Với sự thịnh vượng hiện nay tại một vài quốc gia
Phật Giáo, mọi người đều nhắm thẳng vào chữ “tiền”, và từ đó nảy
sinh ra ngành nghề siêu độ, điển hình là việc “cúng dường anh linh,”
cầu siêu cho linh hồn của những đứa trẻ bị chết khi chưa ra đời.
Về
vấn đề này, Hòa Thượng khai thị rằng: “Việc này không thể gọi là “cúng
dường” được, vì đó không phải là Tam Bảo (Phật, Pháp,
Tăng).
Nếu quý vị gọi đó là “cúng dường,” tức là đã rơi vào tà
kiến vậy.
Đó phải gọi là “siêu độ”.
Thứ oán này quá sâu rất khó siêu độ; bởi vì đó là món nợ
tước đoạt sanh mạng (đoạt mạng trái), thì phải được trã bằng cách
đền lại sanh mạng (đoạt mạng hoàn).
Thế nhưng, nếu gặp được một vị chân tu không tham tiền thì
các anh linh đó có cơ hội được siêu độ.
“Phá thai là một vấn đề vô cùng quan trọng.
Một trong những lý do hiện nay trên thế giới có quá nhiều
hoài nghi, khó khăn, cũng như quá nhiều chứng bệnh nan y, là do sự
phá thai.
Quý vị hãy ngừng lại và suy nghĩ xem:
Một sanh mạng chưa kịp chào đời đã trở thành một oan hồn;
khắp nơi nhan nhãn những hồn ma nhỏ bé phiêu bạt đòi mạng, thì theo
quý vị, xã hội có thể an ninh được sao?
Những hồn ma nhỏ bé này cần phải gặp được người có đạo hạnh
và không tham tiền thì mới được siêu độ.”
Trong đoạn này Hòa Thượng đưa ra vấn đề là “oán này quá sâu”, thật
khó siêu độ, cần phải là bậc tu hành “không tham tiền” mới có thể
“có cơ hội” siêu độ cho chúng.
Do đó mọi người nhất định phải đừng mê tín mà cho rằng dùng
“tiền” để tạo nhiều công đức thì sẽ siêu độ “xong xuôi trót lọt”
được.
Nếu quý vị làm như vậy, thì đó là không hiểu nhân quả, đảo
gốc thành ngọn.
Bên cạnh đó, trong các kinh Phật cũng nhắc đi nhắc lại rằng
không được giết hại hoặc phá thai.
Ví
dụ, trong Kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Hộ
Chư Đồng Tử Đà La Ni
có chép:
“Thế gian có năm điều khó diệt dầu có sám hối.
Những gì là năm? 1) Giết cha mình; 2) giết mẹ mình; 3) giết
thai chưa sanh; 4) làm thân Phật chảy máu; 5) phá hòa hợp tăng.
Những ác nghiệp như thế, tội khó tiêu diệt.”
Trong Kinh Phật Thuyết Nghiệp Báo Sai Biệt có đoạn nói:
“Có
mười loại nghiệp có thể khiến chúng sanh bị quả đoản mạng:
1) Tự mình làm việc giết hại; 2) khuyến khích kẻ khác làm
việc giết hại… 7) hủy hoại thai tạng (tức là tự mình phá thai); 8)
bảo kẻ khác hủy hoại (tức là khuyên người khác phá thai) … Mười
nghiệp kể trên mang lại quả báo đoản mạng.”
Ngoài ra, trong Kinh Phật Thuyết Ưu Bà Tắc Ngũ Giới Tướng,
Đức Phật nói: “Nếu kẻ nào có ý phá thai và thai bị chết, kẻ đó đã
phạm tội không thể sám hối được vậy.”
Thật vậy, Hòa Thượng cũng có vì chúng sanh mà làm những buổi lễ siêu
độ vong linh, nhưng Hòa Thượng chỉ nói một cách rất khiêm tốn rằng:
“Suốt đời tôi, tôi không bao giờ muốn tham gia việc chạy theo các lễ
nghi ‘tụng kinh, sám hối, Phóng Diệm Khẩu, Thủy Lục Không,’ bởi tôi
không đủ đức hạnh -- đạo không đủ để cảm động người, đức không đủ để
giáo hóa người.
Chính mình còn chưa siêu độ được mình, thì làm sao có thể đi
siêu độ các vong hồn?
Cho nên, tôi không dám ‘to gan’ đến thế!”
Nhưng ngày nay, không những chỉ có các “trung tâm siêu độ vong linh”
mọc lên rải rác khắp nơi, mà còn có giá cả ấn định tùy theo tình
hình nữa.
Ngay cả người tại gia cũng tham gia hành nghề nầy.
Những người chuyên môn lấy việc siêu độ để kiếm tiền này
thực sự là hàng ngoại đạo trà trộn vào ăn bám cửa Phật vậy!
Hòa
Thượng khai thị rằng:
“Bây giờ là thời kỳ Mạt Pháp, hàng ‘bạch y’ (‘những người mặc áo
trắng’ tức là người tại gia) tùy tiện thọ nhận đồ cúng dường của
người khác.
Người tại gia lại cũng tùy tiện tụng kinh cho người khác,
làm lễ siêu độ cho người khác, thâu tiền của người khác, ‘dựa Phật
mặc áo, dựa Phật ăn cơm’.
Những kẻ tại gia mà lại có thể siêu độ người, thế thì ai sẽ
siêu độ cho chính họ?
Đừng nói là người tại gia, ngay cả người xuất gia mà tụng
kinh, làm lễ sám, siêu độ vong linh để kiếm tiền, thì đều là có vấn
đề cả!”
Có
thể thấy rằng thời Mạt Pháp, hàng bạch y siêu độ cho người là điều
hoàn toàn không “như Pháp,” bởi vì sức công đức tu hành của người
tại gia dù sao cũng có giới hạn, không thể nào đắc lực bằng so với
người xuất gia tu hành thanh tịnh.
Vả
lại, nghĩa vụ của người tại gia là hộ trì Tam Bảo, cúng dường Tam
Bảo, chứ không thích hợp để chủ trì Pháp hội siêu độ.
Chính mình còn chưa độ thoát được sanh tử, thì làm sao mà
cứu độ kẻ khác được chứ?
Còn
về vấn đề siêu độ chân chánh thì vẫn là khởi sự từ chính mình trước,
rồi sau đó nương nhờ sự gia trì của Tam Bảo và đức hạnh của vị Thầy
mới được.
Hòa
Thượng khai thị nói:
“Không nóng giận, không tranh, không tham, không mong cầu, không ích
kỷ, không tự lợi và không nói dối – hãy làm một con người tốt, không
làm các điều ác, chỉ làm những việc lành; thì cha mẹ và tổ tiên của
quý vị tự nhiên sẽ được siêu độ.”
Qua
đó có thể thấy rằng nếu chúng ta dụng công tu hành, không nóng giận,
nỗ lực làm một con người tốt, thì một cách tự nhiên chúng ta sẽ có
được vô lượng vô biên công đức.
Và từ công đức đó, các vong linh sẽ đương nhiên được ích lợi
mà giải thoát.
Trong Phẩm Nghi Vấn của Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, có chép
rằng:
“Niệm niệm không gián đoạn là ‘công’, tâm hành bình đẳng và
ngay thẳng là ‘đức’.
Lại nữa, tu tự tánh là ‘công’, tu tự thân là ‘đức’.
Chư Thiện tri thức!
Công đức phải thấy trong tự tánh, chẳng phải bố thí cúng
dường mà cầu được!”
Chẳng nhất định là phải có tiền hoặc tụng vài bộ kinh mới có thể
được ích lợi.
Có
câu: “Tự tánh chúng sanh thề nguyện độ”, tức là chính ngay lúc tự độ
đó là mình đang độ người rồi, ngay lúc độ người chính là đang tự độ
vậy – hai bên chẳng có sự phân biệt ai trước ai sau.
Trong Phẩm Nghi Vấn của Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, còn chép
rằng:
“Các chúng sanh trong tâm ta là tâm tà mê, tâm cuồng vọng, tâm bất
thiện, tâm đố kỵ, tâm ác độc, … các tâm như thế đều toàn là chúng
sanh, mỗi mỗi phải tự tánh tự độ, đây gọi là chân độ vậy!”
Có
lần có người thỉnh vấn Hòa Thượng rằng trong quá khứ mình đã giết
hại hơn một vạn sanh mạng, như thế phải tụng Chú Vãng Sanh bao nhiêu
biến mới hữu hiệu?
Hòa
Thượng trả lời:
“Nếu ông cắt đứt ái dục, thì chỉ trì một câu thôi thì sự linh ứng đã
phi thường rồi; nếu ông chưa đoạn được ái dục, thì dù có tụng đến
mười ngàn lần cũng không công hiệu!”
“Đoạn dục” không gì khác hơn là dạy chúng ta hãy cắt đứt phiền não,
dứt trừ vô minh, dẹp bỏ tất cả tư dục, ái dục, cùng tánh nóng giận.
