VẬT TRẢ ƠN, NHƠN TRẢ OÁN
Thuở trước, có một nước lớn kia, nhà vua nhờ học thông kinh điển
nên hiểu biết rất sâu xa. Thấy rõ được sự giả tạm của cuộc đời, vua tự
nghĩ rằng: “Một mai ta thác rồi, thân thể tan ra thành đất, cuộc danh
lợi này còn có ý nghĩa gì đâu?”
Vua liền từ bỏ cung điện, xa nẻo lợi danh, dứt đường vui sướng, thọ pháp
xuất gia làm một vị tỳ-kheo. Vị tỳ-kheo này tu hành tinh tấn, nghiêm
trì giới luật, vào tận trong rừng sâu núi thẳm để chuyên tâm tu tập, có
đến hơn ba mươi năm chưa từng trở lại chốn thị thành.
Một hôm, ngài đang ngồi thiền dưới một gốc cây lớn. Gần đó có một cái
hang rất sâu không có đường lên. Bỗng có một anh thợ săn, vì ham đuổi
theo mồi mà sẩy chân té xuống hang. Sáng hôm ấy anh vừa bắn được một con
quạ và một con rắn, cùng nhốt trong cái túi vải đeo sau lưng cũng rớt
theo xuống hang. Người thợ săn cất tiếng kêu la thảm thiết. Vị tỳ-kheo
nghe tiếng kêu cứu dưới hang sâu, vội đi tìm một sợi dây dài thả xuống
hang. Anh thợ săn nắm lấy dây mà trèo lên. Nhân khi té xuống hang, cái
túi vải bị trầy rách nên quạ và rắn mới ngoi đầu ra được. Vị tỳ-kheo
thấy thế liền mở túi cứu hai con vật ấy ra.
Bấy giờ, anh thợ săn quỳ lạy nói rằng: “Mạng sống của tôi may mà còn
được là nhờ ơn lớn của ngài. Vậy tôi nguyện trọn đời ghi nhớ và dốc sức
đền đáp.”
Vị tỳ-kheo nói: “Ta trước đây là vua một nước lớn giàu mạnh. Lầu đài,
dinh thự, bảo vật, cung phi... chẳng có vua nào khác có nhiều hơn ta. Sự
hưởng thụ của ta đã thoả, ta muốn điều chi thì có điều ấy, chẳng khác
nào như vừa kêu lên trong rừng này thì liền có tiếng vang dội lại liền.
Nhưng ta ngồi trên ngôi vua, thấy triều thần quan tước đầy những sự ganh
ghét tranh giành. Ta lại nghĩ rằng, sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị
ngon ngọt, cùng là áo quần chải chuốc, với những ham muốn dục vọng là
sáu lưỡi gươm chém nát thân này, sáu mũi tên đâm thủng tim mình. Sáu
việc nhơ nhuốc xấu xa ấy làm cho con người phải ở mãi trong vòng luân
hồi mà chịu đau khổ luôn luôn. Xét như thế cho nên ta mới bỏ ngôi vua mà
đi làm một thầy tu. Ta dốc lòng tìm đạo lý chân chính từ bi, không còn
tham đắm mùi thế tục, chỉ mong thành chánh quả mà độ chúng sanh ra khỏi
nơi khổ hải. Ta đã có tâm nguyện lớn lao đó, đâu còn muốn thọ nhận sự
đền đáp của ngươi. Vậy ngươi cứ về nhà đi. Và như có bà con thân thích,
hãy khuyên họ nên lánh dữ làm lành, như vậy là được rồi.”
Anh thợ săn nói: “Tôi không phải là người theo đạo Phật, nhưng tôi đã
thấy nhiều người ngoại đạo cũng ăn ở hiền từ như tín đồ nhà Phật, thường
cứu giúp người khác mà không màng đến danh lợi chi cả. Ngài đây đã là
một bậc chân tu, tôi muốn mời ngài khi nào ghé vào nhà tôi chơi.”
Rồi anh thợ săn từ biệt ra về. Anh ta đi rồi, con quạ mới nói: “Thưa
ngài, tôi không khéo nói những lời biết ơn như người kia, nhưng cũng xin
tìm cách báo đáp ơn cứu mạng của ngài.” Rồi nó bay đi.
