“Đời người thắm thoát… Bao nhiêu ân
oán thương ghét trong cuộc đời rồi cũng thoáng đi. Tất cả chỉ là chút bèo bọt
mây trôi, như có như không… ”
Út bật cười mỗi lần nghe câu triết lý đậm chất nhà Phật của
má. Lúc này, Út chỉ còn biết ôm chầm lấy vai má vờ vĩnh:
- Hồi xưa má đừng lấy chồng sanh con, hay chỉ sanh toàn
con gái thì đâu phải lo lắng khổ sở quá vậy.
Má cười:
- Con gái con trai gì cũng tùy đứa. Tại hồi đó tại má
nghèo quá, không lo đầy đủ cho các con…
Út giẫy nẩy:
- Má cứ nói vậy không hà. Cha mẹ nghèo là một cái tội sao.
Má đã hy sinh cả đời cho chồng cho con. Đến khi con cái trưởng thành, má có
quyền tận hưởng an nhàn vui vẻ bên con cháu, chứ đâu…
- Thôi con! Tại má thiếu phước, thiếu tu…Má ít học, không
biết cách dạy dỗ các con. Khi chim non đủ lông cánh bay xa rồi, còn nói gì được
nữa.
Út muốn la lên:
- Sao má cứ trách mình mãi thế. Má ăn chay niệm Phật là để
tiêu dao ngày tháng, hay là ôm giữ một đống muộn phiền bi quan yếm thế…Nhưng cô
không thể mở lời. Dây thêm nổi buồn trong lòng má nữa để làm gì. Hằng ngày má
chỉ còn biết nguôi ngoa trong lời kinh tiếng mõ, để thẩm sâu cái triết lý vô
thường chợt có chợt không mà an ủi tuổi già đơn chiếc.
- Út này! Má bất chợt lên tiếng- Con cũng lo lấy chồng đi
để má có cháu ngoại ẩm bồng.
- Ôi! Con lấy chồng thì má lại thui thủi vào ra một mình. Nếu
không thì vướng víu cháu chắt còn thời gian đâu mà đi chùa tụng kinh niệm Phật.
Mà má cũng đã có cháu nội cháu ngoại đầy đủ cả đấy thôi.
Má thở dài dịu giọng:
- Cha mẹ nuôi con khôn lớn, chỉ mong cho con có chỗ có
nơi. Nếu con không thích lấy chồng, thì vào chùa xuất gia, sống đời nhàn nhã
thanh cao nơi cửa Phật. Như vậy mà phúc đức hơn con à!
Út vụt cười lớn. Đây chẳng phải là lần đầu tiên má gợi ý muốn
Út đi tu.
- Con cười gì chứ.- Má nghiêm mặt nói- Con gái con lứa,
sắp bước qua tuổi băm rồi mà còn lông nhông mãi. Chồng con không chịu. Tu hành
cũng không xong... Ngày trước má vừa mười tám tuổi là ông ngoại đã bắt gã
chồng, dù má chẳng muốn. Đâu như tuổi trẻ bây giờ. Tự do yêu đương. Tự do tìm
hiểu.
- Chuyện vợ chồng hay tu hành thì cũng phải đợi đủ duyên mới
bén rể được. Rể không chắc thì nhánh ngọn cũng nhanh chóng bị lung lay hết má
à! Cũng như má, muốn yên tu mà hết lo cho chồng lại buồn vì con. Hằng đêm má
tụng kinh cầu nguyện mà vẫn đâu hết lo nghĩ muộn phiền vì anh Hai…
Má im lặng bỏ đi ra nhà sau. Út vừa nhắc đến anh Hai, vô
tình làm má buồn. Nỗi buồn của người mẹ thương con thấm sâu vời vợi mà chẳng
thể tỏ bày. Người con trai độc nhất, niềm tự hào của má, khi vừa lớn lên lại tỏ
ra mặc cảm hờn trách cho thân phận với những điều không tưởng. Anh đi học xa. Từ
đó tìm cách xa lánh dần mái ấm gia đình, nơi nương náu một thời tuổi thơ yên ả.
Đến khi lập gia đình, anh mới về nhà nhờ má đứng ra dạm hỏi, cho đầy đủ nghi
lễ. Tiệc tùng cưới hỏi đều tổ chức tại thành phố, nơi anh làm việc để vun đắp
tương lai. Má tự biết mình nhà quê nghèo khó, nên chẳng đòi hỏi gì nơi người
con dâu thành thị có học thức lại cao sang. Thấy con hạnh phúc là bà vui. Niềm
vui âm thầm như cỏ dại chỉ biết chờ hạt mưa sa để được lan tỏa chút hương sắc
với đời.
Lấy vợ gần hai năm, anh Hai mới đưa chị dâu về thăm nhà chồng.
Lúc này họ đã có đứa con trai đầu lòng chập chững biết đi. Khi chị dâu mang
thai và sanh con, má muốn lên nuôi chăm sóc, nhưng anh Hai nhất quyết không
cho:
- Má lên làm gì mất công. Không quen công việc, chỉ càng vướng
víu. Cô ấy về bên nhà má ruột sanh con. Khi nào cháu cứng cáp, con sẽ đưa về
thăm nội.”
Thế là dù thương con nhớ cháu, má cũng đành bấm bụng chờ đợi.
Mùng ba tết, thấy vợ chồng con trai bế cháu nội về, má vui mừng như bắt được
vàng. Anh vào nhà đặt gói quà lên bàn thờ ba, đốt vài cây nhang khấn vái. Chị
dâu đứng bên ngoài không ngừng hối thúc:
- Lẹ lên còn về bên ngoại nữa anh. Trời nắng lên rồi.
Niềm vui được gặp cháu con của má chợt như vỡ òa hụt hẫng.
Bà dịu giọng nói với con dâu:
- Cả năm mới có dịp về thăm nhà, sao lại vội đi vậy con.
Để cháu nội ở chơi với má ít ngày đi.
Má nói vậy mà chị dâu vẫn đứng làm thinh, vẻ dửng dưng.
Anh Hai thắp nhang xong, bước xuống nhà dưới đưa cho má ít tiền:
- Má giữ lấy ít tiền tiêu vặt. Chúng con có việc phải đi
ngay.
Má ứa nước mắt:
- Má nhớ cháu. Muốn vợ chồng con ở chơi ít ngày, chứ có
phải thiếu thốn tiền bạc gì mà lấy của bây.
Chị dâu dè môi:
- Má cũng bày đặt chê tiền nữa chứ.
Anh con trai cũng bực mình lớn tiếng:
- Má cứ hay nói dài dòng. Thăm cháu thì thiếu gì dịp. Tụi này
bận lắm. Phải đi ngay.
Má ngồi phịch xuống bộ ván, thẩn thờ:
- Bận bịu đến cả ba ngày tết luôn à!
Út đang ở phòng trong, nghe hết mọi chuyện. Đến lúc này cô
không còn nhịn được, liền đi ra, cầm nắm tiền quăng vào người anh Hai:
- Anh ăn nói với má như vậy mà nghe được à! Uổng công ba
má cho ăn học, để anh cư xử như một kẻ cạn nguồn mất gốc. Mấy người cao sang
quá, cho ngôi nhà này không tầm xứng thì đừng có vác mặt về…làm bộ màu mè …
Anh Hai trợn mắt quay nhìn Út nạt:
- Mày biết gì mà ăn nói hàm hồ. Thứ ranh con…
- Tôi không biết gì nhưng còn biết đạo lý hơn anh. Anh là
người hiểu biết, tại sao lại không biết rằng chính căn nhà này đã từng nuôi nấng
mình đến ngày khôn lớn…
Chị dâu nắm tay anh Hai kéo ra:
- Thôi đi cho rồi anh. Ở đây lâu, không khéo lại dây dưa
lắm vào. Xem cô út nhà mình kìa. Rõ già mồm đanh đá.
Út toan bước tới thì má đã chặn lại, nước mắt đầm đìa:
- Má thật là vô phước. Sanh con ra mà không biết dạy, để anh
em bây sanh sự ẩu đả nhau. Đến nước này thật chẳng còn ra thể thống gì nữa.
Út cũng giận dữ:
- Tại má hiền quá. Nói cho họ biết chứ. Họ ỷ giàu có, bỏ
đồng tiền ra là chẳng còn biết đến bổn phận dâu con là gì. Có vợ như vậy mà
không biết dạy, con người anh Hai, má cũng đừng trông mong nổi gì.
Má chậm nước mắt thở dài:
- Thôi bỏ qua đi con. Một câu nhịn, chín câu lành. Coi như
là má không có con trai.
Chiều Út đi làm về, thấy bé Bi chạy ra đón, mếu máo:
- Mẹ con bỏ đi rồi Út ơi!
- Uả ! con nói gì vậy. Sáng nay Út còn gọi điện nói chuyện
với mẹ mà.
Út đẩy xe vào nhà, nghe anh rể đang ngồi nói chuyện với
má:
- Vợ chồng con có gây gỗ qua lại cũng vì chuyện bé Bi. Cô
ấy cho là con cưng chìu con quá đáng, không biết dạy dỗ, lại không để cho cô ấy
dạy, thằng bé ngày một ỷ lại sanh hư. Con nói rằng dạy con thì cũng phải từ từ
như uốn măng vậy. Bé Bi mới năm tuổi đầu, hể giận lên là cô ấy đánh túi bụi…da
thịt con nít làm sao chịu nổi.
Má lại thở dài. Mỗi lần nghe má thở dài, Út càng nẫu ruột:
- Con Ba tính khí hơi nóng nãy. Má cũng nói với nó hoài.
Làm chồng thì con cũng tìm cách khuyên nhủ bảo ban. Nhưng mà nó bỏ đi đâu chứ.
Út, con gọi điện hỏi xem chị ba ở đâu?
- Chị đã đi thì biết đâu mà kiếm. Rồi chỉ được dăm bữa,
nhớ con quá sẽ quay về thôi. Má biết tánh chỉ mà.
Anh Ba quay qua Út:
- Dì Út cho anh gởi bé Bi lại đây ít ngày. Tối nay anh bận
trực cơ quan. Ngày mai lại phải đi công tác xa. Rồi anh sẽ đi kiếm chị Ba về.
Chiều giờ bé nhớ mẹ khóc mãi.
Út gọi lớn:
- Bé Bi đâu! Lại đây Út biểu. Tại con không ngoan nên mẹ mới
bỏ đi. Bây giờ Bi tính thế nào đây?
Thằng bé đứng cúi mặt, xụi lơ:
- Út đi kiếm mẹ về cho con đi.
Bà Ngoại lên bàn Phật tụng kinh, Bé Bi đi theo. Nghe tiếng
cháu bi bô niệm Phật, Út phì cười. Cô vào phòng bấm điện thoại:
- Chị Ba nè! Thôi lo về với con cho rồi. Bé Bi bữa giờ
ngoan lắm. Mỗi ngày nó ngồi một bên bà ngoại nghe tụng kinh rồi niệm Phật theo,
còn nói là cầu cho mẹ mau về. Chị biết không? Tối qua, em lấy đĩa giảng pháp
của má mở cho Bi coi. Bài giảng nói về lòng mẹ. Bi vừa coi xong thì khóc nức nở
lên rồi nói:- Út kiếm mẹ về cho con đi. Con sẽ xin lỗi mẹ. Con sẽ ngoan…sẽ
không làm mẹ buồn nữa đâu.
Dường như bên kia chị Ba đang khịt mũi, giọng xúc động:
- Ừ! Chị cũng nhớ con lắm. Mà này Út có nghe tin gì không?
Nghe nói anh Hai bị tai nạn. Đang nằm nhà thương. Bây giờ mình tính sao. Có cho
má biết không?
Em cũng mới nghe tin. Khoan cho má biết đã chị. Hổm rày má
hay bị chóng mặt, sợ má buồn lo quá sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chị về đi, rồi
mai chị em mình lên thành phố xem sao.
