... Bà già điên vừa gặp lại con….
Hồi mới đổi về dạy học nơi vùng
ven biển, tôi có nghe các bạn đồng nghiệp kể chuyện người đàn bà điên sống trên
một ngọn đồi. Mấy cậu học trò thì bảo:
- Tụi em hay lên đồi hái hoa sứ.
Bà già điên ở trong một am thất bỏ hoang, suốt ngày cứ nói lảm nhảm như ma
nhập. Người lớn cấm ngặt chúng em lên đó. Vì nghe nói thời chiến tranh, trên
đồi có nhiều người chết oan. Những vong hồn uổng tử vẫn còn lẩn khuất chưa siêu
độ. Vị sư cư trú trong thảo am cùng chú tiểu- con của bà điên cũng bị bọn Tây
bắn chết rồi quăng xác xuống biển…
Câu chuyện thật thương tâm. Muốn
tìm hiểu thực hư về người mẹ gặp lại con sau chừng ấy năm trời, nên sẵn dịp đến
thăm bịnh một em học sinh, tôi liền tìm lên đồi hoa sứ...
… Thuở ấy có người con gái làng
chài, vừa bước qua tuổi đôi mươi, tâm hồn thơ ngây mộc mạc như cỏ nội hoa đồng.
Không thuộc loại sắc nước hương trời, nhưng cô cũng có chút duyên ngầm xinh xắn
đáng yêu. Những ngày rỗi việc, cô theo chúng bạn lên đồi hái hoa ngắm cảnh nên
biết có vị sư ẩn tu trên này. Từ đó cô thường lui tới thảo am dâng hương cúng Phật.
Và cũng từ đó... bao chuyện đời dung rủi đẩy đưa người con gái vào trong một khúc
quanh bi lụy đoạn trường. Thời Pháp thuộc, dân miền biển vốn nghèo lại càng
khốn khổ vì nạn sưu cao thuế nặng. Bọn quan lại thừa nước đục mạnh tay bóc lột dân
đen đến tận xương tủy. Cha cô gái cũng nằm trong số người bị bắt bớ giam cầm vì
không đủ tiền đóng thuế thân.
Bước đường cùng, cô gái đành
nhận lời lấy một hào phú góa vợ trên phố để cứu cha thoát khỏi vòng lao lý. Về làm
dâu nhà giàu, thân cô hứng chịu muôn vàn nỗi đắng cay tủi cực. Rồi cô có thai
và sanh con. Niềm vui lớn lao của người mẹ trẻ thoáng chốc chẳng tày gang, khi
tai bay vạ gió bất ngờ ập tới. Đứa con riêng của chồng trong lúc vui chơi chè
chén gây sự đả thương một viên quan pháp, phải vào tù. Mẹ chồng buồn phiền lâm
trọng bịnh. Gia đình nhà chồng liên tiếp xảy ra bao chuyện trộm cắp thua lỗ
kiện cáo. Sau khi lo chạy án cho con, thuốc thang cho mẹ, thì gia sản nhà hào
phú cũng gần khánh kiệt. Nghe lời thầy pháp, ông cương quyết đuổi hai mẹ con cô
ra khỏi nhà, cho rằng đứa bé không phải là máu mủ của mình. Và chính cô đã mang
lại điều xúi quẩy đến cho gia đình họ. Không lời biện bạch. Cô ôm con trở lại xóm
chài trong tâm trạng uất nghẹn đau khổ tột cùng…
Về nhà không bao lâu, cô gái do
quẩn trí quá mà sanh bịnh, suốt ngày khóc than vật vả, lúc mê lúc tỉnh. Người
dân biển vốn kiêng kỵ dị đoan, họ cho cô bị tà ma quấy phá, phải đem cho đứa con
thì người mẹ mới mong khỏi bịnh mà xóm làng cũng được bình yên. Chẳng thể làm
gì khác, cha mẹ cô bèn đưa cháu lên đồi gởi cho vị sư. Cảm cảnh thương tâm, sư
nhận lời nuôi nấng đứa trẻ. Những lúc hồi tỉnh, cô cũng tìm lên đồi thăm con.
