XXVI. PHẨM
BÀ-LA-MÔN[205]
(BRAHMANAVAGGA)
366. Dũng cảm đoạn trừ lòng ái
dục, các ngươi bỏ dục mới là Bà-la-môn. Nếu thấy rõ các uẩn[206]
diệt tận, các ngươi liền thấy được Vô tác (Niết-bàn).
367. Nếu thường trú trong hai
pháp[207], hàng Bà-la-môn đạt đến bờ kia; dù có bao nhiêu ràng buộc
cũng đều bị dứt sạch do trí tuệ của người kia.
368. Không bờ kia cũng không bờ
này[208], cả hai bờ đều không, xa lìa khổ não[209], không
bị trói buộc; đó gọi là Bà-la-môn.
369. Ai nhập vào Thiền định, an
trú ly trần cấu, việc cần làm đã làm xong, phiền não lậu dứt sạch, chứng cảnh
giới tối cao; đó là Bà-la-môn.
370. Mặt trời chiếu sáng ban
ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm, khí giới chiếu sáng dòng vua chúa, Thiền
định chiếu sáng kẻ tu hành, nhưng hào quang đức Phật chiếu sáng cả ngày đêm.
371. Người dứt bỏ ác nghiệp gọi
là Bà-la-môn; người hành vi thanh tịnh gọi là Sa-môn; người tự trừ bỏ cấu uế,
gọi là người xuất gia.
372. Chớ đánh đập Bà-la-môn!
Bà-la-môn chớ sân hận! Người đánh đập mang điều đáng hổ, người sân hận lại càng
đáng hổ hơn.
373. Bà-la-môn, đây không phải
là điều ích nhỏ. Nếu biết vui mừng chế phục tâm mình, tùy lúc đoạn trừ tâm độc
hại thì thống khổ được ngăn chặn liền.
374. Không dùng thân, ngữ, ý tạo
tác nghiệp ác, chế ngự được ba chỗ đó, đó gọi là Bà-la-môn.
375. Bất luận nơi đâu được nghe
đấng Chánh đẳng Chánh giác thuyết pháp, hãy đem hết lòng cung kính như
Bà-la-môn[210] kính thờ lửa.
376. Chẳng phải vì bện tóc,
chẳng phải vì chủng tộc, cũng chẳng phải tại nơi sanh mà gọi là Bà-la-môn;
nhưng ai hiểu biết chân thật[211], thông đạt Chánh pháp, đó là kẻ
Bà-la-môn hạnh phúc[212].
377. Người ngu bện tóc và mặc áo
da[213] đâu có ích chi? Trong lòng còn chứa đầy tham dục, thì dung
nghi bên ngoài chỉ là trang điểm suông.
378. Ai mặc áo phấn tảo[214],
gầy ốm lộ gân xương, ở rừng sâu tu định; đó gọi là Bà-la-môn.
379. Gọi là Bà-la-môn, không
phải từ bụng mẹ đẻ ra. Nếu cứ chấp chặt các phiền não thì chỉ được gọi là
“Bồ”suông[215]. Người nào lìa hết chấp trước, đó gọi là Bà-la-môn.
380. Ai đoạn hết kiết sử, người
đó thật không còn sợ hãi. Không bị đắm trước, xa lìa ràng buộc; đó gọi là
Bà-la-môn.
381. Như ngựa bỏ đai da, bỏ
cương, bỏ dây và đồ sở thuộc, người giác trí bỏ tất cả chướng ngại, đó gọi là
Bà-la-môn[216].
382. Nhẫn nhục khi bị đánh mắng
không sinh lòng sân hận, người có đội quân nhẫn nhục hùng cường, đó gọi là
Bà-la-môn.
383. Người đầy đủ đức hạnh:
không nóng giận, trì giới không dục nhiễm, chế ngự và đạt được thân cuối cùng,
người như thế, Ta gọi là Bà-la-môn.
384. Như nước giọt lá sen, như
hột cải đặt đầu mũi kim, người không đắm nhiễm ái dục cũng như thế, Ta gọi họ
là Bà-la-môn.
385. Nếu ngay tại thế gian này,
ai tự giác ngộ và diệt trừ đau khổ, trút bỏ gánh nặng mà giải thoát, Ta gọi họ
là Bà-la-môn. Người có trí tuệ sâu xa, biết rõ thế nào là đạo, phi đạo và chứng
đến cảnh giới vô thượng, đó gọi là Bà-la-môn.
