Pháp Luận
Hiếu - Nhìn từ những bản kinh khác nhau
21/08/2010 15:31 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GNO - Hiếu là một đề tài khá quan trọng trong những thảo luận Phật giáo. Trong nhiều kinh sách Phật giáo, ta có thể tìm thấy những lời dạy liên quan đến chủ đề này. Và khi đọc vào những kinh sách đề cập đến hiếu hạnh, hay về những mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái, từ cả hai nguồn Nam và Bắc truyền, ta có thể thấy hiếu được trình bày dưới những góc độ khác nhau.

Trong bài viết ngắn này, tôi mạo muội trình bày ba khía cạnh về hiếu khi đọc vào những bài kinh liên quan đến chủ đề này: 1. Hiếu là báo đáp công ơn; 2. Hiếu như một chuẩn tắc đạo đức xã hội; và 3. Hiếu như một phẩm hạnh cao tột.

daohieu-1.jpg

Hiếu là báo đáp công ơn

Công ơn của mẹ cha được nói nhiều với những cách thức khác nhau. Kinh sách Phật giáo có nhiều lời tán dương về ân đức cao dày của mẹ cha, và cũng có những lời dạy về đạo làm con và về cách thức báo đáp ân đức đó.

Những bài kinh quen thuộc như kinh Vu lan, kinh Báo ân cha mẹ đã nói khá rõ về công ơn của cha mẹ, và cũng chỉ ra cách báo đáp công ơn đó như thế nào. Công ơn cha mẹ mà những bản kinh này nêu ra gồm có những điểm chính như: ân mang nặng đẻ đau, ân khổ nhọc nuôi dưỡng, ân hy sinh cho con và luôn thương nhớ đến con… Ở một vài bản kinh khác, chúng ta cũng gặp những điểm tương tự. Ví dụ như kinh Bổn sự nói: "Cha mẹ đối với con cái ân đức cao nặng sâu dày; ân đức sản sanh từ tâm bú mớm, ân đức tắm giặt nuôi nấng trưởng thành, ân đức cung cấp các món cần dùng, ân đức chỉ dạy cách sống ở đời. Cha mẹ luôn luôn muốn con vơi khổ, được vui; không bao giờ thôi nhớ thương con, thương con như bóng theo hình." Một bài kinh khác đã ví công ơn cha mẹ như núi cao biển rộng, nói đến sự cao ngất và bao la của ân đức đó: "Cha lành ân cao như non Thái/ Mẹ hiền ân sâu như biển cả/ Nếu ta ở đời trong một kiếp/ Nói ân mẹ hiền không thể hết." (Kinh Tâm địa quán).

Nhưng theo Phật giáo, chúng ta không chỉ mang ân cha mẹ trong một đời hiện tại, mà còn thọ ân mẹ cha trong vô lượng kiếp. Trong kinh Phân biệt, Đức Phật dạy rằng, sự giác ngộ của Ngài ở đời hiện tại có liên quan đến ân đức của nhiều kiếp cha mẹ trong đời quá khứ: "Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn cha mẹ ta. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không tinh tấn hiếu thảo với cha mẹ".

Và vì công ơn của cha mẹ cao dày như vậy, Đức Phật dạy người đệ tử phải hiếu thảo và có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ: Hãy nuôi dưỡng mẹ cha; hợp pháp và đúng pháp" (Kinh Tiểu bộ, Kinh tập, chương 2, kệ 404). Và những ai nuôi dưỡng cha mẹ với đầy đủ lòng yêu thương và trách nhiệm sẽ được các bậc Hiền thánh tán dương khen ngợi, sau khi qua đời sẽ được sanh về thiên giới, hưởng được nhiều phúc lạc. (Xem thêm Tương Ưng I, Chương 7).

daohieu-2.jpg

Tuy nhiên, nếu đền đáp công ơn cha mẹ theo thường tình thế gian, như chỉ biết chăm sóc phụng dưỡng, thì không bao giờ đền đáp đủ ân đức; và cho dù phải hy sinh bản thân vì cha vì mẹ đi nữa, cũng không thể đền đáp hết được ân đức đó: "Có hai hạng người, này các Tỷ kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha." (Kinh Tăng chi Bộ II, phẩm IV). Và vì vậy, cách thức báo hiếu rốt ráo nhất có thể đền đáp được ân đức mẹ cha là: "Ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha." (Kinh Tăng chi Bộ II, phẩm IV).

Ở trên là một vài trích dẫn từ những bài kinh nói về ân đức cha mẹ; và đạo làm con nên đền đáp ân đức đó như thế nào. Ta có thể tìm thấy nhiều hơn những lời dạy tương tự như vậy trong những bản kinh khác. Và hiếu, khi được nhìn từ những trích dẫn ở trên, có thể tạm xem (hiếu) như là một bổn phận, là một sự đền đáp ân đức mà ta đã thọ nhận: bởi vì cha mẹ đã hy sinh vì con, nên con cái cần kính trọng và đền công ơn cha mẹ, bằng những phương thức khác nhau.

Hiếu như một chuẩn tắc đạo đức xã hội

Trong một vài bản kinh khác, hiếu không chỉ là một nếp sống giới hạn trong phạm vi gia đình, một sự đền đáp công ơn, mà còn được xem như một chuẩn mực đạo đức có sự tác động sâu xa vào sự ổn định xã hội. Gia đình, rõ ràng, góp một chức năng quan trọng trong việc duy trì sự ổn định chung của tổng thể xã hội. Một trong những chức năng chính của gia đình như được thấy là nơi nuôi dưỡng và giáo dục con trẻ; vì vậy, hơn bất kỳ nhóm xã hội nào khác, nó tạo nên một sự ảnh hưởng bền bỉ, mật thiết và sâu sắc vào thói quen, thái độ và kinh nghiệm xã hội của một đứa trẻ. Gia đình đóng vai trò then chốt trong việc hình thành nên nhân cách một con người, hay nói cách khác là tiến trình xã hội hóa một con người được khởi đầu từ gia đình.

Một điểm quan trọng khác của gia đình là chức năng "tổ ấm" của nó, là nơi người ta nhận lấy và chia sẻ tình cảm yêu thương với những người thân; và hạnh phúc hay khổ đau mà những thành viên trong gia đình nhận được hẳn có sự tác động nhất định ra ngoài xã hội. Và thường là, khi một người không có tình thương đối với cha mẹ hay những người thân thì vị ấy khó có thể có tình thương và cảm thông đối với nhân quần; và khi một người không tốt được với những thành viên khác trong gia đình, vị ấy khó có thể tốt được với cộng đồng xã hội. Và vì vậy khi sự bất hiếu xảy ra trong gia đình, nguy cơ góp phần làm suy thoái đạo đức xã hội có thể xảy ra.

Ta có thể tìm thấy quan điểm này trong kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống (Cakkavatti Sīhanāda sutta, Trường Bộ kinh). Tuy bài kinh này không phải dành riêng để nói về gia đình hay những mối quan hệ giữa các thành viên trong đó, cũng không phải đề cập đến hiếu hạnh và những lời dạy liên quan, nhưng những nguyên nhân đưa đến sự suy thoái xã hội mà bài kinh đưa ra bao hàm ý nghĩa nói trên.

daohieu-3.jpg

Bài kinh này cho rằng, sự thiếu hiếu kính đối với cha mẹ là một trong những dấu hiệu của cõi đời suy vong, điều dẫn đến làm suy giảm tuổi thọ và những giá trị khác của loài người. Và khi tuổi thọ của loài người càng giảm thì sự bất hiếu càng tăng. Bài kinh xem hiếu thảo như là một khía cạnh, một chuẩn mực đạo đức trong các thiện pháp khác mà con người cần thực hành đề làm hưng thịnh xã hội. Những thiện pháp khác mà bài kinh nhấn mạnh nhiều lần là: không lấy của không cho, không làm các tà hạnh, không nói dối, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói lời phù phiếm, từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ tà kiến…

