LTS: Một trong những điểm đặc thù từ giáo
pháp của Đức Phật chính là tinh thần Trung đạo - không rơi vào cực đoan
khổ hạnh ép xác hay thú hướng dục vọng. Biện chính giáo pháp để làm lộ
rõ con đường Trung đạo cũng là một phương thức hoằng pháp. Có thể sự
biện chính chỉ là quan kiến cá nhân và đôi khi đi xa hơn vấn đề cần biện
chính, nhất là những biện chính liên quan đến lát cắt của một phần tổng
thể văn bản. Dẫu vậy, toàn bộ nội dung bài viết vẫn hướng đến mục đích
làm sáng tỏ thêm con đường Trung đạo, tránh sự hiểu nhầm đáng tiếc đối
với những Phật tử sơ cơ. NSGN xin trân trọng giới thiệu bài viết đến với quý độc giả. Bài “Quan điểm của Phật giáo về vấn đề kinh
tế” của Hòa thượng Tinh Vân (Phước Tâm dịch, Nguyệt san Giác Ngộ số
189, tháng 12-2011, trang 36), có một đoạn viết: |
“Kinh tế là sự kết nối mạng mạch dân sinh, trước đây hành giả Phật giáo
Nguyên thủy mặc dù không coi trọng kinh tế, xem nhẹ của cải, chỉ chú trọng đến
tịnh tu, tìm cầu cuộc sống đạm bạc, giản dị, đề xướng tư tưởng thanh bần, cho
rằng giản dị mới là tu hành, đạm bạc mới là hữu đạo; nhưng mà, nhìn từ góc độ
kinh điển Phật giáo Đại thừa, ví dụ thế giới Cực lạc trong kinh A Di Đà, vàng bạc, châu
báu lát trên mặt đất, cung điện lầu các đều làm từ thất bảo, vô cùng trang
nghiêm đường hoàng, Bồ-tát không vị nào không đeo mũ miện quý báu, chuỗi ngọc
khoác mình, phú quý không gì sánh bằng. Vì vậy, tu học pháp của Phật không nhất
định phải lấy sự bần cùng khốn khổ làm thanh cao.”
Trong đoạn văn trên có hai điểm hầu như không ứng hợp với tinh thần Phật
giáo chân chính, dễ dẫn đến sự hiểu biết sai lệch về giáo pháp Đại thừa. Đó là
quan điểm về thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà và cách tu học pháp Phật
hiện nay.
Chân dung Hòa thượng Tinh Vân
Thế
giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà
Có nên hiểu thế giới Cực lạc trong kinh A Di Đà qua hình tượng “vàng
bạc, châu báu lát trên mặt đất, cung điện lầu các đều làm từ thất bảo, vô cùng
trang nghiêm đường hoàng” theo nghĩa đen, một cách thô thiển và trần trụi
như vậy chăng? Có nên hiểu hình ảnh chư vị Bồ-tát theo cách “không vị nào
không đeo mũ miện quý báu, chuỗi ngọc khoác mình, phú quý không gì sánh bằng”
như thế chăng? Nếu cứ hiểu theo nghĩa đen như thế thì cõi Cực lạc chẳng khác gì
một đại siêu thị kim hoàn, và trang phục của các Bồ-tát quá đỗi lòe loẹt, hoa
hòe!
Ta thử đọc một đoạn kinh văn tiêu biểu cùng diễn đạt chung ý tưởng này,
trong kinh Hoa nghiêm:
“Lúc ấy Hưu Xả ưu-bà-di ngồi tòa chơn kim, đội mão hải tạng chơn châu
võng, đeo bửu xuyến chơn kim hơn cõi trời, rũ tóc xanh biếc, đại ma ni bửu
trang nghiêm trên đầu, sư tử khẩu ma ni bửu làm bông tai, như ý ma ni bửu làm
chuỗi ngọc, bửu võng trùm trên thân. Trăm ngàn na-do-tha chúng sanh cúi mình
cung kính…
Có ai thấy ưu-bà-di này thời tất cả các bệnh khổ đều trừ diệt, lìa phiền
não, hết kiến chấp, xô núi chướng ngại, nhập cảnh giới vô ngại thanh tịnh”(1).
