THÁI TỬ TRONG BỤNG CÁ
Thuở xưa, có một người làm ruộng, sau chết được đầu thai làm con
vua. Đời trước là người đi cày, đời sau lại là một ông hoàng, chuyện ấy
ngẫm ra thật ít có. Đó là nhờ người ấy đã tu nhân tích đức trong nhiều
đời trước, thường cúng dường tăng chúng và bố thí cho kẻ đói nghèo, lại
có nguyện giữ trọn một đời không hề sát sanh hại mạng.
Một hôm, hoàng hậu bồng thái tử đi chơi trên cầu, ra đến đoạn giữa sông,
có con cá lớn lắm quẫy đuôi đập nước vọt lên rất mạnh, làm hoàng hậu
giật mình sẩy tay khiến hoàng tử rớt xuống nước. Liền đó, con cá hả
miệng ra nuốt mất thái tử vào bụng rồi lội đi.
Thái tử ở trong bụng cá đến bảy ngày mà không chết, cũng không đói,
không khát. Lúc ấy, cá lội đi rất xa, đến một nước khác thì bị dân chài
bắt được. Thấy con cá to lạ thường, họ mới đem dâng lên cho vua nước ấy.
Lúc người nhà bếp của vua sắp làm thịt con cá, thái tử ở trong bụng cá
kêu lớn rằng: “Các người làm cá cho thận trọng, kẻo phạm nhằm ta!” Ai
nấy nghe vậy đều lấy làm kinh hãi, nhưng cũng đánh bạo mà đến chặt đầu
cá, thì thấy thái tử ở trong bò ra. Mọi người thấy rõ ràng là một bé
trai xinh đẹp đẽ khôi ngô, bèn dâng lên vua và kể lại mọi chuyện.
Vua vốn không có con, muốn nhận ngay cậu bé con mình, lập làm thái tử.
Nhưng câu chuyện ly kỳ về việc tìm được thái tử trong bụng cá đã lan
truyền nhanh chóng trong nhân dân, chẳng bao lâu liền đến tai vị vua cha
của thái tử. Ngài liền sai sứ sang xin đón thái tử về. Nhưng vua bên
này lại không thuận trao trả, nói rằng mình đã tìm được thì tất nhiên
phải thuộc về mình. Hai bên giằng co nhau mãi, chẳng ai chịu ai, mỗi
người đều quyết giành về phần mình, đã sắp phải động binh đao để phân
thắng bại.
Nhưng cũng may là hai vua đều có đạo tâm, đều đã quy y Tam bảo. Vì thế,
cuối cùng họ đồng ý tìm đến một vị sa-môn đạo cao đức trọng để nhờ phân
xử. Vị này sau khi hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện, liền khuyên dạy rằng:
“Nếu hoàng hậu bên này không sanh ra thái tử, thì làm sao có thái tử để
hai vua tranh nhau? Nhưng thái tử đã vào bụng cá, mười phần chắc chết cả
mười, nếu vua bên kia không bắt được cá mà kịp thời cứu thái tử ra, thì
biết đâu thái tử chẳng đã phải bỏ mạng rồi? Một bên có công sanh ra,
một bên có công cứu mạng, xem ra cũng đồng như nhau. Nay ta có một cách,
giúp cho hai bên có thể hòa thuận với nhau, mà bên nào cũng được thương
yêu, nuôi dưỡng thái tử. Ấy là nên dựng lên một cung điện ở chỗ biên
giới hai nước, để thái tử ở nơi cung đó và lập người làm thái tử cả hai
nước.” Hai vua cho là phải, thuận tình với nhau, trở về cùng cho người
chung sức xây dựng cung điện nguy nga cho thái tử ở. Về sau, hai vua đều
giao việc trị nước cho thái tử.
Ấy là một người làm ruộng mà sau được đầu thai làm hoàng tử, sau lại làm
vua hai nước, đều là nhờ có lòng từ thiện cứu giúp chúng sanh. Hơn nữa,
thái tử ở trong bụng cá bảy ngày mà vẫn sống, ấy là nhờ đời trước giữ
giới chẳng sát sanh hại mạng bao giờ.