Tôn chỉ Phật giáo là chí hướng cao siêu của một chân
lý. Chí hướng của Phật là "Tự Giác Giác Tha", có nghĩa là tự mình giác
ngộ, thức tỉnh trong giấc mộng vô minh, rồi mới kêu gọi, hay đánh thức
kẻ khác để đừng ngủ trong giấc mộng kinh khủng là vô minh ấy nữa.
Bốn tiếng "Tự giác Giác tha" gồm hết tất cả
những gì cao đẹp của sự thật ấy là Chân lý.
Ðức Phật tổ Cồ-Ðàm mà ta thường gọi là Ðức Phật tổ Thích-Ca-Mâu-Ni là
đấng đã thức tỉnh trong giấc mộng vô minh và kêu gọi chúng ta nên thức
tỉnh. Nói một cách dễ hiểu hơn là: Phật dạy đệ tử phải tự mình tu, hay
phải cố gắng giải thoát lấy mình, chớ đừng mong đợi Phật có một oai lực
nào cứu độ mình. Cũng như người muốn no hãy tự ăn lấy mới no, kẻ khác
không ăn cho mình no được.
Ðể quý vị dễ nhận thấy đường lối của Phật giáo, xin nhắc lại lần nữa
rằng: Ðức Phật chỉ là vị hướng đạo đại tài, chỉ đường về tinh thần là
Con Ðường Giải Thoát. Ngài không hề ban phước hay phạt người nào, mà
cũng không có quyền rửa tội như Bà-la-môn giáo hay đạo Jatila trong thời
ấy. Nhờ Ngài nói sự thật là: người hể đã làm tội, thì không có thứ nước
gì để rửa sạch, chỉ có hành Thiện pháp mới không có tội thôi. Sự thật ý
Phật dạy là "ngừa bịnh hay hơn chữa bịnh", nghĩa là muốn đừng có tội
thì trước hết đừng làm tội. Trong Tam tạng Tạng Kinh, bộ Khuddakanikaya
bài kinh Jatilasutta có dạy rằng:
- Ta là Ananda có nghe như vầy. Thuở nọ, Ðức Thế-Tôn ngự tại Gayasisa,
khi ấy bọn Jatila lăn xuống nước, lội trong nước tại giòng sông Gaya, và
cúng thần lửa. Khi ấy nhằm lúc tuyết xuống luôn bảy ngày đêm, và đêm
trời lạnh tột độ, nhưng những người đạo Jatila vẫn tắm để rửa tội, vì
những người ngoại đạo Jatila nghĩ rằng: Trời lạnh như thế nầy, càng làm
cho sự trong sạch càng gia tăng.
Ðức Thế-Tôn thấy những người Jatila lặn lội dưới nước trong khi tuyết
xuống luôn trong 7 ngày đêm, và tế thần lửa tại bờ sông Gaya, Ngài mới
có câu Udana (cảm thán):
Na Udakena Suci Hoti
Bhavettha Nahayaci Jano
Yamhi Saccanca Dhammoca
So Suci So Ca Brahamano.
Nghĩa: Sự trong sạch do nơi rửa bằng nước không bao giờ có. Nhưng lại có
nhiều người tắm rửa ở giòng nước nầy. Người nào tắm trong giòng nước
Sacca (Chân thật) và Dhammo (Thiện pháp), người ấy mới là người trong
sạch, mới là Bà-la-môn.
Chú giải: Ðức Thế-Tôn dạy câu nầy ý nói tất cả các thứ nước trong thế
gian nầy không có thứ nước nào rửa sạch được lòng hung ác để trở nên tâm
lương thiện được, chỉ có sự thật là Tứ diệu đế và Thánh pháp mới làm
cho người trở nên trong sạch, trở nên Thánh nhơn được. Vì đó là thứ nước
vô hình rửa được phiền não vô ảnh trong thâm tâm của con người.
Hơn nữa Tạng kinh, bộ Majjhimanikaya, đoạn Mulapannasaka, bài kinh
Vatthupamsutta có dạy rằng:
Khi Ðức Thế-Tôn ngự tại Kỳ viên Tịnh xá có dạy chư Tỳ-khưu rằng: - Nầy
các thầy Tỳ-khưu, tấm vải dơ người thợ nhuộm muốn đem đi nhuộm với màu
gì như màu xanh, vàng, đỏ v.v... (khi nhuộm xong) tấm vải ấy cũng không
được có màu đẹp, sáng, tươi. Tại sao? Vì tấm vải ấy cũng ví như tâm
không trong sạch thì chắc chắn sanh vào ác đạo.
Nếu tấm vải ấy sạch, đem nhuộm với màu nào như xanh, vàng, đỏ v.v...
