Truyện tích
Truyện Phật đời xưa
Đoàn Trung Còn
02/08/2554 11:00 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

LỄ VU LAN

Lúc ấy, đức Phật ngự trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, gần thành Xá Vệ. Đại đức Mục-kiền-liên (Mahmaudgalyyana) là vị đệ tử lớn của Phật, đã chứng đắc được Lục thông, dứt bỏ hết mọi triền phược của thế gian. Trong một buổi tham thiền, ngài dùng thần nhãn mà quan sát khắp trong ba cõi, mới nhìn thấy mẹ mình trước đây là bà Thanh-đề hiện đang phải chịu làm thân quỷ đói trong địa ngục. Ngài đau xót hiện đến tận nơi bưng cơm dâng cho mẹ. Bà Thanh-đề lòng đầy tham lam, vừa nhận được bát cơm liền lấy một tay che lại (vì sợ những quỷ khác giành lấy), còn tay kia bốc ăn. Lòng tham ấy làm cho cơm vừa tới miệng bà liền hóa thành than lửa, không thể ăn được.

Ngài Mục-kiền-liên không sao cứu được mẹ, liền quay về bạch Phật, cầu xin cứu hộ. Đức Phật dạy rằng: “Mẹ ông tội nghiệp rất nặng, phải nhờ đến sự hộ niệm và oai đức của chư tăng mười phương mới có thể cứu được.”

Phật liền dạy ông nhân ngày rằm tháng 7 là ngày Tự tứ, chư tăng khắp nơi vừa trải qua 3 tháng an cư chuyên tâm tu tập, nên thiết lễ cúng dường để nhờ sự cầu nguyện chung của các vị. Mục-kiền-liên theo lời Phật dạy, thiết lễ cúng dường chư tăng. Quả nhiên, sức mạnh chú nguyện của chư tăng sau đó đã cảm hóa được mẹ ngài, ngay trong ngày ấy thoát thân ngạ quỷ được sinh về cõi trời.

Mục-kiền-liên theo lời Phật dạy cứu được mẹ ra khỏi thân ngạ quỷ, trong lòng lấy làm vui mừng hoan hỷ, liền đứng giữa đại chúng mà thưa hỏi Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, nay mẹ con đã nhờ sức chú nguyện của chư tăng mười phương nên được thoát khỏi thân ngạ quỷ. Từ nay về sau, nếu những ai có lòng hiếu thảo, thành tâm dâng lễ cúng dường chư tăng vào ngày rằm tháng bảy, chẳng biết có thể nhờ đó mà cứu độ được cha mẹ hay chăng?”

Phật dạy: “Lành thay, Mục-kiền-liên! Điều ông muốn hỏi cũng là điều ta muốn nói. Này thiện nam tử, về sau những đệ tử của ta, dù là xuất gia hay tại gia, dù là hàng quan tước hay thứ dân, bất kỳ là ai cũng đều nên giữ hạnh hiếu từ đối với cha mẹ đời này và đối với ông bà cha mẹ trong bảy đời đã qua. Đến ngày rằm tháng bảy, là ngày Tự tứ của chư tăng, nên sắm sửa các thứ lễ vật mà dâng cúng chư tăng mười phương. Như vậy có thể cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được sống lâu, hưởng nhiều phước lạc, tránh khỏi những sự đau ốm và các điều khổ não hoạn nạn. Nhân đó, cha mẹ trong bảy đời trước cũng nhờ sức chú nguyện mà được thoát khỏi các đường ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, được sanh làm người hoặc sanh lên cõi trời, được hưởng sự an vui, hạnh phúc.”

Rồi Phật lại dạy rằng: “Trong hàng đệ tử của ta, tất cả đều phải giữ lòng hiếu thuận và tôn kính cha mẹ ông bà, phải biết tưởng nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục và thờ kính ông bà, tổ tiên. Hằng năm, đến rằm tháng bảy, phải vì lòng hiếu thảo, vì lòng biết ơn cha mẹ ông bà, đến dâng lễ vật cúng dường chư tăng, để nhờ các vị chú nguyện cho cha mẹ hiện tiền và cha mẹ trong bảy đời đã qua. Làm như thế là để đền đáp công ơn sanh dưỡng của cha mẹ. Cho nên, tất cả đệ tử cần phải vâng giữ theo pháp này.”

Mục-kiền-liên và bốn chúng đệ tử của Phật nghe Phật giảng xong pháp này đều vui mừng tin nhận và làm theo.

Ngày lễ này xưa được gọi là hội Vu-lan-bồn. Vu-lan-bồn là từ do người Trung Hoa phiên âm từ tiếng Sanskrit là Ullambana. Ta đọc theo âm Hán Việt, lâu dần Việt hóa, không xem là từ phiên âm nữa, nên thông thường vẫn gọi là lễ Vu Lan. Cũng danh từ này, người Trung Hoa dịch theo nghĩa là cứu đảo huyền, nghĩa là cứu nỗi khổ bị treo ngược. Bị treo ngược ở đây chỉ nỗi khổ cùng cực mà những người tạo nhiều ác nghiệp phải chịu đựng nơi địa ngục. Vì thế, Vu-lan-bồn hiểu theo nghĩa đầy đủ là nghi thức lễ cúng và cầu nguyện để cứu độ những người đang chịu nỗi khổ cùng cực nơi địa ngục.

Từ đó đến nay đã mấy ngàn năm, hàng Phật tử vẫn duy trì pháp này. Mỗi năm, đến ngày rằm tháng bảy, ở hầu hết các nước Á Đông, đại lễ Vu Lan được tổ chức rất lớn. Nhiều đàn tràng được lập ra và hàng Phật tử ai ai cũng tùy theo sức mình mà sắm sửa lễ vật dâng lên cúng dường chư tăng.