QUẠ, CHÓ SÓI VÀ NHÀ SƯ
Thuở xưa, có một người chết, người nhà đem thây ra bỏ trong rừng,
dưới gốc cây. Liền đó, có một con chó rừng và một con quạ tìm đến để ăn
thây chết. Hai con gặp nhau, chào hỏi và khen tặng nhau lắm lời. Quạ
ngâm thơ khen chó sói rằng:
Chúa lâm quả thật tốt hình dung,
Đầu láng như sư trước cửa không.
Lông lá mịn màng, nai dễ sánh?
Dịu dàng tướng tá điệu phù dung.
Chó nghe, lấy làm khoái ý, đứng dưới gốc cây ngước lên hoạ lại rằng:
Này ai trên đó tiếng ung dung,
Ngôn ngữ ra màu sắc với không.
Trí tuệ sáng soi cùng bốn hướng,
Thánh hiền đâu kém đức nhiêu dung.
Quạ nghe, hết sức vui lòng, bèn ngâm thêm một bài nữa tặng chó rằng:
Đường đường thánh đế há thường nhân?
Bởi biết ngài đây tớ đến gần.
Vua cả, loài hươu nào dám ví,
Rõ ràng long thể đẹp mười phân.
Chó lại càng khoái ý hơn, hoạ lại rằng:
Lời ngay vốn của bực cao nhân,
Ta lại biết ta, há chẳng gần?
Quân tử một phen cùng hội hiệp,
Âu là xơi thịt một vài phân.
Gần đó có một vị sư đã lánh mình vào nơi thanh tĩnh để tu tập. Thật là
một người trong sạch, thông minh, lại đang dốc chí tu học.
Nhà sư nghe hai con vật quái gở khen tặng nhau qua lại như vậy, bèn nghĩ
rằng: “Hai con vật này cứ ca tụng nhau bằng những lời hoa mỹ cầu kỳ đến
vô lý, không có chỗ nào là thành thật cả.”
Ngài liền đọc lên một bài thơ rằng:
Nhố nhăng bay những nói dông dài,
Hẳn thật là bay láo cả hai.
Ẩn núp ăn theo ba miếng thúi,
Lại còn múa mép với khoe tài.
Quạ nghe nhà sư châm biếm như thế thì giận lắm, mới ngâm hoạ lại rằng:
Cớ chi lão trọc bảo dông dài,
Hùm, phụng từng ưa thịt cả hai.
Thế sự nguôi chưa mùi tục luỵ?
Còn mong cướp lấy sắc hay tài?
Nhà sư thấy con quạ này còn ra sức cãi bướng, bèn đọc thêm một bài nữa rằng:
Lối cây hôi hám thúi khôn tày,
Cầm thú đâu còn léo hánh đây.
Một nắm đất hoang nơi rậm cỏ.
Ba bề rừng vắng chỗ chôn thây.
Khen cho quạ, sói là khôn vậy.
Tiếc bấy phụng, hùm chẳng biết thay!
Hai mặt gầm ăn người chết rục,
Lại còn xưng tụng khách cao tay!
Sự đời vẫn thế. Những kẻ dốt và bất tài lại thường hay hợm mình khoe
khoang, nhất là khi có ai tâng bốc và bợ đỡ, thì họ càng vui thích biết
bao! Như có ai trực tâm nói thẳng, họ chẳng bao giờ chịu nghe để sửa
mình, mà lại còn sanh lòng oán ghét nữa.