáp: “Từ khi cha mẹ sinh ra đến nay, anh chưa hề nói
dối.” Công chúa nói: “Dù anh nói dối hay nói thật, làm sao em biết
được?”
Thiện Hữu ngước mặt lên trời nói: “Nếu anh nói dối thì nguyện cho đôi
mắt phải chịu mù lòa mãi mãi, bằng như anh nói thật thì nguyện cho con
mắt còn lại cũng sáng như xưa để làm chứng cho anh vậy!” Lời nguyện vừa
dứt, con mắt còn lại cũng rung động và rồi mở ra, nhìn thấy rõ ràng như
xưa.
Thái tử bây giờ hai mắt sáng rõ, gương mặt trở lại khôi ngô tuấn tú khác
thường. Vẻ đẹp của thái tử lúc này quả là trên đời không ai sánh kịp.
Công chúa thấy vậy vui mừng khấp khởi, dường như vừa được thần tiên ban
phước. Nàng nhìn kỹ khắp cả toàn thân thái tử, nhất là đôi mắt sáng đẹp
khiến cho nàng xem hoài không thỏa. Rồi công chúa liền vào cung và tâu
lên vua cha rằng: “Chồng con chính là thái tử Thiện Hữu, con vua nước
Ba-la-nại.”
Vua nghe qua liền nói: “Con hẳn đã điên loạn mất rồi. Thái tử Thiện Hữu
đi ra biển cả vẫn chưa về, sao con dám nhận kẻ ăn xin là thái tử?” Công
chúa đáp: “Không phải như vậy đâu. Nếu phụ vương không tin, xin cứ tự đi
mà xem có phải hay chăng!”
Vua liền đi xem, nhìn thấy đúng là thái tử Thiện Hữu. Vua lo lắng, tự
nghĩ rằng: “Nếu vua xứ Ba-la-nại hay biết được việc này, ngài sẽ rất
buồn về sự cư xử của ta xưa nay với thái tử.” Vua liền xin lỗi thái tử
về việc từ trước đến nay không nhìn biết được ngài. Thái tử nói: “Xin bệ
hạ đừng lo ngại. Chỉ xin bệ hạ một điều là hãy thưởng công cho người
chăn bò của bệ hạ.” Vua liền đem vàng bạc, châu báu, y phục vải vóc với
đồ ăn thức uống mà thưởng người chăn bò. Người ấy rất vui mừng, cảm tạ
và nói rằng: “Tôi chỉ có chút ơn mọn với thái tử mà nay được thưởng
nhiều của cải quí giá, thật là quá đáng vậy.” Rồi ông đi nói với hết
thảy mọi người rằng: “Với việc làm thiện nhỏ nhặt mà kết quả đã như thế
này, đến như những việc đại từ bi thì sự ban thưởng tất là vô cùng vô
tận.” Mọi người nghe ông nói đều lấy làm vui, ai ai cũng phát tâm ăn ở
hiền lành và giúp đỡ người khác.
Ngày trước, khi còn ở trong cung vua, thái tử Thiện Hữu có nuôi một con
hạc trắng. Ngài thương yêu nó lắm, khi ăn khi ngủ hay đi đứng nằm ngồi,
lúc nào cũng có con hạc trắng ấy ở gần bên ngài. Một hôm, hoàng hậu bên
nước Ba-la-nại nhớ con quá, đến bên lồng con hạc trắng và nói rằng:
“Ngày con ta còn ở đây thì ngươi thường gần gũi với nó. Bây giờ con ta
đi ra biển cả lâu năm chưa trở về. Ta những ngóng trông, không rõ nó
sống chết thế nào, không biết ngươi có thương nhớ thái tử hay không?”
Nghe qua những lời ấy, con hạc trắng liền bật khóc, đáp rằng: “Tâu lệnh
bà, nay nếu lệnh bà muốn sai con đi tìm thái tử thì con rất vui lòng
vâng lệnh.” Hoàng hậu liền viết một phong thư rồi đeo vào cổ con hạc,
thả nó ra khỏi lồng để đi tìm thái tử.
Lúc trước, hạc đã có hỏi thái tử biển cả ở nơi nào. Nay nó còn nhớ, bèn
lướt trên không bay nhanh về hướng biển. Chim bay đi rồi, hoàng hậu có ý
mừng, thầm nghĩ rằng: “Mong là con hạc sẽ có thể dò tìm mà biết được
con ta còn sống hay đã chết.”
Hạc trắng bay ra ngoài biển cả, bay ngang qua biển và tìm kiếm khắp nơi,
nhưng không thấy được gì cả. Hạc bay dần tới trước cung vua nước Lý
Chân Bang, từ xa trông thấy thái tử đứng trước đền vua. Hạc bèn hạ thấp
và đáp xuống gần thái tử. Nó mừng quá liền kêu lên những tiếng rất cảm
động. Thái tử nhìn thấy lá thư của mẹ nơi cổ hạc. Ngài nhận lấy, cung
kính đặt trên đầu mà làm lễ rồi mới mở ra đọc. Đọc thư xong ngài mới
biết rằng cha mẹ vì ngày đêm lo rầu và luống trông mong con nên cặp mắt
đã mù rồi. Ngài liền viết một bức thư gửi về cho cha mẹ, thuật lại hết
mọi việc. Rồi ngài đeo thư vào nơi cổ con hạc. Hạc trắng lấy làm vui
mừng, bay thẳng về thành Ba-la-nại.
