NSGN - Không phải ngẫu nhiên giáo lý Phật giáo và đạo lý
dân tộc ta đều xác lập mối liên hệ thầy trò thật khắng khít, không thể tách rời
trong sự hình thành nhân cách con người. Mỗi cá thể con người hiện hữu ở đời
đều do cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng, nhưng sự trưởng thành, lớn khôn, cất bước
chân hội nhập với đời đều nhờ công ơn giáo dưỡng của thầy cô. Thế nên, bổn phận
của người học trò luôn ý thức tôn kính thờ thầy mà giới luật nhà Phật đề cao
cái gọi là “Sự Sư đệ nhị”, còn đạo lý dân tộc thường dạy “Tôn Sư trọng đạo” mà
xưa nay người dân Việt Nam thực hiện. Để thiết lập mối quan hệ hai chiều giữa
thầy và trò ngày càng bền chặt, thăng hoa trong sự phát triển các mối quan hệ
tình người trong cuộc sống, Đức Phật đã giảng dạy mối quan hệ này qua
bài kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Trường bộ kinh IV).
Về quan hệ giữa
thầy và trò |
Bản kinh nói trên đề cập 5 điểm chính mà người
thầy phải có trách nhiệm và bổn phận truyền trao cho người học trò:
1- Rèn luyện cho học trò theo những đức tính mà
mình có.
2- Dạy cho học trò giữ gìn và nhớ kỹ điều cần
thiết.
3- Dạy cho học trò nắm vững nghề nghiệp đến mức
thuần thục.
4- Khen học trò đối với bạn bè quen biết.
5- Đảm bảo nghề nghiệp cho học trò trên mọi mặt.
Rõ ràng, trong các mối quan hệ của con người thiết
lập, thì mối quan hệ thầy đối với trò có một vai trò quan trọng trong đời sống
thăng tiến tri thức và chuyển hóa tâm linh đối với mọi người. Do đó, người thầy
trở thành bậc mô phạm giữa đời, là tấm gương phản ánh để người học dõi theo
thực tập. Hay nói một cách cụ thể, vị thầy là người thực thi đời sống hướng nội
“tri hành hợp nhất”. Cái biết của thầy là cái biết đúng sự thật chân lý, trên
hết là thể nhập một đời sống tâm linh hướng nguyện vào các đối tượng mà mình
giảng dạy.
Tại đây, người thầy không chỉ có nhiệm vụ trao
truyền kiến thức đến người học trò mà còn hướng họ thể hiện đời sống thực
nghiệm qua thân hành, khẩu hành, ý hành. Mục đích đầu tiên mà người thầy hướng
đến là hoàn thiện nhân cách tốt đẹp cho người học, từ đó họ mới sẵn sàng tiếp
nhận các kiến thức mà người thầy truyền trao. Đây chính là bước đi đầu tiên mà
người học trò cần rèn luyện để trưởng thành với những đức tính tốt đẹp mà người
thầy thể hiện trong quá trình giảng dạy. Về mặt này, Đức Phật là vị thầy mô
phạm ở đời, có tác động lớn đối với bao thế hệ đi qua.
Cho nên, trong quá trình giáo hóa chúng sinh, Đức
Phật là người hết lòng dạy cho các học trò của mình những điều cần nhớ kỹ để
thực nghiệm, để thăng tiến đạo hạnh. Những điều cần nhớ, cần giữ gìn chính là
con đường thực thi nếp sống có giới như
kiện toàn về đạo đức, an trú trong định như là sự ổn định tâm thức, không bị
dao động bởi sự biến động của đời sống thực tiễn, từ đó thăng tiến về trí tuệ,
có đóng góp thiết thực cho đời.
Đây chính là trách nhiệm lớn lao mà người thầy phải
truyền trao cho người học. Suy cho cùng, người thầy là người giới thiệu người
học cất bước chân thể nhập vào đời. Do đó, người thầy phải nhiệt tâm trao
truyền kiến thức chuyên môn để người học thiện xảo trong nghề nghiệp, tháo vát
trong hành xử, tạo ra các sản phẩm tốt mang tính hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu
đời sống vật chất con người mong muốn. Sau đó là sự góp phần đem lại hiệu năng
của một đời sống hạnh phúc, an lạc cho từng cá thể.
Sự thành công của người học trò sẽ là niềm khích
lệ, động viên cho chính họ thăng tiến và đi xa hơn nữa. Trong trường hợp đó,
người thầy phải khéo léo khích lệ người học trò trước mọi người, trước các hội
chúng, và bạn bè thân hữu. Điểm này nếu được vị thầy tán dương đúng lúc, đúng
thời sẽ tạo ra hiệu quả lớn trong việc giáo dục và đào tạo. Nguyên lý giáo dục
khích lệ này không chỉ được Đức Phật thực thi mà các nhà giáo dục hiện đại cũng
áp dụng và đưa đến những thành tựu giáo dục như chúng ta đã biết.
Không dừng tại đó, người thầy còn có nhiệm vụ
hướng cho người học sau khi thành thạo chuyên môn, phải có ý thức thăng tiến
nghề nghiệp để có vị trí xứng đáng trong xã hội. Tại đây, người học trò trở
thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đó mà bản thân họ được đào tạo. Tính chuyên
môn cao sẽ tạo ra tính bền vững trong
nghề nghiệp. Từ đây, nó sẽ tác động đến mọi mặt đời sống của xã hội trong sự
phát triển chung của từng cá thể và cả cộng đồng.
Với 5 điểm chính mà người thầy thể hiện trong mối
quan hệ giữa thầy và trò như thế sẽ dẫn đến người học trò có 5 bổn phận, trách
nhiệm cần phải thực thi với người thầy của mình mà ta sẽ đề cập dưới đây.
Về quan hệ giữa trò đối với thầy
Bản kinh trên cũng đề cập đến 5 điểm chính như
sau:
1- Chào thầy khi thầy đến.
2- Hầu hạ, săn sóc thầy.
3- Hăng hái học tập thầy.
4- Tự mình giúp đỡ thầy.
5- Tự trau dồi nghề nghiệp mà thầy trao truyền cho
mình.
Thực chất, 5 điểm này là nói đến tinh thần “Sự Sư
đệ nhị”, hay “Tôn Sư trọng đạo” của người học đối với vị thầy mà thôi. Sự thể
hiện chào thầy khi thầy xuất hiện chính là hình ảnh người học trò biết tôn kính
người thầy mọi lúc mọi nơi. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” khiến người học lúc
nào cũng khắc sâu vào tâm trí của mình để tri ân và báo ân. Khi người học biết
tôn kính người thầy thì người đó mới sẵn sàng đón nhận các kiến thức người thầy
truyền trao một cách nhiệt tâm trong ý thức cầu học. Kinh nghiệm thực tiễn cho
thấy, nguyên lý giảng dạy, giáo dục luôn đòi hỏi mối quan hệ này phải được thể
hiện hai chiều. Thầy phải tạo dấu ấn lớn trong tâm thức người học trò trên mọi
phương diện và ngược lại người trò phải hết sức tôn kính người thầy thì hiệu
năng giáo dục mới có hiệu quả cao.
Từ đây, việc săn sóc thầy không còn được xem là
bổn phận mà được thể hiện qua cái tình người học trò dành cho người thầy. Việc
hầu hạ, săn sóc thầy trở thành một công việc tự nguyện, chẳng có gì để nói. Sự
thân cận, hết lòng hầu hạ thầy không chỉ giúp người đó học được kiến thức mà
còn học được cách tiếp nhận từ một đời sống thực nghiệm mà người thầy đã thể
hiện trong đời sống thường nhật.
Rõ ràng, có rất nhiều điều người học trò phải biết
lắng nghe, dõi mắt nhìn vào tấm gương mà người thầy dày công tạo dựng. Một
người học trò khôn ngoan và trung thành, hiếu kính với người thầy không chỉ sẵn
lòng đón nhận các kiến thức trên bục giảng mà phải học và hành những gì thầy đã
giảng dạy ở mọi lúc mọi nơi. Sự nhiệt tâm, tinh cần của người học trò trong
việc học tập sẽ tạo ra nguồn cảm hứng sáng tạo cho người thầy truyền đạt những
kiến thức mới không biết mệt mỏi. Nhờ vậy, người học trò có khả năng thăng tiến
trên mọi lĩnh vực.
Có thể nói, đây chính là điều kiện để người học
trò tự trau dồi kiến thức mà người thầy đã giảng dạy. Nghề dạy nghề là sự thật
xưa nay khi mà mỗi người hội nhập vào đời qua khả năng chuyên môn cũng như sự
thích ứng với môi trường làm việc, cộng với sự tích lũy kinh nghiệm thực tiễn
trong nghề nghiệp sẽ tạo bước nhảy vọt trong sự nghiệp mà mình đeo đuổi trọn
đời. Đây là sự đền ơn đáp nghĩa cao nhất mà người thầy trông đợi ở người học
trò.
Tóm lại, trong các mối quan hệ giữa người với
người thì mối quan hệ giữa thầy và trò, trò đối với thầy là mối quan hệ tạo khả
năng thiết lập rộng rãi các mối quan hệ khác. Có thể nói, từ mối quan hệ này mà
thiết lập các mối quan hệ khác đa phương, đa chiều trong xã hội. Điều đó có
nghĩa là khi mối quan hệ này được thiết lập và xây dựng trên nền tảng giáo dục
tự thân và giáo dục cộng đồng với mục tiêu giải thoát khổ đau, thì chắc chắn
chúng ta sẽ có một đời sống hạnh phúc và thành tựu Niết-bàn an lạc ngay trong
cõi đời này
Thích Phước Đạt (NSGN)