Tôi đã gặp con bé từ mấy hôm trước. Nó lẽo đẽo theo sau, cách
một khoảng xa, đủ để không ai phải chú ý nhìn thấy.
Sáng sớm tôi thích lang thang
ngoài đồng cỏ. Có nhiều giống chim lạ và tiếng hót của chúng đã đưa tôi ra tới tận
bìa rừng. Trời mù sương lạnh buốt. Bỗng tôi giật thót người, mồ hôi trán nhỏ
giọt. Có bóng ai chập chờn bên khu đồng mả. Một thoáng tôi kịp nhận ra con bé. Quái
lạ. Không hiểu nó làm gì ở đây vào giờ này.
Mặt trời lên. Tiếng chim hót líu lo nghe thật quyến
rũ. Nhưng lúc này con bé mới là mục tiêu làm tôi chú ý hơn cả. Trông nó bé
choắt cheo, gầy rạc. Đôi cánh tay khẳng khiu, đôi chân khập khểnh với một khuôn
mặt dị hình dị dạng. Cái thân hình di động kia hình như là dấu tích còn lại của
một thời chiến tranh xa lắc. Tôi chậm rãi tiến tới. Con bé cũng dừng bước, tỏ ý
chờ đợi.
- Em làm gì ở đây?
- Dạ! Con cắt cỏ.
- Cắt cỏ sớm vậy sao?
- Sáng nay con dậy sớm, thấy cô
ra đây... nên đi theo.
- À! Mà em tên gì?
- Dạ! Con tên Cỏ.
- Tên Cỏ ?- Tôi ngước mắt hỏi và
nhìn vào nắm cỏ tươi trên tay nó.
Con bé thoáng lúng túng rồi nói
nhanh: - Một lần mẹ ra đồng cắt cỏ, rồi chuyển dạ sanh con. Thế là mẹ đặt tên là
Cỏ. Đó là tên gọi ở nhà. Trong khai sinh con là Thanh Thảo. Thanh Thảo có nghĩa
là cỏ xanh. Vậy cô cứ gọi con là Thảo đi.
- Chà... Mẹ của Cỏ... à Thảo đặt tên nghe hay
quá hỉ?
- Hồi trước ông ngoại có dạy mẹ
học chữ Hán. Lúc rảnh mẹ cũng chỉ lại con đôi chút. Nhưng con dốt không học
được. Cô ở chùa chắc là giỏi chữ Hán lắm.
- Ừ! Cô cũng chỉ biết tàm tạm
thôi. Thảo còn đi học à ?
Con bé ngập ngừng:- Con học hết lớp
chín thì nghỉ. Trường xa quá. Con bệnh không đi được. Với lại, con phụ mẹ cắt
cỏ cho người ta. Lúc này mẹ cũng hay bệnh. Trước mẹ là cô giáo trường làng, phải
nghỉ hưu sớm vì mất sức. Bây giờ mẹ dạy con học ở nhà.
- Bé xí thế mà đã học lớp chín?
- Con mười sáu tuổi rồi. Tại
bịnh nên nhìn chút xíu vậy đó.
Tôi cười. Trông Thảo nhỏ nhắn như
một đứa trẻ, chỉ có đôi mắt là mở to ngời sáng. Một đôi mắt già dặn đăm chiêu trước
tuổi. Thảo bất ngờ nắm lấy tà áo dài của tôi:
- Cô ơi! Màu áo của cô đẹp quá.
Mấy bữa trước con có đi nghe quý thầy giảng pháp, nghe cô kể chuyện Phật. Con
thích lắm. Con nghe mẹ nói sáng nay quý thầy cô đi rồi. Cô có trở lại đây nữa
không?
Tôi lắc đầu: - Cô theo đoàn
giảng sư về đây, chỉ để phát hàng cứu trợ cho bà con. Còn phải đi nơi khác chứ.
- Cô không trở lại nữa sao ?
- Cô cũng không biết được.
Nhìn con bé ngơ ngác, tôi chạnh
lòng :- Hôm nay đoàn giảng sư đi về. Nhưng cô còn công việc nên lưu lại ít lâu.
Mắt Thảo sáng lên:
- Vậy cô cho phép con được theo
con. Con thích nghe cô kể chuyện sự tích Phật lắm.
Từ hôm ấy con bé không bỏ qua cơ
hội để được theo tôi. Điểm tập kết để hai cô cháu gặp nhau là những buổi sáng
chiều ở ngoài đồng cỏ. Thảo cắt cỏ. Còn tôi đi tìm tiếng chim hót. Với chiếc
máy ảnh, tôi chụp hết mọi cảnh vật trên đường. Thảo trở thành người mẫu tí hon
cho tôi thử nghiệm. Con bé trông vui lắm.
Mỗi ngày tôi có một thời thuyết
pháp ngắn mà thính giả duy nhất là Thảo. Phần lớn thời gian tôi tha thẩn từ đồng
cỏ ra đến khu rừng tràm. Cô bé theo tôi trên từng bước chân để tha hồ tỉ tê đủ
chuyện.
“Con cắt cỏ kiếm thêm tiền tiêu
vặt. Mẹ có tiền hưu, tiền tuất của ba. Con cũng có tiền trợ cấp bệnh tật, thuốc
men... Nếu có tiền nhiều, con sẽ cúng dường, làm từ thiện như quý cô vậy”
“Trước mẹ có nuôi một đôi cừu. Sau
trận dịch thì chúng chết cả. Dân làng nuôi cừu để bán cho người ta giết thịt. Cừu
cũng có đôi mắt hiền như con bò vậy cô à. Khi biết mình sắp bị đưa đến lò sát
sanh, chúng rươm rướm nước mắt. Trông tội lắm! Từ khi nhìn thấy đôi mắt nó nhìn
thê thiết như vậy là con không còn ăn thịt cừu nữa. Thịt nhiều con vật khác,
con cũng không ăn được.”
Một lần tôi đến đồng cỏ sớm đã
thấy cô bé ở đó, vẻ trịnh trọng:
- Con thỉch cô ngồi lên nệm cỏ...
thọ bát sữa cừu. Sữa này con vừa hâm nóng sáng nay. Cô thọ nhận cho con có phước.
Rồi nó hạ thấp giọng:
- Phật Thích Ca lúc tu trong
rừng cũng từng thọ bát sữa của cô gái chăn cừu. Nhờ vậy mà Phật có đủ dinh
dưỡng tọa thiền cho đến khi chứng đạo. Sau đó, Phật đã thuyết pháp cho bọn trẻ
chăn cừu.
Con bé quả là thông minh lém
lĩnh hơn tôi nghĩ. Tôi muốn cười mà phải cố nghiêm mặt nói:
- Em làm cô ngỡ là mình... sắp sửa
đắc đạo vậy. Em với mẹ thì cần uống sữa, chứ cô mạnh khỏe thế này. Mà thôi. Cô
thọ nhận và chú nguyện cho mẹ và em được nhiều phước lạc.
Đám trẻ chăn cừu chơi đùa trên
đồng cỏ cũng chạy đến. Chúng gọi Thảo là cô giáo. Thấy tôi ngạc nhiên, cô bé cười
cười “Tại ở nhà con có dạy kèm cho mấy đứa nhỏ. Vì mẹ là cô giáo, nên chúng gọi
con như vậy thôi.”
Biết Thảo mê đọc sách, tôi đem cho
em mấy quyển truyện cổ Phật giáo.
- Đây là những câu chuyện kể về tiền
thân của Phật. Từ nhiều kiếp xa xưa, Phật từng làm vua làm quan cho đến làm kẻ nghèo
khổ bệnh hoạn, tật nguyền. Có kiếp đầu thai vào các loài thú. Dù sanh trong loài
nào, ngài cũng thể hiện tâm Bồ tát vị tha, chuyện tu thiện nghiệp, hướng cầu Phật
quả. Trải qua bao kiếp tu tập mới thành tựu công hạnh. Chúng ta học Phật cần phát
đạo tâm, vun bồi đạo nghiệp ngay trong hiện đời.
Thảo mân mê tà áo nhật bình của
tôi, giọng thỏ thẻ:
- Cô ơi! Con thích được đi học,
thích cuộc sống bình thường như bao người, thích làm những công việc lợi ích
cho đời. Và thích nhất là được mặc chiếc áo màu khói lam như cô vậy.
