XVI. PHẨM
HỶ ÁI
(PIYAVAGGA)
199. Chuyên tâm làm những việc
không đáng làm, nhác tu những điều cần tu, bỏ việc lành mà chạy theo dục lạc,
người như thế dù có hâm mộ kẻ khác đã cố gắng thành công, cũng chỉ là hâm mộ
suông[129].
200. Chớ kết giao với người đáng
ưa, chớ kết giao với người không đáng ưa. Không gặp được người thương yêu là
khổ, gặp người cừu oán cũng khổ.
201. Thế nên chớ đắm yêu, vì đắm
yêu bị biệt ly là khổ. Nếu không còn những niệm yêu ghét thì không điều gì ràng
buộc được.
202. Từ hỷ ái sinh lo, từ hỷ ái
sinh sợ; xa lìa hết hỷ ái, chẳng còn lo sợ gì.
203. Từ tham ái sinh lo, từ tham
ái sinh sợ; xa lìa hết tham ái, chẳng còn lo sợ gì.
204. Từ tham dục sinh lo, từ
tham dục sinh sợ; xa lìa hết tham dục, chẳng còn lo sợ gì.
205. Từ lạc dục sinh lo, từ lạc
dục sinh sợ; xa lìa hết lạc dục, chẳng còn lo sợ gì.
206. Từ ái dục sinh lo, từ ái
dục sinh sợ; xa lìa hết ái dục, chẳng còn lo sợ gì[130].
207. Đầy đủ giới hạnh và chánh
kiến, an trú Chánh pháp[131], rõ lý chơn thường[132],
viên mãn các công hạnh[133], ấy mới là người đáng ái mộ.
208. Khát cầu pháp ly ngôn, sung
mãn tâm cứu xét, không đắm mê dục lạc, ấy là bậc thượng lưu[134].
209.
Người khách ly hương lâu ngày, từ phương xa trở về an ổn, được bà con thân hữu
đón mừng như thế nào, thì người tạo phước nghiệp cũng vậy, khi từ cõi đời này
sang cõi đời khác, phước nghiệp của họ là kẻ thân hữu đón mừng họ.