Truyện - Tùy bút
Tuyển Tập Truyện Ngắn Của Lam Khê
Lam Khuê
25/09/2011 05:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


- Trời sắp mưa rồi. Chị ơi! Về thôi.

Tú buộc miệng… rồi chợt im bặt. Thời tiết vào thu man mác những cơn mưa chiều chợt đến chợt đi. Giai điệu mùa thu mang âm hưởng một khúc nhạc đời êm ả trôi nghiêng.

Nhổ cỏ xong, Tú tỉ mỉ trồng thêm vài cây hoa dại quanh mộ mẹ. Rồi mùa thu sang năm, khi trở lại, cỏ mọc cao che lấp hết hoa. Cỏ xanh là ước vọng không nguôi về sự sinh tồn của cuộc sống. Hoa tím là nơi quy tụ những âm hồn xa khuất nơi cõi mênh mông. Dương bao giờ cũng mạnh hơn âm, nên màu cỏ cứ lấn át màu hoa. Nghe em ví von như vậy, cô Thụy chỉ cười. Màu hoa tím chìm khuất sau cơn mưa. Hương mùa thu về làm cây lá cũng xôn xao rộng mở.

Mộ của mẹ quanh năm um tùm cỏ dại. Bao mùa thu rồi, nắng mưa làm sạt lỡ cả mô đất đắp cao. Xương thịt rũ tàn trong cát bụi thì cỏ hoa cũng nhạt nhòa cùng hương khói. Người anh trai cả nhìn mộ mẹ mà lòng xốn xan day dứt:

- Anh tính sang năm xây mộ cho mẹ. Vậy mà ba muốn bốc mộ mẹ đem về quê. Anh nhất quyết không cho. Thế là ba giận bảo bỏ mặc mấy anh em muốn làm gì thì làm. Về quê, hương hồn mẹ sẽ lẻ loi cô quạnh. Bà con ngoài đó đâu còn mấy người. Ba đã có cuộc sống khác. Mẹ nằm đây để anh em mình còn lo phần khói hương trả hiếu. Mỗi năm giỗ mẹ, ngày Vu Lan có mấy cô trở về tảo mộ, mẹ ấm lòng mà anh em mình lại có dịp gặp nhau. Ý mấy cô thế nào?

Tú đưa mắt nhìn cô Thụy. Dù xuất gia, cô vẫn là người chị lớn trong gia đình, là điểm tựa cho mấy đứa em nhỏ sớm chịu cảnh bơ vơ mất mẹ.

- Theo em… chúng ta tưởng niệm mẹ trong ngày giỗ, ghi nhớ lời mẹ dạy, anh em biết yêu thương hòa thuận nhau là quý hơn cả. Đó là cách tốt nhất để chúng ta trả hiếu cho ba mẹ. Đưa mẹ về quê, là ý nguyện của ba, biết đâu cũng là ước muốn của mẹ. Ngày xưa vì cuộc sống, ba mẹ dắt díu nhau lên vùng này lập nghiệp. Ba hồi hương, đi thêm bước nữa, nhưng ba vẫn dành quyền nuôi hai đứa con nhỏ. Ba luôn nghĩ đến mẹ, đến các con. Đưa mẹ về quê là để các con của ba có dịp quay về thăm viếng mồ mả quê cha.

- Anh lại có ý nghĩ khác- Anh cả tiếp lời. Anh nghĩ sau này ba sẽ trở về đây. Vài năm nữa hai em học lên cao cũng rời quê. Đất đai vườn tược ba mẹ xây dựng còn đó. Con trai cháu nội cùng bà con thân thích của ba đều quanh quẩn vùng này. Ba mẹ từng xem nơi đây là miền quê hương thứ hai.

Tú lên tiếng:

- Em cũng thích mẹ nằm lại nơi vùng đất Tây Nguyên nắng gió này. Nơi anh em mình được sanh ra rồi lớn khôn. Biết bao kỷ niệm thân thương gắn bó một thời.

