Bé Na ngồi học bài bên hiên chùa
khi trời mới bắt đầu đổ mưa. Nó nhìn không chán mắt những giọt mưa chảy dài xuyên
qua kẻ lá. Những chiếc lá xanh lấp lánh sắc màu pha lê mà cô Diệu lại bảo đó là
những giọt ma ni thấm nhuần cây cỏ.
- A! Bé Na vẽ gì mà ngoằn ngoèo vậy ta.
Cô Diệu đứng sau lưng bé từ lúc nào.
Na quay lại cười:
- Dạ... con vẽ... Vẽ cảnh trời mưa...
- Vẽ trời mưa? Cô bật
cười và nhớ là Na thường mơ ước trở thành họa sĩ. Con bé luôn có những ý tưởng
ngộ nghĩnh. Nó nhìn mưa để tập vẽ.
Na ngọng nghịu giải thích:
- Con vẽ bằng ý tưởng và mắt nhìn thôi. Vẽ mưa khó quá,
thưa cô. Con chỉ mới học vẽ thôi mà.
Cô Diệu ngồi xuống bên cạnh:
- Ừ! Vẽ mưa thì không dễ chút nào. Con vẽ được qua ý tưởng
là hay lắm rồi. Học vẽ là học mơ ước đấy, cô họa sĩ tí hon à.
Na ngước đôi mắt trong veo nhìn cô. Ngoài đôi mắt ra, cả thân
hình và gương mặt con bé nếu không bị tật nguyền dị dạng thì có lẽ cũng cao ráo
xinh xắn như mẹ. Na chỉ mới hơn mười tuổi. Lứa tuổi thơ ngây đã chớm có những ưu
tư nghĩ ngợi.
- Vẽ ước mơ là sao hả cô?
- À! Vẽ ước mơ là vẽ ra những điều tốt đẹp mà mình mong
muốn. Ước mơ cũng giống như bức tranh đẹp chưa thành hình vậy.
- Như vậy thì con có nhiều ước mơ đẹp chưa thành hình lắm
đó. Chừng nào học vẽ khá hơn, con sẽ vẽ ra hết những ước mơ của mình.
Cô Diệu cười gật đầu:
- Mà Na ước mơ điều gì?
Con bé chớp mắt nhìn xa xăm. Nó đang thả hồn theo những
mộng tưởng:
- Con mơ ước... làm sao cho bé Ni biết đi biết nói, để ba
mẹ đỡ vất vả, để chị em con cùng nhau vui chơi... đi học. Con cũng ước mơ sau
này ba làm nhà ở gần chùa... để con được nghe tiếng quý cô tụng kinh.
Ngừng một chút, con bé lại trầm giọng:
- Mỗi đêm con qua chùa tụng kinh lạy Phật, con cầu Phật...
cầu Bồ Tát gia hộ cho em Ni... cho ba mẹ. Con ước mơ sao mình có thể đánh đổi
cả tay chân và giọng nói này... để em Ni cùng được đến trường.
Con bé luôn có những ý tưởng lớn lao hơn cả phận đời bé
nhỏ của nó.
- Nếu như cô có được chút thần thông, cô sẽ biến những ước
mơ của Na thành hiện thực. Nhưng cô biết Phật và Bồ Tát đã chứng giám cho lòng
thành của Na rồi. Nếu kiếp này...
Bé Na đã chạy về bên nhà. Tiếng mẹ gọi làm con bé phải bỏ dỡ
những ước mơ mới vừa phác họa. Cô Diệu dõi mắt nhìn ra đài Quan Âm phía trước. Ước
mơ tươi đẹp luôn nằm trong không gian chật hẹp của chữ “nếu” chẳng bao giờ
thành câu thành chữ.
... Gia đình Na dọn về ở nơi căn nhà trống sát bên đất
chùa. Nhìn cặp vợ chồng trẻ cùng hai đứa con tật nguyền, mọi người đều ái ngại
thương cảm. Nhưng vợ chồng nhà ấy lại không tỏ ra mặc cảm tự ti khi đón nhận sự
thương hại ấy. Tính cách của họ vốn rất vui vẻ dễ chịu, nụ cười luôn nở trên
môi. Cô Diệu chưa từng nghe họ nói lời buồn phiền hay oán trách số phận. Người
mẹ có gương mặt thật đáng yêu. Bé Na giống mẹ cả tính cách lẫn nụ cười ấy.
- Sanh đứa con đầu lòng bị dị tật, đứa thứ hai ngỡ sẽ lành
lặn. Ai ngờ... Nếu không đi chùa, không nghe quý thầy quý sư giảng kinh thuyết
pháp, chắc vợ chồng con không bình tĩnh chấp nhận nghiệp báo của mình để vui
sống đến ngày hôm nay đâu cô ạ.
