Trời
đứng bóng. Nắng gay gắt. Trận mưa to hôm trước làm mặt đường lầy lội ngập nước.
Ngồi sau chiếc xe đạp cọc cạch của ba, tôi đưa mắt nhìn cảnh vật hai bên đường
với tâm trạng vừa bâng khuâng vừa hồi hộp. Tâm trạng người sắp được bước sang
một khoảng đời khác.
Xe thắng gấp trước ngỏ vào chùa. Tôi bước xuống lội bộ,
hai tay ôm chặt túi xách nhỏ trước ngực. Ba dắt xe đạp đi trước. Chiếc nón vải
rộng vành che khuất, nhưng tôi vẫn nhìn thấy rõ gương mặt rắn rỏi đầy vẻ ưu tư
của ông. Ba nhìn quanh nói nhỏ:.
- Sư cô đang ở ngoài vườn.
Dựng xe bên góc cây, ba dẫn tôi rẽ vào lối đi giữa hai
luống mì cao quá ngực. Sư cô ngồi nghỉ với mấy chị bên đống lửa un khói. Mọi
người đang nướng khoai mì ăn giải lao giữa bữa. Mấy chị này đều là dân thành
phố. Ai cũng xinh đẹp trong bộ áo nâu sồng của một tín nữ ở chùa. Ba tôi thưa
chuyện với thầy xin gởi tôi ở chùa tập sự tu. Sư cô gật đầu:
- Thôi được rồi. Chú cứ để cháu lại đây.
Dáng ba khuất dần sau đám rẫy. Trời vẫn nắng gắt. Đống lá
un khói cháy bùng làm mắt tôi cay sè. Tôi đang nghĩ về ngôi nhà nhỏ của mình.
Chiều nay các em đi học về sẽ không gặp được chị. Má tôi chắc cũng buồn. Nỗi
buồn thầm lặng của người phụ nữ suốt đời quen chịu đựng cơ cực. Bắt đầu từ hôm
nay, tôi phải tập quen với cuộc sống mới. Tiếng Sư cô gọi làm tôi giật mình:
- Tâm lại đây. Đứng ngay đầu gió hứng khói hả con. Tới ăn
mì nướng với mấy chị nè.
Tôi để gói hành trang xuống, rụt rè đến ngồi phía sau lưng
Sư cô. Người đưa cho tôi một củ khoai mì. Mùi mì nướng thơm phức. Sư cô ôn tồn
hỏi:
- Con ở chùa tập sự tu thì phải lo học kinh học kệ. Có gì
không hiểu thì hỏi mấy chị. Mà con đã học thuộc kinh gì chưa?
Tôi đáp lí nhí:
- Dạ… thưa chưa. Con chưa thuộc kinh gì hết ạ.
- Tối nay Sư cô chỉ cho con học. Ăn mì rồi, con phụ với
mấy chị bỏ đậu xanh…
Mấy chị cư sĩ gọi và xưng với nhau bằng huynh. Thấy tôi
rụt rè quá, huynh Hảo, người lớn tuổi hơn hết nói:
- Tâm có vẻ hiền quá, thưa sư bác. Ở chung với điệu Nhi
chắc là bị ăn hiếp.
Sư cô và cũng là thầy của tôi nhẹ gật đầu:
- Ừ! Hiền mà có tâm tu là tốt.
Huynh Huyền tiếp lời:
- Tại mới… chứ ở lâu quen rồi dễ gì ăn hiếp được há Tâm?
Mấy huynh tu rồi, ai cũng hiền. Không bắt nạt Tâm đâu.
Huynh Hòa phì cười:
- Mô Phật! Hiền cở huynh Huyền thì phải biết. Mà nãy giờ
sao không nghe Tâm nói gì hết vậy. Nói chuyện cho mấy huynh nghe đi Tâm.
Tôi ậm ự vì không biết phải nói gì. Huynh Huyền đưa cho
tôi thêm củ mì:
- Ăn đi bé. Ăn rồi phụ mấy huynh bỏ đậu tới tối mới xong
lận. À! Mà Tâm bao nhiêu tuổi rồi? Còn đi học không? Đi tu cực lắm đó, phải làm
lụng, thức khuya dậy sớm…
Tôi cúi mặt đáp nhỏ:- Dạ em mười bốn, học lớp bảy, nhưng
nghỉ học rồi.
