Vắt sữa bò
Có người sắp mở hội, mời số khách đông để cúng dường sữa bò. Rồi tự nghĩ: “Nếu từ nay, cứ mỗi ngày nặn lấy sữa thì sữa sẽ nhiều không đồ chứa, mà chứa lâu ngày e sẽ hư. Chi bằng chứa luôn trong bụng bò, đến ngày khách đến sẽ nặn lấy một lần cho tiện”. Thế rồi, ông ta liền dắt bò con đem cột riêng xa bò mẹ. Qua thời gian một tháng, ông ta mở tiệc và mời khách đến, đem bò ra nặn sữa thì sữa đã khô hết, nặn không ra một giọt!
Người muốn đợi giàu to mới bố thí, chớ thường ngày chẳng chịu bố thí. Đến khi muốn bố thí, thời của cải đã bị nước, lửa, giặc cướp đoạt mất chẳng còn một đồng! Cũng như ông chủ kia chứa sữa trong bụng bò vậy .
Lời bàn:
Qua đoạn kinh trên, chúng ta thử đặt câu hỏi: “Thế nào là bố thí và phải bố thí như thế nào cho đúng pháp?”. Có người cho rằng bố thí là ban phát những gì mà ta nghĩ là có lợi cho người khác. Bố thí không nhất thiết là phải cho tiền tài, vật chất. Bố là rộng thí, là ban cho không hạn cuộc người hay vật, thân hay sơ, đồng chủng tộc hay khác chủng tộc, mà bố thí là hễ thấy một chúng sinh nào thiếu thốn những vật bổ ích cho thân tâm, nếu mình sẵn có đều bình đẳng giúp đỡ, không bao giờ luyến tiếc.
Trong đời sống, chúng ta hay thí mà không có bố. Có nghĩa là chúng ta cho mà cho không rộng, chúng ta cho mà vẫn giữ lại ở trong lòng nhiều thứ. Chính những thứ mà chúng ta cố giữ lại là những thứ làm chúng ta khốn khổ trong đời sống. Chúng ta thử đặt câu hỏi: tại sao chúng ta không dám cho hết? Tại sao cho mà vẫn còn ôm lại? Tại vì lòng tham trong ta nó còn mạnh quá.
Hãy tập sống theo hạnh buông xả “từ bi, hỷ xả”. Hãy xả bỏ, đừng ôm chặt lấy những gì mình có. Tất cả rồi sẽ thay đổi, tất cả rồi sẽ biến hoại. Nếu chúng ta ôm chặt, một khi chúng thay đổi hoặc biến mất thì chúng ta sẽ đau khổ. Ngoài ra, bố thí còn là một pháp tu thuộc hạnh Bồ tát trong lục độ. Bố thí là đem pháp lành hay đồ vật ban cho người khác để diệt trừ lòng tham. Một khi lòng tham đã dứt thì tánh tốt mới hiển hiện. Chúng ta hay cho những gì mà chúng ta thích, chứ ít khi nào chúng ta chịu tìm hiểu xem người khác thích cái gì. Cho như vậy chưa chắc là ta đã mang lại niềm vui cho người mà thậm chí còn làm cho người ta đau khổ nữa là khác. Cái quan trọng không phải là vật cho, mà điều quan trọng là tâm hồn của người cho lẫn người nhận. Tuy nhiên, trước khi mang niềm vui đến cho người, ta hãy nghĩ đến việc mang niềm vui đến cho mình cùng gia đình mình trước đã. Có như vậy thì khi mang đến niềm vui cho người mới thật là chân tình. Bố thí thật sự không mong người nhận đền ơn trả nghĩa mà mình phải tự nghĩ rằng đó là bổn phận phải làm. Bố thí cũng là một pháp tu, nhờ công năng ấy, ta có thể tẩy trừ được tham lam, ích kỷ ở tự tâm, thể nhập vào tánh đại bi bình đẳng.
Pháp thí có thể phá trừ được sự ngu mê của chính mình và người, phát triển chánh trí và thâm nhập vào kho tàng chánh lý cao diệu của đức Phật.