I. PHẨM
SONG YẾU[1]
(YAMAKAVAGA)
1. Trong các pháp[2],
tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ
sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo[3].
2. Trong các pháp, tâm dẫn đầu,
tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo
nghiệp kéo đến như bóng theo hình.
3. “Nó lăng mạ tôi, đánh đập
tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi”, ai còn ôm ấp tâm niệm ấy, thì sự oán hận
không thể dứt.
4. “Nó lăng mạ tôi, đánh đập
tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi”, ai bỏ được tâm niệm ấy, thì sự oán hận tự
dứt.
5. Ở thế gian này, chẳng phải
hận thù trừ được hận thù, chỉ có từ bi trừ được hận thù. Đó là định luật ngàn
thu[4].
6. Người kia[5] không
hiểu rằng: “Chúng ta sắp bị hủy diệt”[6] (mới phí sức tranh luận hơn
thua). Nếu họ hiểu rõ điều đó thì chẳng còn tranh luận nữa.
7. Người chỉ muốn sống khoái lạc[7],
không nhiếp hộ các căn, ăn uống vô độ, biếng nhác chẳng tinh cần, người ấy thật
dễ bị Ma[8] nhiếp phục, như cành mềm trước cơn gió lốc.
8. Người nguyện ở trong cảnh
chẳng khoái lạc[9], khéo nhiếp hộ các căn, ăn uống tiết độ, vững tin
và siêng năng, Ma không dễ gì thắng họ, như gió thổi núi đá.
9. Mặc áo Cà-sa mà không rời bỏ
cấu uế[10], không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.
10. Rời bỏ các cấu uế, khéo giữ
gìn giới luật, khắc kỷ và chân thành, người như thế đáng mặc áo Cà-sa.
11. Phi chơn[11]
tưởng là chơn thật, chơn thật[12] lại thấy là phi chơn, cứ tư duy
một cách tà vạy, người như thế không thể đạt đến chân thật.
12. Chơn thật nghĩ là chơn thật,
phi chơn biết là phi chơn, cứ tư duy một cách đúng đắn, người như thế mau đạt
đến chân thật.
13. Nhà lợp không kín ắt bị mưa
dột; cũng vậy, người tâm không khéo tu ắt bị tham dục lọt vào.
14. Nhà khéo lợp kín ắt không bị
mưa dột; cũng vậy, người tâm khéo tu ắt không bị tham dục lọt vào.
15. Đời này chỗ này buồn, chết
rồi chỗ khác buồn, kẻ làm điều ác nghiệp, cả hai nơi đều lo buồn, vì thấy ác
nghiệp mình gây ra, kẻ kia sinh buồn than khổ não.
16. Đời này chỗ này vui, chết
rồi chỗ khác vui, kẻ làm điều thiện nghiệp, cả hai nơi đều vui, vì thấy thiện
nghiệp mình đã làm, kẻ kia sinh ra an vui, cực vui.
17. Đời này chỗ này khổ, chết
rồi chỗ khác khổ, kẻ gây điều ác nghiệp, cả hai nơi đều khổ, buồn rằng: “ta đã
tạo ác” phải đọa vào ác thú khổ hơn[13].
18. Đời này chỗ này hoan hỷ,
chết rồi chỗ khác hoan hỷ, kẻ tu hành phước nghiệp, cả hai nơi đều hoan hỷ,
mừng rằng: “ta đã tạo phước” được sinh vào cõi lành hoan hỷ hơn.
19. Dù tụng nhiều kinh mà buông
lung không thực hành thì chẳng hưởng được phần ích lợi của Sa-môn, khác nào kẻ
chăn bò thuê, lo đếm bò cho người[14].
20.
Tuy tụng ít kinh mà thường y giáo hành trì, hiểu biết chân chánh, từ bỏ tham
sân si, tâm hiền lành, thanh tịnh, giải thoát, xa bỏ thế dục, thì dù ở cõi này
hay cõi khác, người kia vẫn hưởng phần lợi ích lợi của Sa-môn.