Thế là người ta bắt đầu đồn thổi cho rằng đứa bé là con của vị sư. Mọi người
không ngớt dè bỉu nặng lời: “Nhà sư phá giới phạm trai, làm khổ đời con gái
người ta, tu gì mà tu…” Họ khinh bỉ xem thường Sư ra mặt. Trước sau Sư vẫn im
lặng nhẫn nhịn. Ngày ngày Sư cuốc đất trồng cây, lượm hoa sứ bán cho những lái
buôn xa. Hai thầy trò đắp đổi qua ngày. Thắm thoát, đứa bé ở với Sư đã được bảy
năm.
Nghe nhiều người nói, bà mẹ gã hào
phú tìm lên đồi, xúc động khi thấy chú đạo nhỏ giống con trai mình như đúc. Bà về
bàn với con, sẽ lên thưa Sư xin nhận lại cháu nội. Bấy giờ mọi người mới vỡ lẽ.
Thì ra lâu nay họ nghi ngờ một nhà tu hành chơn chính. Họ đã nặng lời khinh
miệt biết bao. Vậy mà sư vẫn không một lời phân trần giải thích. Lòng từ bi đức
độ và tâm nguyện nhẫn nhục của nhà sư, khiến mọi người càng thêm khâm phục kính
ngưỡng.
Gia đình nhà hào phú chưa kịp
lên đưa con về thì tình hình an ninh trên đồi đã trở nên bất ổn. Nơi đây gần
cửa biển, là vùng chiến lược quân sự và một cuộc chiến sống chết dành lại chủ
quyền sắp xảy ra. Dân quân cách mạng vừa đến dựng trại ngay dưới chân đồi. Người
ta khuyên nhà sư dời đi nơi khác, nhưng ông còn chần chừ. Thế rồi một đêm, cả
làng chài bừng thức dậy khi nghe tiếng súng nổ dữ dội vọng lại từ đồi hoa sứ.
Mọi người nơm nớp lo âu. Tàu chiến Pháp có chỉ điểm, bất ngờ đánh úp lên đồi.
Dân quân yếu thế phải rút lui.
Vài hôm sau tình hình lắng dịu, dân
làng mới lần mò tìm tới thảo am. Cảnh vật điêu tàn. Thảo am bỏ trống. Xung
quanh đồi có nhiều xác chết, song không tìm thấy vị sư và chú tiểu. Mọi người ra
sức truy tìm suốt mấy ngày liền vẫn chẳng thấy tăm hơi. Người ta lại xôn xao
bàn tán. Người thì nhất quyết nói bọn Tây khép tội nhà sư nuôi chứa quân cách
mạng nên đã bắn ông và chú tiểu quăng xác xuống biển. Người lại chắc chắn thấy hai
thầy trò sư được dân quân bảo vệ đưa ra khỏi vòng nguy hiểm. Có thể ông đã theo
họ vào căn cứ. Dân làng bán tín bán nghi, chẳng rõ thực hư thế nào, họ chỉ còn biết
nguyện cầu và chờ đợi. Thời gian trôi qua, những cây sứ già cỗi vươn cành, ra
hoa trỗ sắc đã bao mùa. Duy có sư là bặt vô âm tín. Nghĩ sư đã mất, mọi người
cùng nhau xây ngôi tháp vọng để tưởng nhớ và lập bài vị thờ cả hai thầy trò trong
thảo am. Hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi. Biết bao cảnh tang thương dâu bể đổi dời.
Chuyện chú tiểu ngày xưa trở về quả là điều không tưởng…
Tôi bước lên đồi. Choáng ngợp
trước một rừng hoa đại xum xuê rộng lớn. Những gốc cây sù sì, gân guốc tua tủa như
đôi tay lực sĩ mạnh mẻ vươn cao. Biển trời bao la. Mây núi điệp trùng. Dù là
nơi thanh khí tu hành, nhưng cảnh trí còn nhuốm đầy màu sắc u linh chết chóc. Từ
ngày hai thầy trò vị sư mất tích, chẳng mấy ai dám lui tới ngọn đồi. Duy chỉ có
người mẹ mất con, một mình lang thang kiếm tìm khắp nẻo. Về già, tâm trí có
phần tỉnh táo hơn và vì không còn sức xuống lên, bà ở hẳn luôn trên này. Dân làng
cất căn chòi nhỏ phía sau thất để bà trú ngụ, lại chu cấp gạo muối nhang đèn để
bà sinh sống hằng ngày lo khấn hương lạy Phật.
