Đời sống
Sống theo lời Phật
Tác giả: Thích Nhuận Thạnh
15/04/2553 01:56 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Dây đàn

   Một thuở nọ Thế Tôn an trú tại Linh Thứu, gần thành Vương Xá, còn Tôn giả Sona ở trong rừng Sita cách Vương Xá không xa. Vì thiếu chánh niệm để phiền não chi phối, Sona muốn trở lại đời sống thế tục, làm các công đức, hưởng thụ hạnh phúc như một người bình thường. Với tha tâm thông, Thế Tôn biết tâm niệm của người đệ tử ấy, liền vận dụng thần túc đến trước Sona và hỏi thầy về những suy nghĩ vừa rồi. Sona thú thực với Thế Tôn về suy nghĩ của mình. Phật liền hỏi thầy về phương pháp chơi đàn tỳ bà – vốn là sở trường của Sona – để khích lệ Tôn giả tiếp tục tinh tấn:

   - Này Sona, ông nghĩ sao khi các dây đàn tỳ bà quá căng? Nó có phát âm đúng thanh điệu không?

   - Thưa không, bạch Thế Tôn! 
   - Khi lên dây đàn quá chùn, âm thanh có êm dịu không?
   - Thưa không, bạch Thế Tôn!
   - Vậy khi vặn dây đàn không căng, không chùn, vừa đúng mức trung bình, âm thanh có êm tai không?
   - Thưa có, bạch Thế Tôn!

   - Cũng vậy, này Sona, khi tâm trí quá căng thẳng thì phát sinh dao động, khi tâm trí quá dao động thì phát sinh biếng nhác. Do vậy, ông phải vận dụng tâm trí quân bình, không quá căng thẳng, cũng không quá thụ động thì sự tu tập mới đạt được tiến bộ!

   - Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

   Sau khi vâng lời Thế Tôn chỉ giáo, Tôn giả Sona sống độc cư, an tịnh, không phóng dật, nỗ lực một cách quân bình, nhờ vậy chứng đạt mục đích mà các thiện nam tử xuất gia kỳ vọng: vô thượng cứu cánh phạm hạnh và an trú trong hiện tại .

   Lời bàn:
   Khi chúng ta đã phát tâm tu hành thì tất nhiên ta phải từ bỏ mọi chấp có vào âm thanh và sắc tướng. Bởi vì bản chất của âm thanh và sắc tướng là giả tạm và cũng là nguyên nhân để gây ra nguồn gốc của mọi khổ đau. Mục đích tối hậu của chúng ta là mong cầu đạt thành chánh quả, được làm Phật.

   Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn nhận sâu sắc vào đời sống thực tại thì chúng ta sẽ không còn phiền não. Những khổ đau mà ta đã gặp ngày hôm qua và cũng chẳng mong ước những điều hạnh phúc vào ngày mai. Ta chỉ nên tập trung chánh niệm vào các hành động như đi, đứng, nằm, ngồi hoặc làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng luôn luôn tỉnh thức nhận biết giây phút hiện tại đó; không buông thả suy nghĩ của mình hướng về quá khứ hay tương lai, cũng không hướng đến bất kỳ việc gì khác ngoài công việc đang thực hiện trong hiện tại. Đạo Phật gọi trạng thái này là chánh niệm. Khi chúng ta có chánh niệm tức là đã gặt hái được thành công trong tu tập.

   Với tuệ giác của Thế Tôn, Ngài đã so sánh và đối chiếu việc tu tập cũng giống như một người nghệ sĩ đánh đàn. Nếu ta so giây căng quá thì dây đàn sẽ đứt. Nếu ta so dây chùn quá thì dây đàn sẽ không kêu. Còn nếu so dây vừa phải, đúng tầm mức thì giây đàn sẽ phát ra âm thanh rất hay. Trong thi ca cũng có câu: “Phải khéo tay như nghệ sĩ chơi đàn, mới tạo được những âm thanh kỳ diệu”.

   Quá khứ đã trôi qua, tương lai thì chưa đến, chỉ có hiện tại đang tiếp diễn. Ta nên nương vào giây phút hiện tại để thúc liễm thân tâm, trau dồi kiến thức và trân trọng những cái mà ta đang có. Ta hãy xả bỏ mọi chấp mắc và lo âu của ngày hôm qua.

   Sống xứng đáng là một người đệ tử Phật, thanh lọc những chướng ngại của tâm nhỏ nhen, ích kỷ, ganh tỵ, hiềm khích để thay vào đó là những đức tính khoan dung độ lượng, dung hòa cùng tất cả mọi người. Đó cũng chính là cách sống chân chánh của một người Phật tử. Hãy tập sống như những vị Bồ tát hóa thân, lòng vị tha và hạnh nguyện giúp đỡ mọi người, giúp đỡ nhau tinh tấn tu tập cùng đồng sinh về cảnh giới Tây phương Cực lạc. Hãy chọn cho mình một pháp môn tu thích hợp và một lối sống đơn giản để không quá ưu tư trong đời sống của văn minh vật chất của thế kỷ 21 này.