Thuyết nhân quả và thuyết nghiệp của đạo
Phật là những thuyết rất là khoa học, rất công bằng nghe qua thì đơn giản và dễ
hiểu, nhưng thực ra lại rất phức tạp hơn là chúng ta tưởng .
Có người nói : Quả nào nhân ấy, nhân
nào quả ấy, quy luật nhân quả là quy luật công bằng, không sai chệch được. Thế
nhưng chính câu nói trên chỉ đúng có một nửa, đúng là quả nào nhân âý, thí dụ một
người gặp một cảnh ngộ bất hạnh, như mất tiền hay là gặp tai nạn giao thông, phải
què chân hay thậm chí mất mạng. Đứng trên quan điểm nhân quả của đạo Phật mà
xét, thì sự kiện bất hạnh xảy ra cho người đó hoàn toàn phù hợp với những nghiệp
bất thiện mà người này đã làm trong quá khứ. Quy luật quả nào nhân ấy đúng là không
bao giờ sai lệch, nhưng nếu nói nhân nào quả ấy thì lại không đúng, vì sao? Đó
là điều mà tất cả Phật tử cần nhận thức cho rõ, vì nhận thức đúng đắn trang bị
cho con người một niềm tin vô hạn là chúng ta không phải lệ thuộc quá khứ, mà
con người có thể tác động trở lại quá khứ, dù đó là một quá khứ đầy tội lỗi, bằng
những nghiệp thiện và cực thiện mà người đó làm trong hiện tại và tương lai. Đồng
thời, con người đó lại biết thường xuyên tụ tập tâm, khiến cho tâm mình trước
đây nhỏ hẹp, vị kỷ trở thành rộng lớn và vị tha, tâm mình vốn tán loạn nay trở
thành định tĩnh và tập trung; tâm mình vốn hay nghĩ ác nay hoàn toàn chỉ suy
nghĩ thiện và hướng thiện .
Kinh Hạt muối trong Tăng Chi I, Đức Phật
đã đưa ra một ảnh dụ rất lý thú. Một ít hạt muối bỏ vào một ly nước nhỏ, khiến
cho ly nước đó không thể uống được, nhưng cũng một ít hạt muối như thế bỏ vào
sông Hằng, thì nước sông Hằng vẫn không bị mặn, cũng như vậy, một người có tâm
nhỏ hẹp như ly nước, thì dù anh ta có phạm một lỗi nho nhỏ, anh ta cũng cảm thọ
khổ tới mức không chịu đựng nổi. Trái lại một người có tâm rộng lớn như sông Hằng,
thì một lỗi nhỏ như vậy cũng làm anh ta đau khổ, nhưng anh ta vẫn chịu đựng được.
Như vậy là tùy người có tâm rộng hay hẹp mà một nghiệp ác được tạo ra, đem lại
quả báo khổ thọ khác nhau. Nhưng lý do căn bản nhất khiến cho thuyết nhân nào
quả ấy trở thành không đúng, là do sự kiện một nghiệp nhân được tạo ra, phải
kinh qua một thời gian và có đủ điều kiện (tức là đủ nhân duyên) thì mới chín
muồi thành quả. Đó là thuyết Dị thục mà sách Duy thức của đạo Phật thường nói đến.
Dị thục là chín muồi mà đổi khác, do thời gian khác nhau do nhân duyên khác
nhau mà nhân đổi khác, biến dị mà thành quả .
Chúng ta thử nghiên cứu xem, do những
nhân duyên gì mà nghiệp nhân đổi khác khi biến thành quả. Trước hết và chủ yếu,
có một nhân duyên thường xuyên tác động và tác động rất mạnh là cái tâm của người
đương sự. Cái tâm đó có thể tác động rất mạnh, rất có hiệu quả nếu đó là cái
tâm rộng lớn như sông Hằng (xem kinh Hạt muối –Tăng Chi I) .
Ơ đây không có vấn đề giải oan hay giải
nghiệp mà người bình thường hay nói một cách sai lầm. Khi tâm chuyển thì nghiệp
chuyển. Khi phạm tội chúng ta chân thành sám hối, tâm chúng ta được an tịnh và
chuyển sang hướng thiện. Chính cái tâm sám hối và hướng thiện giúp chúng ta
chuyển nghiệp. Nếu tâm không chuyển sang hướng thiện, nghĩ thiện, nói thiện và
làm thiện, thì mọi sự gia hộ từ bên ngoài, dù là từ Phật, Bồ tát hay là từ
chúng Tăng thanh tịnh, như trong trường hợp lễ Vu lan, sẽ không có hiệu quả.
Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta không cần đến sự gia hộ của chư Phật, Bồ
tát và chúng Tăng, vẫn rất cần, nhưng cần như là phương tiện xúc tác, giúp cho
tâm ta chuyển sang hướng thiện mà thôi. Cho nên, vấn đề căn bản ở đây là tâm, nếu
tâm chúng ta không bỏ ác theo thiện, cứ tiếp tục nghĩ ác, nói ác và làm ác, thì
mọi lễ cầu siêu hay cầu an đều vô ích, mọi sự gia hộ của Phật, Bồ tát và Thánh
chúng đều vô hiệu, chính vì vậy mà kinh Pháp Cú viết?
"Kẻ thù hại kẻ thù
Oan gia hại oan gia
Không bằng tâm hướng tà
Gây ác cho tự thân
(Kệ 42)
Điều mẹ cha bà con
Không có thể làm được
Tâm hướng chánh làm được
Làm được tốt đẹp hơn"
(Kệ 43 –Phẩm Tâm)
Như vậy, tức là Đức Phật khẳng định
tâm hướng chánh, hướng thiện có sức mạnh rất lớn, nó che chở, gia hộ giúp ích
chúng ta nhiều hơn là những thân thích với chúng ta nhất như cha mẹ, bà con có
thể giúp ích chúng ta. Trái lại nếu tâm chúng ta hướng ác, hướng tà thì tâm ấy
còn làm hại chúng ta hơn là kẻ thù hại chúng ta nữa. Tâm là một sức mạnh lớn tạo
nghiệp và có năng lực chuyển nghiệp. dù trước đây chúng ta có thể tạo ra nhiều
tội ác như tướng cướp Angulimala, hay là sống quá nửa cuộc đời đồi trụy và hưởng
lạc như kỹ nữ Ambapali, hay là sống với nhiều tà kiến ngoại đạo nặng nề như
Subhada…; nhưng nếu gặp được duyên lành, gặp được thiện tri thức (cả ba người
này đều gặp Phật Thích Ca và nghe Phật nói pháp), khi tâm của họ tỉnh ngộ và
chuyển hướng mạnh mẽ theo con đường thiện, con đường giác ngộ và giải thoát thì
những tội ác và sai lầm đã phạm được chuyển hoá, họ đều trở thành A la hán.
Chánh pháp là như vậy, Đức Phật đã đích thân dạy như vậy, thực ra không có đường
giải oan hay giải nghiệp nào khác. Mọi sự cúng bái lễ lạc, dù có tổ chức cầu kỳ
với sự tham gia của Tăng chúng thanh tịnh chỉ có tác dụng ngoại hộ và phương tiện
mà thôi, nghĩa là giúp cho tâm chúng ta chuyển hướng, bỏ ác theo thiện, và một
khi tâm đã hướng thiện, thì nghiệp chúng ta cũng chuyển hướng, lánh xa cõi dữ,
tiếp cận cõi lành, nếu chúng ta không hiểu được vấn đề căn bản này, nếu tự tâm
chúng ta không hướng thiện, nghiệp ác sẽ càng chồng chất nhiều lần, quả báo ác
sẽ không thể nào tránh khỏi được. kinh Pháp Cú có viết :
"Không trên trời, dưới biển
Không lánh vào động núi
Không chỗ nào trên đời
Trốn được quả ác nghiệp"
(Kệ 127 –Phẩm Aùc)
Đúng như vậy, những người sống ác,
nghĩ ác, nói ác làm ác, mà tâm không biết xấu hổ, không hối hận, không chuyển
tâm từ ác sang thiện, nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện thì như Phật dạy, dù
anh ta có trốn trên trời dưới biển, lánh vào hang sâu cũng không tránh được quả
báo, nó đeo theo mình như hình với bóng. Đối với những người sống ác thành thói
quen, thành cố tật, thì tình hình là như vậy, quy luật nhân quả nghiệp báo tác
động không sai chệch một ly một tấc. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng. Loại người sống
ác thành thói quen, thành cố tật không phải là nhiều. đại đa số người bình thường
thì không như vậy. Ban ngày có thể làm ác, nhưng ban đêm nằm vắt tay trên trán,
không ngủ được và hối hận những việc sai trái mình đã làm trong ngày. Đặc biệt
là trong những trường hợp bản thân mình hay là người thân ốm nặng, hay là gia
đình gặp chuyện rủi ro, hao tiền tốn của,và đặc biệt hơn nữa là khi bản thân
mình sắp chết hay là có người thân sắp chết. Trong những trường hợp như vậy,
tâm người ác dễ sinh ra sợ hãi, dao động và có thể chuyển sang hướng thiện, dù
là muộn màng nhưng còn hơn là không .