- Chà! Huynh Hảo vội lên tiếng:
- Xem mấy huynh hỏi cung người ta kìa. Để cho Tâm ăn với
chứ mấy huynh. Hỏi chi mà dữ vậy. Tâm ăn đi. Mấy huynh ở đây thích trêu chọc
cho vui vậy đó.
Tôi nhoẻn miệng cười, mắt dõi theo mấy cụm khói bay lơ
lững dưới bóng nắng chiều. Huynh Huyền lại trêu:
- Sư bác xem Tâm cười kìa. Cười gì mà như mếu ấy. Bắt đầu
hôm nay, Tâm phải tập ăn, tập nói và tập cả cười nữa đấy nghe. Cười thật tươi,
thật to… như huynh vậy nè.
Huynh Huyền cười phá lên làm mọi người cùng cười theo.
Buổi lễ nhập môn không quá căng thẳng như tôi nghĩ. Cảm thấy nhẹ lòng, tôi ăn
vội củ mì rồi đứng lên bắt tay vào công việc tập sự đầu tiên ở chùa. Mặt trời
lui dần sau ngọn cây. Một ngày sắp trôi qua.
*
* *
Buổi tối sau thời tụng kinh, thầy dạy cho mấy chị học 214
bộ chữ nho. Chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn quá đường dài. Ngọn đèn măng sông
tỏa sáng. Không gian tĩnh lặng và thật ấm cúng. Tôi ngồi học kinh Di Đà ở cuối
bàn mà thỉnh thoảng lại chồm lên nhìn xem mấy chị viết chữ Hán. Tôi chưa biết
loại chữ này, nhưng thấy hay hay ngộ ngộ. Thấy tôi vò vẻ tập viết, sư phụ nói:
- Ráng học hai thời công phu thuộc rồi thầy dạy học chữ
nho.
Huynh Hảo nhìn lên nói nhanh:
- Tâm thông minh nên học mau thuộc lắm, thưa sư bác. Còn
chữ nho nhìn qua là biết mặt chữ. Viết cũng đẹp.
Huynh Huyền xen vào:
- Lại biết làm thơ nữa chứ…
Sư phụ nhìn tôi trầm giọng:
- Con muốn làm thi sĩ hả Tâm?
Tôi cúi mặt, lo lắng:
- Dạ… thưa không. Con…
Sư phụ gật gù nhỏ nhẹ:
- Muốn làm gì thì trước hết cũng phải lo học thuộc kinh
kệ, có phẩm hạnh mới được xuất gia. Xuất gia rồi lại càng tinh tấn, giữ vững
tâm cầu đạo thuở ban sơ. Các vị thiền sư thuở xưa khi chứng ngộ rồi, có vị vui
cảnh thiên nhiên mà xuất khẩu làm thơ. Thơ thiền của các vị là cảnh sắc muôn
màu ngự trị nơi thế giới tâm linh tĩnh lặng. Tâm đối cảnh không còn vướng mắc
thì mỗi vần thơ là một nguồn pháp lạc vô biên.
Tôi ngẩn người nghe sư phụ giảng về thơ dù chẳng hiểu gì
là thơ thiền thơ tịnh. Tôi chỉ làm thơ con cóc chứ có biết gì là thơ đâu. Sư
phụ đã dạy vậy, tôi thôi không còn thơ thẩn vẩn vơ nữa. Hằng ngày tôi giữ việc
nấu cơm, kiếm củi trong vườn. Rãnh thì học kinh công phu tụng niệm. Mỗi lần
thấy tôi cầm cuốc ra vườn định phụ làm thì mấy chị thường la rầy:
- Tâm vô lo nấu ăn, làm việc trong chùa đi. Việc làm vườn
cuốc đất để cho mấy huynh…
… Sáng sớm tôi ra vườn hái rau. Rảo qua góc chuồng bò, trông
thấy sư phụ, tôi liền bước tới. Nhà chùa có nuôi một o bò cái để lấy phân bón
cây. Thầy đặt tên là Vàng, vì màu lông của nó vàng ánh, tuyệt đẹp. Con Vàng này
là của người Phật tử cho lúc thầy mới lên đây canh tác. Con Vàng đang đứng bên
ngoài chuồng, miệng nhóm nhép nhai nhúm cỏ tươi. Tôi đến gần và phát hiện một
chú Nghé, liền buộc miệng:
- Ôi! Nghé con. Ở đâu ra vậy…
Thầy cười:- Mẹ nó mới cho ra đời hồi hôm. Con Vàng chuyển
dạ lúc nửa đêm. Lúc trời mưa to, thầy và mấy huynh phải vất vả lắm mới giúp nó sanh
nở được mẹ tròn con vuông.