Khi ấy, con rắn nói: “Tôi tên là Trăn. Ngày sau nếu ngài có việc chi cần
đến, xin cứ gọi tên tôi thì tôi xin đến để đền đáp ơn cứu mạng của
ngài.” Rồi nó bò đi.
Về phần anh thợ săn, tuy ngoài miệng nói lời biết ơn nhưng trong lòng
nghĩ đến việc sổng mất con quạ với con rắn thì đâm ra bực tức. Đã vậy,
là người ngoại đạo nên anh ta vốn không ưa các vị tỳ-kheo tu theo đạo
Phật.
Một hôm, vị tỳ-kheo nhân đi ra bìa rừng, mới tiện đường ghé đến nhà anh
thợ săn. Anh ta nhìn thấy từ xa, liền gọi người vợ mà dặn rằng: “Lão
tỳ-kheo ấy chẳng theo một đạo với ta. Như lão có vào nhà, thì mình cứ
nấu cơm cho ngon, nhưng nấu cho thật chậm. Hễ quá ngọ thì lão không thể
ăn được.” Chị vợ nghe lời dặn, thấy vị tỳ-kheo vào nhà liền ra bộ ân cần
giữ lại để dọn cơm mà đãi. Song chị ta cố ý làm thật chậm chạp, thành
ra trời đã quá ngọ mà cơm nấu chưa xong. Vị tỳ-kheo thấy vậy thì kiếu ra
về.
Về phần con quạ, nó bay về tổ rồi thì cứ nghĩ mãi không biết làm sao đền
đáp ơn cứu mạng của vị tỳ-kheo. Thế rồi. Cuối cùng nó nghĩ ra một cách,
liền bay đến kinh thành, lẻn vào cung vua. Thấy hoàng hậu đang ngủ say,
trên búi tóc có đính một hạt kim cương lớn chói sáng rực rỡ. Quạ liền
cắp lấy hạt kim cương rồi bay trở về, mang đến dâng cho vị tỳ-kheo.
Hoàng hậu thức dậy, tìm không thấy hạt kim cương quý, mới báo với vua
rằng hạt kim cương đã mất rồi. Vua truyền rao trong nhân dân rằng: “Ai
tìm được hạt kim cương, nhà vua sẽ thưởng cho một ngàn cân vàng, một
ngàn cân bạc, một ngàn con bò và một ngàn con ngựa.”
Vị tỳ-kheo nhận lòng thành của con quạ dâng cho hạt kim cương, nhưng
ngài nào có muốn dùng nó làm gì. Nghĩ thương cảnh nhà người thợ săn
nghèo khó, ngài mới mang hạt kim cương ấy đến cho anh ta. Ngờ đâu, anh
ta đã nghe lệnh vua truyền, nên liền bắt trói vị tỳ-kheo và đem nộp lên
vua để lãnh thưởng.
Vua hỏi vị tỳ-kheo rằng: “Hạt kim cương này do đâu mà ngài có?” Vì
tỳ-kheo suy nghĩ rằng: “Nếu ta nói thật, e rằng loài quạ trong cả nước
này sẽ bị giết cả. Còn như nhận rằng ta lấy hạt kim cương này, thì trái
với đạo lý cùa người tu hành, không xứng đáng là đệ tử của đức Phật
vậy.”
Nghĩ như vậy, ngài bèn im lặng không nói gì cả. Vua tức giận, sai mang
ra dùng trượng đánh rất nặng nề. Nhưng dù bị cực hình đau đớn, ngài cũng
không đem lòng oán giận ai cả. Ngài khởi lòng từ bi mà khấn nguyện
rằng: “Trong trần thế còn có nhiều người ngu si mà hành xử sai với đạo
lý như thế, ngày sau không tránh khỏi phải chịu quả báo nặng nề. Ta
nguyện tu hành thành Phật mà cứu vớt cho hết thảy bọn họ.”
Vua thấy ngài chịu đòn đau mà không mở miệng van xin, lại sanh lòng giận
dữ, thét quân hầu rằng: “Bắt lão này đem chôn sống đi, chỉ để ló cái
đầu lên thôi, đợi vài hôm sẽ giết.”
