Hằng thuận chúng sinh
Kiếp quá khứ cách đây khá lâu, có một ông vua tên là Tu Lâu Bà ở Châu Diêm Phù Đề, cai trị tám muôn bốn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông, tám mươi ức tụ lạc, hai vạn bà phu nhân và một vạn quan đại thần.
Thời ấy, phước đức và thế lực của vua Tu Lâu Bà không ai bì kịp, nhân dân thuở đó nhờ đức vua, được an lạc thái bình, mưa hòa gió thuận, sung sướng vô tận.
Một hôm, vua tự nghĩ: “Đối với vật chất ta đã giúp dân đầy đủ nhưng về nhu cầu giải thoát cho tinh thần thì chưa có. Nếu con người chỉ sống theo vật chất, tâm như gỗ đá, cát sỏi, tha hồ cho bốn tướng sinh, già, bệnh, chết lôi quanh thì không khác chi thú vật, ăn no nằm mát phơi mình trên đám phân tro cho qua ngày đoạn tháng. Đó là lỗi ở ta, ta phải có trách nhiệm tìm đường giải thoát cho họ”.
Nghĩ thế, Ngài liền ra yết thị và bố cáo cho thiên hạ biết rằng: “Nếu ai biết đạo giải thoát của Phật, hãy dạy nói cho ta hay, muốn dùng gì ta sẽ cung cấp đầy đủ” .
Lời bàn:
Hằng thuận là một việc làm rất khó, phải là người có đại nguyện rộng lớn và lòng từ bi bao la thì mới có thể đảm đang nổi. Vì sao vậy? Vì hằng thuận chúng sinh nghĩa là hòa hợp với tất cả mọi chúng sinh trong pháp giới này. Khi hằng thuận, chúng ta cần phải dùng đến tuệ giác để quán sát cơ duyên, dẫn dắt chúng sinh đoạn trừ việc ác, tu tập điều thiện. Ngoài ra, chúng ta còn phải giúp cho họ phá mê, khai ngộ nên cần phải có một sự tu tập cần mẫn và một trí tuệ sâu rộng. Phải dùng đến các phương tiện thiện xảo thì mới có khả năng đáp ứng cho tất cả mọi người một cách viên mãn được.
Như câu chuyện trong đoạn kinh trên, vị vua Chuyển Luân Vương nọ đã làm cho tất cả dân chúng ấm no. Nhưng dân chúng còn chưa biết tu tập, cầu đạo giải thoát, Ngài phải ra cáo thị để kêu mời pháp sư nói pháp để dân chúng và nhà vua nhờ đó mà có thể tu tập. Đó chính là hạnh nguyện hằng thuận chúng sinh của đức vua, một trong mười đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền.