Lễ phép
Khi Phật ở thành Xá Vệ, bây giờ có nhà học vấn sâu rộng tên là Bà Tư Nị Ca, gia tư tại thôn Trưởng Đề cách thành Xá Vệ về phía Tây hơn 20 dặm. Ông này có lòng thâm tín Phật giáo và hạ sinh được cô gái đầu lòng tên là An Đề Giá, đã gả lấy chồng và theo chồng ở xa. Một hôm, cô con gái có việc trở về nhà vừa lúc Phật sắp đến nhà ông Bà Tư Nị Ca theo lời mời của ông bữa trước.
Khi Phật đến, cả nhà đều ra nghinh tiếp, duy chỉ cô An Đề Giá không ra vì đợi người chồng về. Lúc sau người chồng về, cô rất vui mừng, rồi hai vợ chồng cùng ra lễ Phật. Phật bảo với ngài Xá Lợi Phất: “Khi thầy trò mình đến, cô này không ra vì chưa có mặt chồng, đợi khi nào chồng về hai người mới ra lễ. Cô này đã hiểu lễ phép lắm vậy!” .
Lời bàn:
Trong cuộc sống gia đình, nếu ai cũng biết tôn kính nhau thì chắc chắn gia đình sẽ có hạnh phúc lớn. Lễ phép đối với các bậc trưởng thượng là chuyện đương nhiên, nhưng sự lễ phép trong cuộc sống vợ chồng cũng cần phải có. Nếu hai vợ chồng đều có sự tôn trọng ý kiến của nhau, chồng biết thương yêu, kính trọng và trung thành đối với vợ, săn sóc chu đáo đời sống kinh tế của người vợ với sự cung cấp đầy đủ các tiện nghi vật chất, nuôi dưỡng tình cảm, thường tặng quần áo, đồ trang sức... Đáp lại, người vợ phải thương yêu, kính trọng và trung thành với chồng. Trong khi người chồng bận rộn với công việc xã hội thì bổn phận người vợ là quản lý giỏi các công việc và của cải làm ra của gia đình. Người vợ không được ỷ lại sự thương yêu, săn sóc của chồng; lại không được ngoại tình, không được sai khiến chồng như bà chủ, không được phung phí tài sản… Đây là một đòi hỏi tất yếu và là một điều tuyệt vời trong một gia đình.
Thông thường, khi đã là vợ chồng, con người thường thiếu cảnh giác trong thái độ đối xử với nhau. Đây là một thiếu sót. Lễ phép và kính trọng là một thái độ cần thiết trong tương giao của vợ chồng. Thái độ này nói lên sự kính trọng đầy tính người, vừa làm cho tình yêu rực rỡ thêm, đón nhận sự an lạc và hạnh phúc. Thái độ lễ phép và kính trọng cần thể hiện từ đáy lòng và bền chặt. Vì kính trọng lẫn nhau nên không được gây tổn thương đến danh dự, giá trị của nhau bằng bất cứ việc làm nào. Yêu người khác là gây một tổn thương lớn cho người bạn đời. Do đó, đòi hỏi phải trung thành với nhau.
Những yếu tố trên luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống gia đình và trong đạo đức cá nhân của mỗi người. Tự do của con người trong đời sống không phải là buông thả mà là phải khép mình trong một khuôn phép của đạo đức để mang đến hạnh phúc cho nhau, tránh được sự mất niềm tin lẫn nhau. Nếu chúng ta có sự nghi ngờ và đánh mất tính chung thủy là điều không nên xảy ra trong đời sống gia đình. Đó cũng là một khuôn phép tối thiểu của một gia đình có học. Nếu tất cả các đôi vợ chồng đều có sự tôn trọng nhau, cùng chung một suy nghĩ, chung một hành động như cô con gái của trưởng giả trong đoạn kinh trên thì có thể tạo được nhân tốt cho chính bản thân mình và là tấm gương sáng cho con cái sau này. Nhiều gia đình sẽ tránh được sự hờn giận, mặc cảm và khổ đau.
Thời đại ngày nay, nếu người Phật tử xây dựng được một nếp sống gia đình thiết thực và lành mạnh thì ai ai cũng được an hưởng sung sướng, hạnh phúc và từ đó làm nấc thang để có thể tiến cao hơn, hướng về giải thoát hoàn toàn theo quan điểm của Phật giáo.