Vua và hoàng hậu được thư của thái tử thì vui mừng khôn xiết, liền phát
tâm bố thí rất nhiều. Ông bà khi ấy mới biết rằng Thiện Hữu bị nạn khổ
vì em là Ác Hữu đã cướp lấy hạt kim cương và còn lấy gai tre mà đâm mù
mắt. Hai người liền sai quân bắt Ác Hữu giam ngay vào trong ngục. Tiếp
đó liền sai sứ sang nước Lý Chân Bang xin đón thái tử về. Vua nước này
liền lập tức cho một đoàn thuyền lớn hộ tống đưa ngay thái tử theo đường
biển về nước Ba-la-nại.
Vua lại cho người đi trước truyền rao trong dân chúng rằng: “Thái tử
Thiện Hữu đi ra biển cả nay đã trở về.” Vua nước Ba-la-nại sai bày yến
tiệc, sắp đặt những người đàn ca, hát xướng giúp vui và dọn dẹp đường
sá, treo đèn kết hoa suốt dọc đường, lại có trống kèn inh ỏi. Vua và
hoàng hậu thân hành cưỡi voi ra tận ngoài bờ biển đón thái tử. Dân chúng
trong nước, từ già đến trẻ hay tin thái tử trở về bình an đều lấy làm
mừng rỡ, kéo nhau đi đón rước đứng chật cả hai bên đường.
Thiện Hữu gặp lại cha mẹ, vui mừng khôn xiết, liền quỳ xuống lạy trước
mặt hai người. Ông bà vì mắt đã mù nên không thể nhìn thấy con, bèn lấy
tay sờ đầu và hỏi rằng: “Con có được khỏe không? Cha mẹ nhớ con và buồn
khổ biết bao!” Thái tử cũng thăm hỏi sức khỏe cha mẹ và ngỏ lời cảm ơn
hết thảy các vị quan quân, dân chúng đã đến chào đón ngài.
Về cung rồi, Thiện Hữu mới hỏi vua cha rằng: “Bây giờ em con ở đâu?” Vua
đáp: “Con còn hỏi đến thằng hung ác ấy làm gì? Nó đã bị nhốt trong ngục
rồi.” Thiện Hữu nói: “Con muốn phụ vương tha em con ra để con được thăm
em.” Thái tử khẩn khoản cầu xin đến ba lần, vua không nở từ chối, mới
truyền thả Ác Hữu ra. Chàng đến trước anh, tay chân bị trói, cổ bị
xiềng.
Thiện Hữu thấy em như thế thì nói với cha và mẹ xin mở xiềng ra cho em.
Rồi Thiện Hữu chạy lại ôm lấy em, kể hết những việc đã xảy ra cho mình.
Rồi ngài hỏi đến hạt kim cương. Phải hỏi đến ba lần Ác Hữu mới chịu chỉ
ra nơi chôn giấu.
Thái tử tìm được hạt kim cương rồi, liền đến gần cha mẹ, quỳ xuống đốt
hương trầm lên và nguyện rằng: “Nếu quả đây là ngọc như ý có thể giúp ta
muốn gì được nấy, thì ta cầu xin cho đôi mắt của cha mẹ ta sáng lại như
xưa!” Nguyện vừa dứt lời, vua và hoàng hậu đã mở mắt ra được và nhìn
thấy con. Cả nhà ôm nhau vui mừng khôn xiết.
Kế đến ngày rằm sau đó, Thiện Hữu cho lập một đàn tràng thật lớn. Rồi
ngài tắm rửa sạch sẽ, cho đốt hương trầm và bước lên đài, làm lễ trước
hạt kim cương Ma-ni, phát nguyện rằng: “Vì sự hạnh phúc của chúng sanh
khắp cõi Ta-bà, nên ta mới chịu khổ cực đi tìm hạt kim cương này. Nay có
lời khẩn nguyện lợi lạc cho hết thảy chúng sanh!” Liền đó, một luồng
thanh khí bỗng tràn tới, đuổi hết mây và sa mù. Bầu trời quang đãng
trong ngần. Vừa lúc ấy, ở khắp nơi trong nước, bao nhiêu những đồ dơ bẩn
đều bị gió cuốn đi mất hết. Rồi khắp nơi đều thấy lúa thóc đổ xuống như
mưa, toàn những loại hạt rất thơm, rất ngọt, rất mềm, rất mịn. Lúa đổ
đầy mương, đầy đường, ngập lên đến gối. Rồi đến các loại y phục tốt, vải
vóc, đồ trang điểm, vàng bạc, các đồ quý báu cũng từ trên trời rơi
xuống nhiều vô kể. Nói chung, hết thảy mọi thứ mà con người cần dùng đều
tự nhiên có được rất nhiều. Thật là, Bồ Tát thương xót khắp chúng sanh,
lấy lòng từ bi mà ban bố khắp nơi giúp họ được thoả lòng.
Câu chuyện trên là một chuyện tiền thân của đức Phật Thích-ca Mâu-ni.
Sau khi kể cho đại chúng nghe xong chuyện này, Phật dạy ngài A-nan rằng:
“Vua xứ Ba-la-nại thuở ấy, nay là vua Tịnh Phạn cha ta. Hoàng hậu thuở
ấy nay là mẹ ta, bà Ma-da phu nhân. Hoàng tử Ác Hữu nay chính là
Đề-bà-đạt-đa (Devadatta). Còn thái tử Thiện Hữu nay chính là ta đây.”