386. Chẳng lẫn lộn với tục luân,
chẳng tạp xen với Tăng lữ, xuất gia lìa ái dục, đó gọi là Bà-la-môn.
387. Bỏ hết đao trượng, không tự
mình giết, không bảo người khác giết đối với tất cả hữu tình mạnh yếu; người
như thế Ta gọi là Bà-la-môn.
388. Ở giữa đám người cừu địch
mà gây tình hữu nghị, ở giữa đám người hung hăng cầm gậy mà giữ khí ôn hòa, ở
giữa đám người chấp đắm mà không chấp đắm, người như thế Ta gọi là Bà-la-môn.
389. Từ lòng tham dục, sân nhuế,
kiêu mạn, cho đến lòng hư ngụy, đều thoát bỏ như hột cải không dính đầu mũi
kim, người như thế Ta gọi là Bà-la-môn.
390. Chỉ nói lời chân thật hữu
ích, không nói lời thô ác, không xúc phạm đến người, đó gọi là Bà-la-môn.
391. Đối với vật gì xấu hay tốt,
dài hay ngắn, thô hay tế, mà người ta không cho thì không lấy, đó gọi là
Bà-la-môn.
392. Đối với đời này cũng như
đời khác, không móng lòng dục vọng, vô dục nên giải thoát, đó gọi là Bà-la-môn.
393. Người không còn tham dục,
liễu ngộ không nghi hoặc, chứng đến bậc Vô sanh, đó gọi là Bà-la-môn.
394. Nếu ở thế gian này, không
chấp trước thiện và ác, thanh tịnh không ưu lo, đó gọi là Bà-la-môn.
395. Cái ái dục làm tái sanh đã
được đoạn tận, như trăng trong không bợn, đứng lặng mà sáng ngời, đó gọi là
Bà-la-môn.
396. Vượt khỏi đường gồ ghề, lầy
lội[217], ra khỏi biển luân hồi ngu si mà lên đến bờ kia, an trú
trong Thiền định, không nghi hoặc, không chấp đắm, chứng Niết-bàn tịch tịnh,
người như thế Ta gọi là Bà-la-môn.
397. Xả bỏ dục lạc ngay tại đời
này mà xuất gia làm Sa-môn không nhà, không cho dục lạc phát sinh lại, người
như thế Ta gọi là Bà-la-môn.
398. Xả bỏ ái dục ngay tại đời
này mà xuất gia làm Sa-môn không nhà, không cho ái dục phát sinh lại, người như
thế Ta gọi là Bà-la-môn.
399. Lìa khỏi trói buộc của nhân
gian, vượt khỏi trói buộc của thiên thượng, hết thảy trói buộc đều lìa sạch, đó
gọi là Bà-la-môn.
400. Xả bỏ điều ưa ghét, thanh
lương không phiền não, dũng mãnh hơn thế gian[218], đó gọi là
Bà-la-môn.
401. Nếu biết tất cả loài hữu
tình tử thế nào, sinh thế nào, không chấp trước, khéo vượt qua, đó gọi là
Bà-la-môn.
402. Dù chư Thiên, Càn-thát-bà
hay nhân loại, không ai biết được nơi chốn của vị A-la-hán đã dứt sạch phiền
não; vị ấy Ta gọi là Bà-la-môn.
403. Quá khứ vị lai hay hiện
tại, người kia chẳng có một vật chi, người không chấp thủ một vật chi ấy, gọi
là Bà-la-môn.
404. Hạng người dũng mãnh, tôn
quí như trâu chúa[219], hạng người thắng lợi[220], vô dục
như đại tiên, hạng người tẩy sạch[221], không nhiễm và giác tỉnh,
hạng người như thế, Ta gọi là Bà-la-môn.
405.
Vị Mâu-ni (thanh tịnh) hay biết đời trước, thấy cả cõi trời và cõi khổ (ác
thú), đã trừ diệt tái sinh, thiện nghiệp hoàn toàn, thành bậc Vô thượng trí;
bậc viên mãn thành tựu mọi điều như thế, Ta gọi là Bà-la-môn.