Truyện tích
Truyện Phật đời xưa
Đoàn Trung Còn
02/08/2554 11:00 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

ỦNG HỘ CHÁNH PHÁP

Đức Phật có dạy rằng, người có thể hộ trì chánh pháp, đời sau sẽ thành tựu được thân thể rắn chắc bền bỉ như kim cang, chẳng hề hư hoại.

Thuở xưa, đức Phật cũng đã từng có nhân duyên hộ trì chánh pháp, nên ngày nay mới thành tựu thân kim cang thường trụ, chẳng hề hư hoại.

Phật lại dạy rằng, người hộ trì chánh pháp dù chẳng thọ năm giới, chẳng tu oai nghi, có thể dùng các loại vũ khí, phương tiện, sức mạnh mà bảo vệ cho các vị tỳ-kheo trong sạch, giữ gìn giới hạnh.

Như có vị tỳ-kheo, trong khi hết lòng tuyên dương chánh pháp, có những kẻ phá giới nghe được, lấy làm oán hận, liền kéo đến hãm hại vị ấy. Vị pháp sư ấy, như có bị chúng hại chết, cũng đáng được gọi là bực Trì giới, có lợi cho mình và lợi lạc cho mọi người. Vì nhân duyên ấy, đức Phật tán thán những vị quốc vương, quần thần, tể tướng, cư sĩ... biết hết lòng ủng hộ và bảo vệ người thuyết pháp.

Trong đời quá khứ, cách nay đã vô số kiếp, tại thành Câu-thi-na có Phật ra đời hiệu là Hoan Hỷ Tăng Ích.

Thuở ấy, cảnh giới của đức Phật ấy rộng lớn, trang nghiêm, sạch sẽ, dồi dào, an lạc. Nhân dân phồn thạnh, không hề bị nạn đói khát, đều giống như chư các vị Bồ Tát ở cõi nước An Lạc. Đức Phật ấy trụ thế giáo hoá chúng sanh đến vô lượng kiếp. Sau rốt, ngài đến rừng cây Ta-la có hai cây Ta-la sóng đôi mà nhập Niết-bàn.

Sau khi Phật nhập Niết-bàn, chánh pháp trụ ở thế gian vô lượng ức năm. Rồi đến khoảng hơn bốn mươi năm trước khi chánh pháp diệt, có một vị tỳ-kheo trì giới tên là Giác Đức. Vị này có nhiều đồ đệ theo hầu chung quanh, có khả năng tuyên dương chánh pháp, giảng rộng được 9 bộ kinh điển là: Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Thọ-ký, Già-đà, Ưu-đà-na, Y-đế-mục-đa-già, Xà-đà-gia, Tỳ-phật-lược, A-phù-đà-đạt-ma. Vị này nghiêm cấm các tỳ-kheo không được nuôi dưỡng tôi tớ, bò, dê cùng chứa trữ tài vật không đúng theo giới luật.

Khi ấy, có nhiều tỳ-kheo phá giới nghe ông tuyên thuyết như vậy, thảy đều sanh lòng ác. Họ cầm dao, xách gậy, kéo nhau đến rất đông, áp bức vị pháp sư chân chính ấy.

Bấy giờ, vị vua trong nước tên là Hữu Đức, nghe biết việc ấy, vì lòng ủng hộ chánh pháp, liền ngự đến chỗ pháp sư, chiến đấu mãnh liệt chống lại những tỳ-kheo độc ác phá giới kia để bảo vệ cho pháp sư khỏi sự nguy hại.

Vì bọn ác tăng ấy rất đông, nên sau trận chiến đấu ấy thân vua phải chịu nhiều thương tích, khắp người không còn một chỗ nào lành lặn.

Tỳ-kheo Giác Đức khi ấy tán thán đức vua rằng: “Lành thay! Lành thay! Vua quả thật là người ủng hộ chánh pháp. Đời sau thân vua ắt sẽ trở thành vô lượng pháp khí.”

Bấy giờ, vua được nghe thuyết pháp xong, lòng rất hoan hỷ, trút hơi từ bỏ cõi trần, liền sanh ra ở nước Phật A-súc, làm đệ tử bậc nhất của đức Phật ấy. Những nhân dân và quyến thuộc theo vua, hoặc có công chiến đấu hay có lòng tuỳ hỷ, tất cả đều đạt được tâm Bồ Tát không thối chuyển, khi mạng chung đều được sanh về nuớc của phật A-súc.

Tỳ-kheo Giác Đức, về sau viên tịch cũng được vãng sanh về nước Phật A-súc.

Phật dạy rằng, vào lúc chánh pháp sắp diệt tận, nên thọ trì và ủng hộ Phật Pháp như vậy đó.

Vị vua hết lòng ủng hộ chánh pháp vào thuở ấy, chính là tiền thân của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Người ủng hộ chánh pháp được quả báo tốt đẹp không thể nghĩ bàn, nhờ nhân duyên ấy mà đức Phật có đủ các tướng đẹp trang nghiêm nơi thân, thành tựu được thân không thể hư hoại.

Vì thế, Phật dạy rằng các hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, đều nên hết lòng hết sức hộ trì chánh pháp. Quả báo của việc hộ pháp thật to lớn khôn lường.

(Theo kinh Đại Bát Niết-bàn, quyển ba)