Phật khuyến dạy La Hầu
Khi La Hầu La chưa thành đạo, tâm tánh thô tháo, lời nói ít thành tín. Phật bảo La Hầu La rằng: “Ngươi hãy về ở tịnh xá Hiền Độ, giữ miệng nhiếp ý, siêng tu kinh giới”. La Hầu La vâng theo lời Phật về ở tịnh xá Hiền Độ 90 ngày, tàm quý tự hối, ngày đêm không dừng nghỉ. Đức Phật an tọa, La Hầu La nhiếp tâm đứng hầu một bên, Phật bảo La Hầu La rằng: “Ngươi hãy bưng chậu nước đến đây, rửa chân cho ta”. La Hầu La vâng lời rửa chân cho Phật. Khi rửa xong, Phật bảo La Hầu La rằng:
- Ngươi có thấy nước rửa chân trong chậu kia không?
- Bạch thế tôn, con thấy!
- Nước ấy có thể dùng để ăn uống, súc miệng được không?
- Bạch Thế Tôn, không thể dùng được. Nước ấy trước kia trong sạch nhưng nay vì rửa chân thành nhớp đục nên không thể dùng.
Phật dạy rằng:
- Ngươi cũng vậy, là con ta, cháu vua Tịnh Phạn, bỏ sự vui sướng ở đời, làm Sa môn nhưng nếu ngươi không tinh tấn, nhiếp thân giữ miệng thì phải bị ba món là tham, sân, si làm nhơ nhớp tâm ý, cũng như nước đục kia không thể dùng được!
Phật lại bảo:
- Hãy đổ chậu nước kia đi!
La Hầu La liền đổ nước trong chậu ra.
Phật nói:
- Chậu kia nay không còn nước nhớp nữa, vậy có thể dùng để đựng đồ ăn uống được không?
- Bạch Thế Tôn, không thể dùng được vì đã mang cái tên chậu nước rửa và đã từng chứa nước bất tịnh.
Phật dạy La Hầu La:
- Ngươi cũng như vậy, tuy làm Sa môn, miệng không nói lời thành tín, tâm tánh lại cương cường, chẳng niệm tinh tấn, thường bị tiếng đồn không tốt. Thật cũng như cái chậu rửa kia, không thể đựng đồ ăn được.
Phật lấy chân hất cái chậu rửa, khiến chạy lăn tròn, nghiêng qua nghiêng lại vài lần mới dừng lại. Phật bảo La Hầu La:
- Ngươi có tiếc cái chậu này không?
- Bạch Thế Tôn, cái chậu rửa chân là vật không quý gì. Trong ý tuy cũng có tiếc đôi chút nhưng không đến nổi thiết tha lắm.
Phật bảo La Hầu La:
- Ngươi cũng như vậy, tuy làm Sa môn nhưng không nhiếp thân và miệng, nói lời thô ác làm hại nhiều người, thời trong chúng không ai thương, người trí thức không ai tiếc, thần hồn chết luân chuyển trong ba đường dữ, sống chết vô lượng, các vị Hiền Thánh không ai thương tiếc – cũng như ngươi nói không tiếc cái chậu nữa.
La Hầu La vâng nghe lời Phật dạy, lấy làm hổ thẹn và sám hối tất cả lỗi lầm đã phạm” .
Lời bàn:
Trong cuộc sống, người ta thường cho rằng nhà giáo giỏi là nhà giáo khéo giảng, khéo làm cho học trò chóng hiểu những gì mình dạy. Một nội dung giảng dạy tốt nếu không truyền đạt bằng một kỹ thuật truyền đạt tốt thì chưa thật tốt. Lối truyền đạt tư tưởng tốt là lối truyền đạt sáng sủa, rõ ràng và cụ thể cho dù nội dung truyền đạt trừu tượng. Thế Tôn, trong phương pháp giáo dục của Ngài qua câu chuyện trên thật tuyệt vời. Phương pháp giáo dục của Ngài đối với các đệ tử theo nguyên tắc “khế cơ”, “khế lý”, “khế thời”, vừa “khích lệ”… lại vừa vận dụng các thí dụ với các hình ảnh cụ thể, quen thuộc trong công việc thường ngày để soi sáng cho người nghe. Phương tiện hình ảnh nước dơ trong thau không thể xài được và giá trị của chiếc chậu đựng nước rửa chân mà Thế Tôn răn dạy La Hầu La, giúp ta quán xét lại tâm tánh và hành động của chính mình.
Thật vậy, Thế Tôn đã sử dụng phương pháp giáo dục rất sống động, cụ thể, dễ hiểu, hấp dẫn, thu hút sự chú ý của người khác và có tác dụng đánh mạnh vào tâm thức người nghe. Khi các đệ tử của Ngài bị ràng buộc bởi cái “có” của mình vào cuộc đời thì lời dạy của Thế Tôn xuất hiện như một tiếng sấm khiến tâm thức mọi người bừng tỉnh trong cơn bàng hoàng của chấp thủ. Qua câu chuyện nêu trên, khi đọc chúng ta cũng đã nhận thấy rõ ràng đường hướng giáo dục bằng phương tiện thí dụ của Thế Tôn là một phương pháp rất khoa học và rất tâm lý, khiến cho việc giáo dục nhân tính của con người mang lại nhiều kết quả tốt, có thể là phương pháp mẫu mực, chỉ đạo cho học đường mới.
Thế Tôn đã xuất hiện như một nhà giáo dục rất nhân bản và lý tưởng qua các tinh thần và phương thức giáo dục được thể hiện qua câu chuyện nêu trên.