Người mù rờ voi
Có một ông vua bảo vị đại thần rằng: “Khanh đem một con voi rồi cho mấy người mù tới rờ xem thử thế nào”. Vị đại thần vâng lời họp vài người mù lại, rồi đem voi ra bảo họ lấy tay rờ. Mỗi người rờ một bộ phận của con voi. Sau đó, vua bèn kêu mấy người mù lại và hỏi rằng: “Con voi thuộc về loại gì?”. Người mù rờ tai voi nói con voi như cái quạt. Người rờ đầu voi thì nói con voi như hòn đá. Còn người rờ vòi lại nói con voi như cái gậy. Người rờ chân nói con voi như cổ chày. Người rờ lưng thì cho là con voi như cái gường. Người rờ bụng thì nói con voi như cái ghè. Người rờ đuôi nói con voi như cái chổi.
- Này thiện nam tử! Như mấy người mù kia không nói trúng toàn thể con voi nhưng cũng không nói ngoài toàn thể con voi. Nhưng ngoài tướng trạng ấy thời không riêng có con voi. Này thiện nam tử! Vua ví dụ cho đức Như lai Chánh biến tri. Vị đại thần ví dụ cho kinh Đại Phương Đẳng, Đại Niết Bàn, con voi ví dụ cho Phật tánh. Các người mù sờ voi thí dụ cho hết thảy chúng sinh vô minh .
Lời bàn:
Khả năng giác ngộ thì ai cũng có nhưng nó lại tiềm ẩn sâu kín trong tâm. Vì không chịu tu tập nên chúng ta không có tuệ giác để nhận biết một cách sâu sắc về bản thể của nó. Khi sống kém hiểu biết tức là thiếu mất sự giác ngộ, nên ta nhìn cuộc đời một cách không toàn diện. Nhiều lúc ta nhận thức rằng, cuộc đời này là vô thường, biến ảo nên phát tâm tu hành. Nhưng khi chưa kịp thực hành thì đã bị tham đắm vào các dục lạc của trần thế như danh, lợi, thực, thùy… rồi bị nó sai khiến nhấn chìm, thế nên ta mãi chịu đau khổ. Giống như người mù sờ voi, tuy nói trúng một phần thân thể của con voi nhưng chỉ riêng một bộ phận đó thì không thể là con voi.
Nhiều lúc, chúng ta chỉ giúp người khác một việc thiện nhỏ và đã vội cho rằng mình đã tu, phô trương lên với mọi người rằng mình tu tâm chứ không tu tướng. Thực ra, đó là một trong những cái để tu nhưng nó không phải là tất cả và cũng vì chấp vào nó nên chẳng khác nào người mù cho rằng con voi chẳng khác nào cái chổi, tuy cái giống ấy cũng là một phần của con voi. Sự tu tập mỗi người hành trì theo một pháp môn nhưng không thể nào cho rằng pháp môn của mình là cao siêu nhất của đạo Phật được. Vì sao? Vì tập hợp tất cả những yếu tố những pháp môn mới được gọi chung là Phật giáo.