Truyện - Tùy bút
Tuyển Tập Truyện Ngắn Của Lam Khê 2
Lam Khê
28/09/2011 08:12 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Giờ tan tầm. Trời đổ mưa to. Lan ngồi lại tán gẫu với mấy cô bạn trong cơ quan thì có tiếng gọi từ phòng ngoài:

- Lan ơi! Ra coi ai đến đón nè!

- Chà! Nhỏ Lan sướng ghê. Đi làm có mẹ đến đón nữa kìa.

Lan bước vội ra, chưng hững thấy mẹ ướt sũng đứng run rẩy ngoài hành lang. Không kiềm được bực bội, Lan lớn tiếng:

- Trời mưa gió, mẹ đến đây làm gì không biết nữa. Lại còn không chịu mặc áo mưa vào. Thật không thể hiểu nổi.

Người mẹ cười, ngượng nghịu:

- Tại mẹ thấy trời mưa… Sợ con ướt, nên mang áo mưa tới…

Lan thở hắt ra, nói như khóc:

- Mẹ có mang áo mưa cho con, thì cũng phải biết mặc áo mưa vào cho mình. Sợ con ướt. Còn mẹ thì sao. Con đã nói với mẹ bao nhiêu lần rồi. Con đi làm có khi về trễ, mẹ cứ ở nhà, đường phố đầy xe cộ. Con lớn rồi, tự lo cho mình được mà…

Lan nghẹn lời, nước mắt tuôn trào. Mấy cô bạn đang cười, vội nín lặng. Cô Ngân cầm áo mưa bước tới nắm tay Lan giục:

- Thôi Lan mặc áo mưa vào rồi đưa mẹ về nhà thay đồ kẻo lạnh. Tại bác sốt ruột lo cho con quá… Lòng mẹ thương con mà.

Lan đưa mẹ về. Nhà cô chỉ cách chỗ làm một đoạn đường. Ngân nhìn theo hai mẹ con khẽ chép miệng:

- Tội nghiệp. Một người mẹ không bình thường. Có thời gian Lan không cho ai đến nhà vì mặc cảm có người mẹ bệnh tâm thần. Hoàn cảnh của hai mẹ con Lan cũng tội. Nhưng dù sao… còn mẹ là một điều diễm phúc nhất trên đời. Chứ như Ngân, bây giờ muốn gọi một tiếng mẹ cũng không còn để gọi…

 

*  *  *

Khi đứa con gái đầu lòng chưa tròn tuổi thì người mẹ trẻ lâm bạo bệnh. Căn bệnh tâm thần lúc tỉnh lúc ngây. Bà được đưa về bên nhà mẹ ruột chạy chữa. Đứa bé chưa dứt sữa ở lại với ba. Hình ảnh người đàn ông suốt ngày ẩm bồng, đút cháo pha sữa rồi hát ru con mọn làm mủi lòng những người hàng xóm. Bà nội cứ nhắc mãi chuyện ấy:

- Hồi ấy ba mày cưng con gái lắm. Con thì khó tính không cho ai bế, lại sợ sấm sét, cứ khóc suốt. Mỗi khi mưa to, ba đang làm gì cũng phải bỏ chạy đến ôm lấy con gái dỗ dành.

Lan gặn hỏi:- Hồi đó… còn bây giờ thì sao hả nội?

Bà nội lặng thinh, thở dài. Cũng là con cháu ruột thịt cả, bà biết phải nói gì đây. Lan không còn nhớ chút gì những ngày tháng ở bên ba. Thời gian ấy quá ngắn mà Lan còn bé tí thế kia. Nhưng chuyện sợ sấm sét thì có nhớ. Tuổi thơ mất mát cùng với di chứng về căn bệnh của mẹ, làm cho bé Lan luôn có cảm giác bất ổn, sợ ma và sợ mọi tiếng động trong bóng đêm. Sống với ngoại, hai mẹ con được người thân hết lòng đùm bọc thương yêu, nhưng cảm giác mất mát không nguôi ám ảnh. Tuổi thơ của Lan là những tháng ngày hồn nhiên chơi đùa cùng các anh chị em họ, là giấc ngủ an lành vô tư trong vòng tay của ngoại của mấy dì. Thỉnh thoảng trở mình thức giấc trong đêm mưa, bé Lan phát hiện mẹ thường đi quanh quẩn trong nhà như người mộng du. Sự tịch lặng của mưa đêm làm cho tâm trí mẹ bồn chồn bất định. Một ký ức đẹp, một niềm đau chưa thể xóa nhòa. Ranh giới giữa tỉnh và mê, giữa đau khổ và nhớ thương cứ mãi dằn vặt. Đôi khi mẹ tỏ ý định muốn quay về nhà cũ. Mà về làm sao được khi nhà xưa đã đổi chủ.