Nếu chúng ta có thể đoạn trừ tư dục và lòng tham lam, rồi
lại đem cái tâm thanh tịnh để tụng Chú Vãng Sanh hoặc tụng kinh, thì
đương nhiên sẽ có sự cảm ứng!
Trong quá khứ, Phật Giáo tại Trung Hoa thường khiến người ta có ấn
tượng sai lầm, cho rằng đây là tôn giáo chuyên siêu độ vong linh
người chết; và do đó Phật Giáo đã bị một số các phần tử trí thức bài
xích, xem thường.
Hai
năm trước khi viên tịch, Hòa Thượng đã từng thiết tha kêu gọi:
“Phật Giáo tại nước Trung Hoa với các nghi thức Thủy Lục Không,
Phóng Diệm Khẩu, làm Phật sự, siêu độ vong linh, … đã trở thành như
một thứ ‘hình dáng tiêu biểu’ của Phật Giáo Trung Hoa.
Họ không chịu ngừng lại để suy nghĩ rằng, nếu cứ tiếp tục
như thế, họ sẽ dung dưỡng thành một đám dân lang thang vô nghề
nghiệp, lây lất trong Phật Giáo để kiếm ăn!
Thật đáng tiếc biết bao!
Chỉ biết kiếm tiền bằng cách siêu độ vong linh!
Thật ra, để siêu độ được vong linh, quý vị cần phải có căn
cơ, có đức hạnh.
Nếu quý vị có đức hạnh thì đừng nói là tụng kinh hay niệm
chú, chỉ cần quý vị phán một câu: ‘Hãy đi vãng sanh đi!’ thì cũng đủ
cho vong linh đó được vãng sanh về thế giới Cực Lạc rồi!
Còn nếu quý vị đã không có đạo đức, lại còn không có một sự
hành trì gì cả, thì tôi hỏi quý vị, quý vị dựa vào cái gì để siêu độ
vong linh?
Có thể nói như thế là mắc món nợ này với thí chủ, đồng thời
còn làm cho các chế độ căn bản của Phật Giáo không tồn tại được nữa.”
Đúng thế, Phật Giáo có được Tam Tạng Mười Hai Phần Giáo - một bảo
tàng trí huệ nhiều vô lượng vô biên như thế, - thế mà không chiu
khai quật giáo nghĩa trong đó, lại toàn là dụng công hời hợt bên
ngoài.
Đây quả thật là một việc rất đáng tiếc!
Ngoài ra, trong Phật Giáo còn có vấn đề “đốt tiền giấy” nữa.
Thật ra, tục lệ đốt tiền giấy mới bắt đầu có từ đời nhà Hán,
theo như lời của Vương Du, một học giả đời Đường nói rằng: “Từ nhà
Hán trở đi, tang lễ có lệ chôn tiền: người đời sau dùng tiền giấy
cúng cho ma quỷ”; có nghĩa là việc đốt tiền giấy trong tang lễ đã
trở thành tục lệ.
Bởi người Trung Hoa từ xưa đến nay đều tin rằng “con người
chết rồi thì thành ma quỷ,” cho nên nghĩ rằng ma quỷ cũng cần tiền
như loài người vậy.
Thế nhưng, đến ngày nay thì việc đốt tiền giấy trở thành một
công cụ để siêu độ vong linh.
Hòa
thượng dạy rằng:
“Tiền giấy một khi đem đốt thì thành tro; mà đã thành tro rồi thì
làm sao có thể biết được nó còn có giá trị hiệu dụng hay không?
Nếu nói rằng đốt rồi vẫn có hiệu dụng, như vậy người Tây
Phương không đốt tiền giấy, thì chẳng lẽ họ điều trở thành những con
ma nghèo xác xơ, phải đi xin ăn cả sao?!”
“Có
câu: ‘Tây phương không có quỷ nghèo, Đông phương chẳng có thần giàu.’
Ma quỷ chỉ ăn cái ‘tánh’ của vật mà thôi; chứ chúng thật sự
không cần tiền bạc và vật thực.
Nếu quý vị có tiền, thì có thể dùng tiền đó làm việc công
đức và hồi hướng cho vong hồn; còn nếu mua những xe hơi giấy, máy
bay giấy, lâu đài giấy, … để đốt thì quả thật là u mê đến cực điểm
vậy!”
Đến
như việc dùng lửa để đốt tiền giấy, có thể là có liên quan với tôn
giáo thờ thần lửa (hỏa giáo), tin tưởng rằng thần lửa có thể đem
những đồ vật đã bị đốt thành tro chuyển giao cho quỷ thần.