Ta cảm nhận được gì từ đoạn kinh văn nói trên? Nếu cứ hiểu hình ảnh của
vị Bồ-tát đó theo nghĩa đen thì hẳn ta thấy trang sức của Ngài quá đỗi hoa lệ
đến mức diêm dúa, dễ làm hoa cả mắt, mất cả vẻ tôn nghiêm thù thắng, vốn là thứ
do ánh tuệ quang tỏa ra từ tuệ trí và công phu đạo hạnh, theo tinh thần Phật
giáo. Dĩ nhiên hình dung, sắc tướng sẽ được tôn vinh thêm nhờ vào hình thức,
song nếu chấp vào hình thức thì đó chỉ là cái xác rỗng tuênh, bởi vì “Phàm
sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”.
Cũng như chân dung Đức Phật Thích Ca mà ta đang thờ phụng trong tất cả chùa
chiền tự viện, thật ra chỉ là biểu tượng của “Bi, Trí, Dũng”, chứ hoàn
toàn không phải là gương mặt thật của Đức Phật. Đó chỉ là sản phẩm do các nghệ
nhân Ấn Độ, trong quá trình giao lưu văn hóa, đã vay mượn gương mặt thần
Appolon trong nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp để biểu hiện vẻ đẹp nội tâm của Đấng
Giác Ngộ mà thôi(2).
Đoạn hai mới là ý chính: “Có ai thấy ưu-bà-di này thời tất cả các bệnh
khổ đều trừ diệt, lìa phiền não, hết kiến chấp, xô núi chướng ngại, nhập cảnh
giới vô ngại thanh tịnh”. Mà để đạt đến điều đó thì ta nên quán tưởng vị Hưu Xả
ưu-bà-di theo một cách khác, vì chắc hẳn những thứ “bửu xuyến chơn kim, đại
ma ni bửu”v.v… quá đỗi rực rỡ đó khó có thể nào giúp những kẻ phàm phu như
chúng ta cảm nhận được trạng thái hỷ lạc này. Ngẫm cho cùng, cách mô tả sắc
tướng đó chỉ là biện pháp tu từ, mang tính ẩn dụ và ước lệ để diễn đạt cái ý ở
ngoài lời.
Trong kinh điển Đại thừa, cảnh tượng Đức Phật thuyết pháp luôn được xây
dựng theo một kịch bản hoành tráng về không gian với vô số châu ngọc, lưu ly,
mã não, cờ phướn trang nghiêm lộng lẫy. Và số lượng thính chúng cũng gây ấn
tượng không kém, với muôn vạn Bồ-tát vân tập về để nghe giảng kinh. Nó hoàn
toàn khác hẳn với cái đạo tràng thực sự của Đức Thế Tôn, mà ta thường thấy
trong kinh tạng Nikaya. Bồ Đề Đạo Tràng lịch sử - nơi Đức Phật từng thuyết
pháp, mà chúng ta có thể tìm thấy trong tư liệu hiện nay, ngày xưa có thể chỉ
là cái sân không quá vài trăm mét vuông với những môn đồ lặng lẽ ngồi quanh
lắng nghe Chánh pháp, thử hỏi lấy đâu ra chỗ để muôn vạn Bồ-tát cùng về hội tụ?
Hoặc trong Duy Ma Cật sở thuyết kinh, căn phòng nho nhỏ vuông vức của cư
sĩ Bồ-tát Duy Ma Cật tại thành Tỳ-Da-Ly làm đâu ra chỗ để cho gần mười ngàn môn
đệ của Đức Phật gồm nào là Bồ-tát, Thanh văn, nào là thiên nhân cùng tập trung
để nghe cuộc đối thoại hy hữu giữa một vị cư sĩ huyền thoại với Bồ-tát Văn Thù?
Ta phải nhìn thủ pháp diễn đạt đó qua một lăng kính khác.