Hồi đêm nghe tiếng lục đục tôi có tỉnh giấc. Trời mưa to
quá và gió đánh phần phật như muốn lật tung cả mái tranh. Nghe tiếng thì thầm
nói chuyện của mấy chị, nghĩ mọi người đang bận che chắn nước mưa nên tôi không
trở dậy. Tiếc thật. Tôi đã bỏ mất cơ hội được tận mắt nhìn Sư phụ đỡ đẻ cho con
bò. Thầy rất thương con Vàng và việc nó mang thai là một quá trình kết hợp đầy
lý thú. Chuyện này tôi chỉ nghe mấy chị kể lại.
Tôi nhìn kỹ thấy con Vàng chẳng có vẻ gì mệt mỏi sau lần
vượt cạn khó khăn. Nghé đứng cạnh mẹ, lăn xăn vờ vĩnh đòi bú sữa. Hai mẹ trông
thật hạnh phúc. Thầy đưa tay vuốt lên bộ lưng vàng mượt của con Vàng. Con vật
cũng cạ nhẹ chiếc đầu dính đầy rơm vào bàn tay thầy.
- Vàng đang cám ơn thầy đã giúp nó được mẹ tròn con vuông.
Con vật biểu lộ tình cảm và sự biết ơn theo cách của nó.
Thầy lại thì thầm bên tai Vàng:
- Hôm nay con đã làm mẹ rồi nhé. Ăn nhiều cỏ tươi để có
sữa cho nghé con bú. Ở chùa thì phải biết nghe kinh kệ, thầy và mấy cô sẽ tụng
kinh chú nguyện cho hai mẹ con. Biết nghe kinh, khi thoát kiếp thú được sanh
trở lại làm người có chánh tín…
Con Vàng cúi đầu. Dường như nó hiểu hết những lời thầy
nói. Thầy bảo loài vật dù hữu tình hay vô tình đều có Phật tánh. Con vật do
Phật tánh lu mờ nên phải sanh ra làm kiếp thú. Con Vàng biết gieo duyên lành
với Phật pháp, đời sau nó sẽ gặp quả tốt. Một thành viên mới vừa chào đời làm
không khí ở chùa rộn ràng vui nhộn hơn. Thầy và mấy chị bận bịu suốt ngày bên
hai mẹ con. Với tôi đây là một sự kiện mới mẻ. Sau nhiều tháng ở chùa, tôi thấy
mình như được lớn khôn thêm.
*
* *
Sư cô tôi có một ngôi chùa nhỏ ở thành phố. Sư chú- Thầy
của mấy huynh đang coi sóc trên đó. Trước đây thầy có mở Ký nhi Viện tại chùa,
vì người rất yêu thích trẻ con. Thấy vùng đất mới này chưa có trường mẫu giáo,
thầy bèn nhận nuôi trẻ cho những gia đình trong xóm. Thầy dạy chúng học, dạy
hát, và bày các trò chơi. Tôi cũng có phụ thầy vài việc linh tinh. Được một
thời gian thì thầy bị bệnh phải về chùa phố điều trị. Mấy chị cũng về hết trên
ấy. Ngôi chùa quê chỉ còn lại vài cô Phật tử và tôi. Và thế là tôi nghiễm nhiên
trở thành cô giáo dạy trẻ bất đắc dĩ.