Nói chung, ở đây hiếu kính cha mẹ được xem như là một chuẩn mực sống căn bản có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống gia đình và rộng ra đến toàn xã hội. Tuy nhiên, một người con bất hiếu vấn đề không phải quy hết trách nhiệm lên người con ấy, mà còn phải xét đến vai trò của những bậc cha mẹ và những người liên quan trong gia đình và cả tổng thể xã hội. Kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống nói thêm rằng, dấu hiệu của suy thoái xã hội là khi những thành viên trong gia đình không còn nhận ra nhau và không còn giữ được vai trò của mình. Họ không còn biết kính trọng lẫn nhau, và gây nên những hành vi phi đạo đức.

Ở những bản kinh khác nhau, chúng ta có thể tìm thấy nhiều lời dạy về đạo làm con, ca ngợi về hạnh hiếu, bổn phận của người con đối với cha mẹ, và phước đức dành cho người có lòng thương yêu và phụng dưỡng mẹ cha. Tuy nhiên chúng ta ít thấy những lời kinh nói về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Một trong ít bài kinh đặt ra vấn đề này là Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Sigālovāda sutta, Trường Bộ kinh). Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt đề cập một cách cụ thể về những mối quan hệ hỗ tương giữa cha mẹ và con cái, và cũng chỉ ra bổn phận mà mỗi người cần thực hiện khi ở trong những mối quan hệ đó. Ở đây, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt đặt những trách nhiệm và bổn phận cho các mối quan hệ một cách hài hòa, và khuyên mọi người nên thực hiện tốt vai trò của mình để tạo nên sự ổn định cho gia đình và xã hội, để có được sự an lạc trong đời sống.

Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt chỉ ra năm điều mà một người con cần có đối với cha mẹ: bổn phận đối với cha mẹ; gìn giữ gia đình và truyền thống; bảo vệ tài sản thừa tự; lo tang lễ khi cha mẹ qua đời. Và cũng có năm điều dành cho các bậc cha mẹ: ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ gả chồng xứng đáng cho con; và trao của thừa tự cho con vào một thời điểm thích hợp.

Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt không phải là một bài kinh dành riêng để nói về bổn phận giữa cha mẹ và con cái. Bài kinh này xem mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một trong sáu mối quan hệ căn bản ở xã hội thời bấy giờ. Và hạnh phúc, sự ổn định, thịnh vượng mà gia đình và xã hội có được chỉ khi những thành viên trong xã hội thực thi theo nhưng quy chuẩn dành cho mình. Hiếu nghĩa với cha mẹ, thương yêu và giáo dưỡng con cái, do đó, được xem như là những yếu tố quan trọng trong việc hình thành nên những con người tốt góp phần đem lại phúc lạc cho bản thân và cuộc đời.

Hiếu như một phẩm hạnh cao tột

Chúng ta hẳn đã quen thuộc với câu kinh "Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Gặp thời không có Phật, phụng thờ cha mẹ chính là thờ Phật vậy" (kinh Đại tập). Với lời dạy này, Phật giáo đã xem việc thực hành hiếu hạnh mang một ý nghĩa rất cao: thờ cha mẹ như thờ Phật.

Quan điểm tương tự có thể tìm thấy trong kinh tạng Pāli. Trong Tăng chi bộ kinh, Đức Phật nói rằng một gia đình mà ở đó con cái hiếu nghĩa với cha mẹ thì gia đình đó được sánh bằng với Phạm thiên, hay sánh bằng với các bậc Đạo sư. Ta biết rằng Phạm thiên là vị thần tối cao trong Ấn giáo, và các bậc Đạo sư luôn là những vị rất mực được kính trọng trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Người có lòng hiếu thảo, như vậy, được xem là người đáng tôn kính nhất. Thờ cha mẹ như thờ Phật, thờ những bậc Đạo sư thì có lẽ chỉ có Phật giáo đặt ra. Chúng ta đọc một đoạn kinh để thấy rõ điều này: "Những gia đình nào, này các Tỷ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Ðạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường." (Tăng chi Bộ III, phẩm IV).

Bởi vì thờ cha mẹ giống như thờ các bậc Đạo sư, thờ Phật, cho nên ai làm hại cha mẹ thì cũng giống như làm hại Phật, được xếp vào một trong năm loại "nghịch tội" (tội giết cha, tội giết mẹ, tội giết A-la-hán, tội làm chảy máu thân Phật, và tội phá hòa hợp Tăng). Và khi cha mẹ được xem như là "Phật trong nhà" thì việc "Phụng dưỡng mẹ và cha, là vận may tối thượng." (Mangalasuttam, Hạnh phúc Kinh).

Phật giáo Đại thừa đề cao hạnh nguyện Bồ tát và tình thương phổ quát. Việc thực hành con đường Bồ tát để đạt đến Phật quả không tách rời khỏi việc phụng sự chúng sinh. Một vị Bồ tát luôn thương yêu và làm lợi ích chúng sanh giống như thương yêu và làm lợi ích cha mẹ mình. Lý tưởng này có thể bắt gặp ở nhiều bản kinh Đại thừa, ví dụ như phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm ghi: "Bao nhiêu chúng sanh sai khác trong tất cả mười phương pháp giới, hư không giới... tôi đều tùy thuận tất cả mà thật hành vâng thờ, cúng dường, như kính cha mẹ, như thờ bậc thầy, chư A-la-hán, thậm chí giống như phụng thờ Đức Như Lai."

Hẳn nhiên đây là con đường tu tập của một vị Bồ tát lý tưởng, vị có trí tuệ Bát nhã, thấu triệt tánh không và có lòng từ bi bình đẳng. Và ở đây, hành giả không chỉ hiếu thảo với cha mẹ của mình, mà còn "hiếu" với tất cả chúng sanh. Hiếu ở đây như một thực hành tu tập vượt qua khỏi khái niệm hiếu hạnh thông thường của thế gian, tức vượt ra khỏi những giới hạn của phân biệt và chấp thủ, những điều được xem gây chướng ngại cho việc thực hành lòng từ bi phổ quát.

Phụng sự chúng sinh như cha mẹ, một mặt vì hạnh nguyện cao thượng của bậc Đại Bồ tát, luôn quán triệt tánh không và nhìn thấy cõi đời "bất nhị" dựa trên tinh thần "Phật và chúng sinh tâm vô sai biệt"; và mặt khác vì Phật giáo tin vào giáo lý luân hồi, xem mọi chúng sinh đều là cha mẹ hay người thân của mình: "Tất cả nam nhân là cha ta, tất cả nữ nhân là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sinh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng sinh trong lục đạo đều là cha mẹ ta" (Kinh Phạm võng, phẩm Bồ tát tâm địa). Xét ở khía cạnh đạo đức, niềm tin này giúp con người sống biết kính trọng và thương yêu người khác hơn.

Thực hành hiếu theo hạnh nguyện Bồ tát là đưa hạnh hiếu ra khỏi phạm vi gia đình để hòa nhập vào cộng đồng xã hội rộng lớn. Và nếu nhìn từ góc độ này, hạnh hiếu đã trở nên có vai trò quan trọng không chỉ trong phạm vi gia đình, mà còn ở phạm vi xã hội. Nhưng dù thực hành hiếu hạnh ở phạm vi nào, mục đích sau cùng của các bậc Bồ tát là giúp chúng sinh đạt đến sự an vui, giải thoát. Đó là tinh thần quan yếu của Phật giáo.

Thích Nguyên Hiệp (Theo GNO)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch