Phú ông cất lầu
Thuở xưa, có một ông nhà giàu rất ngu si, không biết việc gì cả. Một hôm, ông đi đến nhà một phú ông khác có một nhà lầu ba tầng, xinh đẹp không đâu bằng, lòng ông rất ham thích và tự nghĩ: “Tiền của ta ít hơn người này nhưng lẽ nào lại không cất được một trong ba tầng ấy sao?”.
Đoạn ông về nhà, liền mời một kiến trúc sư đến hỏi rằng:
- Ông có thể cất lầu ba tầng không?
Nhà kiến trúc đáp:
- Được, tôi đã làm nhiều nơi rồi!
Ông nói:
- Tốt lắm! Nên làm ngay cho tôi một tòa nhà lầu ba, kiểu giống như của bạn tôi!
Nhà kiến trúc đem nhân công khởi sự ban đất, đắp nền xây đá, lên tường.
Cách ít hôm, ông nhà giàu đến xem xét, không thấy tầng thứ ba, bèn hỏi nhà kiến trúc:
- Hiện ông đang làm gì đó?
Nhà kiến trúc trả lời:
- Tôi đang làm nhà ba tầng cho ông đây.
Ông lại hỏi:
- Tại sao cất tầng lầu ba mà lo xây tầng dưới không chịu cất nội tầng trên cho tôi?
Nhà kiến trúc trả lời:
- Phải cất từng tầng lên, nếu không cất hai tầng dưới làm sao có thể cất được tầng thứ ba?
Không suy nghĩ kỹ, lập tức ông ngăn rằng:
- Không! Không! Tôi không cần làm hai tầng dưới, tôi chỉ muốn làm nội tầng thứ ba thôi! Ông nên làm cho tôi tầng ba trên cùng cho nhanh chóng!
Nhà kiến trúc nghe xong cười to, rồi ba phen giảng rõ cho ông nghe, nhưng ông quá cố chấp, kiên quyết yêu cầu nhà kiến trúc chỉ làm tầng thứ ba. Nhà kiến trúc không có cách gì làm cho ông hiểu rõ được, đành phải đình công việc cất nhà .
Lời bàn:
Qua câu chuyện trong kinh Bách Dụ, chúng ta có suy nghĩ gì về tiến trình tu học Phật pháp của mình? Thường khi học Phật, chúng ta hay muốn vượt bậc, bỏ qua những pháp căn bản và cho đó là không quan trọng. Chỉ thích học những gì liễu nghĩa cao xa mà mức độ tu tập của chúng ta chưa có thể đạt tới. Trong tiến trình tu tập, điều đầu tiên là chúng ta phải nhất nhất tuân thủ lời dạy và phương pháp hành trì do thầy đưa ra. Đây là con đường đúng đắn để chúng ta tu học Phật pháp một cách tốt nhất từ xưa đến nay mà chư cổ đức đã từng áp dụng. Ban đầu, chúng ta phải học giới, tức là các oai nghi, tế hạnh, quy củ của người tu Phật. Sau đó, chúng ta mới học lên các kinh điển về Tiểu thừa cũng như Đại thừa, như thế sẽ có được nền tảng vững chắc chắn cho ba môn học Phật pháp là giới, định và tuệ. Khi học, chúng ta phải nhiệt tâm, nhiệt huyết, không nên thay đổi tư tưởng, không lơ là biếng trễ. Nếu làm được như vậy thì ta sẽ đạt được nhiều định lực trong sự tu tập, tiêu trừ được những phiền não và đạt được song hành cả phước lẫn huệ.
Là người học Phật, bước đầu phải thiết lập nền tảng giới cho vững chắc. Phương pháp này có vẻ đơn giản nhưng nếu chúng ta thực hành nó thì sẽ đạt nhiều thành quả lớn, giống như cái móng của một ngôi nhà vậy.