Cô Thụy vẫn nhỏ nhẹ nghiêm trang:

- Nhưng nếu vì chuyện đó mà cha con bất hòa, mẹ cũng không vui. Dù hoàn cảnh có thay đổi thế nào, thì ba mẹ vẫn là ba mẹ của chúng mình.

Mưa bắt đầu nặng hạt. Anh cả ra về. Khu nghĩa trang chỉ còn cô Thụy và Tú ngồi trú mưa trong căn chòi nhỏ. Tú chống hai tay lên chiếc bàn đá, nhìn bâng quơ mấy giọt mưa rơi từ chái hiên xuống, bỗng cao hứng cất giọng ngâm nga:

 “Rồi mùa thu đi qua

 Lá vàng rơi trong mưa

 Mẹ giờ thành sương khói

 Nhạt nhòa ánh trăng thưa…”

Một lúc, cô Thụy lên tiếng khuyên em:

- Mẹ mất, anh chị em mình phải chịu cảnh tan đàn xẻ nghé. Hai anh lớn có gia đình, cuộc sống đã ổn định. Hai em trai nhỏ ở với ba đều còn ăn học. Chị đi tu. Nhà chỉ có mình em học thành tài, có việc làm tốt. Đó là nhờ ơn cậu mợ. Em phải chăm về quê thăm ba, viếng cậu mợ để tỏ lòng hiếu nghĩa tri ân.

Tú gật đầu:

- Dạ… em biết mà.

- Mà em đi làm thân gái một mình, phải khéo giữ gìn, chớ để sa vào những cạm bẫy ham mê đua đòi vật chất. Cả nhà đều kỳ vọng vào em. Mẹ nơi chín suối cũng mỉm cười khi biết con gái thành đạt…

Tú ngửng mặt lên nở nụ cười tự tin:

- Chị yên tâm. Em chị đâu thuộc dạng ăn chơi đua đòi. Hồi nhỏ, chị em mình từng đi chùa học giáo lý, em cũng thấu hiểu ít nhiều. Ngày ấy em đã có ý định xuất gia. Vì chị đi trước, vì thương mẹ mà em phải ở nhà lo học. Ra trường, em đi làm để giúp ba nuôi hai em ăn học. Sau này có thể em sẽ chọn con đường mà mình hằng tâm nguyện.

 Cô Thụy nhìn em, ánh mắt dịu dàng thoáng chút đăm chiêu. Là chị, cô hiểu rõ tính cách cùng những ước mơ cao đẹp của Tú. Thời gian vun đắp những ước mơ kia thành hiện thực. Và thời gian cũng tạo nên nhiều suy nghĩ chính chắn. Con đường dấn thân nào cũng phải trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt. Tuổi thơ êm đềm của Tú từng hứng chịu cảnh chia lìa biến động. Cô muốn để cho em quyết định tương lai, vun đắp bao ước nguyện vào đời.

… Buổi chiều Tú đi học về. Bước nào nhà, cô bé thấy mẹ ngồi trên bộ ván, đôi mắt đỏ hoe. Tú đứng lại. Lo lắng. Ba mẹ lại gây nhau nữa rồi. Tiếng ba từ nhà dưới.

- Bà làm mẹ mà không biết dạy con, để con gái mới tí tuổi đầu đã bỏ nhà đi. Bây giờ còn ngồi đó khóc lóc…

Thường ngày hai chị em đèo nhau đi học. Tú học lớp bảy còn chị Như học lớp chín. Hôm nay chị không đi. Thế là Tú đạp xe đến lớp một mình.

Mẹ nhìn Tú dò hỏi:

- Tú… Con biết chị Như bỏ nhà đi, sao không nói với mẹ?

- Con không biết! Trưa nay chị bảo nhức đầu không đi học. Mà chuyện gì vậy mẹ?