Tôi mỉm cười, trêu Thảo:- Con
nhà Phật vốn thuộc giòng họ Thích mà. Như cô... cũng ưa thích làm những việc to
tát để lại cho đời. Ngẫm lời Phật dạy... thì mình cũng biết tùy duyên và tùy năng
lực. Hằng ngày chúng ta làm việc thiện, tích tụ lâu dài mới thành tựu quả lành lớn.
Những việc Thảo có thể làm bây giờ là hiếu thuận thương yêu mẹ và giúp đỡ mọi
người theo khả năng của mình. Thảo xem qua những tập truyện này, có dịp thì kể lại
cho các em nhỏ nghe, giúp chúng tích tụ chút duyên lành với Phật pháp. Và những
khi Thảo ngồi cắt cỏ, nhớ niệm Phật chú nguyện cho đàn cừu. Nguyện cho chúng...
sau khi thoát kiếp nạn ở lò sát sanh, thì được sanh lên làm người, đầy đủ thân
tướng tốt đẹp.
- Cầu nhiều vậy hả cô? Rủi con
không nhớ hết thì có mang tội không?
Nhìn vẻ mặt băn khoăn của Thảo,
tôi bật cười:
- Là cô nói vậy thôi, chứ nào phải
nhất thiết. Miễn mình biết làm lành và nhớ niệm Phật là tốt rồi.
Thảo hay kể cho tôi nghe nhiều
chuyện. Chuyện của những đứa trẻ sanh ra nơi miền quê nghèo, sống trong thời bình
lại hứng chịu mọi tàn tích đau thương của chiến tranh để lại. Ba Thảo từ chiến
trường trở về, không bao lâu thì mất. Mang di chứng căn bệnh của người cha, Thảo
sanh ra đã oặt ẹo không lớn nổi.“ Hồi nhỏ con sống vô tư không băn khoăn về
bệnh tật của mình. Nhưng từ khi bà ngoại mất, cơn đau đớn thường xuyên đến làm
con suy nghĩ. Con không sợ chết. Chỉ thương mẹ... còn lại một mình. Ngày trước con
cũng hay theo ngoại đi chùa, nghe băng giảng, nên hiểu rõ lý nhân quả. Cô ơi! Trước
khi từ giả cõi đời, con rất mong làm một điều gì đó. Nguyện cầu cho kiếp sau con
được sanh lên làm người, có thân tướng tốt đẹp, biết hướng tâm tu Phật hộ pháp.
* * *
“Bây giờ người ta nuôi nhiều cừu
nên đồng cỏ ngày một thu hẹp” Mẹ Thảo nói khi đưa tôi ra thăm mộ con. Thảo mất trong
lần cơn bệnh bộc phát đột ngột. Tuổi đời chưa đủ lớn, nhưng Thảo cũng kịp làm
được điều mà em hằng mong ước. Cô bé làm đơn xin hiến nội tạng cho y học. Một
việc làm còn rất xa lạ nơi vùng đất này.
“Trường Y khoa... họ thử nghiệm rồi
thì đem thiêu xác, trả tro cho gia đình. Nhưng người làng quê mình quen với
quan niệm có mồ mả nên tôi xin phần xác còn lại của con về đây chôn cất. Trước
kia Thảo cũng muốn yên nghỉ trên đồng cỏ, nơi nó đã chào đời...
“Thảo nói khi cô trở lại, nó sẽ
xin cô một số sách truyện thiếu nhi, truyện tranh Phật pháp để lập một tủ sách cho
tụi nhỏ đọc. Thảo ra đi, nhưng lớp học tình thương tại nhà vẫn được mấy cậu học
trò cũ của tôi duy trì. Có bọn trẻ lui tới, tôi cũng khuây khỏa. Thảo chắc cũng
yên lòng. Nó có duyên gặp cô... biết Phật pháp, biết niệm Phật trước khi mất. Như
vậy là tốt rồi, cô hỉ ?”
Gió cuối chiều bất ngờ thổi mạnh. Vài chiếc lá
vàng rơi rụng, vài mầm sống mới vừa vươn lên. Đám trẻ chạy tới vây quanh mộ
Thảo. Đứa nhổ cỏ, đứa thắp hương rồi tranh nhau kể chuyện. Chuyện về cô gái dâng
bát sữa và đám trẻ chăn cừu. Niềm ước vọng nhỏ nhoi nơi miền cỏ dại vẫn mải tỏa
lan, mặc cho bao cảnh biển dâu đổi thay.