Tại sao phải niệm Phật
Thành Thất La Phiệt có một ông Hoàng tánh rất hung bạo, thêm vào đó, quyền thế và địa vị có thể giúp ông thủ tiêu tội ác trước pháp luật mà chưa một lời phải, một đạo giáo nào cảm hóa được ông. Một hôm, ông gặp Phật khi đang du hóa xứ này. Mới nhìn, ông thấy lòng bỗng cảm phục như vua dữ trước quản tượng. Ngài có dạy ông vài lời sơ lược: “Hãy tưởng niệm Phật đà, hãy từ bi thương người, hùng lực cứu người”. Ông cung kính vâng lời. Nhưng khi về đến nhà, vừa thấy người hành khất, ông liền đùng đùng nổi giận. Lời vàng của Phật không còn trong lòng ông nữa. Khi toan đánh đuổi người, bỗng sực nhớ lại hình dáng từ nghiêm của Phật, ông liền dịu lại nhưng không bố thí chút gì. Tối hôm đó, vợ ông lấy làm lạ, gạn hỏi đầu đuôi. Ông bèn tuần tự thuật lại. Nhờ thuật lại mà ông nhớ rõ ràng hình dung đức Phật và lời Ngài dạy. Đêm ấy, ông suy nghĩ mông lung. Ông nghĩ: “Nhớ Phật, phải tưởng đến người nghèo khổ”. Rồi mới sáng ông liền đi tìm Phật. Giữa đường gặp một người hành khất ốm liệt bên vệ đường, ông suy nghĩ, liền đến ân cần hỏi han và dốc hết tiền trong túi ra cho. Người ấy e sợ cảm ơn rối rít. Nhưng ông chỉ bảo: “Vì tưởng nhớ đến Phật nên tôi giúp anh. Anh nhận tiền này khiến tôi được phước, thế là tôi ơn anh chớ nào anh ơn gì tôi!”. Người hành khất nghe, lấy làm lạ vì không lạ gì tính nết ông và uy danh đức Phật nữa. Bỗng nhiên, người ấy cất tiếng niệm: “Nam Mô Phật Đà” (kính lễ đấng Giác ngộ). Ông Hoàng cũng bất giác niệm theo và đi mau tìm Phật. Khi gặp được Ngài, ông thuật rõ đầu đuôi mọi việc. Nghe xong, đức Phật mỉm cười hiền từ bảo: “Khi niệm Phật, ông hãy tưởng niệm người nghèo khổ. Tưởng niệm người nghèo khổ là tưởng niệm Phật đó” .
Lời bàn:
Tại sao chúng ta phải niệm Phật? Đây là câu hỏi và cũng là câu trả lời riêng cho mỗi chúng ta. Có nhiều cách để niệm Phật nhưng không ngoài mục đích là để diệt trừ những vọng tưởng điên đảo dấy khởi lên trong tâm thức. Lúc niệm Phật thì ta phải tưởng nhớ đến Phật, nhớ nghĩ đến những đức tính tốt đẹp vô biên của Phật, như Phật A Di Đà có vô lượng vô biên tánh đức: vô lượng quang, vô lượng thọ, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả…
Ta niệm Phật là nhớ đến Phật và ghi nhớ những đức tính đó thật rõ để chúng nảy sinh trong tâm, giúp loại trừ các vọng niệm ở ta. Niệm Phật có thể niệm lớn hay mật niệm, điều cần yếu là đừng đọc suông nơi miệng mà phải chuyên nghĩ đến Phật và phải tin sâu, nguyện thiết tha và thực hành chuyên cần. Nên tin rằng: “Niệm một câu Phật hiệu tiêu được cả ngàn kiếp tội lỗi và làm sinh trưởng vô lượng phước đức”. Tâm ý luôn luôn hướng về đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc.
Nam mô A Di Đà Phật: quy mạng đức Phật vô lượng thọ, vô lượng quang và vô lượng công đức. Đó là câu niệm của hàng giờ, hàng phút của người tu theo pháp môn Tịnh độ để cầu được vãng sinh về thế giới tốt đẹp này. Ở cảnh giới Tịnh độ – theo như kinh mà đức Phật dạy – thì có những cảnh sống rất thuận lợi cho sự tu tập giải thoát. Những chúng sinh nào nhờ phước duyên tu tập được sinh trưởng ở đó thì nhất định không còn bị thối chuyển trên bước đường giải thoát nữa. Ở đây có bạn hiền, thầy tốt, đủ mọi điều kiện nội cũng như ngoại, thuận lợi cho việc tiến bộ tu tập để cầu làm Phật.
Kinh Di Đà có câu: “Xá Lợi Phất, không thể do nhân duyên phước đức của thiện căn nhỏ mọn mà được sinh về Cực lạc”. Chúng ta nên biết rằng, muốn được vãng sinh thì phải gây nghiệp nhân Tịnh độ, nghĩa là ta phải tiêu diệt ác nghiệp, nuôi dưỡng thiện căn và phước đức rồi nối liền thiện căn và phước đức ấy với cõi Cực lạc bằng phép niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Phải niệm đến chỗ nhất tâm bất loạn, đến lúc tâm trí mình không còn tạp niệm nữa mà chỉ còn Phật niệm. Thực hành như thế, phát nguyện như thế mới có thể vãng sinh.