***
- Út, sao lại cho má biết chuyện anh Hai chi vậy.
- Em chẳng hề hở miệng. Nhưng không hiểu sao má biết hết
trơn. Hôm chị tới đón Bé Bi về, má vào sửa soạn bảo đi thăm anh Hai nằm viện.
Em cũng thật bất ngờ.
- Má thương anh Hai lắm. Hay má tụng kinh nhiều nên có
giao cảm. Con đau thì lòng mẹ tức thời cảm nhận. Như chị và bé Bi …
Út cười:
- Làm gì có chuyện đó. Mà cũng không biết được.
Cửa phòng cấp cứu vụt mở, má bước ra, người lảo đảo. Út và
chị Ba vội chạy tới:- Má ! Má bị chóng mặt à. Má ngồi ngoài này đi, có gì để
tụi con vào được rồi.
Má ngồi xuống ghế giọng thều thào:
- Má vừa cho máu thằng Hai. Nó bị mất máu nhiều quá. Bịnh
viện thiếu máu, nên má phải cho máu gấp để cứu nó.
Hai chị em Út đồng la lên:
- Trời! Sao má lại làm vậy. Má già rồi. Sức khỏe còn bao
lăm. Má không để tụi con cho máu anh Hai…
- Hồi nãy các con chưa tới, mà chuyện cứu người thì cấp
bách. Má có ra sao cũng mặc, miễn là thằng Hai qua khỏi. Cầu nguyện Bồ Tát Quan
Âm cứu độ. Các con cũng nhất tam cầu nguyện Bồ Tát gia hộ cho anh Hai đi.
Ngày qua tháng lại, lại đến ngày giỗ ba. Mọi năm má chỉ
làm đơn sơ vài món chay cúng. Những đứa con luôn luôn bận bịu công việc, có ghé
về nhà cũng dăm phút lại đi ngay. Út thì đi làm suốt ngày, nên má cũng không
bày biện cúng quảy gì nhiều. Năm nay anh Hai dẫn vợ con về trước cả tuần. Út
được nghỉ phép ít ngày, tha hồ chơi đùa với mấy đứa cháu. Nhiều năm rồi mới thấy
má vui vì cảnh con cháu đông đủ tụ về. Không khí gia đình thật đầm ấm thân
tình. Hai đứa cháu nội cứ quấn lấy bà, làm má chẳng thể rảnh tay làm được gì.
Anh Hai lo trang hoàng nhà cửa, lau chùi bàn thờ tổ tiên, rồi ra sân quét dọn, chăm
sóc mấy chậu hoa kiểng. Chị Hai xuống bếp, xắn tay áo nấu ăn cho cả nhà, lại
bày biện làm mấy món bánh trái rất kiểu cách. Nhà có đông người, tự nhiên Út
thấy mình thừa tay thừa chân, đi lui đi tới phụ hợ đôi chút. Trước ngày giỗ anh
chị Ba đưa bé Bi về. Cảnh nhà càng vui nhộn nhịp tiếng cười nói.
Đám giỗ ba vào trung tuần tháng bảy, trời mưa suốt. Vì má ăn
chay tháng này, nên mấy anh em mới bàn nhau làm tiệc chay cúng ba và đãi khách.
Má lắc đầu:- Ba các con ngày trước thích ăn chay, nên cúng chay cho ổng là phải.
Nhưng chỉ làm một mâm cúng ba như mọi năm thôi. Các con đi chợ mua thức ăn mặn
về nấu nướng để đãi đằng cho bạn bè hàng họ…Chay mặn gì miễn có lòng tưởng nhớ
đến ba là được.
Anh Hai lắc đầu:
- Đã cúng chay thì đãi chay luôn thể. Vợ con sẽ đảm nhận
việc nấu nướng. Làng xóm thân hữu có đến dự mà được ăn chay tháng này cũng tốt
vậy.
