11. Sống thật với lòng mình
Một trong những nguyên nhân khá tế nhị nhưng quan trọng khiến
người ta hay bực mình vì những chuyện vặt chính là vì họ đã không sống
thật với lòng mình. Thay vì vậy, nhiều người chạy theo những thói quen
ngoài ý muốn, hoặc vì thấy những người khác đang làm điều đó, hoặc vì
điều đó có vẻ như nên làm. Lấy ví dụ như, mọi người thường chọn những
nghề nghiệp mà cha mẹ họ muốn, hay vì một địa vị được thừa nhận nào đó,
hoặc vì một sự đánh giá bề ngoài. Một số bậc cha mẹ thường đẩy con cái
họ vào một số hoạt động, hay muốn con cái may mặc những loại áo quần
nào đó, chỉ đơn giản là vì những người khác đang làm như thế. Lại cũng
có những người phải vất vả để mua cho bằng được một căn nhà, thay vì
thuê một căn hộ, hoặc là sống xa xỉ vượt quá mức lương bẩn chật của
mình, chỉ là vì cố theo cho kịp người khác.
Sống thật với lòng mình có nghĩa là bạn chọn một đời sống, một phong
cách sống phù hợp với chính mình và gia đình mình. Điều đó có nghĩa là
bạn đưa ra những quyết định quan trọng bởi vì chúng xuất phát từ tự
tâm, từ sự cân nhắc của chính mình, không cần thiết phải xuất phát từ
những gì của người khác. Sống thật lòng có nghĩa là bạn tin tưởng vào
chính bản năng của mình hơn là những áp lực từ sự quảng cáo, hoặc là
theo như suy nghĩ của mọi người trong xã hội, hàng xóm, bạn bè.
Tuy nhiên, sống thật với lòng mình không có nghĩa là bạn trở thành một
tên nổi loạn, phá vỡ truyền thống gia đình, hay trở nên lập dị với
người khác. Ý nghĩa của nó tinh tế hơn thế nhiều. Sống thật với lòng
mình là biết tin cậy vào tiếng nói tự đáy lòng mình mà chỉ có thể lắng
nghe được mỗi khi bạn biết lắng lòng yên tịnh. Chính tiếng nói này đã
xuất phát từ sự khôn ngoan và cảm nhận chung, thay vì là từ những huyên
náo căng thẳng và thói quen hàng ngày. Khi bạn biết tin vào cảm nhận
của mình hơn là vào thói quen, những tia sáng mới sẽ soi rọi vào tâm
trí bạn. Những tia sáng nội tâm này có thể rất đa dạng, từ ý định dời
nhà đến một thành phố khác, cho đến việc nhận ra sự cần thiết phải từ
bỏ một thói quen có hại, hay phương thức làm sao để giao tiếp một cách
tốt hơn với người mà bạn yêu thương. Bạn cũng có thể sẽ thấy được việc
nên chọn ai để chơi cùng, hoặc cách thức như thế nào để giải quyết
những rắc rối. Tất cả đều bắt đầu từ việc biết lắng nghe tiếng nói tự
lòng mình.
Không sống thật với lòng sẽ tạo ra rất nhiều mâu thuẫn nội tâm, và điều
này tiếp đó sẽ tạo điều kiện cho bạn dễ dàng trở nên người cáu gắt, dễ
chán nản và hay phản ứng quá khích. Tận đáy lòng mình, bạn thừa biết
những gì là chân thật đối với bạn, đời sống như thế nào bạn thích, và
bạn muốn trở thành loại người như thế nào. Tuy nhiên, nếu những hành
động của bạn không phù hợp với trí khôn ngoan nội tâm đó, bạn sẽ cảm
thấy chán nản và căng thẳng. Khi bạn biết sống thật với lòng mình,
những cảm giác này sẽ dần dần tan biến đi, bạn sẽ trở nên điềm đạm hơn,
vui tươi hơn, và ít căng thẳng hơn. Bạn sẽ thật sự sống cuộc đời của
chính mình, thay vì là sống cho người khác.
Phương thức để sống thật hơn với lòng mình là tự nguyện sống như thế.
Tự hỏi mình những câu như thế này: «Tôi thật sự muốn sống cuộc sống của
tôi như thế nào?» «Tôi đang làm theo cách của tôi, hay tôi đang thực
hiện mọi thứ đơn giản chỉ là vì thói quen lâu nay, hay bởi vì tôi đang
sống phụ thuộc vào những điều mong đợi của người khác?» Rồi hãy lắng
lòng xuống và lắng nghe. Thay vì cố tìm ra câu trả lời, hãy xem bạn có
thể để cho câu trả lời tự nó đến với bạn thật bất ngờ hay không.
Nếu bạn muốn trở nên một người hiền hòa hơn, và được nhiều hạnh
phúc hơn, thì đây chính là một điểm khởi đầu rất tốt. Sống thật với
lòng mình là một trong những nền tảng của sự an ổn nội tâm và phát
triển nhân cách. Điều này giúp bạn trở nên tử tế hơn và kiên nhẫn hơn
nhiều. Hãy thử một lần xem. Rồi bạn sẽ ngạc nhiên, thậm chí sung sướng
nữa, với những gì mà bạn hiểu được ra.