... Một bà lão già khọm, vận bộ
đồ vạt màu nâu bạc đang quét gom hoa sứ. Bà dừng tay khi tôi bước tới chào:-
Chú em mày lên thăm thầy phải không? Thầy đang ngồi thiền, đừng làm ồn...
Trong gian tịnh thất nhỏ, duy
nhất một bức tượng Thích Ca ngồi yên vị trên chiếc bệ xi măng ám khói. Nhìn dáng
dấp cùng gương mặt vị sư ngồi thiền, bất giác tôi nhíu mày:-Vị thầy còn rất
trẻ, khoảng ngoài ba mươi. Đâu lý nào… Chưa tin lắm vào trực giác của mình. Song
rõ ràng đây không thể là chú tiểu năm xưa. Như vậy điều thần kỳ mà người ta
nghĩ, họa chăng chỉ nằm trong giấc mơ và tâm tưởng của người mẹ già mà thôi.
“Ngọn đồi Hoa Sứ bây giờ khác
xưa nhiều lắm. Một vị thầy người địa phương cám cảnh phong thủy hữu tình tìm đến
lưu trú tu niệm, sau đó mở Đạo tràng niệm Phật khuyến hóa người dân trong vùng.
Năm nay nhân ngày giỗ nhà Sư, luôn thể thầy khánh thành ngôi chánh điện vừa
được tôn tạo, và lập đàn chẩn tế cầu siêu bạt độ cho những vong hồn chết oan. Thượng
tọa Nhất Thiên có về dự lễ. Chúng em rất mong thầy”
Cậu học trò viết thư kể về vùng
biển quê mình. Những ngày lưu trú nơi ấy, tôi thường lên đồi đàm đạo cùng thầy
Nhất Thiên. Sau này trở nên thân thiết hơn, tôi mới nói lên điều ngờ vực trong
lòng, thầy cười lớn:
- Dĩ nhiên là ai cũng dễ dàng nhận ra, chỉ có bà lão… Mới
đầu tôi định ra vùng này dưỡng bịnh ít tháng. Khi nghe người ta kể câu chuyện
thương tâm nên động lòng và cũng vì tò mò. Khi tôi lên đây thì thấy bà đang quỳ
lạy Phật rất thành tâm nên buột miệng kêu lên:
- Mẹ! Bà lão quay lại, sững người
nhìn tôi giây lát, rồi bất ngờ sụp xuống ôm chầm lấy chân tôi nức nở:- Phải con
về đó không. Mẹ chờ con suốt bao nhiêu năm nay. Mẹ lạy Bồ Tát, xin cho con trở
về… Bồ Tát thật linh ứng. Con ơi!
Thấy bà lão đáng thương quá, tôi
không thể làm gì khác hơn. Có lẽ từ nhiều kiếp xa xưa, tôi và bà đã là mẹ con.
Phật nói chúng sanh luân hồi qua lại cũng từng làm cha mẹ con cái với nhau. Từ
ngày nhận con, bà gần như hồi phục.
Tôi hỏi:- Nhưng... e rằng rồi
đây, bà sẽ biết mình ngộ nhận.
Thầy gật đầu:- Người bình thường
đôi khi còn ngộ nhận... huống là. Có lẽ nghiệp lực của bà lão đang đến hồi xoay
chuyển. Hằng ngày bà chuyên tâm niệm Phật nghe kinh, vui sống với hiện tại là
được rồi. Tôi đến đây chỉ để trợ duyên bà vượt qua mọi khoảnh khắc cuối đời.
Sau
khi bà lão mất, tôi cùng vị thầy cũng rời xa xóm biển. Cuộc sống vẫn bình lặng
như bao giờ. Điều diệu kỳ hy hữu dù không xảy ra, nhưng bao đau khổ chấp mê của
một đời... thoáng chốc tan biến theo sương khói trần gian mộng ảo./.