Nghi oan
Vua Ưu Đà Diên nước Câu Chiên Di có hai bà phu nhân. Bà thứ nhất tên là Xá Ma, có lòng thâm tín Phật pháp. Bà thứ hai tên là Đế Nữ, tính tình xu nịnh, thường đến chỗ vua mà sàm tấu và nhạo báng rằng: “Bà phu nhân thứ nhất cùng với Phật làm việc phi pháp”.
Vua nghe thế, nổi sân dữ tợn, liền lấy cung tên đem bắn bà phu nhân thứ nhất. Lúc ấy, bà vì thương hại nhà vua nên liền vào thiền định Từ ái. Vì thế tên bắn không trúng. Vua kinh ngạc hỏi bà lý do: “Vì sao ta bắn tên mà không trúng? Hay ngươi là Trời, Rồng gì chăng mà ta bắn không trúng?”. Bà đáp: “Tôi không phải là Trời, Rồng gì cả, mà tôi chỉ có lòng tin Phật, được nghe Chánh pháp và tôi tu trì ngũ giới. Nay tôi vì thương Đại vương nên nhập Từ ái Tam muội thiền định. Dầu cho Đại vương có ác tâm cũng không thể làm hại được lòng từ bi của tôi”.
Nhà vua nghe xong hết sức ăn năn khi đã tin lời sàm tấu của đệ nhị phu nhân. Ông liền vội vã chạy đến chỗ Phật rồi tự thuật lại chuyện vừa xảy ra và cầu xin ăn năn sám hối, rồi quy y Tam bảo, làm kẻ Ưu Bà Tắc .
Lời bàn:
Từ vô thủy đến nay, dù là vô tình hay cố ý, chúng ta đã tạo biết bao nhiêu nghiệp chướng. Bởi do chúng ta thiếu trí tuệ vì lầm lẫn và si mê. Ta đã gây ra không biết bao nhiêu ác nghiệp, không thể nào tính lường cho được.
Nếu các nghiệp ác này có hình tướng thì vũ trụ này chứa không hết. Chúng ta hãy bình tâm mà suy nghĩ và tự hỏi lại xem mình đã từng trộm cướp, sát sinh, tà dâm không? Khẩu nghiệp đã từng nói dối, nói lời thêu dệt, nói hung ác và nói lưỡi đôi chiều không? Tâm ý chúng ta có tham, giận và si mê không? Hay là ta đã nghe lời dịu ngọt của người khác mà nghi oan và ám hại người vô tội? Nếu có như vậy thì từ nay ta nên phát tâm sám hối, nguyện làm mới cả thân và tâm cho được thanh tịnh.
Tuy nhiên, chỉ sợ chúng ta đã lỡ tạo ra nghiệp ác mà không chịu ăn năn hối lỗi, thề không tái phạm và nhờ Phật – Pháp – Tăng chứng minh cho lời phát nguyện ấy. Sám hối không có nghĩa là “rửa tội” với nguyên tắc một thánh thần tha tội cho một người, mà chúng ta phải sám hối:
“Tội tùng tâm khởi, tùng tâm sám
Tâm nhược diệt dĩ tội diệt vong”.
Tội do tâm mà có, cũng do tâm mà diệt. Khi tâm tội lỗi đã diệt thì tội cũng diệt. Thế thì, sám hối là phát tâm hổ thẹn tội lỗi đã làm. Tự khẳng định ý chí cương quyết của mình, đứng trước Tam bảo chắp tay, dốc lòng giải bày, hổ thẹn, đổi mới, rửa sạch tâm can. Được như vậy, thì tội nào chẳng tiêu, phước nào chẳng được và nguyện cầu xin sức gia hộ của đức Phật để đừng vi phạm tội lỗi. Như vị vua Ưu Đà Diên trong đoạn kinh nêu trên, đã hết sức ăn năn vì tin lời sàm tấu của đệ nhị phu nhân. Và cuối cùng chấp nhận hành động sai quấy của mình vì thiếu tuệ giác nên đã đến gặp Phật xin bày tỏ và sám hối nguyện không tái phạm. Có nhận ra điều sai quấy của mình mà phát lồ sám hối để chừa bỏ và rút kinh nghiệm như vậy thì trong sự tu tập chúng ta mới có lợi ích, thân tâm thanh tịnh và luôn sống từ bi, cao thượng trong đời ác ngũ trược này