- Như viết thư để lại… bảo có người quen tu trong Sàigòn. Nó sẽ vào đó tu. Lâu nay mẹ tưởng các con đi chùa học hỏi những điều tốt đẹp. Không ngờ…

Tú nhíu mày. Bác Bê xóm trên hay đi Sàigòn. Bác từng dẫn nhiều anh chị vùng này vào tu trong đó. Có lần Tú nói với chị:

- Em xin ba mẹ đi tu, chị nhé!

Như quắc mắt nhìn em:

- Em còn nhỏ. Có hiểu gì đâu mà đòi tu. Đi tu phải ăn chay, thức khuya dậy sớm… làm sao em chịu được.

- Em có học giáo lý. Em hiểu. Em thích tu…

- Không được. Mẹ cưng em nhất nhà. Em đi rồi mẹ buồn lắm.

Vậy mà chị lại âm thầm ra đi một mình. Chị đã đi trước Tú một bước. Nước mắt lưng tròng, cô bé ôm chầm lấy mẹ:

- Con cũng giận chị Như lắm. Con từng nói với chị là con thích đi tu. Chị cản. Vậy mà bây giờ chị lại bỏ đi.

Mẹ đẩy Tú ra, nhìn chăm bẵm vào mặt con rồi thảng thốt kêu lên:

- Cái gì? Con cũng muốn đi tu nữa sao. Ôi! Con tôi…

Tú thút thít:

- Không. Mẹ à! Chị Như đi rồi. Con phải ở nhà với mẹ thôi.

Chị Như đi tu, nhà chỉ còn Tú là con gái. Tú lên cấp ba, phải lên trường huyện học nội trú. Mẹ sợ Tú cũng bỏ nhà đi, nên càng chăm sóc chìu chuộng. Bà thường thầm thì với đứa con gái bé bỏng:

- Mẹ chỉ còn một đứa con gái. Con ráng học. Đừng phụ lòng ba mẹ bỏ đi tu như chị Như.

Tú muốn nói:

- Mẹ ơi! Chị Như đi tu là nhà mình có phước lắm đó. Chứ như con, học giỏi rồi sau này cũng có chồng, có con vất vả một đời như mẹ thôi…

Cô bé biết là chưa tới lúc để nói. Thương mẹ Tú lo học và không bao giờ nhắc tới chuyện đi tu nữa. Thỉnh thoảng nghe tiếng chuông chùa từ xa, lòng Tú khắc khoải bâng khuâng như vừa đánh mất một điều gì đó thiêng liêng lắm.

… Một ngày âm u. Đến xế chiều thì mây tan, gió lặng. Phía chân trời, le lói chút nắng vàng hanh hao. Như thường lệ, Tú ra trước cổng trường ký túc xá đón mẹ. Cuối tuần mẹ đi theo xe cải tiến của anh hai lên chợ Huyện lấy hàng rồi ghé trường rước Tú luôn. Tuần này Tú không về nhà. Ngày mai trường tổ chức văn nghệ mừng ngày nhà giáo. Tú đón mẹ để xin tiền mua quà tặng thầy cô. Ngồi trước cổng suốt mấy giờ liền không thấy xe anh Hai ghé, Tú trở về phòng. Chập tối, người anh họ lên trường tìm Tú với một hung tin. Mẹ bị tai nạn xe, vừa mất.

Bằng cách nào đó, Tú ngồi yên trên chiếc xe honda của người anh họ. Xe lao vút trong đêm tối, trên con đường đầy dốc đá và ổ gà. Về nhà, Tú ngồi bất động giữa những âm thanh chộn rộn xuýt xoa thương cảm của bà con hàng xóm. Tiếng khóc nức nở gọi mẹ của hai đứa em nhỏ. Tiếng sục sùi của các anh, chị dâu như cuốn hút Tú vào một thế giới âm hồn u uất. Tú mong mẹ đang bị bệnh. Mẹ cần được yên nghĩ. Và một lát nữa thôi mẹ sẽ ngồi dậy. Tú lại nghe tiếng mẹ gọi. Mẹ bảo con gái lo học đi, mọi việc nhà để đó cho mẹ. Mà mẹ thì bận rộn tất bật suốt. Người ta nói chết là một cách giải thoát hết những ràng buộc khổ đau của kiếp người. Nhưng vì sao mẹ lại chết một cách dễ dàng đến như vậy. Các con của mẹ còn nhỏ dại. Tại sao mẹ ra đi mà không có lấy một lời dặn dò từ biệt.