Dì Út trầm ngâm nói:

- Mẹ con bị ám ảnh mỗi khi trời mưa. Có lần mẹ tìm về nhà cũ thăm thì bị ba con nhẫn tâm đánh đuổi ra khỏi cửa chẳng chút tiếc thương. Đó là một đêm mưa gió...

Chỉ một thời gian ngắn, ba đi lấy vợ khác. Bé Lan được đưa trả về bên ngoại để người mẹ bệnh hoạn khỏi day dưa lên xuống. Khi đã dứt tình, ông cũng không hề lui tới viếng thăm chu cấp cho con. Ngày còn nhỏ, những lần về thăm nội, chú út chở Lan qua nhà ba, chỉ để nghe ông hỏi một câu duy nhất “Con mới tới à” Rồi bỏ mặc Lan ngồi xớ rớ giữa nhà. Ông bận rộn với công việc bên cửa hàng văn phòng phẩm. Có lẽ vậy. Người vợ sau của ba thì đi lui đi tới xăm xoi nhìn ngó con bé ra vẻ khó chịu. Cho đến bây giờ, Lan không hiểu sao ba lại có thể đối xử với con mình như vậy. Ừ! Người lớn có quyền của họ mà. Quyền ghét bỏ một đứa trẻ thơ vì nó đã lỡ sanh ra. Tuổi thơ hụt hẫng khiến Lan mất dần đi khái niệm là mình còn có một người cha ở trên đời.

Rồi Lan đi học. Ngày đầu tiên đến lớp, mẹ đã đưa Lan đi với tất cả niềm tự hào của người mẹ trẻ bên cạnh đứa con thơ dại. Cô bé đã khóc ngất trước cảnh lạ chỗ lạ người. Thấy con khóc, mẹ nóng ruột vào ngồi chung. Cô giáo mời ra thì bà nói:

- Có tui ngồi bên con bé mới chịu học…

Có lần cô giáo cho bài tập viết về nhà, mẹ bảo:

- Đưa đây mẹ viết cho.

Dì út trông thấy la lên:

- Bài tập của bé Lan. Sao chị lại viết.

Mẹ nói:

- Nó viết xấu. Mai lên lớp, sợ cô giáo cho điểm thấp...

Dì út phì cười:

- Bé Lan học chứ đâu phải chị học. Chị thương con thì phải để cho con tự viết, sau này lớn lên nó mới biết viết biết đọc. Chị mà viết... cô giáo nhận ra nét chữ cũng sẽ không cho điểm đâu.

Mẹ ngồi thừ nghĩ ngợi. Rồi như hiểu ra vấn đề, se sẽ gật đầu.

Hằng ngày mẹ phụ dì út làm bánh bỏ chợ, bao giờ bà cũng giấu lại vài cái cho con. Dì út hăm:

- Chị cho bé Lan ăn bánh mải, rồi nó sẽ mập phì ra cho coi.

Mẹ nhìn Lan cười nói vu vơ:

- Cho nó ăn để mau lớn, học giỏi như ba.

Chuyện ngày xưa của mẹ trôi qua lâu rồi. Có nhiều điều mẹ đã quên, nhưng vẫn nhớ như in ngôi nhà và người đàn ông từng gắn bó với mình một thời gian ngắn. Những đêm mưa lạnh, mẹ ôm chặt Lan vào lòng, thủ thỉ như nói với chính mình:

- Đợi con lớn lên chút nữa, mẹ hết bệnh, rồi chúng ta sẽ trở về nhà.

- Nhà nào nữa mẹ. Nhà mình đây rồi mà.

- Thì nhà của ba con đó…

Lan lườm mẹ:

- Mẹ đừng nhắc đến “Người ta”… nữa được không. Nhà đó bây giờ là của người khác rồi… Mẹ hãy quên đi.