Cũng vậy, bồ đoàn hay vật ngồi - mà Đức Phật ngồi để tham thiền hay
thuyết pháp - có lẽ cũng chỉ là cái bồ đoàn đơn sơ bằng cỏ bện, nhưng nó được
tôn xưng thành “sư tử tọa” vì đã được trang nghiêm bằng trí tuệ của Đấng
Giác ngộ. Đó mới là sự trang nghiêm chân chính, theo tinh thần “Duy tuệ thị
nghiệp” của Phật giáo. Qua ánh sáng của tuệ giác, các quốc độ của chư Phật
không còn là thế giới bình thường nữa, mà đã trở nên cảnh giới siêu nhiên được
trang nghiêm bằng thất bảo, qua trí tưởng tượng phong phú dị thường của các
Bồ-tát viết kinh. Tất cả thế giới đó đều được quán chiếu từ một cõi tư tưởng
khác, nhằm dùng hình ảnh để diễn đạt những gì mà ngôn ngữ không thể diễn đạt
trọn vẹn.
Các Bồ-tát khi viết kinh hẳn đã nhập định trong cảnh giới thù thắng vi
diệu, để nói ra những lời thù thắng vi diệu. Cảnh giới bất khả tư nghì đó vượt
qua tri kiến của phàm phu chúng ta, khó lòng diễn đạt bằng ngôn ngữ, nên cần
phải dùng hình ảnh để minh họa, chứ làm gì có trân bảo châu báu trang nghiêm
theo cách hiểu thô thiển của trần gian? Trí tưởng tượng được khơi dậy qua hình
ảnh đôi khi giúp chúng ta dễ tiếp cận được chân lý hơn ngôn ngữ, cũng như một
tấm gương về đạo đức giúp con người hiểu được đạo lý nhiều hơn các bài học luân
lý. Sách vở từ chương đều không thể nào diễn tả hết được lời, lời không thể nào
diễn tả hết được ý, cho nên các bậc chân nhân phương Đông phải lập ra tượng để
diễn tả cho hết ý, như Văn Vương, Khổng Tử… thực hiện với Kinh Dịch(3); hoặc dùng những âm thanh vi diệu, hình ảnh lộng lẫy
nguy nga để diễn đạt những cảnh giới bất khả tư nghì siêu quá ngôn ngữ, như các
Bồ-tát thực hiện trong kinh điển Đại thừa. Đọc kinh điển Đại thừa, nếu cứ bám
vào ngôn từ, thì vô tình chúng ta đóng khung nội dung kinh điển theo cách suy nghĩ
hạn hẹp của chúng ta, đem những suy tư của mình áp đặt lên trên đó. Đó là cách
luận giải kinh điển phổ biến hiện nay. Nói như triết gia Spinoza: “Tôi tin
rằng nếu như hình tam giác mà biết nói thì có lẽ nó sẽ bảo rằng Thượng đế chắc
chắn phải là hình tam giác, và một vòng tròn sẽ bảo bản chất thần linh phải là
hình tròn; như thế đó, ai nấy cũng đều đem những thuộc tính của riêng mình mà
gán cho Thượng đế”(4).
Bất kỳ tôn giáo nào cũng đều xây dựng một thế giới lý tưởng. Tuy cấu trúc
và mô hình các thế giới đó có khác nhau tùy theo yêu cầu phổ độ chúng sinh,
nhưng đều được xem như là cảnh giới giải thoát. Phật giáo cũng thế. Thế giới
trong kinh tạng Nikaya là thế giới thực của lịch sử, còn thế giới Cực lạc trong
kinh điển Đại thừa là cảnh giới lý tưởng của tôn giáo, nhưng hai thế giới đó
vẫn tương thông vô ngại “tuy hai mà một, tuy một mà hai” nhờ vào diệu
dụng của tâm. Thế giới trong kinh tạng Pali chỉ là thế giới thực của “cõi
người ta”, nhưng những tư tưởng thù thắng vi diệu của Đức Phật đều cất lên
từ mảnh đất đen xám đầy “dưỡng chất trần gian” đó. Nếu tâm ta không còn
dục vọng, mọi ý niệm về tự ngã đều tan biến trong cảm xúc tuyệt diệu như nhà
thơ trong một phút linh cầu, thì ta sẽ thấy thế giới này thuần nhiên thanh
tịnh, theo tinh thần “tùy kỳ tâm thanh tịnh nhi quốc độ tịnh” trong kinh
Duy Ma, hoặc như lời thơ của Whitman:Tôi đoan chắc rằng trần gian này sẽ
toàn bích đối với những ai có tâm hồn toàn bích. Và nó chỉ đổ nát vỡ vụn đối
với những ai có tâm hồn đổ nát vỡ vụn(5).
Ta hãy nghe văn hào Herman Hesse tả hình ảnh Đức Phật, theo những gì ông
cảm nhận được từ kinh điển phương Đông: Đức Phật lặng lẽ đi, dáng đăm chiêu suy
nghĩ. Nét mặt bình an của Ngài không sung sướng cũng không buồn khổ. Ngài dường
như hiền dịu mỉm cười trong tâm với một nụ cười kín đáo không khác nụ cười của
một trẻ thơ khỏe mạnh. Người bước đi bình an, lặng lẽ. Ngài đắp y và đi bộ
giống hệt các vị Tỳ-kheo khác nhưng nét mặt Ngài cùng bước chân Ngài, cái nhìn
xuống trầm lặng và đôi tay buông thả, và mỗi ngón tay Ngài đều nói lên một niềm
bình thản đầy đặn, không tìm kiếm gì, không học đòi một cái gì, mỗi ngón tay
phản chiếu một sự bình lặng liên tục, một ánh sáng không phai mờ, một niềm bình
an bất khả tổn thương(6).
Đoạn văn rất đơn giản, nhưng khi đọc, ta thấy như bừng lên hào quang của sự
giác ngộ, và cảm nhận được niềm thanh thản vô biên. Đó chính là hình ảnh Đức
Phật trong kinh tạng Nikaya. Và sự bình yên vô lượng đó sẽ tỏa thành ánh sáng
lộng lẫy của châu ngọc, lưu ly… với thất bảo trang nghiêm, theo cách diễn đạt
trong kinh điển Đại thừa. Ta nên quán tưởng các Bồ-tát trong cõi Cực lạc theo
hình tượng đó, thay vì "không vị nào không đeo mũ miện quý báu, chuỗi
ngọc khoác mình, phú quý không gì sánh bằng". Đọc kinh điển Đại thừa
là để tìm thấy được sự bình dị "Bình thường tâm thị Đạo" nằm
sau biển ngôn ngữ vô biên vô tế, diễn tả thế giới "Sự sự vô ngại"
của Hoa Nghiêm tông, "Bách giới thiên như" của Thiên Thai
tông, hoặc "Tứ trùng nhị đế" của Trung Quán tông… Bên dưới
những lớp sóng ngôn ngữ trùng trùng điệp điệp là cảnh giới thiên thu lặng lẽ
của đại dương.
Trong tác phẩm U mộng ảnh, Trương Trào có một câu nói thông minh
mà vô cùng dí dỏm:
“Văn nhân thường chê bai, khinh rẻ bọn nhà giàu, nhưng đối với thơ văn
hay thì lại dùng toàn vàng ngọc, châu báu, gấm vóc để ngợi ca. Vì sao vậy?”(7).
Đặt ra câu hỏi như thế tức là đã trả lời. Thế giới trang nghiêm trong
kinh điển Đại thừa cũng nên được hiểu theo tinh thần “vì sao vậy?” đó.
Dùng vàng bạc châu báu, mã não, lưu ly… để trang nghiêm, tất cả chỉ là biện
pháp tu từ mang tính ước lệ, nhằm diễn đạt một ý khác, để phản ánh diệu dụng
của Diệu quán sát trí trong đạo Phật. Trong cảnh giới đó thì nói năng
động tĩnh đều phát huy diệu dụng, đi đứng nằm ngồi đều biểu lộ huyền cơ; cho
nên sỏi đá cũng đều là lưu ly thất bảo, bất kỳ nơi nào cũng đều có “vàng
bạc, châu báu lát ở trên mặt đất”; các bậc chân nhân giác ngộ có mặc tăng
bào bình dị vẫn tỏa hào quang rực rỡ như Hưu Xả ưu-bà-di, muôn vạn Bồ-tát đều
có thể về vân tập về trong một căn phòng nhỏ bé trong thành Tỳ-da-ly. Hay nói
theo ngôn ngữ các thiền sư, thì núi Tu-di có thể được nhét trong một hạt cải,
thập phương thế giới có thể hiển lộ trên đầu một sợi chân lông. Đó mới thực sự
là “thất bảo” trong thế giới Cực lạc.