Tôi dạy đám học trò nhỏ của mình học hết 24 chữ cái, rồi
dạy ráp vần, tập viết, đọc chữ. Tôi đinh ninh là chỉ trong một thời gian ngắn,
các bé sẽ biết đọc biết viết làu thông. Ít hôm sau khi mở tập một bé, tôi phát
hiện mấy dòng chữ của phụ huynh:
“Thưa cô giáo! Các
cháu còn trong tuổi mầm non. Cô giáo dạy nhiều quá e tạo áp lực căng thẳng, các
cháu khó mà tiếp thu được, sẽ có hại cho trí não. Xin cô giáo dạy theo phương
pháp sư phạm để đầu óc non nớt các cháu được thoải mái vừa chơi vừa học”
Ôi! Một người mới trình độ lớp bảy như tôi thì làm gì biết
đến phương pháp sư phạm. Tôi chỉ dạy thế cho sư phụ một thời gian thôi mà, có
gì phải nghiêm trọng dữ vậy. Không dạy nữa thì thôi. Tôi để cho bọn trẻ mặc sức
chơi đùa quậy phá trong khuôn viên chùa. Tôi vừa ngồi nhìn chúng nô đùa vừa học
kinh. Thỉnh thoảng nhìn ra cổng chờ đợi. Tôi đợi sư phụ về. Tôi cầu mong mình
sớm được xuất gia. Mà sao sư phụ đi lâu quá. Tôi ở chùa đã hơn năm, học xong
hai thời công phu, học thuộc cả 214 bộ chữ Hán. Sư phụ có đưa cho tôi quyển Tam
Thiên Tự. Và tôi cũng đang nghiền ngẫm tự học. Những buổi tối ngồi học một mình,
tôi nhớ mãi lớp học có thầy và mấy huynh. Khung cảnh yên bình ấm cúng ấy chắc
chẳng bao giờ còn trở lại. Mấy huynh về thành phố xuất gia và chẳng ai còn
thích ra đây nữa. Nghe nói Sư phụ tôi cũng bận dạy lớp mây tre lá gì đó. Người
sẽ không còn trở lại nơi này.
Lớp dạy trẻ tồn tại đâu được vài tháng thì chấm dứt. Trong
thôn xã người ta đã cho xây trường Mẫu giáo rồi. Tôi trở lại công việc nấu ăn,
kiếm củi và cũng thôi không còn mong đợi gì nữa. Đôi khi tôi nghĩ, nếu mình
không đủ duyên xuất gia vì nghiệp chướng quá nặng, thì cũng đành làm một tín nữ
ở chùa. Tôi đã quen với cảnh chùa quê yên tịnh vắng người. Nếu xuất gia về chùa
phố tôi sợ mình khó lòng thích hợp. Còn nếu xuất gia rồi mà vẫn ở đây, không có
thầy chỉ dạy thì con đường tu của tôi sẽ như thế nào.
*
* *
- Sư phụ về, Tâm ơi…
Nghe tiếng mấy cô reo lên ngoài sân, tôi vội chạy ra. Sư
phụ về. Người dựng xe giữa sân rồi đi quanh xem vườn. Như vậy là thầy không ở
lại. Người chở lương thực lên cho chùa. Một lúc sư phụ vào nhà bếp thấy tôi lui
cui dọn ăn liền nói:
- À! Tâm! Ăn cơm xong con lấy xe đạp về nhà thưa với ba má
là rằm này lên chùa dự lễ xuất gia của con.
Tôi ấp úng như không tin vào những gì mình vừa nghe:
- Con được xuất gia … Ở đây thưa thầy…?
- Chiều nay thầy chở con về chùa trên phố. Rằm làm lễ xuất
gia cùng với mấy huynh nữa. Con lo sửa soạn hành lý đi.
Tôi mừng quá. Tay chân cứ
quýnh lên. Cuối cùng điều tôi mong ước đã đến. Tôi đã trông đợi biết bao cho
ngày lễ trọng đại này. Mấy tháng trước, huynh Hòa có lên. Huynh lên để lấy vài
món đồ gì đó rồi về ngay và không quên thông báo cho tôi một tin:- Sư bác nhắn
rằm này bác lên làm lễ xuất gia cho Tâm đó. Ráng học kinh giỏi nghe.
Ngày rằm, tôi dậy thật sớm quét dọn trong ngoài sạch sẽ. Lòng
hân hoan trong tâm trạng chờ đợi. Buổi chiều trôi qua. Rồi tối đến, vẫn không
thấy Sư phụ. Ai cũng bảo thầy không lên đâu. Song tôi vẫn hy vọng, chờ đợi. Sau
thời tụng kinh tối, tôi bắt ghế ra ngồi giữa sân ngắm trăng mà tâm trí dõi theo
mọi tiếng động từ xa. Thầy thường lên về bằng Honda đam. Hôm nay có trăng, biết
đâu người bất ngờ hứng thú chạy xe lên. Trăng rằm lung linh sáng tỏ. Cảnh vật
dường như đang muốn sẻ chia với người đa mang tâm trạng đợi chờ.
Ngày lễ xuất gia quả là trịnh trọng. Phật tử chùa cùng
người thân của ba huynh đệ đến dự thật đông. Ba và đứa em gái nhỏ của tôi đã có
mặt ở chùa từ sớm. Sư chú sắp bày lễ xuất gia đầy đủ nghi thức như thời chư Tổ
sư tầm đạo. Chúng tôi được trao cho một cây tre dài, một đầu buộc đôi dép, đầu
kia là gói hành trang nhỏ. Ba huynh đệ đi chân đất quãy gánh quanh cây bồ đề ba
vòng, hàng Phật từ nối tiếp theo. Sau đó mọi người cùng trở vào quỳ trước chánh
điện làm lễ. Thời tụng kinh chú nguyện vừa xong, thầy dùng kéo cắt mái tóc dài
của tôi đưa cho ba, rồi mới cạo hết chỗ tóc còn lại. Tôi đã mười sáu tuổi,
nhưng thầy vẫn cho để chỏm. Thầy bảo:- Còn nhúm tóc là còn phiền não. Con phải
nỗ lực chuyên tu cho dứt phiền não thì thầy mới cạo hết.
Tôi được xuất gia. Cảm giác hân hoan kéo dài trong nhiều
ngày liền. Sáng ngủ dậy thấy mình bỗng chốc thành một người khác. Rờ lên mái
đầu trống trơn là lạ, lòng xao xuyến như vừa đánh mất đi một cái gì đó rất đổi
thân quen. Một mái tóc dài. Một chút hình hài xưa cũ. Tôi đã rủ bỏ tất cả để
bước sang một trang đời mới. Chỏm tóc nhỏ xíu vắt qua tai thật ngồ ngộ, tôi soi
gương và mỉm cười một mình. Huynh Hảo đi ngang qua, thấy tôi cười thì đứng lại
nói:- Tâm xuất gia rồi trông khác hẳn. Mặt mày sáng sủa lên. Không còn vẻ trầm
ngâm tư lự như trước.
Huynh Huyền phụ họa:
- Lại hay cười nữa. Cười tươi như hoa ấy.
Sư phụ từ trong phòng bước ra. Tôi cúi đầu khép nép, sợ bị
người quở trách.
- Đó là nụ cười sơ
tâm, nụ cười hoan hỷ của một hành giả vừa bước chân vào cửa đạo. Con phải giữ
nụ cười trong sáng ấy trong suốt cuộc đời…
Sư phụ ngưng nói, đi lại phía hộc bàn lục tìm giấy tờ gì
đó. Tôi chần chừ, muốn thưa thầy cho mình trở về chùa rẫy mà không dám. Một lúc
sư phụ bước tới đưa cho tôi tờ giấy:
- Đây là giấy nhập học. Con ghi lý lịch vào đầy đủ. Ngày
mai điệu Nhi đem lên trường nộp để xin nhập học.
Thấy tôi còn ngơ ngác, thầy nghiêm giọng:
- Thầy cho con học tiếp phổ thông. Vài năm nữa có đàn
giới, thì cùng với mấy huynh thọ giới Sa di. Học hết phổ thông thầy sẽ gởi vào
Ni trường học đạo. Muốn học đạo pháp cũng cần trao dồi thêm kiến thức thế học.
Tôi là cô Diệu mới xuất gia. Và ngày mai tôi lại được đi
học. Tôi mân mê chỏm tóc, thấy mình như bước ra từ trong một câu chuyện cổ tích
nào đó.
Thì tôi vừa được sanh ra trong ngôi nhà chánh pháp mà. Tâm
niệm ban đầu. Nụ cười sơ tâm. Hành trang đạo tình thuở đầu đời rồi đây sẽ chắp
cánh cho tôi vươn xa trên mọi nẻo về tâm thức.