BẦY NGỰA XAY LÚA
Thuở xưa, trong xứ Ấn Độ có một vị vua nuôi đến năm trăm con ngựa
chiến. Trong nước thái bình đã lâu, không xảy ra những chuyện binh đao.
Vua thấy ngựa chiến không còn dùng đến mà phải săn sóc tốn hao, nên định
dùng ngựa làm việc khác để sinh lợi.
Nghĩ vậy, vua mới truyền lệnh dùng cả thảy năm trăm con ngựa chiến ấy
vào việc kéo cối xay lúa. Tội nghiệp! Ngựa vốn quen giong ruổi trong
việc chiến tranh, mà nay phải đi mãi theo một vòng tròn để kéo cối xay
lúa thì làm sao được? Nên chúng vùng vẫy mà cưỡng lại. Nhưng theo lệnh
vua, người ta quyết rèn cho chúng làm được công việc mới, liền bịt mắt
ngựa lại, lấy dây buộc vào cối, rồi lấy roi quất ngựa kéo đi vòng tròn
mà xay lúa cả ngày. Ban đầu chưa quen, nhưng lâu dần rồi ngựa cũng xay
lúa được. Nhà vua lấy làm hài lòng về quyết định sáng suốt của mình, vì
ít ra thì chúng cũng có việc làm để sinh lợi. Lâu dần, năm trăm con ngựa
chiến thuần của vua trở thành bầy ngựa chuyên xay lúa.
Ngày kia, bỗng có quân giặc kéo đến xâm lấn, vây chặt cả thành. Bấy giờ,
vua truyền lệnh dắt ngựa ra, thắng yên cương vào như trước để ra trận
đánh giặc. Nhưng quân tướng vừa cưỡi lên, thì ngựa vùng vẫy không chịu
xông ra trận, lại cứ chạy quanh mãi theo vòng tròn. Quân tướng dùng roi
mà đánh rất đau, nhưng càng đánh ngựa càng chạy, cũng chỉ chạy theo vòng
tròn loanh quanh mà thôi. Bởi thế, quân giặc nhanh chóng chiếm được
thành và bắt giết vua.
Có tài trí mà đem dùng vào những việc tầm thường, thấp kém, tưởng cũng
là một sự tai hại không nhỏ vậy. Tâm trí ta khác nào con ngựa chiến, cần
phải trau giồi, rèn luyện nó, tập cho nó chiến thắng được những phiền
não, mê dục, để tinh thần ngày càng trở nên thanh cao. Nếu để nó chạy
theo những tham muốn nhỏ nhặt, tầm thường, thì có khác nào những con
ngựa chiến kia phải đi xay lúa? Rốt cùng, ta phải bị lũ giặc tham dục
khống chế mà gây bao tội lỗi, tinh thần phải sa vào chỗ ngu si thấp hèn
mãi mãi.