Đời sống
Sống theo lời Phật
Tác giả: Thích Nhuận Thạnh
15/04/2553 01:56 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trì giới và bố thí
 
   Đức Phật bảo vua Ba Tư Nặc:
   - Hỡi Đại vương! Phỏng có người thân tín đến bảo với nhà vua rằng có bốn núi lớn ở bốn phương sắp sập, sẽ đè hại nhân dân thì nhà vua có kế và phương cách chi để đối phó không?

   Vua thưa:
   - Bạch Thế Tôn, quả có việc ấy xảy ra thì thật không nơi lánh nạn, nhưng chỉ chuyên tâm trì giới và tu bố thí mà thôi!

   Phật khen:
   - Hay thay Đại vương! Ý ta nói bốn núi là muốn chỉ bốn món sinh, lão, bệnh, tử của chúng sinh. Nó thường hay đến cướp mất mạng người, làm sao chẳng tu giới và bố thí được.

   Vua nói:
   - Bạch Thế Tôn, trì giới và bố thí được những lợi ích gì?
Phật đáp:
- Sinh về cõi trời và cõi người được hưởng sự vui sướng …

   Lời bàn:
   Trong cuộc sống thường ngày, tất cả mọi người lúc nào cũng gian nan, vất vả. Chúng ta phải đối diện trực tiếp với những mặt trái của cuộc đời.
Tham lam, sân hận và si mê – những điều này đã làm cho chúng ta mù quáng và thiếu tuệ giác trong lối sống và cư xử với nhau, dẫn đến sự bất hòa trong một gia đình hay trong một tập thể nào đó. Cũng chỉ đơn giản là vì một chút danh, một ít quyền lợi mà nhiều khi con người phải nhắm mắt xuôi tay làm những việc mà lương tâm mình không muốn làm, nghĩ những việc mà mình không muốn nghĩ.

   Sự sinh, già, bệnh, chết luôn luôn theo đuổi con người trong từng sát na tựa như bóng với hình. Cho nên, dù chúng ta có thông minh xuất chúng, tiền vạn bạc muôn đi nữa nhưng rồi vô thường đến thì cũng phải từ bỏ tất cả và trả lại bản chất nguyên thể của chính nó. Thần thức của ta sẽ đi theo nghiệp mà mình đã gây tạo trong khi còn sinh tiền, thiện hay ác mà chúng ta đã gieo nhân thì chúng ta sẽ có kết quả như vậy.

   Theo tuệ giác của Thế Tôn, muốn được quả tốt thì phải gieo nhân lành. Khi đã đầy đủ quả đức thì an vui, hạnh phúc sẽ đến, chúng ta sẽ không còn bị bốn ngọn núi lớn đè nặng – bốn ngọn núi được ví là bốn món sinh, lão, bệnh, tử. Nếu ta cần có một kiếp sống tốt lành sau khi đã mãn thân này, Thế Tôn đã dạy là nên tu tập công đức của trì giới và bố thí. Vì bố thí là phương pháp xả bỏ các tâm keo rít, tham ái của tự thân chúng ta. Điều đó, vừa nuôi dưỡng được tâm từ, hạnh bao dung; vừa tạo được công đức có thể sinh về cõi trời sau khi mệnh chung.

   Trì giới ở đây là chúng ta phải giữ năm giới cấm của người Cư sĩ tại gia và siêng cúng dường, ấn tống kính sách, bố thí tài thực, vật thực cho những người nghèo khó hơn mình như thức ăn, áo mặc, chỗ ngủ, thuốc men, chăn chiếu… nói chung là tiền của. Còn bố thí pháp là chúng ta ra sức giảng dạy, chỉ rõ nỗi khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, khổ đau diệt và con đường đi ra khỏi khổ đau; chỉ rõ các ác pháp cần phải tránh, các thiện pháp cần phải tu. Kết quả bố thí không thể căn cứ vào vật bố thí, giai cấp địa vị của người bố thí hoặc người nhận bố thí mà giá trị thực sự của nó nằm ở tâm bố thí của người cho.

   Trong kinh Tăng Chi II, đức Phật dạy: “Sàriputta, ở đây, ai bố thí không với tâm mong cầu, không với tâm trói buộc, không với tâm chất chứa, không với ý nghĩ:  ta sẽ hưởng được cái này ở đời sau, không với ý nghĩ: lành thay sự bố thí,… nhưng vị ấy bố thí để trang nghiêm thân tâm, để trang bị tâm. Do vị ấy bố thí như vậy, nên sau khi thân hoại mệnh chung, được sinh cùng trú xứ với chư Thiên ở Phạm chúng thiên. Và khi vị ấy nghiệp dứt, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy dứt, vị ấy trở thành vị Bất lai, không còn luân hồi nữa”.

   Nhờ nhân bố thí mà chúng ta sẽ được sinh về cõi trời hưởng được hạnh phúc an vui.