Chị Hai tiếp lời:
- Phải đó má. Con biết làm nhiều món chay rất ngon. Con sẽ
ra thực đơn, sáng mai con và cô Út sẽ lên chợ huyện mua các thứ cần thiết về
nấu. Cả nhà mình đồng ý cúng chay hết chứ ạ!
Anh Ba lúc này mới gật đầu:
- Tất nhiên rồi. Chị Hai nấu thì khỏi chê. Lâu lâu ăn chay
một ngày vừa lạ miệng lại dễ tiêu hóa, vừa góp phần công đức cầu siêu độ cho
ông bà tổ tiên quá vãng. Phải vậy không má?
Anh cười hề hề rồi quay qua chị Ba lên giọng:
- Em phải học chị Hai nấu chay nghe. Sau này mình cũng phải
tập chay lạt một tháng đôi ngày.
Chị Ba hứ lên một tiếng:
- Ông mà ăn chay. Ăn… nhậu thì có.
Nghe anh chị bàn chuyện cúng chay, Út chỉ cười, bước ra
phòng khách. Bé Bi chạy theo:
- Út mở dĩa nhạc lòng mẹ cho con nghe đi.
- Ừ! Để Út mở.
Út nằm xuống salong, kéo bé Bi ngồi sát bên, vuốt vuốt mái
tóc cháu thầm nghĩ: Thằng bé mới mấy tuổi đầu mà thích nghe băng dĩa giảng
pháp, nhạc đạo. Không biết nó có duyên căn gì không. Má hay nói tuổi nhỏ được
huân tập việc lành thì càng lớn càng dễ sanh trưởng những điều hay đẹp. Nhưng lúc
này ắt má cũng đã hiểu, khi người lớn có đầy đủ điều kiện thiện duyên cũng dễ
dàng chuyển đổi được tâm tánh. Nhớ lại cái ngày anh Hai bị tai nạn má mới vất
vả làm sao. Chị Hai vừa sinh đứa con thứ hai, gia đình lâm vào cảnh họa vô đơn
chí chẳng biết trông nhờ ai. Suốt mấy tháng trời, ngày ngày má túc trục bên con
trai, chiều lại về nhà lo cho con dâu và hai đứa cháu nhỏ. Nhờ truyền máu của
má mà anh Hai qua cơn nguy kịch. Út và chị Ba thay phiên lên xuống cũng chỉ đỡ
đần chút đỉnh. Khi hồi tỉnh, người đầu tiên anh Hai nhìn thấy là má. Và khi biết
chính má đã cho máu để cứu sống mình, anh bật khóc nức nở. Cho tới lúc này, anh
mới cảm nhận được lòng mẹ thiêng liêng cao quý. Anh tự trách mình là đứa con
bất hiếu, lâu nay chỉ biết sống vô tâm ích kỷ. Anh khóc mãi, quay quắt trong
nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Má vẫn ngồi bên con trai dỗ dành an ủi như ngày anh
còn thơ ngây bé bỏng.
Tình thương và sự hy sinh của người mẹ đã chuyển đổi được
tâm tánh của đứa con trai. Người con dâu cũng sớm nhận ra được điều đó. Một lần
Út lên thăm, chị nắm lấy tay cô nghẹn ngào:
- Cô Út! Lâu nay chị sống không phải với má, với Út…Chị
hối hận lắm. Út đừng buồn chị nữa nghe. Út nói với má cho chị xin lỗi…
Út nhỏ nhẹ ngắt lời:
- Chị cứ yên tâm đừng nghĩ ngợi nhiều. Mới sanh con xúc
động quá sẽ không tốt. Người ta nói nước mắt chảy xuôi. Một đời má sống chỉ
biết hy sinh vì con cháu. Má thương anh chị không hết, có đâu lại chấp nhất
những chuyện đã qua.
Má bảo mình thành tâm cầu nguyện Bồ Tát nên được
cảm ứng. Út lại nghĩ má mới chính là một vị Bồ Tát có đầy đủ tâm lượng vị tha.
Bồ Tát hóa thân vào đời mang theo trái tim người mẹ để chuyển hóa dần những đứa
con lỗi lầm nông nổi.