Sắc đẹp
Nước Câu Lưu có một người Bà la môn tên là Ma Ha Mật, nhà rất giàu và có trí huệ hơn người. Ông ta làm quan đến chức Quốc sư, nhưng bị lòng xan tham chẳng tin Phật pháp. Ông ta sinh hạ được bảy đứa con gái, nhan sắc đẹp đẽ vô cùng, lại thêm giàu có vàng ngọc trang sức đầy đủ trang nghiêm. Bấy giờ, có ông bạn tên là Phân Nho Đạt đến bảo người Bà la môn rằng: “Anh đem mấy đứa con gái vào trong thành cho mọi người cùng ngắm, nếu có người chê xấu thời anh đưa tôi năm trăm vàng, mà không có một ai chê xấu thời tôi đền anh năm trăm vàng”. Hai ông bèn dẫn bảy đứa con gái dạo khắp nước, thời gian đến chín mươi ngày mà không một ai chê xấu nửa lời. Bây giờ, hai ông nghe tin đức Phật thuyết pháp tại tịnh xá Kỳ Viên, liền rủ nhau dẫn đến nơi Phật mà tâu rằng: “Ngài hay dạo khắp các nước, Ngài đã từng thấy những người con gái nào xinh đẹp như vậy không?”. Phật quở thẳng rằng: “Mấy đứa con gái này chẳng có gì đẹp cả”. Bà la môn nói: “Toàn quốc không một ai chê con tôi xấu mà sao Ngài lại chê nó xấu?”.
Phật đáp: “Người đời người ta xem cái đẹp của năm căn, năm cảnh là đẹp, còn ta cho là cái thân chẳng tham trơn lán, cái miệng chẳng nói lời ác, tâm ý chẳng nghĩ điều ác mới là đẹp vậy” .
Lời bàn:
Cuộc đời ai cũng quan niệm rằng hình sắc bên ngoài của cơ thể là đẹp và chấp nhặt vào nó, mong sao cho nó trẻ mãi không già. Thường thì người ta chỉ dám nghĩ đến da thẳng, má hồng, mũi cao, mắt sắc chớ có mấy ai dám nghĩ đến và mơ tưởng đến da nhăn, má hóp bao giờ. Nhưng ai cũng phải thuận theo quy luật của tự nhiên, có sinh thì phải có già, bệnh và chết.
Lúc nhỏ ta chỉ nghĩ đến cái “sắc thể” mà không nghĩ đến “không thể”. Ta chỉ nghĩ đến trẻ trung hay huy hoàng chứ ta đâu có nghĩ đến cảnh già nua và chết chóc. Khi ta lớn lên, qua bao cuộc thăng trầm của cuộc sống rồi mới thấy cuộc đời này là tạm bợ; đẹp đó rồi phai tàn đó, giàu có đó rồi cũng đến lúc nghèo cùng khốn khổ đó. Mùa xuân thì cây cỏ đâm chồi, nẩy lộc xanh tươi nhưng sang thu và đông thì cảnh vật đìu hiu, trơ cành và tàn tạ, trụi lá. Đó là quy luật tự nhiên. Biết vậy để ta không chán đời, yếm thế và chấp nhận cuộc sống phù du mà cố gắng công phu tu tập để đạt được một cảnh giới cao hơn, hạnh phúc hơn, nơi ấy không còn có sự khổ đau và luân hồi sinh tử.
Với tuệ giác của Thế Tôn, Ngài chẳng bao giờ cho rằng cái gì tồn tại trên hình thể của tứ đại này là đẹp, dù là má hồng hay đôi mắt ướt, mà Ngài chỉ công nhận cái đẹp từ tâm của con người ấy. Khi người ấy phát nguyện tu hành từ bỏ những nghiệp ác và hành nghiệp thiện mới là cái đẹp bất biến của cuộc đời.