(khi nhuộm xong) tấm vải ấy sẽ có màu đẹp, tươi, sáng. Ðiều này cũng ví
như tâm trong sạch chắn chắn sẽ được sanh vào cõi an vui.
Rồi Ðức Thế-Tôn dạy những pháp làm cho tâm nhơ đục như là: Abhijjha -
Tham lam, Byapada - Làm hại người, Kodha - Sân hận, Upanaha - Cột oán
thù, Makkha - Quên ơn.
Trong khi Ðức Thế-Tôn đang thuyết có ông Bà-la-môn tên Sudarika ngồi gần
bên Ðức Thế-Tôn mới bạch hỏi Phật rằng: Bạch Ðức Thế-Tôn, Ngài đi đến
con sông Bahuka để tắm phải không?
Ðức Thế-Tôn đáp: Nầy thầy Bà-la-môn, con sông Bahuka có ích gì đâu?
- Thưa thầy Cồ-Ðàm, con sông Bahuka, là nơi hàng đại chúng cho là giòng
sông Phước, và hàng đại chúng đến tắm, rửa tội nơi ấy.
Khi ấy Ðức Thế-Tôn dạy:
- "Người thiếu trí, tạo ác nghiệp hằng đến tắm con sông Bahuka, sông
Adhikakka, sông Gaya, sông Sundarika sông Sarassati, sông Payaya và sông
Bahumati, những con sông ấy không thể làm cho người ác hết tội. Những
con sông Sundarika, Payaya hay sông Bahuka có làm gì được, khi mà người
có oan trái tạo tội lỗi? Người đã tạo ác nghiệp, không giòng sông nào
làm cho trong sạch được.
Khi mà người thọ trì Bát quan trai giới trong sạch, sự hành động của
người ấy trong sạch là người ấy tự trong sạch.
Nầy Thầy Bà-la-môn, thầy nên tắm, rửa tội thứ nước mà Như-lai đã dạy là:
người không nói dối, không làm hại chúng sanh khác, không nên lấy của
người chủ nhân không cho, nên có đức tin, không nên bỏn xẻn keo kiệt.
Thầy có đi đến con sông Gaya và uống nước ấy cũng không bổ ích chi cho
thầy đâu."
Nghe xong câu kệ, ông Bà-la-môn liền đảnh lễ Ðức Thế-Tôn và bạch rằng:
Bạch Ðức Thế-Tôn, lời chỉ giáo của Ngài thật là rõ, cũng như người lật
ngửa chén đang bị úp, giúp cho kẻ mù được thấy đường rõ lối. Bạch Ngài
Cồ-Ðàm, tôi xin Ngài nhận biết cho tôi là người Thiện nam qui y Phật
Pháp Tăng.
Theo lời Phật dạy thì sự tắm rửa bên ngoài chẳng qua là sự làm vệ sinh
hằng ngày thôi, chớ không thể làm cho Tâm con người trong sạch được, có
trong sạch được chăng là do hành động không tạo tội của con người.
Tam-tạng, Tạng Kinh bộ Anguttaranikaya Dasakanipata ở bài Kinh
Paccorahani có dạy rằng:
Ngày nọ, nhằm ngày lễ Phật-lồ, có Ông Bà-la-môn tên Janusasoni bới tóc
vén khéo, mặc đồ toàn lơ, vào đứng gần bên Ðức Thế-Tôn. Ngài trông thấy
ông ta, tóc vén khéo, mặc đồ toàn bằng lơ, tay ôm bó tranh tươi, trong
ngày lễ Phát-lồ. Ðức Thế-Tôn liền hỏi: Thầy Bà-la-môn, vậy ngày nay là
ngày gì của Bà-la-môn giáo?
- Ngày nay là ngày để lội xuống (bỏ tội) của giòng Bà-la-môn.
- Này thầy Bà-la-môn, thể thức bỏ tội của giòng Bà-la-môn phải là thế
nào?
- Thưa ông Cồ-Ðàm, tất cả giòng Bà-la-môn trong cõi nầy, đến ngày lễ
Phát-lồ phải bới tóc cho vén khéo, mặc đồ toàn bằng lơ, dùng phẫn bò
tươi thoa trên đất, rồi trãi tranh tươi lên ở giữa khoảng của đống lửa
và đống cát, nằm nơi ấy, trong đêm đó phải thức dậy ba lần, để làm lễ
thần lửa, và phát nguyện rằng: Tôi nguyện bỏ tội lỗi. Sau đó mới cúng
dường thần lửa bằng sửa tươi, dầu, sữa đặc trọn đêm, rồi phải cúng dường
thực vật cho hạng Bà-la-môn.
- Nầy thầy Bà-la-môn, sự bỏ tội của hàng Bà-la-môn quả là khác hơn sự bỏ
tội của bực Thánh-nhơn.
- Thưa thầy Cồ-đàm, phương pháp bỏ tội của chư Thánh-nhơn như thế nào,
xin Ngài vui lòng chỉ dạy, xin Ngài thuyết pháp cho tôi hiểu cách bỏ tội
của các bực Thánh-nhơn.
- Vậy thầy hãy quan tâm nghe Như Lai thuyết đây.
- Bạch Ngài tôi đã sẵn sàng nghe theo lời Ngài.
- Nầy thầy Bà-la-môn, chư Thánh-nhơn thường thường quán tưởng rằng: quả
của sự sát sanh, thật là đê tiện trong kiếp nầy và ngày vị lai. Chư
Thánh-nhơn thấy quả báo tai hại ấy, nên dứt bỏ sự sát sanh. Các bực Trí
thức quán tưởng thấy tội lỗi của sự sát sanh trong kiếp nầy, và ngày vị
lai. Các vị Thánh-nhơn quán tưởng đến quả báo của sự trộm cắp, sự tà
dâm, sự nói dối, lời đâm thọc, chưởi mắng, lời nói vô ích, sự tham lam,
sự làm hại người, và tà kiến là quả báo xấu xa đê tiện, hằng đem khổ
đến. Nầy thầy Bà-la-môn, đây là phương pháp bỏ tội của chư Thánh-nhơn
trong Phật giáo.
- Bạch Ngài Cồ-đàm, phương pháp bỏ tội của giòng Bà-la-môn có tánh cách
khác biệt, còn sự bỏ tội của Chư Thánh-nhơn trong Kinh luật của Ngài có
thể thức khác. Cách bỏ tội của giòng Bà-la-môn không bằng một phần mười
sáu đã chia ra làm 16 phần rồi, với thể thức của Phật giáo. Bạch Ngài,
lời chỉ giáo của Ngài thật là rõ rệt. Xin Ngài nhận biết cho tôi là
người Thiện nam là Cận sự nam của Phật-giáo.
Phật-giáo truyền bá được mau lẹ và sâu rộng trong thời kỳ Phật còn tại
thế, vì các bực Trí thức thành thật nhận lấy cái hay, và sự thật can đảm
dứt bỏ điều sai lầm của mình không ngoan cố.
Theo Phật-giáo, sự rửa tội và sự đưa đi thiên đàng, không hề có bao giờ,
chính Ðức Thế-Tôn cũng từ chối sự nói rằng Ngài có oai lực đưa người đi
Thiên đàng được. Vì vậy nên Phật-giáo gọi là Tự giác.
Muốn quí vị nhận thức rõ điều này, tôi xin nhắc lại bài kinh tên
Phumakasutta, trong bộ kinh Samyuttanikaya đoạn Salayatanavagga. Bài
kinh ấy dạy rằng:
Lúc nọ, Ðức Thế-Tôn ngự tại vườn xoài Pavarika xứ Nalanda, khi ấy có ông
Xã trưởng tên là Asibandhakaputta vào hầu Ðức Thế-Tôn đảnh lễ xong rồi
ngồi nơi phải lẻ. Ông có bạch với Ðức Thế-Tôn:
- Bạc hóa Ðức Thế-Tôn, những thầy Bà-la-môn làng Paccha hằng mang bình
nước theo mình, đeo tràng hoa, tắm buổi sớm, và chiều, cúng tế thần lửa.
Các thầy Bà-la-môn ấy được gọi là: Người đưa chúng sanh lên, làm cho
hiểu rõ, đưa đến thiên đàng. Bạch Ðức Thế-Tôn, Ngài là vị Chánh đẳng
Chánh giác có thể làm cho chúng sanh sau khi chết được sanh về cõi trời
hay không?
Ðức Thế-Tôn đáp: Nầy ông Xã trưởng, nếu vậy Như Lai xin hỏi ngươi câu
nầy, ngươi hiểu thế nào trả lời như thế ấy. Nếu người trong đời sát
sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, nói đâm thọc, nói lời hung ác, nói lời
vô ích, tham lam thái quá, làm hại người và tà kiến. Hàng đại chúng hội
lại đọc kinh cầu khẩn, ca tụng, vái lạy van xin rằng: Xin cho người nầy
được sanh vào cõi Trời sau khi chết. Vậy ngươi nghĩ thế nào, người ấy
khi chết được sanh vào cõi trời hay không?
- Bạch Ðức Thế Tôn, không thể được.
- Nầy ông xã trưởng, ví như người liệng xuống sông sâu một tảng đá to.
Rồi hàng đại chúng hội nhau lại đọc kinh cầu khẩn, ca tụng, vái lạy van
xin quanh tảng đá ấy rằng: Viên đá ơi! xin ngươi hãy nổi lên, lội vào
bờ. Vậy viên đá ấy có nổi lên lội vào bờ y theo lời cầu khẩn van xin của
hàng đại chúng không?
- Bạch Ðức Thế-Tôn, không thể được như vậy.
- Nầy Gamini (có nghĩa là xã trưởng) cũng như người sát sanh, trộm cắp..
và tà kiến. Hàng đại chúng tụ hợp lại đọc kinh cầu khẩn vái lạy đi
quanh người ấy nói rằng: Xin cho người này được sanh về cõi trời, sau
khi chết. Nhưng sau khi chết người ấy không bao giờ được sanh về cõi
trời.. trái lại, phải sanh vào đường ác đạo là Ðịa ngục, ngạ quỉ.
Nầy Gamini, người nghĩ điều này như thế nào. Trên đời này, có người xa
lánh sự sát sanh, trộm cắp v.v... tà kiến. Hàng đại chúng hội lại đọc
kinh cầu khẩn, ca tụng, vái lạy đi quanh người ấy và xin rằng: Xin cho
người này hãy sanh vào ác đạo là địa ngục ngạ quỉ. Vậy ngươi hiểu điều
này thế nào? Sau khi chết người ấy phải sanh vào ác đạo là địa ngục ngạ
quỉ vì lời cầu khẩn van xin của hàng đại chúng hay không?
- Bạch Ðức Thế-Tôn, không thể có như vậy được.
- Nầy Gamini, cũng như có người đến con sông rộng lớn, để một viên đá
vào cái nồi đựng dầu, đoạn liệng mạnh xuống sông, tảng đá đó làm cái nồi
thủng chìm, dầu nổi lên mặt nước, hàng đại chúng tựu nhau lại quanh nơi
ấy đọc kinh cầu khẩn, ca tụng, vái lạy van xin rằng: Xin cho dầu nầy
chìm xuống. Nầy Gamini ngươi hiểu sao? Dầu ấy có chìm vì sự cầu khẩn van
xin của hàng đại chúng hay không?
- Bạch hóa Ðức Thế-Tôn, không thể như thế được.
- Nầy Gamini, chuyện ấy cũng vậy, người không sát sanh, v.v... không tà
kiến, hàng đại chúng có hội nhau lại đọc kinh cầu khẩn, ca tụng, vái
lạy, van xin quanh mình người ấy rằng: Xin cho người nầy sau khi chết
sanh vào ác đạo là địa ngục, ngạ quỉ, không thể được, trái lại người ấy
sanh vào cõi an vui là cõi Trời.
Sau khi thời pháp, ông xã trưởng bạch Phật: - Bạch Ðức Thế-Tôn, Pháp bảo
của Ngài thật là cao quý, rõ rệt, Ngài dạy pháp bằng cách có đủ lý lẻ
cho người hiểu, ví như người lật ngữa vật bị úp: chỉ đường cho người lạc
nẻo, hay là rọi đèn nơi u tối cho người sáng mắt được thấy đường đi. Vì
vậy, Bạch hóa Ðức Thế-Tôn, tôi xin qui y Tam bảo, xin Ngài nhận biết
cho tôi là người Thiện nam nương theo Tam bảo trọn đời kể từ ngày nay.
Theo bài kinh dạy cho chúng ta thấy rằng: Nếu người làm tội thì phải
chịu quả khổ, bằng làm lành thì được an vui trong đời này và đời vị lai.
Ðúng theo câu Phật ngôn trong pháp cú kinh dạy: Suddhi Asuddhi
Phccattam Annonannam Visokhaye. Nghĩa: Người làm cho mình trong sạch thì
tự mình trong sạch, người làm tội thì mình bị nhơ đục, người nầy không
thể làm cho người khác trong sạch hay nhơ đục được. Vì vậy nên theo tông
chỉ Phật giáo thì mình hãy tự tu và tự giải thoát lấy bản thân mình chớ
không ai độ mình được.
Trong khi tôi đang viết quyển này vì cũng tới đoạn này có nói chuyện với
mấy người bạn, và đoạn nầy có người hỏi: Nếu nói không có rửa tội, tại
sao Phật-giáo có ngày làm lễ Phát-lồ của chư Tăng. Các Ngài hội lại sám
hối. Vậy sám hối không có nghĩa là rửa tội, bỏ tội hay sao?
Lẽ ra tôi không đem chuyện này vào đâu nhưng tôi thấy câu này cũng có ý
nghĩa hợp theo đoạn nầy tôi xin ghi vào.
Theo tín đồ Phật-giáo chân chánh, hiểu hai chữ Sám hối như vầy: Sám
nghĩa là Thú tội, Hối là ăn năn. Sám hối có nghĩa là "thú tội của mình
và nguyện ăn năn sửa đổi". Ý nghĩa của tiếng Sám hối đối với tín đồ
Phật-giáo chỉ là thú tội và hứa hẹn bỏ không tái phạm.