Pháp đối trị tam
Một thời, Thế Tôn trú tại nước Xá Vệ, rừng cây Kỳ Đà, trong vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các thầy Tỳ kheo: “Sát sinh có ba thứ: đó là từ tham sinh khởi, từ sân sinh khởi, từ si sinh khởi. Cho đến tà kiến cũng có ba thứ: từ tham sinh khởi, từ sân sinh khởi và từ si sinh khởi. Lìa sát sinh cũng có ba thứ: từ không tham sinh khởi, từ không sân sinh khởi, từ không si sinh khởi. Cho đến tà kiến cũng có ba thứ: từ không tham sinh khởi, từ không sân sinh khởi và từ không si sinh khởi” …
Lời bàn:
Trong cuộc sống, con người có ba thứ độc hại phát xuất từ tâm và cũng vì ba thứ độc này, con người gây ra không biết bao nhiêu tội ác, làm khổ đau cho đồng loại và muôn loài. Ba thứ độc đó chính là tham, sân và si. Nguồn gốc của các tội lỗi và nguyên nhân dẫn đến sinh tử, trầm luân cũng đều do ba thứ độc này tạo tác. Chúng ta tạo ác nghiệp như sát sinh, hại vật phát xuất từ lòng tham muốn hưởng thụ, ăn cho ngon miệng. Cũng từ sự sân nhuế chúng ta không phát khởi sự cảm thương khi chúng kêu gào, đau đớn vì bị giết. Vì si mê, không hiểu rõ luật nhân quả nghiệp báo nên chúng ta mới sát sinh. Tham, sân, si đã dẫn dắt chúng ta lạc vào con đường tà kiến, không có sự nhận thức đúng đắn về sự chánh kiến đúng hay sai. Nếu đoạn trừ được ba thứ độc này thì phải dùng phương pháp đối trị. Muốn tránh sự tham lam khởi thì chúng ta tu hạnh bố thí. Để tránh được tâm sân thì chúng ta tu hạnh nhẫn nhục. Tránh si mê thì chúng ta tu trí huệ.
Nếu ba độc này diệt cũng có nghĩa là sự đau khổ của con người cũng sẽ vơi diệt. Hạnh phúc và an lạc sẽ đến với tất cả mọi người khi ba thứ độc tham, sân, si đã được giảm thiểu.