Tú ngồi bên góc nhà, nhìn như thôi miên lên tấm vải trắng phủ kín thân người mẹ. Cô bé vẫn chưa tin đó là mẹ. Có lẽ mình nằm mơ. Một cơn ác mộng thì đúng hơn. Nhưng tiếng chuông mõ ngân vang kéo Tú trở về với thực tại. Tú ngơ ngác nhìn lên. Cô Thụy- Chị Như của Tú đã về, cùng với quý cô. Mọi người chuẩn bị làm lễ nhập liệm. Tú nhận ra đôi mắt thất thần của cô Thụy, nhưng cô vẫn giữ được vẻ bình tỉnh. Cô đã đi tu, hiểu rõ lẽ vô thường. Cô hiểu rằng, dù đau đớn hoảng loạn cũng không được ngã quỵ trong lúc này. Cô Thụy giục:

- Tú tới quỳ lạy đi em.

Tú làm theo chị như cái máy. Không còn chút cảm giác để bật thành tiếng khóc. Nếu khóc được lúc này chắc đầu óc sẽ nhẹ nhõm biết mấy. Nhưng Tú không thể khóc. Mọi thứ cứ quay cuồng, vỡ vụn sau cú sốc đầu đời. Tú mong mình mãi đắm chìm trong một cảnh giới khác. Một cảnh giới không còn chịu sự chi phối của sanh diệt vô thường. Một nơi chỉ có hoa bướm tình người, có mẹ cùng nguồn suối yêu thương bất tận. Tú ước gì mình được bay bỗng lên cùng mẹ, vượt thoát ra ngoài cái vòng dây thắt chặt của kiếp người mong manh. Tiếng cô Thụy lại nhắc khẽ bên tai:

- Lạy đi Tú.

Tú không thể nhúc nhích. Hai tay chắp ngang ngực, đầu cúi xuống mà thân hình trơ cứng như tượng đá. Tiếng tụng kinh cầu hồn giữa đêm khuya, nghe lạnh lẽo thê lương một giai điệu chia ly sầu thảm. Tháng trước, Tú đi dự đám ma anh của nhỏ bạn. Chết vì tai nạn. Chết trẻ. Từ hôm đó Tú luôn nghĩ về cái chết, nghĩ về những mất mát mà con người phải chấp nhận trong cuộc sống. Cái điệu nhạc đám ma buồn áo não cứ khiến lòng Tú bồn chồn. Tú nghĩ đến một ngày nào đó, không may mẹ mất đi. Ôi! Sao Tú lại có thể nghĩ dại đến vậy. Một linh cảm hay điềm gỡ được báo trước. Người mẹ thân yêu của Tú… mới đó mà đã trở thành một hồn ma lạnh giá.

Cách đây chưa bao lâu, Tú theo ba mẹ đi thăm chị Như. Một ngôi chùa lớn ở miền nam, có rất nhiều quý cô cùng tu học. Chị Như bảo khi mới vô chùa được sư phụ cho đi học tiếp phổ thông. Bây giờ đã tốt nghiệp và đang theo học trường cơ bản Phật Học Tỉnh. Chị Như dẫn mẹ và Tú đi chào hết quý cô trong chùa. Chị có vẻ vui lắm, nắm tay mẹ mãi không chịu buông. Không ai ngờ đó là lần cuối cùng chị gặp mẹ.

                                     

* * *

… Hai chị em ra về khi mưa đã tạnh. Núi rừng Tây Nguyên thẫm một màu sương khói huyền hoặc sau cơn mưa. Gió hắt tung những giọt mưa đọng trên mái lá xuống đầu Tú. Cô bé đưa tay vuốt tóc rồi cúi xuống nhặt một cành hoa bằng lăng đã héo rũ. Phe phẩy cành hoa đầy nước, Tú ngoái nhìn lên đồi khẽ thì thầm với chị:

- Chị biết lúc nãy em khấn nguyện với mẹ điều gì không?

- Thì cũng như mọi lần. Những lời tự sự của đứa con đi xa mới trở về.

- Hừ…- ánh mắt Tú trở nên mơ màng - Em nói là… “ Mẹ ơi! Mỗi năm chúng con về dẫy cỏ mộ mẹ khi mùa trăng tháng bảy vừa đi qua. Ngày giỗ mẹ, cô Thụy cúng chay ở chùa. Các anh ở đây. Ba và hai em thì ngoài quê. Mỗi người cúng một phương. Hồn phách mẹ nương theo khói hương tưởng niệm, sẽ được chu du khắp cả hai miền. Mẹ ơi! Sáu mùa vu lan rồi, chúng con phải cài hoa hồng trắng. Cô Thụy ở chùa thì cài hoa hồng vàng. Ngày mẹ mất, Cô Thụy đòi ở nhà thay mẹ lo cho cha già em nhỏ. Nhưng bà con ai cũng khuyên, nói cô ở nhà cũng không giải quyết được gì. Bao năm qua cô đi tu, bà con ai cũng quý mến tự hào. Nhờ cô đi tu… mẹ vắn số nhưng vẫn có phước, hồn phách phiêu diêu sớm được nhẹ nhàng siêu thoát. Thế là cô trở lại chùa. Con được cậu mợ đem về quê nuôi cho ăn học. Các em ở với ba còn đi học và sắp ra trường. Con đang làm việc cho một công ty nước ngoài, cách chùa cô Thụy chừng nửa giờ xe máy. Cuối tuần con về chùa, dạy kèm sinh ngữ cho mấy cô. Một tuần làm việc, đầu óc con căng ra như sợi dây đàn vậy. Trở về chùa con mới thật sự cảm nhận niềm thanh thản yên vui. Mẹ ơi! Những đứa con nhỏ dại của mẹ đang trưởng thành. Chúng con xin dâng lên mẹ tất cả niềm tin yêu trong cuộc sống. Mẹ cứ yên tâm.

Cô Thụy phì cười, ngắt lời:- Một bài diễn văn khá là… dài dòng. Mẹ nghe em kể lể thắm thiết quá, chắc phải mũi lòng nhanh chóng trở về chứng giám. Em nên nói thêm câu kết như trong tác phẩm “Áo em cài hoa trắng” của nhà văn Võ Hồng. Cô bé mồ côi mẹ trong truyện chỉ mới học lớp một lớp hai gì đó thôi. Trước hôm đi dẫy cỏ mộ mẹ, bé đã tẩn mẩn viết một lá thư kể lại những chuyện thường ngày xảy ra trong nhà. Cuối thư bé ghi: “Mẹ ở trên trời, nhận được thư con, nhớ hồi âm rồi dán lại trên mộ…”

Tú mím môi, nghiêm giọng:

- Đó là tâm tình của những đứa con thơ mất mẹ, gởi nhớ thương hoài niệm qua mỗi mùa báo hiếu. Chúng ta đã vượt qua một chặng đường đau đớn khó khăn nhất khi mẹ mất. Ngoài trách nhiệm với ba, với anh em và bà con nội ngoại, chúng ta còn có trách nhiệm với cuộc sống, với bao người…

- Mẹ chắc không ngờ mình có cô gái út giỏi giang đến vậy. Cử nhân sư phạm có khác.

- Ơ… Em đã học được bao điều ở trường đời. Nhưng hơn hết là học được của mẹ. Bây giờ thì em học từ chị cùng quý cô ở chùa. Em đã nuôi dưỡng niềm tin từ trong ánh đạo.

Dòng thời gian cứ mặc nhiên trôi qua. Bao mùa thu đến, lá vàng rơi và hoa cỏ thì mải ngút ngàn giữa mênh mông cuộc sống.


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch