Tràng hoa bong bóng
Xưa, có vị Công chúa được vua cưng quý hết sức. Một hôm trời mưa to, thấy bong bóng nước nổi lên mặt hồ, cô ta lấy làm thích ý, liền đòi lấy bong bóng nước ấy làm một tràng hoa để mang trên đầu.
Vua đáp: “Bong bóng nước đâu có thể cầm bắt, làm sao có thể kết thành tràng hoa được!”.
Nàng Công chúa không chịu, dọa vua nếu không được thì sẽ tự tử. Vua lo lắng, cho người mời tất cả thợ tài giỏi nhất trong nước nhưng ai cũng bó tay. Sau đó, có người thợ già nói rằng: “Tôi có thể làm được nhưng phải mời Công chúa đến chứng kiến”. Và người thợ thưa với Công chúa rằng: “Tôi có tài kết bong bóng nước làm tràng hoa nhưng tôi không thể phân biệt bong bóng tốt xấu. Vậy xin Công chúa hãy tự mình lựa chọn những bong bóng đẹp rồi đưa cho tôi kết thành tràng hoa!”. Công chúa tự tay cúi xuống nắm bong bóng nhưng bắt cả buổi mà không được cái nào cả. Sau cùng, do quá mỏi mệt, cô ấy bỏ đi.
Bây giờ thì nàng Công chúa mới biết bong bóng nước làm mê hoặc mắt người. Tuy có hình có chất nhưng sinh ra rồi diệt ngay. Thân người là giả dối, vui ít khổ nhiều, sinh sinh diệt diệt, không thể tồn tại lâu dài .
Lời bàn:
Qua câu chuyện tràng hoa bong bóng này, chúng ta có suy nghĩ gì về thân phận của con người trước trước sự biến đổi của định luật vô thường sinh diệt? Nhiều khi chấp vào danh lợi, tài sắc và mong cầu được sở hữu, nên chúng ta chẳng khác nào nàng Công chúa mong cầu được gắn trang sức trên đầu bằng vòng hoa bong bóng nước.
Nhiều khi chúng ta có đến chùa học Phật, nghe Pháp nhưng lại không hiểu về định luật của duyên sinh và duyên diệt. Chúng ta sống là sống với thực tại mà không phải nghĩ về thực tại. Vậy yếu tố của duyên sinh và duyên diệt đó là gì? Duyên sinh nghĩa là mọi sự vật trên thế gian này đều do nhiều yếu tố, điều kiện kết hợp lại mà phát sinh. Vì là điều kiện của duyên sinh nên mang ý nghĩa bất định tính. Yếu tố này xuất hiện với nhiều giá trị khác nhau đối với những người khác nhau và đối với chúng sinh khác nhau. Cho nên, không có một sự vật nào được sinh ra một cách tự nhiên – nghĩa là không có một sự vật, sự việc nào chỉ do một yếu tố sinh ra, mà phải do nhiều yếu tố kết hợp lại mà thành. Duyên diệt nghĩa là khi những điều kiện để các yếu tố kết hợp lại với nhau không còn nữa thì sự vật sẽ không còn hiện diện, tồn tại. Sự hủy diệt của bất kỳ sự vật, sự việc nào cũng không phải do chúng tự nhiên mất đi, hay một đấng quyền năng nào làm cho chúng mất đi. Đó chính là do những yếu tố, các điều kiện ấy đã hết và chúng chuyển sang một dạng nhân duyên mới. Đó cũng chính là lý duyên sinh rất căn bản của Phật giáo.
Người Phật tử chúng ta nếu hiểu rõ được lý duyên sinh thì sẽ không còn buồn khổ trước sự biến chuyển vô thường, thành trụ hoại không mà luôn luôn sống thanh thản trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dù khổ đau hay hạnh phúc, chúng ta vẫn cứ sống an nhiên và tự tại.