Trao đổi
Xưa, có một người nhạc sĩ biết đủ các điệu nhạc, đến nhà ông trưởng giả xin trâu. Ông trưởng giả chẳng muốn cho trâu nên bảo anh rằng: “Nếu anh đánh nhạc liên tục ngày đêm chẳng nghỉ ngơi, đủ một năm tròn thì tôi sẽ cho trâu”.
Anh thưa: “Tôi đánh được. Xin ông cũng nghe luôn!”.
Trưởng giả nói: “Tôi nghe luôn chớ sao!”. Anh ta nghe thế rất vui mừng, chăm lòng đánh luôn ba ngày ba đêm không chút nghỉ tay. Trưởng giả chán quá nghe không nổi nữa liền sai người nhà đem trâu ra cho .
Lời bàn:
Câu chuyện trên là một câu chuyện thật hay và thú vị mang chất trí tuệ cao, buộc chúng ta phải dùng tuệ giác để suy ngẫm mới có thể hiểu rõ thâm nghĩa mà đức Phật ẩn dụ.
Trong cuộc sống, sức khỏe và sự chịu đựng của con người luôn bị giới hạn, đặc biệt là địa thể của con người sẽ biến đổi nếu chúng ta sống trong tình trạng quá căng thẳng do áp lực của công việc cùng với sự biến động của các tạp âm đã gặm nhắm phá hoại sức khỏe cùng kiệt sinh lực và tinh thần của con người. Nhưng đôi khi, trong cuộc sống chúng ta lại mất chánh niệm và mù quáng do lòng tham sai khiến mà quên đi mình đang là một con người – một con người có thương yêu, tha thứ, sầu muộn, đau khổ và giận hờn.
Nhưng mọi thứ ấy đều có một sức chịu đựng và có giới hạn. Nếu chúng ta quá lạm dụng vượt qua giới hạn của chúng thì chúng sẽ bùng vỡ. Một khi đã bùng vỡ thì sẽ kéo theo bao sự thất vọng nặng nề của tâm lý, vì bản chất của chúng xuất phát từ tâm. Để tránh được những vọng niệm sai lầm này bộc khởi thì ta phải khởi lòng từ bi với chính bản thân mình, đừng để sự si mê đó đốt cháy chúng ta. Một khi ta từ bi với chính bản thân mình thì tất cả những suy nghĩ xấu ác sẽ tự tan biến, bản thân ta và mọi người cũng đều có lợi ích. Cho nên, trong khi làm tất cả mọi việc ta cần phải có tuệ giác sâu. Tư duy và cân nhắc mọi sự việc theo sức của mình thì chúng ta sẽ thắng được sự cám dỗ mù quáng của lý tính, và thênh thang bước lên nấc thang của sự an lạc, tỉnh thức trong cuộc sống hằng ngày.