Tu học pháp của Phật không nhất định phải lấy sự bần cùng, khốn khổ làm thanh cao
Từ việc quán chiếu thế giới Cực lạc gồm “vàng bạc, châu báu lát trên
mặt đất, cung điện lầu các đều làm từ thất bảo, vô cùng trang nghiêm đường
hoàng, Bồ-tát không vị nào không đeo mũ miện quý báu, chuỗi ngọc khoác mình,
phú quý không gì sánh bằng” dĩ nhiên sẽ dẫn đến hệ quả “tu học pháp của
Phật không nhất định phải lấy sự bần cùng, khốn khổ làm thanh cao”. Câu nói
của Đại sư Tinh Vân nếu ở thời Đức Phật còn tại thế thì đó là lời cảnh tỉnh
tốt, vì hành giả nào cũng muốn đi vào cõi thanh tu khổ hạnh, xa lánh thế gian
nên không quan tâm nhiều đến việc tôn tạo tự viện, hay các hoạt động xã hội,
khiến cho việc hoằng pháp trở nên hạn chế; nhưng ở thời mạt pháp hiện nay, khi
hầu như cả thế giới đang đắm chìm trong vật dục thì câu nói đó dễ trở thành công
cụ để biện minh cho nếp sống hưởng thụ trong tu tập đang đầy dẫy hiện nay, nhất
là khi người phát ngôn được coi như một bậc cao Tăng thời hiện đại.
Đối với chúng ta, tu tập trong điều kiện hạn chế về vật chất không phải
là điều dễ thực hiện, trừ những bậc chân tu khổ hạnh. Các vị đó dĩ nhiên không
bận tâm gì đến những thứ “thanh cao” phù phiếm của trần gian, mà họ chỉ
muốn dùng sự tiết dục, quả dục để nâng cao đời sống tinh thần. Nhưng nếu chỉ
muốn tu tập trong điều kiện vật chất đầy đủ hơn nhu cầu thực sự, thì cũng dễ tự
cắt bỏ con đường đi vào cõi đạo. Với một chút cực đoan, tôi cho rằng cuộc sống
thỏa mãn về vật chất luôn là trở ngại lớn cho tu tập. Cây đại thụ đạo hạnh chỉ
lớn lên từ mảnh đất thanh tu khắc kỷ. Mảnh đất lợi dưỡng phì nhiêu chỉ có thể
làm nảy sinh loài lau lách trì độn mà thôi.
Đối với tôn giáo, đành rằng cần phải có các tự viện to lớn hoành tráng để
hỗ trợ việc hoằng dương Chánh pháp, nhưng trong nếp tu tập thì cần phải luôn
giữ sự thanh bần. Bần chứ không cùng. Thanh bần có nghĩa là sống đạm
bạc, tiết giảm nhu cầu bản thân đến mức tối thiểu, dùng tư tưởng khắc kỷ để rèn
tâm luyện chí. Tu tập trong điều kiện thuận lợi hiện nay mà giữ được nếp sống
thanh bần theo tinh thần giới luật của đạo Phật đã là chuyện thiên nan vạn nan,
chứ đừng nói chi đến việc “lấy sự bần cùng, khốn khổ làm thanh cao”. Nếu
tu tập trong môi trường thuận lợi mà không giữ được nếp sinh hoạt thanh bần thì
sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, vì rất khó mà kiềm chế được lòng tham lam chiếm hữu.
Sự cám dỗ vật chất và tiền bạc rất khủng khiếp, không kém gì danh vọng, vì
chúng là những thứ âm thầm nuôi lớn lòng ngã mạn của chúng ta, đem lại chúng ta
cảm giác hả hê thỏa mãn, do thấy mình “hơn người khác”, dù chỉ là “hơn”
bằng những thứ vật chất vô cùng phù phiếm, ngay cả trong môi trường “Duy tuệ
thị nghiệp”.
Trong lĩnh vực tư tưởng, đạt đến trạng thái hư tâm vô chấp là điều cực
khó, đòi hỏi phải có một trí tuệ phi thường; nhưng trong lĩnh vực vật chất,
điều đó cũng gian nan không kém. Muốn thanh thản bước ra khỏi sự cám dỗ của vật
chất và tiền bạc, muốn tu tập trong môi trường thuận lợi mà vẫn giữ được nếp
thanh tu, nếu không phải là những tâm hồn nghệ sĩ coi thường danh lợi, hay
những bậc chân tu sẵn sàng đạp mọi vinh hoa của thế gian xuống dưới gót chân để
tìm cầu giác ngộ, thì cần phải có cơ duyên và một tâm lực kiên cường. Khi ta
chiếm hữu một vật để làm chủ nó thì trong thực tế vật đó cũng sẽ làm chủ lại
ta. Đó là mối quan hệ hỗ tương mà khi còn trong cuộc thì ta mê muội nên không
lưu ý. Vật càng quý báu thì sự nô lệ của ta càng lớn, và sự nhiễu loạn của tâm
càng trầm trọng, vì nó càng củng cố vọng tưởng của ta về tự ngã. Con người luôn
bị lừa phỉnh bởi cái mình đang có hay tưởng mình đang có. Ta luôn luôn đồng
nhất ta với những cái thuộc về ta, và tự huyễn hoặc “giá trị” bản thân mình qua
những thứ mà ta chiếm hữu. Không phải ngẫu nhiên mà thông điệp “buông xả”,
“vô chấp”, “vô nhiễm”… hơn mấy ngàn năm qua vẫn vang rền trong
các điện đài minh triết phương Đông, xem như là tiền đề để con người hướng đến
tự do, tự tại.
Giống như mọi tông phái khác
ở Ấn Độ thời cổ đại, Phật giáo vẫn lấy giới luật và thiền định làm kim chỉ nam
để đưa đến trí tuệ. Tam học
Giới-Định-Tuệ vẫn luôn có giá trị vĩnh cửu trong tu tập, trong đó giới luật là
bước khởi đầu. Trong quá trình phát triển của đạo Phật, giới luật được nâng lên
thành một tông phái là Luật tông, đủ thấy tầm quan trọng của nó. Trong giới văn
nghệ sĩ, ta thấy có nhiều bậc thượng trí chỉ có tuệ, nhưng vì sống mà không có giới luật
kiềm chế, nên cuộc sống đôi khi vẫn bị rối loạn và mất quân bình, dù họ để lại
cho đời vô vàn châu ngọc trong lĩnh vực thi ca, tư tưởng. Cũng không phải
ngẫu nhiên mà Phật giáo chủ trương ăn chay để hỗ trợ cho nếp sống thanh tu quả
dục. Ăn chay đúng nghĩa, chứ không phải cách ăn chay xa xỉ với những món chay
dưới hình thức mặn đang phổ biến hiện nay. Dục ở đây hiểu theo nghĩa rộng,
nhưng trước hết hãy nhìn từ góc
độ sinh lý. Thông thường, khi cơ thể càng được hưởng thụ đầy đủ thì bản năng cơ bản là tình dục càng phát
triển mạnh, bất kể là tăng hay tục. Ngay cả các tông phái Phật giáo Nguyên thủy
cũng không xem A-la-hán là quả vị tối cao, vì những vị đó vẫn còn hiện tượng
xuất tinh trong lúc ngủ say, mà Đại chúng bộ gọi là “bất tịnh lậu thất”.
Nhìn dưới góc độ khoa học thì đó chỉ là hậu quả tất yếu của sự ức chế tình dục
một cách vô thức và vô cùng vi tế. Dùng thiền định để chuyển hóa nguồn năng
lượng đó thành trạng thái hỷ lạc như một số tông phái Mật tông, thử hỏi có mấy ai làm được? Tôi
tin rằng chỉ có những vị giữ nếp thanh tu mới có được đời sống tinh thần thật
sự. Bởi vậy trong Phật giáo, vĩnh viễn phải cần gìn giữ nếp sinh hoạt quả dục,
thanh bần dù tu tập trong bất kỳ môi trường nào.
Theo thế giới quan của Phật giáo thì thế giới của chúng ta được gọi là
Nam Thiệm Bộ Châu ở phương Nam, còn ở phương Bắc thì có Bắc Câu Lô Châu, một
nơi được xem như xã hội lý tưởng, hoàn toàn không chính phủ, pháp luật, kinh
tế, lao động, thương mại…, con người sống cả ngàn năm. Tưởng chừng như đó là
Bồng Lai tiên cảnh, nhưng Phật giáo lại cho rằng sinh vào nơi đó lại là điều
bất hạnh, vì sống trong điều kiện quá thoải mái, con người dễ đâm ra lười biếng
và sẽ ham hưởng thụ, làm trì trệ con đường tu tập.
Con người chỉ khám phá ra mình khi đương đầu với trở ngại, khổ đau. Không
có trở ngại, khổ đau thì tâm thức và nhân cách con người khó mà phát triển để
tìm đến cảnh giới giải thoát. Nếu ta đi qua một cánh đồng bằng phẳng, thì đường
đi vẫn chỉ là đường đi, nhưng nếu ta đặt một lưỡi cày xuống đất thì đất sẽ cản
trở lưỡi cày, ta phải nỗ lực đẩy lưỡi cày tiến lên, đường đi sẽ biến thành luống
cày, và từ luống cày sẽ nảy sinh hạt lúa. Không có sự cản trở của đất đối với
lưỡi cày thì không bao giờ có được hạt lúa. Cánh đồng là tâm thức, lưỡi cày là
nếp tu tập thanh bần, nỗ lực đẩy lưỡi cày tiến lên là tinh tấn, luống cày là
công phu hành đạo và hạt lúa là trí tuệ. Giữ nếp sống thanh bần, ngay cả trong
điều kiện tu tập thuận lợi, vẫn luôn là tiền đề để khơi nguồn trí tuệ.
Đọc sách võ hiệp, ta thường thấy nhân vật chính lâm vào cảnh khốn cùng
như rơi vào tuyệt cốc, lạc vào hoang đảo… rồi đột nhiên tìm được bí cấp võ công
hoặc ăn được kỳ hoa dị thảo, rồi tự luyện thành võ công siêu đẳng thượng thừa;
thực ra đây cũng là cách diễn đạt ý tưởng này bằng một thủ pháp khác, theo lẽ “nhất
dĩ quán chi” của phương Đông. Lâm vào cảnh khốn cùng, trong cuộc sống và
trong tư tưởng, con người mới có điều kiện để phát tiết anh hoa, còn “bí cấp
võ công” hay “kỳ hoa dị thảo” cũng chỉ là cách diễn tả nguồn năng
lượng nội tại, hay Phật tính tiềm ẩn trong mỗi con người, khi nhìn từ một bình
diện khác. “Sơn cùng thủy phúc nghi vô lộ. Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”
(Tại nơi tuyệt lộ sơn cùng thủy tận, cứ ngỡ như không còn lối đi nữa, thì lại
thấy có một thôn xóm thấp thoáng trong những rặng liễu mờ và những cành hoa
sáng - Thơ Lục Du). Điều kiện “sơn cùng thủy phúc” sẽ là luống
cày để khơi nguồn trí tuệ trong chốn “liễu ám hoa minh”.
Khi tâm ta chưa đủ định lực để chuyển hóa và thăng hoa dục vọng, thì cách
hay nhất để chiến thắng nó là ta nên tránh nó đi, bằng lối sống thanh tu theo
giới luật. Sống theo giới luật luôn đồng nghĩa với sự chế ngự tư dục, giảm
thiểu nhu cầu đến mức tối thiểu để làm chủ bản thân; điều đó sẽ giúp ta nuôi
lớn tinh thần khắc kỷ để trau dồi đạo hạnh, tạo tiền đề cho trí tuệ phát triển,
vì làm chủ được thân thì mới làm chủ được tâm. Nếu tâm ta luôn vô nhiễm với vật
chất và tiền bạc, như con ngỗng trắng trong hồ nước, đủ tâm lực để xem viên
ngọc như hòn sỏi, xem cung vàng điện ngọc như túp lều tranh, đủ tuệ trí để thấy
“cái ta” là hư giả, một lòng tìm cầu giác ngộ, thì lúc đó mọi yêu cầu
của giới luật hay nếp sống thanh tu không còn làm ta vướng bận nữa, và ta có
thể thong dong “thõng tay vào chợ” như các Bồ-tát nhập thế, mặc tình du
hý thần thông trong cõi Ta-bà. Còn như nếu chưa đạt đến cảnh giới đó, thì tu
tập nghiêm túc theo giới luật với nếp sống thanh tu quả dục vẫn luôn là con
đường chân chính dẫn đến cảnh giới của đạo tâm.
Chú thích
(1) Kinh Hoa Nghiêm, tập 4, bản dịch của Thượng tọa Thích Trí
Tịnh, Sài Gòn, Phật lịch 2511, tr.149-150.
(2) Theo nhà sử học Will Durant thì tượng Phật
Thích Ca ngày nay mang dáng vẻ của tượng thần Apollon, do ảnh hưởng của nghệ
thuật Hy Lạp, chứ hoàn toàn không phải là chân dung thật sự của Đức Phật : “Dưới
sự giám hộ của các ông thầy Hy Lạp, nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ có một thời mang
gương mặt mịn màng kiểu của Hy Lạp, Đức Phật biến thành tượng mang dáng vẻ của
thần Apollon, và có vẻ như khao khát leo lên đỉnh Olympus nữa” (Under the tutelage of Greek instructors
Hindu sculptures took on for a time a smooth Hellenistic face; Buddha was
transformed into the likeness of Apollon and became an aspirant to Olympus.
W. Durant, Our Oriental Heritage, NXB. Simon and Schuster, 1954, t.594).
Đỉnh Olympus là nơi ngự trị của chư thần trong
thần thoại Hy Lạp.
(3) “Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý, nhiên tắc
thánh nhân chi ý kỳ bất khả kiến hồ? Thánh nhân lập tượng dĩ tận ý, thiết quái
dĩ tận tình ngụy, hệ từ yên dĩ tận kỳ ngôn, biến nhi thông chi dĩ tận lợi, cổ
chi vũ chi dĩ tận thần”. (Sách
không nói hết lời, lời không diễn đạt hết ý, vậy thì ý của Thánh nhân không thể
thấy được sao? Thánh nhân lập ra tượng là để diễn đạt hết lời, bày ra quẻ là để
diễn đạt hết sự chân thực và điều giả trá của sự vật, buộc thêm văn từ là để
nói hết lời, tạo sự biến thông của các hào để trình bày hết điều lợi, dùng
tiếng trống và điệu múa để diễn đạt hết điều thần diệu). (Kinh Dịch, Hệ từ
thượng truyện).
(4) I
believe that a triangle, if it could speak, would … say that God is eminently triangular, and a
circle that the divine nature is eminently circular; and thus would every one
ascribe his own attributes to God (Dẫn theo Will Durant, The story of philosophy, Time
Incorporated- New York, 1962 p.165).
(5) I
swear the earth shall surely be complete to him or her who shall be complete,
The earth remains jagged
and broken only to him or her who remains jagged and broken. (trích từ bài A Song of the Rolling Earth, trong tập Leaves Of Grass).
(6)Herman Hesse, Câu chuyện dòng sông, Phùng
Khánh và Phùng Thăng dịch, tái bản lần thứ 8, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2009, tr.
45.
(7)Văn
nhân mỗi háo bỉ bạc phú nhân, nhiên ư thi văn chi giai giả, hựu vãng vãng dĩ
kim ngọc châu cơ cẩm tú dự chi, tắc hựu hà dã? (文 人 每 好 鄙
薄 富 人, 然 於 詩 文 之 佳 者, 又 往 往 以 金 玉 、 珠 璣 、 錦 繡 譽 之, 則 又 何 也? - U mộng ảnh).
Huỳnh Ngọc Chiến (NSGN)