- Ơ… nhưng ba vẫn là ba của con.

Trong ký ức dễ lãng quên của con người, dường như còn khắc khoải một miền riêng tư nào đó chưa thể phai nhòa.

 

* * *

 

Đêm đã khuya. Trời còn mưa lâm râm. Lan rời bàn làm việc bước vào phòng ngủ. Mẹ ngủ say. Giấc ngủ an lành mà nhiều năm rồi mẹ mới có được. Ai đó từng nói cơn mưa muôn đời vẫn bao dung. Và nếu đúng như vậy thì sự bao dung của mẹ cũng đến từ những đêm thao thức với tiếng mưa rơi.

… Một lần nào đó, Lan nói với mẹ.

- Mẹ ơi! Từ hôm nay, mẹ đừng đến trường đón con nữa nghe.

 - À! Thì mẹ đến đón con… Có sao đâu.

Lan vùng vằng:- Mẹ đến trường, tụi nó cứ chế giễu cười nhạo con

Trưa đi học về, vừa bước vào nhà Lan đã nghe dì Út nói:

 - Chẳng phải mẹ lên trường đón con sao. Suốt buổi sáng không thấy mẹ ở nhà.

Lan lắc đầu ngơ ngác:

- Con đã bảo mẹ đừng đón con nữa mà. Vậy thì mẹ đi đâu.

Lan hớt hãi chạy lên trường. Sân trường vắng hoe. Cô bé đứng như chôn chân dười cái nắng như thiêu đốt. Mẹ đi đâu chứ. Lan ngẫm nghĩ, lòng xốn xan bứt rứt. Khi ngang qua khúc quanh nơi xóm chợ, Lan chợt nhìn thấy mẹ trong sân chùa. Ngôi chùa ngày trước ngoại thường dẫn mẹ con Lan đến lễ Phật. Thấy Lan bước vào, bà nhoẻn miệng cười:

- Không lên trường đón con thì mẹ đi chùa. Mẹ lên chùa cầu Phật cho con học giỏi, không bị chúng bạn chê cười.

Rồi mẹ giơ xâu chuỗi cầm trên tay lên: - Sư ở chùa cho mxâu chuỗi này nè. Sư dạy mẹ buổi tối phải lần chuỗi niệm Phật trước khi đi ngủ...

Bây giờ, mỗi tối khi thấy mẹ cầm xâu chuỗi chuẩn bị ngồi niệm Phật, Lan hỏi:

- Mẹ niệm Phật gì vậy?

 - À! Mẹ niệm Phật Di Đà và Phật Quan Âm...

Dì Út trêu:

- Mẹ con lúc này lo tu dữ a! Chắc là không còn nhớ ba nữa rồi.

Mẹ cười:- Nhớ thương gì nữa. Ni sư dạy trước khi đi ngủ phải niệm Phật một xâu chuỗi. Nhờ niệm Phật mà ngủ ngon, không hay nghĩ ngợi này kia.

Như sực nhớ ra điều gì, mẹ quay qua Lan:

- Chủ nhật tới con chở mẹ về thăm ông nội đi. Ông nội đang bệnh. Dù ba con có thế nào, nhưng bên nội ai cũng thương mẹ con mình, mấy cô mấy chú vẫn gởi tiền giúp con ăn học…

Lan x mặt:

- Thì con là máu mủ của họ mà. Họ cho con chút ít cũng là muốn đền bù những đau khổ mà ba đã gây ra cho mẹ…

- Thôi con ạ! Duyên nợ ba mẹ chỉ có vậy, đâu thể trách ai. Mọi chuyện qua lâu rồi, hãy tha thứ hỷ xả tất cả.

Lan bật cười:

- Dì Út coi kìa! Bây giờ mẹ con nói chuyện nghe thấm mùi đạo ghê đi.

Có một sự sống mới đang trở lại trong tâm tưởng mẹ. Sự sống kết tinh thành những hạt mầm yêu thương, hóa giải hết mọi oán kết muộn phiền. Những đêm mưa nghe tiếng niệm Phật, Lan có cảm giác như nghe lại lời ru êm ái của mẹ từ thuở nằm nôi. Lời ru đã đưa Lan đi qua một thời tuổi thơ yên bình thánh thiện.


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch