Truyện tích
Truyện Phật đời xưa
Đoàn Trung Còn
02/08/2554 11:00 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI

Thuở xưa, về đời vua Kiêu Liên, trong nước có một cây đại thọ. Thật là một cây to lớn lạ thường, thân tròn đến năm, sáu mươi dặm. Bên dưới gốc cây chu vi đo được tám trăm bốn mươi dặm, cao đến bốn ngàn dặm, cành lá tỏa ra các hướng đến hai ngàn dặm. Cây ấy có năm phía: phía trước có trái đủ cho vua ngự dùng với các cung phi, phía kế nuôi đủ các quan triều thần, phía thứ ba nuôi trọn cả nhân dân trong nước, phía thứ tư nuôi đủ các vị tăng, và phía thứ năm nuôi sống tất cả các loài cầm thú.

Trái cây to như cái vò đựng nước, ăn vào có mùi thơm ngọt như mật. Không có ai giữ gìn, mà cũng không có ai hái trộm những trái ấy để ăn một mình.

Thuở ấy, con người ta tuổi thọ có đến 84 ngàn năm. Trong cuộc sống, chỉ phải khổ về mấy điều này: nóng, lạnh, đói, khát, đại tiểu tiện, tình ái và già, bệnh. Người ta chưa phải chịu đựng cả trăm ngàn nỗi khổ như đời sau này. Đàn bà thuở ấy đến năm trăm tuổi mới lấy chồng.

Có một vị trưởng giả giàu có tên là A-lý-niên. Tuy giàu có hơn người, nhưng ông thường suy nghĩ rằng cuộc đời ngắn ngủi lắm. Không có ai được sống mãi không chết. Sự giàu sang phú quý cũng không thể kéo dài mãi mãi, và thường người ta vì nó mà luỵ thân. Ông nghĩ: “Tốt hơn là ta nên bố thí của cải cho kẻ nghèo, vì dù hiện tại ta có được may mắn giàu sang, nhưng nào có giữ được lâu? Tốt hơn là ta nên dứt bỏ đời sống gia đình bận rộn, dứt bỏ cuộc sống trần tục, giữ cho tinh thần trong sạch và sống cuộc sống xuất gia trau giồi đạo đức.”

Nghĩ như vậy, trưởng giả A-lý-niên liền từ bỏ tất cả gia sản đồ sộ của mình, tìm đến các vị trưởng lão tăng đạo cao đức trọng mà phát nguyện qui y Tam bảo và thọ giới xuất gia.

Dân chúng noi gương ông , không bao lâu cũng rủ nhau cả ngàn người cùng xuất gia theo Phật. Ai cũng thấy được đời người là giả tạm, có thịnh tất có suy, có thành tất có hoại, có sinh tất có diệt, chỉ có đạo lý chân thật là bền vững mà thôi.

Khi có rất đông người xuất gia, cùng đi theo ông A-lý-niên mà tu tập, ông mới giảng thuyết với mọi người rằng:

“Đời người ngắn ngủi, chỉ thoáng qua như bóng chớp. Ta nên dứt bỏ sự tham lam và ái luyến trong đời này để được an hưởng sự vui bền vững trong những đời sau. Không ai sống mãi mà khỏi chết. Vậy ta nên diệt lòng dục vọng, dứt bỏ sự tham lam và bố thí cho kẻ nghèo khó. Ta nên vượt qua sự đam mê tầm thường và các nẻo tà kiến. Người ta sống có được bao lâu, sao có thể xem đó là lâu dài? Đời người chỉ như hạt mưa sa trên mặt nước, bọt văng lên rồi tan mất liền. Đời người như ánh chớp, như tia điện xẹt, như nháy mắt... lại còn ngắn ngủi hơn thế nữa. Đời người như thoi đưa, thoi dệt vừa qua, thì đời cũng vừa dứt... Mà trong cái cuộc đời ngắn ngủi ấy, lại có biết bao sự nguy nan khổ cực! Người ta như con vật bị dắt ra lò mổ, càng bước càng đi gần đến chỗ mạng vong, mỗi một ngày qua cũng như con vật ấy bước thêm một bước đến chỗ bị giết thịt, lại còn ngắn ngủi hơn thế nữa. Đời người trôi nhanh như nước trên non cao cuồn cuộn đổ xuống, không khi nào ngừng lại, mỗi ngày trôi qua lại càng đến gần với cái chết. Người ta sống trên đời chịu lắm sự sầu ưu, khổ não. Đời là giả tạm, thấy được sự giả tạm ấy mới có thể nương theo đạo chân thật, tu tâm dưỡng tánh và cứu giúp chúng sanh.”