Hạnh nhẫn nhục
Ngài Phú Lâu Na thưa Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con đã được nhờ Thế Tôn giáo hóa. Nay con muốn qua xứ Du Lô Na, phía Tây để hóa độ mọi người bên ấy”.
Phật hỏi: “Người dân xứ kia tính tình hung ác, dữ tợn, tệ bạo mà hay mắng chửi. Nếu ngươi bị họ làm dữ và mắng chửi, hủy nhục thì ngươi làm sao?”.
Thưa: “Nếu đối với trước mặt con mà họ tệ bạo như thế thì con tự nghĩ: họ còn hiền lành và có trí khôn, tuy làm dữ như thế mà chẳng cầm đá đánh đập”.
Phật hỏi: “Họ làm thế ngươi còn nhẫn được, chớ phỏng họ dùng đá đánh đập ngươi thì ngươi nghĩ sao?”.
Thưa: “Nếu họ làm vậy con lại nghĩ rằng họ còn chút hiền lành và có trí khôn nên chẳng dùng dao gậy”.
Phật hỏi: “Nếu họ dùng tới dao gậy ngươi làm cách nào?”.
Thưa: “Nếu họ làm vậy con tự nghĩ rằng họ vẫn còn hiền lành và có trí khôn. Tuy là đánh chém mà chẳng giết chết”.
Phật hỏi nữa: “Phỏng như họ giết chết ngươi, bấy giờ ngươi sẽ tính cách nào?”.
Ngài Phú Lâu Na lại thưa đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Quả thật nếu họ giết chết con, con lại nghĩ rằng họ cũng còn hiền lành và có trí khôn với tấm thân hủ bại này, họ làm chút phương tiện khiến con liền được giải thoát”.
Phật khen ngợi: “Hay thay Phú Lâu Na! Ngươi đã học được pháp nhẫn nhục. Ngươi nay đã đủ sức qua ở bên xứ Du Lô Na mà giáo hóa nhơn gian. Ngươi nên đi ngay, qua bên ấy ngươi sẽ độ cho những kẻ chưa được độ, an ẩn những kẻ chưa được an ẩn, và những kẻ chưa được Niết bàn thì ngươi hãy độ cho họ được Niết bàn .
Lời bàn:
Nhẫn nhục là một phương pháp tu tập rất cần thiết của người Phật tử. Chúng ta dù đứng trước hoàn cảnh thuận hay nghịch, khen hay chê, thành công hay thất bại tâm trí vẫn nên bình tĩnh, không bi quan, không lạc quan trước hoàn cảnh. Đó là phép thực tập chánh niệm để chúng ta đoạn trừ phiền não. Trong cuộc sống đời thường, thực tập hạnh nhẫn nhục sẽ giúp chúng ta tẩy trừ được những nóng giận, tránh được những điều càn dở thiếu suy nghĩ. Nhờ vậy mà tâm trí ta được bình tĩnh, sáng suốt trước những hoàn cảnh đổi thay, trái ngược.
Thực hành hạnh nhẫn nhục tức là chúng ta tập nhìn theo một cái nhìn trí tuệ, không biên kiến, không chấp mắc vào cái được và không được, thuộc về mình hay của người. Ta có thể nhìn nhận và cảm thông cho mọi người, khởi lòng từ bi đối với mọi nghịch cảnh mà chúng sinh đang hứng chịu, để rồi ta có thể lấy khổ của người làm cái khổ riêng mình và lấy cái vui của người làm cái vui của mình. Có như thế, ta mới không gây đau khổ cho ai, thương yêu và bình đẳng với tất cả mọi người. Nếu thực hành hạnh nhẫn nhục một cách tinh cần thì ta sẽ chế ngự được những phiền não bộc phát từ trong tâm ý mình.
Nhờ tu theo hạnh nhẫn nhục, ta sẽ không còn bị năm món tài, sắc, danh, thực, thùy của thế gian chi phối. Ta luôn luôn sống trong sự an lạc và tỉnh thức trong những việc thường ngày. Đó chính là lợi ích thiết thực của việc tu tập nhẫn nhục.