Đời sống
Sống theo lời Phật
Tác giả: Thích Nhuận Thạnh
15/04/2553 01:56 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nối dây thân ái

    Visakha là một nữ đệ tử tại gia của Phật. Một hôm, bà đến thăm Phật tại tịnh xá Kỳ Viên với nước mắt ràn rụa. Phật hỏi:
   - Này Visakha, sao hôm nay con có vẻ buồn thế?

   - Bạch Thế Tôn, con mới vừa mất một cháu trai dễ thương, không ai trông thấy cháu mà không mến yêu cho được !

   - Này Visakha! Nếu như toàn thể cư dân thành Xá Vệ này là thân quyến của con… thì con cảm thấy thế nào?

   - Bạch Thế Tôn, ước mong sao được như thế. Con vẫn thầm mong rằng bất cứ người nào cũng đều là thân bằng quyến thuộc của mình.

   - Nhưng này Visakha! Ở thành Xá Vệ này mỗi ngày có bao nhiêu người chết?

   - Bạch Thế Tôn, có lẽ khoảng hàng chục người…

   - Nếu vậy thì có ngày nào con ráo nước mắt đâu?

   - Bạch Thế Tôn! Thật là vừa đủ cho con với ngần ấy cô cháu, con dì, chú bác nội ngoại… để mà ầu lo buồn khóc.

   - Này Visakha! Những ai có 100 người thân, kẻ ấy có một trăm mối sầu, những ai có 50 người thân kẻ ấy có 50 nỗi buồn lo… Còn những ai không chấp thủ rằng đây là ta, đây là người thân của ta, kẻ ấy không có sự khổ. Ta xác nhận rằng đó là người không sầu, không tham đắm, không ưu não.

   Và Thế Tôn đọc kệ:
“Sầu than với khổ đau
Sai biết có ở đời
Do thân ái chúng có
Không thân ái chúng không
Do vậy người an lạc
Được không sầu không tham
Chớ làm thân làm ái
Với một ai ở đời” .

 
   Lời bàn:
   Bằng thân giáo và khẩu giáo, Thế Tôn đã xây dựng niềm tin đạo và niềm tin sống cho các Phật tử tại gia bằng phương pháp giảng dạy. Thế Tôn đã chỉ rõ cho hàng Cư sĩ tại gia biết thế nào là một người sống có niềm tin chánh tín. Trước khi đặt niềm tin vào giáo lý, người Phật tử cần tìm hiểu thắc mắc, nghi về giáo lý. Sau đó, đi đến chỗ thấy sáng tỏ lời dạy của Thế Tôn và tìm thấy thoải mái trong tâm hồn, an lạc và giải thoát khi thể hiện giáo lý vào đời sống. Thường thì lòng tin Phật pháp của người Phật tử phát khởi ngay sau niềm hân hoan hiểu pháp, hoặc niềm hân hoan phát khởi từ niềm tin ấy. Người Phật tử nên tin và phát khởi sự an lạc để đem lại hạnh phúc cho mình và người trong hiện tại và cả tương lai. Niềm tin của người Phật tử thường đem lại niềm hân hoan và phấn khởi. Trên lộ trình giải thoát, một lần Thế Tôn đã dạy: sau khi thể nghiệm đau khổ, tín phát khởi; tín phát khởi đưa đến hân hoan, hỷ, khinh an, lạc định, ly tham và giải thoát. Bấy giờ thì tín xuất hiện như lẽ sống.

   Cũng như câu chuyện trên, khi thuyết giảng cho Visakha, Thế Tôn đã khẳng định: “Những ai không chấp thủ rằng đây là ta, đây là người thân của ta, kẻ ấy không có sự khổ. Ta xác nhận rằng đó là người không sầu, không tham đắm, không ưu não”…