NGƯỜI THỢ NHUỘM
Thuở trước, có một lão thợ nhuộm sói đầu, thường ngày đem vải ra
bờ sông mà giặt với đứa con trai. Giặt xong, lão mới xả, vắt cho ráo
nước, rồi đem phơi nắng. Đồ khô, lão xếp lại và bỏ vào bao, rồi đem về
nhà. Công việc đều đặn ngày nào cũng thế.
Một hôm, trời nắng gắt lắm, lóa cả mắt làm lão không thấy đường. Gần lề
đường có một cây lớn, lão mới lấy bao vải để gối đầu, rồi nằm ngủ dưới
gốc cây. Bỗng đâu có con muỗi bay lại đậu trên cái đầu sói của lão mà
hút máu. Đứa con nhìn thấy, tức giận lắm. Nó nghĩ rằng: “Cha mình nhân
lúc mệt mỏi nằm nghỉ, mà con muỗi khốn kiếp này nó dám đến hút máu, thật
đáng giận quá.”
Liền đó, sẵn cái đòn gánh một bên, nó mới giơ cao mà đập thật mạnh vào
con muỗi. Muỗi chết, mà lão già tội nghiệp lãnh một đòn chí tử vào đầu
cũng chết tươi.
Các nhà thông thái thường nói rằng: “Thà đối nghịch với người khôn ngoan
còn hơn thân thiện với kẻ dại dột. Chuyện này cũng tương tự như chuyện
“Con gấu và ông già” của thi sĩ pháp La Fontaine: Có ông già kia làm bạn
với con gấu. Nhân một bữa ông ngủ trưa, có con ruồi đậu trên trán ông.
Gấu giận ôm đá ném xuống, cố giết con ruồi, làm cho ông già cũng hết
đường sống!