Ghen với bóng mình
Ngày xưa, có một người trưởng giả, vợ chồng mới cưới rất yêu kính nhau. Người chồng bảo vợ:
- Em vào trong nhà bếp lấy rượu ra đây cùng uống cho vui.
Người vợ vừa giở nắp lu, chợt thấy bóng mình hiện ở trong lu, liền cho là có người khác đã ẩn tự bao giờ, nổi tam bành lục tặc, trở ra sân si với chồng rằng:
- Anh đã chứa giấu đàn bà trong lu còn cưới tôi về làm chi nữa?
Chồng tức quá vào xem thì lại thấy bóng mình, nổi sân chạy ra nạt vợ rằng:
- Mày giấu trai trong đó mà đổ thừa cho tao giấu gái? Thế là hai đứa sân si ẩu đả nhau kịch liệt. Thôi thì đánh nhau dữ dội, la khóc om sòm, đàng nào cũng cho mình là phải. Giây lát, có thầy Tỳ kheo đi ngang qua, nghe được nguyên nhân sự việc xảy ra đám đánh, đến mà xem thử mới biết là đánh lộn vì cái bóng của họ mà bùi ngùi tự than rằng:
- Ta sẽ vì các ngươi mà bắt người trong lu ra cho. Rồi vị Tỳ kheo lấy một cục đá to đập lu vỡ, rượu chảy linh láng, người có bóng trong lu cũng biến mất. Giải quyết, xong đôi vợ chồng ôm nhau xấu hổ.
Bấy giờ thầy Tỳ kheo vì họ nói pháp, khiến cho đắc đạo. Đức Phật lấy thí dụ: thấy bóng đánh lộn là bởi người đời chẳng biết cái “khổ không” của năm uẩn và bốn đại mà phải bị khổ sinh tử chẳng lúc nào dứt vậy .
Lời bàn:
Qua chuyện trên, chúng ta nhận thức ra được gì? Tại sao chúng ta không sống hạnh phúc mà lại phải đau khổ. Nguyên nhân do đâu? Bởi vì chúng ta cứ mãi chấp mắc vào danh, lợi, sắc ái và cho là nó là của mình, thuộc về mình, khi mà nó mất đi hoặc đoạn diệt thì ta lại đớn đau.
Các Thánh nhân cũng đã từng nói với chúng ta rằng: “Thế gian chỉ để chúng ta sử dụng, chứ không phải là sở hữu của ta”. Điều này nghĩa là: bất kỳ vật nào trong thế gian này cũng đều là vật tạm thời mà ta mượn để sử dụng mà thôi, thật sự không có vật gì vĩnh viễn tồn tại. Tại sao vậy? Vì bản chất của vạn pháp là vô ngã. Nhưng chúng ta lại chấp là có ngã, nên tạo ra sự mê loạn trong đau khổ của sinh tử luân hồi bất tận.
Vậy vô ngã là gì? Đó là những gì mà ta thường gọi là nhà của ta, vợ của ta, con của ta. Phật giáo cho cái đó là giả tưởng, là không có thật. Chính nó là nguồn gốc của mọi thứ mê lầm, đau khổ. Thử hình dung lại lúc ta mười tuổi và bây giờ ta hai mươi tuổi có hoàn toàn giống nhau không? Bấy nhiêu cũng đủ cho ta thấy sự vô thường của chính ta. Nhận thức rõ được điều này, ta sẽ không thất vọng hoặc xúc động trước những thay đổi ấy.
Trong cuộc sống, ít khi chúng ta làm chủ được mình mà hay bị ngoại cảnh chi phối. Nhiều khi chỉ cần một lời khen có thể làm chúng ta phấn chấn hoặc một tiếng chê có thể làm cho ta cảm thấy cuộc đời này là một chuỗi dài đau khổ. Muốn lìa xa những đau khổ này, chúng ta cần phải xả bỏ sự tham đắm và chấp trước thì mới có được sự an lạc thực tại trong đời.