Những điều trên đây hoàn toàn không phủ
nhận tác dụng lớn của các lễ cầu an, cầu siêu hay là các buổi lễ kèm theo trai
tăng, trong đó có mời Tăng sĩ đến tụng kinh hộ niệm cho gia chủ, được tai qua nạn
khỏi hay là chết được siêu thoát, được sanh lên các cõi lành. nhưng cần nhắc lại
là tác dụng lớn đó phải thông qua sự chuyển biến trong tâm người gia chủ, hay
là thân nhân người gia chủ. Trong những cảnh ngộ đặc biệt như vậy, tâm người
gia chủ thường rất ăn năn hối hận, sợ hãi dễ cảm xúc và nhạy bén; do đó mà dễ
dàng chuyển biến, từ hướng ác sang hướng thiện.
Tâm hướng thiện đó là điểm căn bản quyết
định tác động lớn của các buổi lễ. Nếu tâm không chuyển thì nghiệp không thể
chuyển được. Điều khó khăn là người sống ác, lúc gần chết thường bị hôn mê, gia
đình thân nhân vì không hiểu đạo nên bối rối, la hét than vãn ồn ào, khiến cho
tâm người sắp chết đã rối loạn và hôn mê lại càng rối loạn và hôn mê thêm. Nêú
người sắp chết, trước khi hôn mê mà được Tăng sĩ và thiện tri thức hiểu đạo đến
hộ niệm trong một khung cảnh trang nghiêm không ồn ào, người sắp chết được nhắc
nhở về những việc thiện mình đã làm, được nghe vài bài kinh đọc bằng tiếng Việt,
ngắn và dễ hiểu, hay là được nghe một thời pháp ngắn, có ý nghĩa, giúp cho người
sắp chết có chánh kiến, bỏ tà kiến, thì tâm của anh ta có thể chuyển biến, và
nghiệp cũng chuyển theo. Anh ta đáng lẽ sanh vào cảnh giới xấu, thì lại được
sanh vào cõi tốt đẹp hơn .
Đó là sức mạnh của cái mà sách Phật gọi
là nghiệp gần chết (Cận tử nghiệp). Người chết không đủ sức để hành động bằng
thân, thậm chí cũng không nói được, mà chỉ tạo ra ý nghiệp mà thôi. Ý nghiệp đó
rất mạnh, có thể quyết định hướng tái sanh, dù là hướng thiện hay hướng ác cũng
đều rất mạnh. Do đó, vấn đề là nếu gia đình Phật tử hiếu đạo thì phải bày trí một
khung cảnh thật sự yên tĩnh và trang nghiêm, để cho người sắp chết có thể chết
trong thanh thản, yên ổn với tiếng chuông, mõ và hộ niệm của chư Tăng và các bạn
lành. Người sắp chết được thân nhân và bạn lành nhắn nhủ về những điều thiện mà
anh ta đã từng làm. Tốt hơn nữa là thân nhân tiếp tục làm nhiều công đức như bố
thí, phóng sanh và hồi hướng những công đức đó cho người sắp chết có được một
cái chết yên ổn, và có một đời sống kiếp sau tốt đẹp. Trong lịch sử Phật giáo
Aán độ, có truyện hoàng đế Asoka (A Dục) thực đáng cho chúng ta suy ngẫm. Công
đức của Asoka đối với Phật pháp thì mọi người học Phật đều rõ. Có thể nói, đây
là vị Hoàng đế mộ Phật, và cống hiến cho đạo Phật nhiều nhất, vĩ đại nhất trong
lịch sử không phải của riêng Aán độ mà của toàn thế giới. Đối với một người như
vậy, chết rồi sanh lên cảnh giới tốt đẹp phải là chuyện bình thường. Ấy thế mà
vì lúc lâm chung, vì ác duyên cho nên phát sanh ra một cơn thịnh nộ, khiến vua
chết rồi tái sanh làm con mãng xà. Điều may mắn là con vua, A la hán Mahinda,
biết được chuyện này lập tức đến cạnh nhà vua, lúc bấy giờ đã biến thành con
mãng xà, nói lời vỗ về an ủi và nói pháp, khiến Asoka phút chốc tỉnh ngộ, tâm
chuyển nên nghiệp cũng chuyển, nó lột xác, chết rồi lập tức tái sanh lên cõi trời.
Vấn đề "Cận tử nghiệp" tức nghiệp gần chết là một chủ đề lớn, không
phải trong một bài viết ngắn mà có thể giải quyết hết được. Chủ đề chính của
bài này là tâm có chuyển thì nghiệp mới chuyển. Mọi cuộc lễ bái, cầu siêu, cầu
an, nói cho cùng có tác dụng làm cho tâm người đương sự chuyển mà thôi. Thực
ra, không có người nào khác, mà chính mình phải giải oan giải nghiệp cho mình .
(Giác Ngộ số 127/ 9 -1998)