Quân lính mang ngài ra chỗ đồng trống, chôn cả thân hình xuống chỉ chừa
ló cái đầu lên trên mặt đất. Đêm đến, ngài vừa đói vừa khát nước quá,
không biết làm sao mới nhớ lại và gọi tên con rắn. Rắn liền bò đến. Thấy
ân nhân lâm nạn, nó cúi đầu xuống đất lạy chào và hỏi rằng: “Sao ngài
lại ra đến nông nỗi này?” Vị tỳ-kheo mới đem đầu đuôi tự sự mà thuật
lại. Con rắn khóc, vội bò đi tìm thức ăn nước uống mang đến cho ngài rồi
than rằng: “Lòng từ bi của ngài rộng lớn như trời đất mà sao phải nạn
khổ như thế này! Để tôi nghĩ cách cứu ngài.”
Đêm ấy, rắn liền bò vào cung vua cắn chết thái tử. Nguyên là nhà vua chỉ
có một người con trai duy nhất. Rắn cắn chết thái tử rồi mới trở lại
chỗ thầy tỳ-kheo, nói rằng: “Nay thái tử đã bị chết vì nọc độc của tôi,
nhưng có thuốc giải này của tôi thì có thể cứu người sống lại. Ngài hãy
nhận lấy thuốc giải này, ngày mai cứu sống thái tử thì vua nhân đó có
thể tha mạng cho ngài.” Rồi rắn để thuốc giải lại bên cạnh thầy tỳ-kheo
mà bò đi.
Sáng hôm sau người ta mới phát hiện thái tử đã bị rắn cắn chết. Nhà vua
đau đớn vô cùng, truyền rao khắp nơi rằng: “Như ai cứu sống được thái
tử, trẫm sẽ chia cho phân nửa giang san mà hưởng sự vinh hoa phú quí.”
Rồi không ai đến cứu được thái tử, người ta mới đem xác thái tử vào núi
để thiêu. Khi khiêng xác đi ngang qua chỗ chôn vị tỳ-kheo, ngài liền gọi
lại mà nói rằng: “Hãy khoan thiêu xác thái tử đã, bần tăng có thể cứu
sống được.” Quân hầu nghe mấy lời ấy, liền hối hả tâu lại với vua. Nhà
vua mừng lắm, truyền đưa ngay đến chỗ ngài và nói: “Như thật đại đức có
thể cứu sống thái tử, trẫm sẽ tha tội cho đại đức, và trẫm cũng sẽ chia
cho ngài phân nửa giang san để cùng làm vua như trẫm.”
Vị tỳ-kheo lấy thuốc giải của rắn cạy miệng thái tử đổ vào, giây lát
liền sống lại. Nhà vua mừng vui khôn xiết, truyền chia phân nửa đất nuớc
của mình cho vị tỳ-kheo. Nhưng ngài từ chối không nhận.
Bấy giờ, vua mới ngạc nhiên hỏi rằng: “Bạch đại đức, nếu như ngài không
tham lấy phân nửa giang san của trẫm, thì có lý nào ngài lại là người ăn
cắp hạt kim cương kia? Vậy sự thật là như thế nào, xin ngài cho trẫm
biết. Vì sao ngài là người hoàn toàn trong sạch lại chấp nhận hình phạt
mà không một lời than vãn kêu oan?”
Vị tỳ-kheo liền nói: “Tâu bệ hạ, nếu muốn bần tăng nói ra sự thật, xin
bệ hạ giao trọn quyền cho bần tăng được phán xử những kẻ liên quan.” Vua
ưng thuận. Vị tỳ-kheo liền đem hết đầu đuôi câu chuyện kể lại cho vua
nghe. Vua nghe rồi trong lòng xúc động, nước mắt tràn ra trên mặt, vừa
cảm phục đức độ của một vị chân tu, vừa hổ thẹn vì sự phán xét sai lầm
của mình.
Liền khi ấy, vua truyền lệnh bắt giết cả nhà người thợ săn và tru di cả
ba họ. Nhưng vị tỳ-kheo liền nói rằng: “Xin bệ hạ giữ lời đã hứa, giao
quyền cho bần tăng được quyết định.” Vua liền hỏi: “Đại đức phán xử thế
nào?” Vị tỳ-kheo đáp: “Việc làm thiện hay ác của mỗi người đều tự có quả
báo tương xứng. Bệ hạ không cần phải nặng tay trừng trị. Xin tha cho
người này được về quê sinh sống. Và xin đừng làm hại đến loài quạ trong
nước này.”
Vua hết lòng cảm phục đức từ bi của ngài, nhân đó liền xin được quy y Tam bảo, thọ trì Ngũ giới và tu hành theo Thập thiện đạo.