Pháp Luận
Lộ trình thành đạo của Bồ-tát Siddharta
21/01/2011 00:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đêm Bồ-tát Siddhartha vượt thành xuất gia, cả hoàng thành Kapilavatthu chìm trong im ắng và hoang lạnh. Không khí chia ly buồn thương man mác như bao trùm khắp các ngã đường của kinh thành mỗi nơi Ngài đi qua. Bồ-tát Siddhartha cảm nhận rất rõ ràng dù Ngài không hề ngoái lại. Siddhartha quyết tâm ra đi với tất cả nhiệt huyết của tuổi xuân, quyết tìm ra chân lý để giải quyết vấn đề khổ đau sinh tử cho mình và cho cả muôn loài.

Sau khi vượt sông Anomà, Siddhartha cởi hoàng bào, cắt tóc trao cho Channa đem về trình báo phụ hoàng, tạm biệt người hầu cận trung thành và ngựa Kanthaka yêu quý, Ngài nhắm rừng xanh thẳng tiến. Người thanh niên, vị đông cung thái tử đã để lại phía sau tất cả dư âm của một đời sống vương giả, hiện thân làm đạo sĩ lang thang trong rừng xanh núi thẳm, với lộ trình phía trước dường như vô định, chưa biết về đâu.

Năm năm tầm sư học đạo, bấy giờ Bồ-tát còn được gọi là đạo sĩ Gotama đã gặp hai vị thầy nổi tiếng đương thời, đó là Alàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta. Tại đạo tràng của đạo sư Alàra Kàlàma, Bồ-tát Siddhartha đã chứng được Vô sở hữu xứ, một thiền chứng thâm sâu thuộc tầng thứ ba của Tứ không định. Đạo sĩ Gotama được mời ở lại để lãnh đạo, dẫn dắt đồ chúng nhưng Ngài thấy rằng: “Giáo lý này không dẫn đến buông xả, không tận diệt ái dục, không dẫn đến chấm dứt, không dẫn đến thanh bình an lạc, trực chứng, giác ngộ và Niết Bàn” nên từ giả ra đi.

Rời Alàra Kàlàma, Bồ-tát lần tìm đến với đạo sư Uddaka Ràmaputta. Tại đây, đạo sĩ Gotama đã chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thiền chứng cao nhất trong tam giới và trong tất cả các đạo sĩ đương thời. Uddaka Ràmaputta cũng thỉnh cầu đạo sĩ Gotama ở lại lãnh đạo đồ chúng nhưng Bồ-tát vẫn thấy rằng thiền chứng này tuy rất thậm thâm nhưng vẫn chưa đạt đến giác ngộ và Niết-bàn, nên giả từ ra đi.

Với thời gian dài đến năm năm, tuy không đạt được giác ngộ tối hậu nhưng Bồ-tát Siddhartha đã thành tựu kinh nghiệm về thiền định, nhất là thiền Chỉ với các thiền chứng của Tứ không định rất sâu xa, tịch tịnh. Lúc rời xa vị thầy Uddaka Ràmaputta danh tiếng nhất, kỳ thật Bồ-tát cũng không biết phải nương tựa vào ai. Trong tận cùng của niềm cô độc, tiếng gọi khổ hạnh bỗng trở nên réo rắt gọi mời. Trong tín niệm đương thời, các đạo sĩ luôn đề cao khổ hạnh, xem đó là cửa ngõ duy nhất để diệt trừ tất cả tội lỗi cũng như phiền não, mở toang cánh cửa u tối vô minh, thành tựu giải thoát tối hậu.

Những khu rừng xanh tốt và thâm u xứ Uruvela là thánh địa của những đạo sĩ khổ hạnh. Đạo sĩ Gotama tìm đến để thực hành khổ hạnh cùng với năm người bạn đồng tu, nhóm đạo sĩ Kondanna. Thêm sáu năm trường khổ ải, đạo sĩ Gotama đã tận lực đi theo con đường khổ hạnh, tự đọa đày. Ngài tinh tấn đến độ vượt thắng tất cả mọi hình thức khổ hạnh của các đạo sĩ đương thời, có thể nói là bậc đệ nhất khổ hạnh và đỉnh cao là ngấp nghé bờ vực của sự tự hủy diệt. Trong tình trạng sắp đối diện với cái chết, đạo sĩ Gotama chợt nhận ra rằng: Khổ hạnh không đưa đến giác ngộ. Đời sống vương giả của bậc đế vương hưởng thọ dục lạc là chìm đắm trong sanh tử thì đã đành nhưng đời sống khổ hạnh đến tận cùng cũng chỉ làm thân thể suy kiệt, tinh thần héo úa và nhất là bế tắc trong việc khai mở tuệ giác, chỉ phí công vô ích mà thôi.

Bồ-tát Siddhartha tiếp tục trầm tư về con đường đưa đến giác ngộ. Có một đạo lộ nào khác nữa chăng? Nhớ đến thời thơ ấu, trong buổi lễ hạ điền Ngài đã thể nhập Sơ thiền, một trạng thái hỉ lạc do ly dục sanh. Một ý tưởng sáng chói chợt hiện ra nơi Ngài là hướng nội và xả ly. Đạo sĩ Gotama liền quyết định từ bỏ khổ hạnh, thọ dụng bát sữa của Sujata, tắm rửa ở dòng sông Neranjara, bắt đầu một phương pháp thực tập hướng nội theo tinh thần Trung đạo, tránh xa hai cực đoan. Sau khi sức khỏe được hồi phục, tinh thần minh mẫn, định tỉnh trở lại, Bồ-tát Siddhartha đến cội bồ-đề hạ quyết tâm thiền định.

Trong lúc Bồ-tát phát đại nguyện dù thịt nát xương tan, nếu chưa giác ngộ thì không rời khỏi cội bồ-đề thì nhóm đạo sĩ Kondanna từ bỏ Ngài ra đi. Họ khinh ghét Ngài vì đã thối thất, không đi đến tận cùng con đường khổ hạnh. Còn lại một mình trong rừng thiêng nước độc, bốn bề hoang lạnh, đối diện với vô vàn hiểm nguy, Bồ-tát thể nhập thiền định với quyết tâm sắt đá, ý chí kim cương. 49 ngày đêm tọa thiền dưới cội bồ-đề là cuộc chiến hàng phục nội ma và ngoại chướng vô cùng cam go và cuối cùng Ngài đã chiến thắng.

Trong đêm cuối cùng, trước khi tuệ giác bùng vỡ, kinh sách ghi rằng Bồ-tát hướng đến giác ngộ tối hậu bằng cách tuần tự nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Trên nền tảng Tứ thiền, Bồ-tát vận dụng “tâm định tỉnh, thanh tịnh, không còn ô nhiễm, nhu nhuyến, dễ uốn nắn, dễ xử dụng, giác tỉnh, vững chắc và không thể lay chuyển”, hướng tâm ấy về tuệ giác “Hồi nhớ những kiếp sống quá khứ”. Ngài liền nhớ lại nhiều kiếp sống quá khứ với đầy đủ các chi tiết. Ðó là tuệ giác đầu tiên, Túc mạng minh, Bồ-tát Siddhartha chứng ngộ vào lúc canh Đầu, đêm Thành đạo.

Tuệ giác và tịnh lạc đã phát sanh, nhưng Bồ-tát vẫn giữ chánh niệm, tự giác tỉnh, tiếp tục hướng tâm ấy về “Sự hiểu biết hiện tượng sanh và diệt của chúng sanh”. Ngài thấy rõ chính hành vi tạo tác của mỗi người là tác nhân đưa họ sanh tử luân hồi trôi lăn trong ba cõi. Bồ-tát chứng Thiên nhãn minh, tuệ giác thứ hai vào canh Giữa, đêm Thành đạo.

