Thân giáo
Thuở xưa, có nhà sư sống ẩn dật tại một triền núi và được mọi người xem là đạo cao đức trọng. Một hôm, nhà sư tiếp một bà lão cùng với cậu con trai.
Bà lão thưa:
- Bạch sư phụ! Thằng bé này mắc phải cái tật là ưa sưu tầm hoa kiểng. Nó đã làm cho tôi tốn không biết bao nhiêu là tiền của trong cái thời củi quế gạo châu này. Xin sư phụ làm ơn chữa trị hoặc răn dạy giùm, kẻo tội nghiệp cho tôi cùng vợ con nó!
Nhà sư ngẫm nghĩ giây lâu, nói:
- Bà hãy dắt nó về, khoảng nửa tháng sau trở lại tôi sẽ giúp cho!
Bà lão y lời. Đến ngày hẹn, sư chỉ thốt một câu đơn giản:
- Đó là một thú vui hao tiền tốn của. Con hãy bỏ nó đi, để tiền mà thờ mẹ, nuôi con!
Bà lão bất bình:
- Tưởng thầy có phương cách gì, té ra cũng bấy nhiêu lời đó. Thế sao thầy không làm ơn nói giùm ngay bữa trước mà còn hẹn đến hôm nay? Đường xá xa xôi biết là bao?
Nhà sư mỉm cười:
- Chẳng giấu gì bà, tôi cũng mắc cái tật như cậu nhà đây. Nửa tháng qua là thời gian để tôi bỏ cái tật đó. Nay mọi việc đã xong tôi mới dám mở miệng khuyên can cậu em này.
Chàng trai từ đó ăn ở rất vừa lòng mẹ.
Lời bàn:
Trong kinh A Hàm, đức Phật cũng đã giải thích vì sao Ngài được mọi người gọi là Như lai? Như lai có nghĩa là nói sao làm vậy, lời nói và việc làm đi đôi với nhau nên gọi là Như lai. Chúng ta có thể gọi vị sư này là Như lai theo cái nghĩa ấy.
Ngày xưa, người ta giáo dục con người chỉ bằng một lời nói giản đơn mà cảm hóa được, là nhờ vào đức độ và do thân giáo. Còn chúng ta, khi khuyên dạy người khác, tốn công, tốn sức, nói nhiều nhưng lợi ích chẳng được là bao. Tại sao? Vì ta nói một đàng mà hành động và việc làm đi một nẻo. Lời nói và việc làm chẳng song hành. Từ đó, niềm tin của họ bị mất đi, dẫn đến lời khuyên chúng ta không có giá trị chứ không phải là những người được khuyên thiếu hiểu biết hoặc là không ham tu. Cho nên, người Phật tử phải tu và học song hành, chứ không nên chỉ học giáo lý cho giỏi rồi đem giảng giải cho người này hay người khác nghe, khuyên người ta tu nhưng bản thân không có tu. Coi chừng lời khuyên của chúng ta đối với người khác lại có tác dụng ngược và chẳng có lợi lạc là bao. Muốn khuyên dạy người khác tu tập thì trước tiên, ta phải dạy bằng thân giáo.