Bé Na sanh ra đã không
được như những đứa trẻ bình thường, có điều con bé lại rất thông minh. Cơ thể dị
dạng, giọng nói ngọng nghệu, ba mẹ tưởng con không thể đi học. Nhưng khi thấy
bạn bè đồng lứa đến trường, Na cũng nằng nặc đòi đến lớp. Nó đang học lớp bốn.
Học khá giỏi môn văn và có năng khiếu mỹ thuật, thích vẽ vời lung tung. Bé Ni thì
bị liệt bẩm sinh, không đi đứng cũng không nói được. Nó đã sáu tuổi, chỉ nằm một
chỗ. Ấy vậy nhưng con bé cũng hay đòi mẹ bế sang bên chùa nghe kinh. Người mẹ
đặt Ni ngồi yên trong lòng, chắp tay khấn Phật, miệng lâm râm khấn nguyện. Không
nói được, con bé chỉ biết bày tỏ cảm xúc qua ánh mắt nhìn và đôi tay động đậy.
- Người ta bảo do di truyền, do nhiễm chất phóng xạ, nhưng
hai vợ chồng con đã đi xét nghiệm các nơi có phát hiện gì đâu. Đây là nghiệp
lực mà chúng con đã tạo ra nhiều đời nay phải gánh chịu lấy hậu quả. Chỉ tội
cho hai đứa nhỏ. Chúng quá bé bỏng thơ ngây, chưa từng hưởng được chút hạnh
phúc trọn vẹn một con người.
Xóm làng miền quê phát
triển thành thị trấn, nhà cửa đất đai của anh chị cũng nằm trong khu quy hoạch
giải tỏa. Thời gian này chị thường đưa hai con lên chùa lễ Phật. Ni sư trụ trì đem
trái cây cho hai bé và ngồi lại chuyện trò thăm hỏi. Biết chị đang hỏi thuê nhà
trong thời gian chờ đợi cấp đất trong khu định cư mới, Sư nói:
- Sát bên chùa có ngôi nhà tình nghĩa của người chủ chùa
đã mất hiện bỏ trống. Gia đình con dọn đến đó ở tạm, khỏi phải thuê nhà. Ở gần
chùa nghe kinh cho tâm tư nhẹ nhàng thư thái. Hai đứa bé cũng có duyên lạy Phật
cầu Phật gia hộ.
Anh chị bồng bế con cái về ở trên đất chùa. Cuộc sống của
gia đình có thêm niềm vui và những bận rộn mới. Sáng ngày chồng đi làm, chị ở
nhà lo cơm nước, rảnh rỗi thì bế bé Ni qua chùa nghe Ni sư nói chuyện, thuyết
pháp hoặc phụ với quý cô lau chùa quét dọn. Tối đến, vợ chồng con cái lại kéo qua
chùa tụng kinh lễ Phật. Cuối tuần, chồng chị sang chùa chẻ cũi, tưới cây trồng
kiểng... phụ quý cô các công việc nặng nhọc. Còn Bé Na, đi học về là có mặt ở chùa.
Ngay việc học bài làm bài, nó cũng cắm một chỗ phía trước hiên. Na thích nghe
quý cô tụng kinh. Thỉnh thoảng con bé cũng huyên thuyên đủ thứ chuyện mà nó
lượm lặt đâu đó trong lớp học. Giọng nói ngọng nghịu lại biết pha trò của Na đôi
lúc cũng khiến quý cô phải ôm bụng cười ngất.
Một buổi sáng con bé chạy sang chùa thông báo một chuyện
hệ trọng:
- Thưa Sư phụ- Nó gọi Ni sư trụ trì là sư phụ như ba mẹ.
Lúc nãy con ngồi đọc truyện Phật của cô Diệu đưa cho. Mỗi lần con ngưng đọc là Bé
Ni... nó lại la ú ớ. Con đọc thì bé im lặng chăm chú nghe. Sư phụ! Ni còn nghe
được cả tiếng chuông bên chùa nữa đấy.
Ni sư xoa đầu Na rồi gật gù nói:
- Ở gần chùa được nghe kinh cũng giúp bé Ni phát triển đôi
chút kỹ năng hiểu biết. Dù bệnh tật không nói được nhưng tính nghe của nó vẫn
không mất. Lúc nào con bận không đọc được thì bảo mẹ mở băng thuyết pháp niệm
Phật cho em nghe.
Bé Na nhanh nhẩu thưa:
- Dạ... Ni cũng thích nghe niệm Phật lắm ạ.
Ba mẹ bé Na có lẽ là người vui hơn cả. Niềm vui khi thấy đứa
con gái nhỏ tật nguyền có chút biểu hiện về niềm tin Phật pháp. Chỉ bấy nhiêu
đó thôi cũng khiến bậc làm cha mẹ cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.
- Con bé, cứ tối tối nghe tiếng chuông là đòi mẹ bế qua
chùa. Mỗi lần mẹ nó bận công việc chưa kịp tắm rửa thay đồ, vừa nghe tiếng Đại
hồng chung là con bé ú ớ rồi khóc thét lên. Cảm niệm hồng ân chư Phật, chư Bồ
tát gia hộ cho con bé. Chúng con thật không biết nói gì hơn.
Na thích theo cô Diệu. Cô còn trẻ nên con bé thấy dễ gần
gũi nói chuyện. Ngồi với cô là nó mặc sức líu lo:
- Con nghe sư phụ nói, một người đi tu thì cả nhà cùng có
phước. Mai mốt lớn lên con cũng sẽ đi tu cạo đầu mặc áo như cô Diệu vậy đó.
Không muốn làm tổn thương ước mơ thánh thiện của nó, cô
Diệu nhẹ nhàng nói:
- Bé Na ở gần chùa, được nghe pháp, sớm chiều nghe tiếng
kinh tiếng mõ, biết niệm Phật tụng kinh và ưa thích làm điều lành việc tốt. Như
vậy cũng là gieo nhân tu phước rồi, đâu cần phải cạo tóc ở chùa. Na ngoan và cố
gắng học giỏi là trả ơn cho ba mẹ rồi. À! Cô nghe Na từng mơ ước làm bác sĩ để
chữa bệnh cho em Ni mà, phải không?
- Là con chỉ mơ ước thôi. Con ước mơ nhiều thứ lắm. Ước mơ
đi tu. Ước mơ học giỏi làm bác sĩ. Ước mơ làm họa sĩ vẽ tranh. Mà cô ơi! Con
nghe ba mẹ nói chuyện. Người ta sẽ cấp đất bồi thường tiền để làm nhà. Vậy là
mai mốt con không còn được ở gần chùa để nghe quý cô tụng kinh nữa. Em Ni không
còn nghe tiếng chuông đòi qua chùa lạy Phật. Bây giờ thì con chỉ ước mơ được ở
gần chùa, gần sư phụ và gần cô Diệu mãi mãi.
Cô Diệu phì cười:
- Ước mơ nhiều nhưng đạt được cũng chỉ giới hạn thôi, cô
bé à. Nếu con có tâm đạo, biết hướng thiện thì ở đâu cũng thành người tốt cả.
Nơi mà ba mẹ con sắp cất nhà cũng không xa chùa lắm. Ngày nghỉ học, Na theo ba
mẹ tới chùa thăm sư phụ thăm quý cô là tốt rồi.
... Mưa tạnh. Cô Diệu ra vườn hái rau. Ngang qua nhà bé
Na, cô dừng lại. Con bé ngồi bên giường đọc truyện Phật cho em nghe. Bé Ni nằm,
đôi mắt thiêm thiếp nhưng môi nó cứ mấp máy như ý nói mình đang lắng nghe. Con
bé mấy hôm nay bị bệnh. Căn bệnh lỵ kéo dài làm nó suy kiệt nhanh chóng. Anh
chị vừa đưa con từ bệnh viện về. Hôm con bé đổ bệnh đã có tiếng xầm xì:
- Những đứa bé như nó thường không sống lâu đâu. Đi sớm
cũng là nhẹ nghiệp cho nó và cả bố mẹ.
Anh nghe nói thì tỏ ý không vui:
- Mặc họ muốn nói sao thì nói. Còn chạy lo thuốc thang
được lúc nào thì con ráng lo cho nó. Nhìn con đau đớn cha mẹ nào chẳng xót xa..
chỉ mong cho nó chóng khỏi lành bệnh.
- Cô Diệu ơi!
Bé Na kêu lên khi nhìn thấy cô:
- Gì thế, bé Na?
Bé Na cầm vội tờ giấy chạy đến đưa cho cô:
- Con đã vẽ được ước mơ của mình rồi nè...
- À! Cô Diệu nhìn vào tờ giấy. Na vẽ hai đứa bé dắt tay
nhau đi học. Phía trên là ông mặt trời đỏ rực. Đường đến trường có nhiều hoa và
cỏ dại. Khung cảnh ban mai tràn đầy sức sống trong tiếng hát vui đùa của trẻ thơ.
Na ngập ngừng... ấp úng:
- Là... con vẽ đó. Hai chị em Na và Ni cùng dắt tay nhau
đi học. Con dẫn em đến trường. Rồi con sẽ vẽ chùa... vẽ Sư phụ và cả cô Diệu
nữa chứ... Chiều chiều hai chị em lại cùng ba mẹ đi chùa...
Ôi! Ước mơ của thiên thần bé nhỏ. Nét vẻ đơn sơ, mơ ước
bình dị nhưng chứa đựng cả ngàn lời yêu thương dành trọn cho đứa em gái bé bỏng
thân yêu của mình.