Ngài tiếp tục hướng tâm ấy đến “Tuệ hiểu biết sự chấm dứt các lậu hoặc”. Vào canh Cuối của đêm Thành đạo, lúc sao Mai vừa mọc, Bồ-tát chứng được Lậu tận minh. Màn đêm tăm tối của dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu đã bị phá tan và trí tuệ bùng phát. Ngài biết rằng: “Ta đã được giải thoát. Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại đời này nữa”. Ngài chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Từ đây, Ngài được tôn xưng là Đức Phật với mười danh hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật-Thế Tôn.

Trải qua vô lượng kiếp hành Bồ-tát đạo, và trong kiếp hiện tại Bồ-tát Siddhartha cũng phải bao phen khó nhọc, dám hy sinh cả thân mạng mới có ngày huy hoàng, thành Bậc Giác Ngộ, Thế Tôn, Phật Thích Ca Mâu Ni dưới cội bồ-đề.

Có thể xem Tam minh (Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh) là nội dung chứng ngộ của Bồ-tát Siddhartha trong đêm Thành đạo. Tam minh là tuệ giác của thiền Quán được Đức Phật phát triển và thành tựu dựa trên nền tảng thiền Chỉ của Tứ thiền. Chính sự khám phá này của Thế Tôn, về sau đã trở thành nguyên tắc cơ bản cho sự tu tập và thăng chứng của các Tỷ-kheo đệ tử.

Kinh Đại Sư Tử Hống (Trung Bộ I) tóm tắt lộ trình tu tập của vị Tỷ-kheo bằng cách chứng nhập từ Sơ thiền đến Tứ thiền, rồi từ Tứ thiền chuyên tâm tu tập thiền Quán vô ngã, vô thường, loại trừ mười kiết sử để lần lượt chứng đắc bốn Thánh quả và đạt Niết-bàn tối hậu.

Có một đạo lộ khác để thành tựu giác ngộ là từ Tứ thiền, hành giả tiếp tục đi sâu vào Tứ không định. Tuy nhiên, Thế Tôn thường cảnh tỉnh phải xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ để nhập cảnh giới Diệt thọ tưởng định trước khi vào Niết-bàn tối hậu. Tốt nhất là nên dừng lại ở Vô sở hữu xứ, rồi tu tập Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỉ, Xả) để băng đến Diệt thọ tưởng định trước khi vào Niết-bàn tối hậu (Thích Chơn Thiện, Tăng già thời Đức Phật, tr.229).

Như vậy, dù Bồ-tát Siddhartha đã trải qua vô lượng kiếp tu tập Bồ-tát đạo, mang trong mình năng lực và bản nguyện của vị Bồ tát Nhất sinh bổ xứ nhưng nội dung tu tập và chứng ngộ của Ngài thật cụ thể, rõ ràng mà hàng đệ tử hậu thế có thể lần theo dấu xưa để thành tựu Thánh quả A-la-hán.

Mặt khác, Tứ thiền và Tứ không định tuy là những thiền chứng của ngoại đạo hoặc là những dạng thức thiền Chỉ, theo Phật giáo, nhưng có vai trò rất quan trọng, làm nền tảng cho thiền Quán để phát huy tuệ giác nhằm thành tựu giải thoát, chứng đắc Niết-bàn.

Chính thiền Quán với tuệ minh sát có năng lực soi chiếu phá tan si ám về tự ngã, thường hằng để thấu triệt sự thật vô ngã, vô thường của vạn pháp đồng thời làm sụp đổ những kiết sử căn bản vốn là thành trì của sanh tử luân hồi nhằm chứng đạt giải thoát tối hậu, chính là phát kiến vĩ đại của Bồ-tát Siddhartha.

Nếu không có phát kiến thiền Quán thì Bồ-tát Siddhartha không thể thành đạo, thành Phật cũng như không có đạo Phật ở thế gian này.

Cho nên, Phật không thành đạo mà chỉ có Bồ-tát Siddhartha thành đạo. Và thiền định Chỉ-Quán từ ngàn xưa cho đến ngàn sau vẫn là tinh túy, cốt tủy của pháp hành trong Phật giáo có tác dụng chuyển hóa, đưa hành giả từ phàm phu lên Thánh vị.

Thích Quảng Tánh (chuaphuclam)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch